Có ba lý do chính để Apple tiếp tục đầu tư vào iPod. Nhưng vượt ngoài những yếu tố về lợi ích kinh tế, iPod vẫn mãi là một biểu tượng của Apple. Vào tối thứ tư tuần trước, Apple vừa giới thiệu đoạn video quảng cáo thương mại chính thức dành cho nhãn hàng iPod của mình. Đây là đoạn băng hình đầu tiên dành cho dòng máy nghe nhạc đình đám này kể từ tháng 11 năm ngoái. Động thái này cho thấy, rõ ràng Apple vẫn còn nhiều tham vọng với thương hiệu vừa tròn 11 năm tuổi. iPod là một trong những sản phẩm chủ lực vực dậy tên tuổi Apple sau những năm tháng khủng hoảng, và hiện nay khi nó bắt đầu có dấu hiệu chững lại, hãng không thể bỏ mặc đứa con cưng của mình được. Cùng trong sự kiện ra mắt iPhone 5, Apple cũng giới thiệu thế hệ iPod mới hoàn toàn cả về thiết kế lẫn phần cứng. iPod Touch có màn hình rộng hơn các đời trước, cùng với chip xử lý lõi kép A5, và một loạt những màu sắc sặc sỡ cho người dùng thêm lựa chọn thay vì chỉ có hai phiên bản đen và trắng như thường lệ. iPod Nano lại một lần nữa khoác lên mình một chiếc áo hoàn toàn mới. Trong lịch sử 7 thế hệ tồn tại, Nano là dòng mang nhiều thiết kế nhất, không đời nào giống nào cả. Trước khi iPod cùng với kho nhạc số iTunes ra đời vào đầu những năm 2000, việc làm ăn của Apple là không mấy khả quan. Nhưng sự thành công vượt ngoài sức tưởng tượng của dòng máy nghe nhạc này đã đưa hãng công nghệ hàng đầu nước Mỹ trở lại đường đua. Chính những chiếc iPod nhỏ bé đã đặt nền móng cho các dòng sản phẩm cực kỳ thành công sau này là iPhone và iPad. Tuy vậy, Apple là một công ty đại chúng, và sẽ không có một cổ đông nào chấp nhận sự hiện diện iPod nếu nó không còn sinh lời. Những phân tích dưới đây sẽ chỉ ra vì sao iPod vẫn sẽ là một trong những át chủ bài của Apple trong tương lai gần. Một thương hiệu tỉ đô Mặc dù không còn đạt doanh số khủng như thời kì hoàng kim nhưng iPod vẫn là cỗ máy in tiền rất hiệu quả của Apple. Theo những thống kê gần đây, doanh số của ông hoàng nhạc số này liên tục sụt giảm qua từng năm, kể từ 2008 – năm mà iPhone ra đời. Tuy vậy, cứ đều đặn mỗi quí, tài khoàn của Apple vẫn cứ được cộng thêm trên dưới 1 tỉ USD (khoảng gần 21.000 tỉ VNĐ) nhờ những chiếc máy nghe nhạc nhỏ bé này. Trong hai quí đầu năm 2012 (tính đến hết tháng 6), Apple đã bán được 6,8 triệu chiếc iPod các loại, đem về doanh thu 1,06 tỉ USD. Con số này nghe có vẻ to, nhưng thực ra nó chỉ chiếm vỏn vẹn 3% trong tổng doanh thu khủng 35 tỉ USD trong cùng kì của hãng. Tuy vậy, số tiền mà iPod đem lại cũng vẫn vượt xa doanh thu từ mảng phần mềm và sản xuất các thiết bị ngoại vị. Và dĩ nhiên, tiền không phải là yếu tố duy nhất khiến iPod vẫn trụ vững như một tượng đài đến ngày hôm nay. Thống lĩnh thị trường MP3 Theo những gì Apple nói thì iPod vẫn là cái tên dẫn đầu thị trường máy nghe nhạc bỏ túi MP3 với hơn 70% thị phần. Doanh số của iPod thì có giảm, nhưng số tiền mà Apple thu được từ việc bán nhạc số trên iTunes vẫn tăng đều đều. Nói cách khác, iPod chính là một phần lý do níu chân người dùng với nhạc số thay vì mua CD. Hãng thống kê NPD Group vừa