VinaPhone, MobiFone trình phương án giảm cước Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa chính thức đề nghị Bộ Bưu chính Viễn thông giảm cước dịch vụ di động từ 15-20% trong năm nay cho hai mạng VinaPhone, MobiFone. Theo đó, VNPT đề nghị Bộ BCVT xem xét hai phương án quản lý giá cước đối với dịch vụ di động VinaPhone và MobiFone. Với phương án thứ nhất, Bộ BCVT sẽ quản lý giá cước dịch vụ di động bằng việc ban hành khung cước áp dụng cho các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế. Thông tin từ phía VNPT cho hay, Bộ BCVT cần công bố tiêu thức xác định doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế theo một trong hai điều kiện: có thời gian tham gia thị trường từ ba năm trở lên hoặc có số lượng thuê bao chiếm từ 30% tổng số thuê bao của các doanh nghiệp hiện có trên thị trường. Cũng trong bản đề xuất này, VNPT đã yêu cầu Bộ BCVT xem xét và đánh giá mạng di động Viettel Mobile phải thuộc về doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế, chịu sự điều tiết giá cước của cơ quan quản lý Nhà nước (hiện tại, trong số 6 mạng di động, mới chỉ có VinaPhone và MobiFone bị là doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế). VNPT cũng kiến nghị trong năm 2007 được giảm từ 10%-15% giá cước dịch vụ di động so với năm 2006; phân cấp cho phép các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế chủ động xây dựng gói cước có giá giảm tối đa 20% và cước nội mạng giảm tối đa 10%. Với cước thuê bao tháng, VNPT cũng đề xuất với Bộ phương án các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế phải đăng ký giá cước với Bộ BCVT. Các doanh nghiệp không chiếm thị phần khống chế tiếp tục được tự quy định giá cước dịch vụ di động nhưng phải thông báo giá cước dịch vụ cho Bộ BCVT. Theo phương án thứ hai, VNPT kiến nghị Bộ BCVT áp dụng hình thức đăng ký giá đối với tất cả các doanh nghiệp (cả doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế và doanh nghiệp không chiếm thị phần khống chế). Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ĐTDĐ chỉ cần đăng ký giá cước dịch vụ với Bộ BCVT. VNPT đề xuất áp dụng phương án này vì cho rằng phương án thứ hai giúp Bộ BCVT hằng quý không phải theo dõi số thuê bao nhưng vẫn quản lý được giá cước của các doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, hình thức đăng ký giá giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. (Tuổi Trẻ online)