Vì sao HTC “lao dốc” trên thị trường smartphone?

Thảo luận trong 'Tin Công Nghệ' bắt đầu bởi infinitely, 26 Tháng sáu 2013.

  1. infinitely News Team

    [​IMG]

    Sau những sản phẩm vụng về và hai năm liên tiếp cổ phiếu giảm giá, Tổng Giám đốc HTC, Peter Chou biết rằng câu hỏi không thể tránh khỏi sắp đến. “Tôi biết các ông muốn hỏi, liệu tôi có bỏ cuộc không”, ông Chou nói trong một buổi phỏng vấn tại thủ phủ HTC tại Đài Bắc, Đài Loan. “Có nhiều tin đồn cho rằng tôi sẽ bỏ cuộc song tôi chưa bao giờ nói thế. Tôi sẽ không đi tìm công việc khác”.

    Ông Chou, 56 tuổi, mới chỉ lâm vào thế phòng thủ gần đây. Cổ phiếu HTC đã mất 4/5 giá trị kể từ năm 2011, khi công ty chỉ thua Apple về doanh số smartphone tại Mỹ.

    HTC không còn là “ông lớn” smartphone

    Hiện tại, sai lầm tiếp thị, trì hoãn giao hàng sản phẩm chủ lực và làn sóng đối thủ mới đã đẩy HTC ra khỏi “top 5” hãng smartphone hàng đầu nước Mỹ. Trong khi đó, một loạt lãnh đạo cấp cao “lũ lượt” ra đi càng làm tăng thêm mối lo ngại về tương lai của công ty. Phỏng vấn lãnh đạo và cựu lãnh đạo HTC cho thấy những thách thức của một công ty đang cố gắng chuyển từ người tiên phong trong phân khúc smartphone trở thành người chơi vững vàng trong thị trường “đông dân” như ngày nay.

    Theo hãng nghiên cứu Gartner, thị phần smartphone toàn cầu của HTC trong quý I năm 2013 đạt 2,5%, giảm từ 9,3% của cùng kì năm 2011. “HTC phạm phải sai lầm trong việc định giá sản phẩm và cho ra đời nhiều mẫu mã, gây bối rối cho người tiêu dùng”, Jeng-Hen Cheng, Giám đốc cấp cao tại hãng tài chính Yuanta (Đài Loan) nhận định. “Tuy nhiên, họ cũng có vài thay đổi tích cực trong những tháng gần đây, ví dụ việc tinh giản hóa dòng sản phẩm”.

    Trung tâm của tất cả những điều này là ông Chou, người đứng đầu HTC, một nhân vật đang phải đối diện với sự “săm soi” trong bối cảnh công ty suy thoái.

    Nhân viên thường so sánh Chou với cố đồng sáng lập Apple, Steve Jobs khi cho rằng ông cũng có tầm nhìn về một sản phẩm tốt và giám sát những thiết kế của công ty. Tuy nhiên, họ cũng gọi ông là ông chủ khó tính, thường yêu cầu làm việc tới 11 tiếng mỗi ngày.

    “Chúng tôi thường đùa rằng một sản phẩm chưa hoàn thiện nếu nó chưa được yên vị trong hộp”, một kĩ sư lâu năm tại HTC nói.

    David Yoffie, thành viên trong ban quản trị HTC và cũng là cựu Giáo sư của ông Chou tại Đại học Kinh doanh Havard cho biết khả năng thay thế Tổng Giám đốc chưa bao giờ được đưa ra trong buổi họp công ty.

    “Ban Giám đốc đặt nhiều tin tưởng vào Peter, giá cổ phiếu không phải là yếu tố quyết định tới tương lai đi hay ở của Tổng Giám đốc”.
    Ông Chou thừa nhận công ty phạm vài sai lầm song HTC đã phá vỡ thế sụt giảm sau khi khắc phục vấn đề cung ứng cho smartphone HTC One và tạo ra thế lãnh đạo mới. Doanh thu tháng 5/2013 của HTC là mức cao nhất trong 11 tháng gần đây. “Chúng tôi đã mất một thời gian khá lâu để thực sự nhận ra cần có gì để dựng nên một thương hiệu”, người đứng đầu HTC chia sẻ.
    Năm nay, HTC tăng gấp đôi ngân sách tiếp thị song từ chối cung cấp con số cụ thể. Với lãnh đạo quảng cáo mới, HTC thực hiện chiến thuật mạnh mẽ hơn, bao gồm cả việc bình luận trực tiếp về đối thủ như Samsung.