đua ra một kết quả của chương trình khảo sát có nội dung rằng 43% người mua nhạc số trên 13 tuổi sử dụng máy nghe nhạc bỏ túi thay vì smartphone hay tablet để nghe. Một tỉ lệ tương đương cũng sẵn sàng trả tiền để được nghe bài hát mà họ yêu cầu qua các kênh radio online. Điều này chứng tỏ ngày nào còn nhạc số thì ngày đó vẫn còn iPod. Russ Crupnick, một chuyên gia phân tích thị trường của NPD đã chỉ ra rằng, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng một thiết bị chuyên dụng để nghe nhạc hơn là dùng điện thoại hoặc tablet. Đa phần trong số họ đều đã chi rất nhiều tiền để mua nhạc, cũng như sắp xếp các album, playlist theo sở thích của mình, và việc chuyển đổi chúng sang một thiết bị khác ngoài iPod là khá phiền phức. Kích cỡ nhỏ gọn cũng là yếu tố ghi điểm của iPod so với các smartphone ngày càng “phát tướng”. Hầu hết mọi người sẽ mang theo một chiếc iPod Nano/ Shuffle tới phòng tập thay vì một chiếc iPhone. Không hẳn là vì họ sợ rơi vỡ hay va đập sẽ làm hỏng chiếc điện thoại đắt tiền, sự bất tiện khi mang theo một chiếc điện thoại chỉ để nghe nhạc mới là yếu tố chính. Rõ ràng một chiếc Shuffle bé xíu gắn trên áo sẽ đem lại sự thoải mái hơn rất nhiều. iPod vẫn là một phần trong hệ sinh thái của Apple Đây thực sự mới là yếu tố chính để Apple tiếp tục đầu tư vào iPod. Một khi đã lôi kéo được người dùng đến với sản phẩm của mình, rất ít khách hàng nào có thể làm ngơ với những dòng sản phẩm tiếp theo của hãng. Đây quả thực là một chiến thuật kinh doanh rất lợi hại của “Quả Táo”. Crupnick đã nhận thấy đa phần khách hàng của iPod là trẻ vị thành niên dưới 14 tuổi. Các vị phụ huynh thường có khuynh hướng trang bị cho con em mình một chiếc máy nghe nhạc có chức năng xem video và chơi game với một giá tiền hết sức hợp lý. Chính phân khúc này được tiếp xúc với sản phẩm của Apple từ khi đang ở độ tuổi hình thành nhân cách và nhận thức. Một phần lớn trong số họ sẽ là những fan cuồng tín của Apple trong tương lai. Và đương nhiên, hãng sẵn sàng chấp nhận chịu thiệt đôi chút để lôi kéo được một lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ này. Những con số thống kê cũng chỉ ra rằng, có đến 28% các bà nội trợ Mỹ cho biết con cái họ sử dụng iPod Touch hoặc iPod thường xuyên, so với 7,4% của iPhone và 7,5% của iPad. Nhưng không chỉ có trẻ em, một lượng lớn khách hàng của iPod Touch còn là những người đã đi làm, kể cả những tín đồ sành sỏi về công nghệ. Họ nhận thấy, chi trả quá nhiều tiền cho một chiếc smartphone là không cần thiết, hoặc vượt quá nhu cầu sử dụng thường ngày. Với những khách hàng này, một chiếc điện thoại giá rẻ, cộng thêm chiếc iPod Touch là combo lý tưởng cả về chức năng lẫn kinh tế. Ngoài ra không thể không kể đến việc iPod Touch được phát triển trên nền tảng iOS. Điều này có nghĩa cái gì iPhone, iPad chạy được thì nó cũng chạy được. Các khách hàng của iPod luôn sẵn sàng móc hầu bao cho những ứng dụng mà họ thích trên Appstore. Và dĩ nhiên, với một lượng người dùng đông đảo như thế, Apple quá biết cách làm thế nào để lấy thêm nhiều tiền từ họ. Theo GenK