Tư nhân hóa ngành viễn thông Nhật - kinh nghiệm cho Việt Nam

Thảo luận trong 'Nơi Trao Đổi Chung' bắt đầu bởi quanvu72, 26 Tháng năm 2009.

  1. quanvu72 Thành viên

    [​IMG]
    Ảnh: thegadgetblog.com
    NTT được tư nhân hoá nhưng nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối

    Tự do hóa thị trường viễn thông, chủ yếu là di động, nhắn tin, viễn thông quốc tế đã mang đến lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời Nhà nước vẫn giữ đa phần sở hữu doanh nghiệp viễn thông lớn nhất NTT, giá cả dịch vụ điện thoại cố định nội địa được sắp đặt theo mục đích chính trị...

    Năm 1954, Bộ Thông tín của Nhật được chia thành Bộ Viễn thông và Bộ Bưu chính. Sau đó, Bộ Viễn thông trở thành Công ty điện thoại và điện tín Nhật (NTT), một công ty quốc doanh độc quyền về ngành viễn thông nội địa Nhật. Chính phủ Nhật cũng thiết lập thêm một công ty quốc doanh khác là Kokusai Densin Denwa (KDD), độc quyền về viễn thông quốc tế. Bộ Bưu chính sau đó trở thành Bộ Bưu chính và Viễn thông, với chức năng giám sát hoạt động của NTT và KDD.
    Cơ chế hoạt động của ngành viễn thông như thế có xu hướng nghiêng về phía lợi ích của chính phủ chứ không phải là đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, vì nó không bao gồm chủ sở hữu tư nhân. Điều này trở nên hiển nhiên vào thập kỷ 60 và 70 khi mà nền kinh tế Nhật phát triển mạnh với tốc độ gần 2 con số, ngành viễn thông Nhật đã không đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông tăng vọt của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp, vì sự xâm nhập mới của các công ty viễn thông vẫn không được phép.

    Mãi đến thập kỷ 80 mới diễn ra những cải cách lớn trong ngành viễn thông nhân dịp Nhật tiến hành cải cách hành chính

    Một số quan chức trong ngành đã nhận thức được hạn chế này và đã đưa ra một số giải pháp khắc phục, như “cơ cấu lại” NTT (không đề cập rõ là tư nhân hóa). Tuy nhiên, họ không thắng được liên minh giữa giới chính trị có quyền lợi liên quan với những nhà cung cấp cho NTT và nghiệp đoàn, và do đó những đề xuất của họ nhanh chóng rơi vào quên lãng. Mãi đến thập kỷ 80 mới diễn ra những cải cách lớn trong ngành viễn thông nhân dịp Nhật tiến hành cải cách hành chính.
    Tự do hoá mạnh nhưng Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo
    Cải cách diễn ra bắt đầu từ việc ban hành 2 luật mới năm 1984, Luật kinh doanh viễn thông (TBL, nhằm tự do hóa thị trường viễn thông) và Luật NTT (cơ cấu lại tổ chức của NTT). TBL cho phép các hãng viễn thông – có riêng hạ tầng viễn thông hay cung cấp dịch vụ viễn thông bằng cách thuê hạ tầng từ hãng khác – xâm nhập thị trường viễn thông.
    Lĩnh vực sản xuất và bán thiết bị đầu cuối (như máy điện thoại) cũng được tự do hóa. Số doanh nghiệp viễn thông đã tăng chóng mặt, từ 2 (NTT và KDD) năm 1985 lên gần 8.000 vào năm 2000. Trong khi các hãng mới tập trung vào thị trường ĐTDĐ, nhắn tin, và viễn thông quốc tế, NTT vẫn thôn tính thị trường điện thoại nội địa và cho thuê đường truyền. Nói cách khác, chính phủ tự do hóa ngành viễn thông nhưng cho phép NTT độc quyền trong phân khúc thị trường béo bở nhất.

