Tương tác đa chiều – chìa khóa của nền công nghiệp giải trí

Thảo luận trong 'Tin Công Nghệ' bắt đầu bởi Bright, 29 Tháng một 2009.

  1. Tương tác đa chiều – chìa khóa của nền công nghiệp giải trí

    Trong một thế giới phẳng như hiện nay, có thể nói rằng tương tác đa chiều là xu thế tất yếu. Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa & giải trí cũng không nằm ngoài xu thế này. Tất cả đều có chung một mục đích: mang lại cho khách hàng – những người trả tiền – cảm giác tiện lợi nhất, thoải mái nhất, thật nhất. Ranh giới giữa thế giới thật và thế giới ảo, giữa người và máy móc dường như ngày càng mờ nhạt dần…

    Càng thật càng tốt

    Trong các lĩnh vực giải trí công nghệ cao hiện nay thì có lẽ video game đang có mức độ tương tác cao nhất. Ngay trong lĩnh vực game gia đình thôi, các trò chơi mô phỏng (lái xe, thể thao, khiểu vũ…) đã luôn khiến người chơi có cảm giác họ đang tham gia các hoạt động đó ngoài đời thực, chứ không phải với máy. Các thiết bị chơi game cũng ngày một hiện đại hơn, thuận tiện, dễ sử dụng hơn (như chiếc gamepad của máy Nintendo Wii) hay tích hợp nhiều chức năng hơn (như chiếc PS3, vừa là máy chơi game và là đầu phát Blu-ray hoàn hảo, lại có cả cổng Internet để chơi online).

    [​IMG]

    Lĩnh vực nghe nhìn cũng không chịu kém cạnh. Ngày nay, thay vì ra rạp xem phim, chúng ta có thể mang cả rạp hát về nhà. Lúc trước, bộ dàn xem phim là mơ ước với nhiều người thì giờ đây, nó đã trở thành qúa đơn giản. 5.1 với chuẩn DTS đã được coi là lạc hậu, thay vào đó là dàn loa 9.1 với chuẩn THX, tái tạo lại bầu không khí y hệt ngoài rạp chiếu phim. Màn hình TV cũng từ CRT chuyển lên LCD, plasma, ngày càng lớn hơn, mỏng hơn, và chuẩn HDMI mang lại chất lượng hình ảnh hoàn hảo. Mục đích không có gì khác ngoài việc mang lại cho khán giả cảm giác họ đang ở trong câu chuyện, đang tương tác với nhân vật và bối cảnh phim, chứ không còn là “người quan sát” như lúc trước nữa. Trong vài năm tới, sẽ ngày càng nhiều rạp chiếu phim 3-D, IMAX ra đời. Trong những không gian như vậy, ranh giới giữa phim và đời thường gần như bị xóa đi hoàn toàn.

    [​IMG]

    Sự phát triển của công nghệ cũng cho phép người ta sản xuất ra những cặp loa nghe nhạc, những chiếc ampli, đầu CD có độ trung thực, tính chi tiết cao mà lại không hề ảnh hưởng đến nhạc tính. Nhiều audiophile vẫn tôn sùng các định dạng analog như chuẩn mực của âm thanh, nhưng đâu có đề ý rằng nhiều đầu đọc CD, SACD hiện nay đã cho ra thứ âm nhạc thậm chí còn analog hơn cả đĩa than, băng cối.. mà lại ăn đứt về không gian sân khấu, độ động… Tất cả cũng chung một mục đích, tái tạo lại những âm thanh như thật, để mỗi người nghe khi nhắm mắt lại có thể tưởng tượng trước mặt mình là ca sĩ, là nhạc công đang chơi một bản nhạc thật sống động, chứ không phải là loa, là ampli, là đầu đọc… Hay nói cách khác đi, một bộ dàn hay chính là chiếc cầu nối, đưa tâm hồn người nghe tương tác trực tiếp với các nghệ sĩ biểu diễn, cũng như dàn home theater hay có thể giúp người xem có những trải nghiệm y hệt nhân vật trong phim.

    Nhu cầu “tất cả trong một”


    [​IMG]

    Những công nghệ di động mới thực sự là mảnh đất màu mỡ để các nhà sản xuất khai thác các yếu tố giúp gia tăng tính tương tác giữa thiết bị và người sử dụng. Ví dụ điển hình là ĐTDĐ. Chỉ vài năm nữa thôi, những chiếc ĐTDĐ kiểu truyền thống chắc sẽ phải nhường sân chơi lại cho các dòng máy thiên biến vạn hóa, từ kiểu dáng tới tính năng, công dụng. Còn trong năm 2008 vừa qua, chúng ta đã có thể chứng kiến sự lên ngôi của dòng điện thoại “vuốt và chạm” – được đánh giá là có tính tương tác rất cao. Hệ thống phím bấm cồng kềnh được thay thế bằng màn hình cảm ứng đơn giản, việc “vuốt và chạm” mang lại nhiều thuận tiện hơn cho người sử dụng, đặc biệt trong việc tìm các chức năng. Và màn hình lớn hơn cũng giúp các nhà sản xuất dễ dàng giới thiệu các giao diện thân thiện, đẹp mắt. Tính năng của điện thoại sẽ ngày một nhiều lên – nó sẽ trở thành một cỗ máy đa năng hoàn hảo (chứ không chỉ ưu tiên cho một vài chức năng cơ bản như hiện nay), tích hợp máy ảnh KTS “nhiều chấm”, lướt Web tốc độ cao, có GPS… Hoặc tùy theo từng nhóm nhu cầu mà có các loại ĐTDĐ chuyên biệt: loại chuyên nghe nhạc có hỗ trợ các loại tai nghe, loại xem phim có màn hình Full HD, loại chuyên nhắn tin có bàn phím QWRETY…

