Trong một thập kỷ qua, số lượng các công ty Microsoft mua lại gấp 10 lần so với Apple, khoản đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ của Microsoft cũng gấp 9 lần Apple. Tuy nhiên sau 10 năm giá trị cổ phiếu của Microsoft vẫn trì trệ, trong khi cổ phiếu của Apple đã tăng chóng mặt đến mức giúp Apple trở thành công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ. Sameer Bhatia trong bài viết trên Dow Jones Investment Banker cho rằng Apple thành công hơn Microsoft bởi họ đã biết tập trung vào tính thân thiện ở các sản phẩm. Trong khi Microsoft bận rộn với các phiên bản của Windows thì Apple đã tự tìm ra một thị trường công nghệ mới để thống trị bằng cách tạo ra các sản phẩm iPod, iPhone, iPad. Nếu dựa trên mức độ hào phóng (sẵn sàng chi tiền) thì có lẽ Microsoft phải vượt trội hơn so với Apple. Bởi trong thập kỷ qua Microsoft đã chi tiền thu mua 104 công ty khác, trong khi Apple chỉ mua có 11. Về đầu tư cho nghiên cứu phát triển Microsoft bỏ ra 71 tỷ đô la Mỹ trong 10 năm trong khi Apple chỉ chi có 8 tỷ đô la Mỹ. Những con số này Dow Jones có được từ số liệu của Capital IQ. Tuy nhiên theo Bhatia, thu mua nhiều công ty con cùng với rót một núi tiền vào nghiên cứu phát triển không đồng nghĩa với việc đổi mới cải tiến công ty. Bhatia cũng bổ sung thêm rằng, việc các công ty tập trung vào những thứ người dùng cần và người dùng mong muốn còn quan trọng hơn việc đổ tiền ra để đầu tư, mua bán, sát nhập. Bí mật của Apple không phải là đầu tư với một khoản tiền không lồ để theo kịp các đối thủ, mà là làm thế nào để cho khách hàng thỏa mãn và hài lòng. Chính điều này đã khiến cổ phiếu Apple tăng gấp 10 lần trong vòng 10 năm qua ngay cả khi sàn Nasdaq mất tới 56% giá trị. Ngày 26/5/2010 đã trở thành một ngày lịch sử khi Apple vượt qua Microsft để trở thành công ty công nghệ có giá trị lớn nhất. Giá trị của Apple trên sàn đạt 223 tỷ đô la Mỹ vượt qua giá trị của Microsoft (219,3 tỷ). Một số công ty công nghệ khác có giá trị cao nằm trong Top Global 500 của tạp chí Financial Times là IBM với giá trị thị trường 167 tỷ đô la Mỹ, AT&T 153 tỷ, Cisco 149 tỷ và Google 139 tỷ. Bhatia cũng nhấn mạnh, trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất không hoàn toàn tốt với Apple. Bởi điều này đồng nghĩa với việc rủi ro cũng sẽ nhiều hơn cho Apple. Công ty cũng giống như một con người, khi đã đạt tới đỉnh cao thành công thì thường ngạo mạn, và tiếp theo sẽ là xuống dốc và thất bại. Nhưng nếu Apple duy trì tốc độ phát triển như hiện này thì rất khó để Microsoft có thể bắt kịp. Microsoft là công ty đã thống trị lâu trên thị trường công nghệ với thành công của Windows và Office. Họ đã đưa nội dung vào những chiếc máy tính và đã rất thành công ở mảng máy để bàn. Nhưng Apple lại đem đến cho người dùng những sản phẩm trực quan tiện dụng như máy Mac, iPod, iPhone. Và ngày càng có nhiều người dùng sử các sản phẩm này để làm việc. Trong khi hầu hết các công ty cố gắng tập trung bổ sung những khiếm khuyết thì Apple lại có vẻ tự hào về các tính năng còn thiếu của họ. Apple không muốn đưa vào tính năng đa nhiệm bởi họ không muốn hi sinh tuổi thọ pin. Họ từ chối Adobe Flash bởi họ muốn thiết bị được bảo mật hơn. Và có vẻ như sự “đóng kín” này của Apple đã đúng phần nào. Bởi cho đến nay người dùng vẫn đang được tận hưởng những sản phẩm tuyệt vời của Apple với đầy đủ các ứng dụng được phát triển cho một nền tảng riêng. Có thể nói Apple đã thành công không phải bằng việc phát minh ra công nghệ hoàn toàn mới mà bằng cách sử dụng công nghệ có sẵn và đóng gói chúng theo cách có ích nhất cho người dùng. Apple thành công là do biết sử dụng công nghệ để đem lại những trải nghiệm mới cho người dùng. Ví dụ như chỉ sau khi iPod ra đời người dùng mới biết có thể tải và nghe nhạc dễ dàng đến thế, hay đến khi sử dụng iPhone thì người ta mới thấy được lướt web trên điện thoại tuyệt đến mức nào. Mặc dù các công nghệ web trên điện thoại di động không phải do Apple tạo ra, cũng phải phải đến lúc iPhone ra đời mới có. Thành công của Apple là một bài học cho các CEO của các công ty công nghệ về việc đầu tư. Không nên chỉ tập trung đầu tư và chạy theo công nghệ mới, mà nhiều khi phải biết người dùng đang cần cái gì, và nên đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu đó.