    Kết quả của tự do hóa là mức cước phí dịch vụ viễn thông đã giảm mạnh và sự cải thiện mạnh mẽ chất lượng dịch vụ

    TBL còn tự do hóa các loại dịch vụ (thêm các dịch vụ như ISDN, frame-relay, cell-relay, truy cập Internet v.v...) và chức năng viễn thông (tăng từ 18 lên 35 loại chức năng, bao gồm số gọi miễn phí...), cũng như tự do hóa biểu cước (chẳng hạn mức cước tính theo thời điểm sử dụng).
    Kết quả của tự do hóa là mức cước phí dịch vụ viễn thông đã giảm mạnh và sự cải thiện mạnh mẽ chất lượng dịch vụ. Ví dụ trong ngành ĐTDĐ, tiền đặt cọc đã bị bãi bỏ vào năm 1990; phí đăng ký thuê bao giảm từ 75.000 yên năm 1985 xuống 0 năm 1997; phí cơ bản hàng tháng giảm từ 18.000 yên năm 1985 xuống còn 4.500 yên năm 1997; cước gọi giảm từ 280 yên/3 phút xuống còn 80 yên/3 phút trong cùng thời kỳ. Tình hình cũng tương tự ở thị trường các loại dịch vụ viễn thông khác (trừ dịch vụ điện thoại cố định nội địa, với tốc độ giảm giá cước chậm hơn, do vẫn bị chi bởi NTT).
    NTT chịu chia nhỏ để thâm nhập thị trường mới
    Luật NTT có hiệu lực vào năm 1985. Theo đó, chính phủ Nhật nắm toàn bộ cổ phần của NTT mới (trị giá danh nghĩa hơn 6 tỷ USD), và giữ vĩnh viễn tối thiểu 1/3 cổ phần của nó. Luật này cũng chuyển quyền quy định điều kiện cạnh tranh từ Quốc hội sang Bộ Bưu chính Viễn thông (với quyền hạn đặt biểu cước, phê chuẩn ngân sách và đầu tư của NTT) và Bộ Tài chính (với quyền hạn phát hành và bán cổ phiếu của NTT).
    Luật này để ngỏ câu trả lời cho việc chia nhỏ NTT sau các thời hạn 5 năm. Đến năm 1990 (hết thời hạn 5 năm lần thứ nhất), các bên có liên quan đã chia rẽ, theo đúng dự đoán, về việc có nên chia nhỏ NTT không. Ý kiến của Bộ Tài chính, nặng ký nhất, phản đối việc chia nhỏ NTT vì sợ rằng nó sẽ làm giảm giá cổ phiếu của NTT, 2/3 trong số đó vẫn thuộc về chính phủ. Đến năm 1995, Bộ Tài chính đứng ngoài cuộc, Bộ Bưu chính Viễn thông ủng hộ chia nhỏ trong khi NTT và công đoàn NTT phản đối, buộc Thủ tướng Hashimoto phải trì hoãn quyết định quyết định thêm một năm nữa. Cuối cùng, một thỏa thuận cũng ra đời, theo đó NTT được phép thâm nhập thị trường điện thoại quốc tế, đổi lại, nó bị chia thành 3 công ty con, một cho dịch vụ điện thoại quốc tế và đường dài, một cho điện thoại vùng, và một cho ĐTDĐ.

    Tuy nhiên, tư nhân hóa NTT không dẫn đến sự cải thiện đáng kể nào trong việc quản lý chi phí và giá dịch vụ. Nguyên nhân là NTT đã không thiết lập được một hệ thống hạch toán chi phí cho bản thân mình, hoạt động theo một cơ chế làm giá đặc thù, theo đó giá cước phí điện thoại của Nhật được quyết định bởi kết quả thương lượng mang tính chính trị giữa NTT và Bộ Bưu chính Viễn thông.

    Đến năm 1999, NTT được cơ cấu lại, chuyển sang mô hình tập đoàn, với 4 đơn vị chính, một đơn vị với 2 công ty điện thoại vùng – NTT East Japan và NTT West Japan, kiểm soát hơn 90% mạng địa phương; NTT Docomo, nắm 60% thị trường di động; NTT Communications, cung cấp dịch vụ quốc tế và đường dài; NTT Data, kinh doanh lĩnh vực tích hợp hệ thống. Chính phủ vẫn giám sát Tập đoàn NTT bằng luật TBL và nắm giữ trên 50% cổ phần của nó, trong khi sở hữu nước ngoài chiếm 14% (và giới hạn dưới mức 20% tổng cổ phần). Mục đích việc giới hạn này là để xây dựng NTT thành một tập đoàn hùng mạnh cạnh tranh với đối thủ từ Mỹ và châu Âu.
    Theo một nghiên cứu định lượng (“Privatization of Nippon Telegraph and Telephone: Was it a good policy decision?”, tác giả T. Sueyoshi, đăng trên tạp chí European Journal of Operational Research, số 107, năm 1998) kết quả của việc tư nhân hóa NTT là sự cải thiện rõ rệt về năng suất, chủ yếu do là tinh giảm biên chế một cách tất yếu. Tuy nhiên, tư nhân hóa NTT không dẫn đến sự cải thiện đáng kể nào trong việc quản lý chi phí và giá dịch vụ. Nguyên nhân là NTT đã không thiết lập được một hệ thống hạch toán chi phí cho bản thân mình, hoạt động theo một cơ chế làm giá đặc thù, theo đó giá cước phí điện thoại của Nhật được quyết định bởi kết quả thương lượng mang tính chính trị giữa NTT và Bộ Bưu chính Viễn thông.
    Kinh nghiệm NTT, bài học cho Việt Nam
    Liên hệ với Việt Nam, kinh nghiệm của Nhật cho thấy mọi sự tự do hóa thị trường viễn thông đều làm lợi cho mọi chủ thể kinh tế (kể cả các công ty độc quyền, trên khía cạnh tăng quyền tự chủ) và cho nền kinh tế nói chung, làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh tăng cường hội nhập.

    Tuy nhiên, tư nhân hóa cần phải dẫn đến việc thiết lập chế độ hạch toán chi phí riêng biệt cho bản thân công ty độc quyền (là VNPT trong trường hợp này) để làm chi phí và giá cả dịch vụ của nó phản ánh đúng cung - cầu thị trường.

    Tuy nhiên, tư nhân hóa cần phải dẫn đến việc thiết lập chế độ hạch toán chi phí riêng biệt cho bản thân công ty độc quyền (là VNPT trong trường hợp này) để làm chi phí và giá cả dịch vụ của nó phản ánh đúng cung - cầu thị trường. Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần phải nhận thức rằng sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp không còn là doanh nghiệp nhà nước nữa và phải giảm bớt can thiệp/ảnh hưởng chính trị, để nó tự hoạt động theo tín hiệu thị trường. Nếu vẫn can thiệp vào các quyết định kinh doanh của nó, không để nó tiến hành các điều chỉnh cơ cấu lớn như thay đổi ban lãnh đạo, đào tạo lại đội ngũ quản lý... thì nó sẽ không bao giờ trở thành một doanh nghiệp tư nhân có tính cạnh tranh cao như mục đích tư nhân hóa. Hậu quả là người tiêu dùng phải trả tiền đắt hơn cho dịch vụ của nó, và quan trọng hơn, là giá trị thị trường của nó sẽ giảm vì hoạt động không hiệu quả (thậm chí thua lỗ), dẫn đến kết cục cuối cùng là phải bị xé nhỏ để tồn tại.
    Ngay 8/3/2007
    TS. Phan Minh Ngọc
    Khoa Kinh tế, Đại học Kyushu, Nhật Bản
    Theo ICT news
    LUTHELINH thích bài này.