    Vừa qua, Nokia đã giới thiệu khái niệm thiết kế (concept) điện thoại có tên là Morph với công nghệ nano, có khả năng thay đổi hình dạng và màu sắc theo ý muốn của người sử dụng. Morph bao gồm một chiếc điện thoại đeo cổ tay và màn hình trong suốt dạng thẻ. Màn hình cảm ứng sẽ trở thành xu thế tất yếu của ĐTDĐ trong tương lai, bên cạnh đó là khả năng gửi và nhận dữ liệu với dung lượng lớn, tương thích với các chuẩn wimax, wifi cũng như các chuẩn DVD-H hoặc MediaFLO cho TV. Apple cũng đã tung ra chiếc iPhone 3G và sắp tới đây, theo nhiều nguồn tin sẽ là sự ra mắt của chiếc iPhone Nano. Có thể nói trong một tương lai gần, chỉ với chiếc ĐTDĐ, người sử dụng có thể tương tác với cả thế giới.

    [​IMG]

    Cùng với ĐTDĐ là các thiết bị giải trí cá nhân, mà tiêu biểu là chiếc máy nghe nhạc. Từ Walkman chạy băng cassetle tới discman, MD, giờ đây là hệ phát file nhạc kỹ thuật số nhỏ gọn, thiết bị này ngày càng biết cách tương tác với nhu cầu của người nghe. iPod đã tạo nên một cơn sốt, một trào lưu trên toàn cầu và giờ đây nó vẫn liên tục cải tiến để tiếp tục phát triển và cạnh tranh với các đối thủ hùng mạnh khác.

    Chiếc iPod hiện đại nhất không chỉ nghe được nhạc với đủ các loại định dạng khác nhau, nó còn xem phim với dung lượng lưu trữ khổng lồ, và sắp tới cũng có cả GPS. Cũng chính iPod buộc các nhà sản xuất thiết bị âm thanh phải tương tác với nó nếu không muốn tụt lại phía sau. Trong năm 2008 này rất nhiều loại ampli cao cấp đã được tung ra thị trường có cổng giao tiếp với iPod, thậm chí nhiều loại ampli đèn xưa nay vốn gắn liền với các định dạng âm thanh analog cũng được sản xuất với chân đế kết nối iPod.

    Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc file kỹ thuật số cho ra thứ âm thanh mộc mạc và nguyên sơ như analog chỉ là chuyện trong nay mai. Cũng không thể bỏ qua dòng máy chơi game bỏ túi mà tiêu biểu là chiếc PSP của Sony. Từ ngày ra đời nó đã là một hiện tượng, nay lại càng “hot” với nhiều cải tiến: mỏng hơn, nhẹ hơn, ổ cứng lớn hơn và tích hợp nhiều công nghệ hơn như bluetooth, wifi, đồng thời khả năng chơi nhạc và kết nối với thiết bị ngoại vi cũng “ngon lành” hơn hẳn. Lúc trước, máy chơi game và máy MP3 chỉ là những thiết bị cục bộ thì giờ đây khả năng tương tác của chúng đã cao hơn hẳn. Bởi nếu không tiện lợi, dù hay, dù hấp dẫn cách mấy thì cũng khó mà đáp ứng được nhu cầu về các thiết bị “tất cả trong một” của khách hàng.


    [​IMG]

    Đến máy ảnh số cũng vậy. Chụp đẹp chưa đủ, nhiều chấm chưa đủ phải có nhiều tính năng, dễ sử dụng, giao diện thân thiện mới mong bán chạy. Mới đây chiếc máy ảnh DSLR D90 của Nikon ra mắt với khả năng quay video (trước giờ chỉ có ở dòng máy compact) đã được hoan nghênh nhiệt liệt, vậy mà không lâu sau đó là Canon đã tung ra chiếc EOS 5D Mark II có thể quay video Full HD. Người có lợi nhất dĩ nhiên là khách hàng.

    Có thể thấy rõ, tương tác – xu thế tất yếu của xã hội hiện đại – chính là yếu tố quyết định hướng phát triển của ngành công nghệ - giải trí. Và dĩ nhiên, phải thân thiện với môi trường. Tương tác sạch và xanh – đó chính là tương lai bền vững.


    Theo Tư vấn Tiêu dùng