    HTC cũng thận trọng hơn khi đề phòng những lỗi kĩ thuật trong sản phẩm cao cấp nhất hiện nay, One, sau khi sản phẩm chính năm 2012 bị phàn nàn về những vấn đề như quá nóng hay màn hình có điểm “chết”.
    Tuy nhiên, duy trì sức cạnh tranh đang là thử thách không nhỏ khi thị trường smartphone ngày càng “đông dân” hơn với sự xuất hiện của các đối thủ từ Trung Quốc.
    Vì đâu HTC gặp rắc rối?

    HTC được biết đến như một công ty phát triển nhanh chóng, giới thiệu smartphone đầu tiên dùng nền tảng của Microsoft năm 2002 và năm 2008 là smartphone đầu tiên dùng hệ điều hành Google Android. Khởi đầu chỉ sản xuất cho các thương hiệu khác, HTC dần bán sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình năm 2006.

    Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, con thú hoang lại đánh mất sự hiệu quả và tập trung. Ông Chou thừa nhận điều đó trong email nội bộ năm 2012: “Sự phát triển nhanh chóng từ 2 năm trước đã làm chúng ta chậm lại. Chúng ta họp hành và thảo luận suốt ngày song lại không đưa ra quyết định, đường hướng chiến lược hay cảm thấy gấp gáp”.

    Cùng lúc này, bộ phận tiếp thị của HTC gặp khó khi phải kết nối với khách hàng. Đối thủ Samsung khôn ngoan hơn khi đặt mình ở thế đối đầu với Apple, sử dụng câu quảng cáo: “Điều lớn lao đã ở ngay đây”. Công ty Nam Hàn cũng nới rộng khoảng cách dẫn đầu bằng một “núi” tiền đổ vào tiếp thị.
    HTC tìm kiếm thông điệp rõ ràng hơn và thay tới hai giám đốc tiếp thị trong năm ngoái. Cuối cùng, ông Chou phải vượt qua biên giới công ty và tìm kiếm sự thay thế mới. Một số cựu lãnh đạo tiết lộ tiếp thị chính là một điểm gây căng thẳng trong nội bộ công ty khi lãnh đạo chủ chốt ở Đài Bắc thường xung đột ý kiến với bộ máy ở châu Âu. Dù vậy, ông Chou phủ nhận có rạn nứt về mặt địa lý trong HTC.

    “Thương hiệu toàn cầu thành công biết khi nào nên phó thác và cho mỗi thị trường không gian đủ để thành công”, Greg Fisher, người vẫn giữ chức Chủ tịch phụ trách Tiếp thị toàn cầu của HTC tới tháng 2/2013, bình luận. “Nhìn chung, các công ty Đài Loan thường gặp khó khăn khi xây dựng thương hiệu quốc tế, trong khi đối thủ của họ ở Nhật và Hàn Quốc lại gặt hái thành công rực rỡ hơn”.
    Tham vọng trở lại của HTC vướng phải chướng ngại vật khi sự thiếu hụt nguồn cung ứng linh kiện cho One khiến công ty đánh mất doanh số trong những tuần quan trọng nhất trước khi Samsung Galaxy S4 lên kệ. Việc lên kế hoạch muộn cũng là nhân tố dẫn tới trì hoãn nguồn cung của HTC năm nay.

    Tuy nhiên, ông Chou vẫn lạc quan khi tin rằng về sau, HTC sẽ có thêm năng lực quản lí và cân bằng công việc đối với sản phẩm mới. Ông cũng cho biết về cơ bản đã rút khỏi quản lí tiếp thị song bộ phận đã hoạt động tốt hơn dưới sự lãnh đạo của “người mới”, Benjamin Ho.
    Những cuộc ra đi của vài lãnh đạo gần đây chỉ phảnh ánh sự thay đổi thông thường, không có vấn đề gì lớn. Giám đốc sản phẩm Kouji Kodera và Giám đốc Điều hành Matthew Costello cùng một số nhân vật khác đã từ chức trong vài tuần qua.

    “Vài người ra đi, song nhiều người khác vẫn ở lại, tôi không cho đó là vấn đề. Không cần thiết phải than khóc chỉ vì số ít người ra đi”, ông Chou kết luận.

    Theo ICTNews​
    Thanh The thích bài này.
     
    Tags: htc
  2. vungoctu

    vungoctu Thành viên

    Bài viết:
    3
    Được Like:
    0
  3. vinhphucng25

    vinhphucng25 Thành viên

    Bài viết:
    244
    Được Like:
    35
    nhớ ngày nào O2 & HTC còn làm trùm Smartphone mà giờ đây đang lao dốc... Mình chỉ hi vọng Apple & BlackBerry làm trùm thui... kakaka... :gach: