ZOTAC GTX 980Ti AMP!: Truyền nhân của "siêu card" Titan X

Thảo luận trong 'Máy Tính: Tin Tức - Đánh Giá Sản Phẩm' bắt đầu bởi xiteen_dau, 3 Tháng bảy 2015.

  1. xiteen_dau Thành viên

    Đầu năm 2015, Nvidia tung ra card đồ họa Titan X với với lời khẳng định “VGA đơn nhân mạnh mẽ nhất thế giới”. Lời khẳng định của Nvidia không ngoa, Titan X thật sự không có đối thủ trong dòng card đơn nhân, chỉ chịu khuất phục trước các sản phẩm nhồi nhét nhân như R9 295x2 của AMD. Dù mạnh mẽ nhưng cái giá mà Nvidia đưa ra cho Titan X là quá chát và quá tầm với của game thủ, đó là lý do mà 980Ti ra đời, sản phẩm được xem là hậu duệ kế thừa gần như đầy đủ các phẩm chất của Titan X với mức giá dễ chịu hơn.

    Bối cảnh ra đời của 980Ti cũng có nhiều điều thú vị, thời điểm 980Ti ra mắt thì AMD đang rục rịch cho dòng sản phẩm kiến trúc Fiji cùng công nghệ RAM HBM. Và trước đó hoàn toàn chưa có thông tin rò rỉ nào về sản phẩm này trên Internet. Điều này cho thấy GTX 980Ti là đòn đánh phủ đầu của Nvidia dành cho quân đoàn “đỏ” đầy tham vọng của AMD ngay khi chúng ra mắt.

    [​IMG]

    1.Giới thiệu

    Mang trong mình kiến trúc Maxwell thế hệ mới nhất, GTX 980Ti tiếp tục kế thừa Titan X với sứ mệnh chiến game trên độ phân giải cao (2K & 4K). Bản VGA mà mình nhận được là GTX 980Ti AMP! từ ZOTAC, một nhà sản xuất khá uy tín và gây được ấn tượng trong nhiều sản phẩm cao cấp gần đây (nhất là series GTX 970&980 rất hầm hố). Trước khi đi vào chi tiết của ZOTAC GTX 980Ti AMP!, cùng điểm qua một vài thông tin về thiết kế kỹ thuật của sản phẩm.

    [​IMG]

    GPU GM200 được trang bị trên GTX 980Ti (giống với TITAN X) mạnh mẽ hơn đáng kể so với thế hệ Maxwell đầu tiên trên Series GTX 750Ti. Mỗi SMM (tên của nhân xử lý) chứa 96KB bộ nhớ chia sẻ và 48KB L1 cache, cùng với một bộ nhớ cache L2 lên đến 3MB giúp giảm độ trễ trong việc truy xuất bộ nhớ DRAM. Với những thay đổi phần cứng theo định hướng kết hợp với bộ nén màu mới, Nvidia đã thực tế hóa khả năng chơi game ở độ phân giải 4K trên một hệ thống Card đơn GPU.

    [​IMG]

    So với phiên bản GTX 980Ti gốc, thì thay đổi đáng kể nhất trên phiên bản ZOTAC GTX 980Ti AMP! nằm ở xung GPU, mức chênh lệch cao hơn khoảng 5% hứa hẹn hiệu năng thay đổi đôi chút. Xung ram không có gì thay đổi, bởi mức xung hiện tại gần đụng nóc của GDDR5 rồi, nếu muốn thì người dùng tự “chích” thêm chút nữa cho sướng thôi. Nên nhớ rằng đây chưa phải là bản 980Ti khủng nhất của ZOTAC, hy vọng chúng ta sẽ được diện kiến 980Ti AMP! Extreme trong một ngày gần nhất.

    2.Hình ảnh

    Ngắm qua một vài hình ảnh của ZOTAC GTX 980Ti AMP (điện thoại chụp nên hơi kém chút, anh em thông cảm)

    [​IMG]

    Ở sàn phẩm này, hình ZOTAC chọn kiểu thiết kế đối xứng, tổng thể nhìn rất hài hòa

    [​IMG]

    Slogan của hãng, hình như vay mượn phông chữ của game NFS

    [​IMG]

    Công nghệ từa lưa hột dưa ở mặt sau hộp

    [​IMG]

    Logo nhìn đẹp, tiếc là hổng có đèn

    [​IMG]

    Quạt tản nhiệt với 9 cánh lớn, có vẻ hợp phong thủy

    [​IMG]

    Cạnh bên với đầu cắm PCI-E

    [​IMG]

    Các cổng xuất hình ảnh

    [​IMG]

    Đầu cấp nguồn 8+6 pin

    [​IMG]

    Chân cắm SLI

    3.Hệ thống test:

    Cấu hình mà tôi sẽ sử dụng trong bài viết, test card xịn mà nhà không có điều kiện lắm nên chỉ gom được nhiêu đây:

    CPU: Intel Core i7 4790K @4.4GHz
    CPU: Cooler Corsair H100
    VGA: ZOTAC Geforce GTX 980Ti AMP!
    RAM: Corsair Dominator DDR3 8 GB bus 1866 x2
    SSD: Toshiba 256 GB
    Mainboard: MSI Z97 Mpower Max AC
    PSU: Seasonic Platinum 1200W
    OS: Windows 8.1 update 64-bit
    Driver: Forceware 353.30

    [​IMG]

    Cận cảnh giàn Bench e đi mượn

    [​IMG]

    [​IMG]

    4.Benchmark

    Các phần mềm, game sẽ sử dụng trong bài test:

    - Cinebench R15
    - Unigine Heaven 4.0
    - 3DMARK 11
    - 3DMARK Firestrike
    - 3DMARK Skydiver

    - Assasin’s Creed Unity
    - Batman: Arkham Knight
    - Far Cry 4
    - The Witcher 3: Wild Hunt

    Lần lượt test ZOTAC GTX 980Ti qua các phép thử đồ họa

    [​IMG]

    166 Fps với phép thử render đồ họa Cinebench R15

    [​IMG]

    Unigine Heaven với thiết lập Extreme và độ phân giải Full HD

    [​IMG]

    Chuyển sang phép thử về game, tôi ưu ái thử ngay Assasin’s Creed Unity. Lý do ư ? Từ thuở còn chơi điện tử 4 nút cho đến khi xài PC ‘cạc rời’, tôi chưa từng thấy tựa game nào có đồ họa “tởm” như dòng này Với một lịch sử Engine phát triển lâu đời và mạch truyện có chút âm hưởng của ‘Prince of Persia’ huyền thoại, nói về chất lượng đồ họa cũng như khả năng sát phần cứng thì tôi luôn muốn nhắc đến Assasin’s Creed đầu tiên.

    Lưu ý rằng, trừ một vài trường hợp bất khả kháng (sẽ giải thích cụ thể), các thiết lập game trong bài viết đều đặt ở mức cao nhất của nhà sản xuất, thiết lập đổ bóng và khử răng cưa tôi sẽ giữ nguyên theo profile này nhằm giữ đúng mục đích tạo hình của game. Phần mềm Fraps được sử dụng để đo khung hình (tắt Vsync trong quá trình benchmark).

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    Công nghệ khử răng cưa mặc định được Ubisoft lựa chọn cho game này là TXAA

    Game mang đậm tính điện ảnh trong bối cảnh cuộc cách mạng Pháp Vĩ Đại (cuối thế kỷ 18), không hề ngạc nhiên khi các yếu tố đồ họa như quần áo, công trình kiến trúc được tập trung mô tả rất tuyệt vời.

    Với tiết tấu gameplay không quá nhanh, chỉ cần một mức khung hình 30 fps ổn định là đủ để đưa Dorian băng qua các màn. Và 980Ti đã không làm chúng ta thất vọng ở mức thiết lập cao nhất ở cả 3 độ phân giải, tất cả khung hình trung bình đều trên 30. Riêng ở 4K, tôi buộc phải chỉnh thiết lập răng cưa xuống FXAA để đảm bảo game vẫn chơi được.

    [​IMG]

    Thiết lập Ultra setting của ACU là đáng gờm với mọi card đồ họa, kể cả đó là 980Ti
    Nổi đình nổi đám trong vài năm trở lại phải kể đến tựa game BATMAN – nhân vật được nhiều người yêu thích trong bộ truyện cùng tên của DC COMIC. Với sự phát hành của hãng phim Warner Brors, không ngạc nhiên khi bộ phim có cốt truyện và lối chơi tựa như một bộ phim Hollywood. Và đúng với tiêu chí tập trung vào cốt truyện, không có quá nhiều thứ để tinh chỉnh trong BATMAN: Arkham Knight, game cũng không có profile đồ họa mặc định nên tôi đẩy lên mức cao nhất của mỗi option, riêng phần khử răng cưa chỉ có on và off.

    [​IMG]

    Có khá ít tùy chỉnh trong setting đồ họa của game

    Dựa trên Unreal Engine 3 và hàng loạt các hiệu ứng sử dụng từ thư viện Nvidia Gamework, Game tập trung phần lớn vào các hiệu ứng ánh sáng, đổ bóng cũng như các hiệu ứng vật lý như khói, lửa, va chạm.

    [​IMG]

    Hình ảnh đậm chất Hollywood

    Tiết tấu của Batman Arkham Knight ở mức trung bình, vì vậy một mức khung hình khoảng trên 40 là tương đối đủ để chạy qua các màn. Bỏ qua hiệu năng khủng của độ phân giải full HD, hiệu năng đạt được ở độ phân giải 2K và 4K là tương đối bất ngờ vì chúng hoàn toàn tương đương nhau.

    [​IMG]

    Điểm dừng tiếp theo là Far Cry 4 – tựa game bắn súng thành công nhất của 2014. Khi bộ đôi FPS là Call of Duty và Battefield không còn đủ sức hút bởi nội dung nhàm chán thì chuyến phiêu lưu của Ajay Ghale trên mảnh đất Nepal chết chóc lại tạo ra sức hút lớn với game thủ khi tiếp tục kết hợp lối chơi bắn súng + phiêu lưu hành động đầy hấp dẫn. Sở hữu một hệ thống setting lớn với nhiều tùy chỉnh, ở mức Ultra cao nhất, hiệu ứng khử răng cưa mà Ubisoft khuyến cáo là SMAA – công nghệ khử răng cưa có chất lượng trung bình, xu hướng làm mờ viền hình ảnh và thường không gây ảnh hưởng đến hiệu năng, thích hợp cho dòng game bắng súng.

    [​IMG]

    Far Cry 4 với khá nhiều tùy chọn đồ họa

    Điểm khiến tôi thích dòng game này ngay từ phiên bản đầu tiên đó là sự cân bằng trong cả gameplay lẫn đồ họa. Về mặt đồ họa, dù chưa bao giờ được xếp hàng top nhưng hình ảnh trong Far Cry 4 vẫn rất đã mắt, cả về chi tiết khung cảnh lẫn mặt hiệu ứng. Cảnh núi rừng Nepan chết chóc được tái hiện trong Far Cry 4 sẽ khiến nhiều người nổi da gà ở mức Ultra setting.

    [​IMG]

    Sự cân bằng trong đồ họa được thể hiện rõ nét trên Far Cry 4

    [​IMG]

    Đồ họa của Far Cry không thể làm khó được 980Ti AMP!

    Điểm qua tựa game cuối cùng, The Witcher 3: Wild Hunt đến từ nhà sản xuất CD Projekt RED. Có cốt truyện được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Ba Lan Sapkowsk, đồ họa và lối chơi của tựa game RPG này có đôi chút khác biệt với 3 game kể trên. Thế giới châu Âu thời Trung cổ trong game khá mở, trong vai thợ săn quái vật lão luyện Geralt người chơi sẽ phải gặp nhiều nhân vật, làm nhiều nhiệm vụ để mở ra những chương nội dung rất khác nhau của trò chơi. Nhìn chung, theo đánh giá của tôi Game có đồ họa không quá xuất sắc những vẫn tạo được điểm nhấn khi tập trung vào hiệu ứng vật lý, còn các chi tiết đồ họa có hơi hướng hoạt hình hơi là thế giới thực.

    [​IMG]

    Thiết lập đồ họa Ultra

    [​IMG]

    Khử răng cưa chỉ có tùy chọn ON-OFF

    [​IMG]

    Đồ họa nghiêng về hiệu ứng vật lý và có phần giống truyện tranh

    Đúng đặc trực của một tựa game RPG thế giới mở, The Witcher chỉ cần khung hình trung bình khoảng 30-40 để chơi mượt. Dù đồ họa không quá xuất sắc nhưng nó lại ngốn khá nhiều sức mạnh xử lý, CD Projekt RED đến nay đã tung ra nhiều bản fix nhưng chưa giải quyết triệt để vấn đề này. Dù sao thì 980Ti AMP cũng chơi tốt ở 1080P và 2K, ở mức 4K có lẽ cần phải tắt khử răng cưa hoặc đợi những bản fix tiếp theo của nhà phát triển để chơi mượt.

    [​IMG]

    5. Điện năng – nhiệt độ:

    Mục tiêu số một khi Nvidia chuyển mình sang kiến trúc Maxwell là cải thiện hiệu năng và nhiệt độ tối đa cho GPU, nhờ đó mà những sản phẩm GPU đơn nhân mạnh mẽ như Titan X, GTX 980 và nay là GTX 980 Ti xuất hiện. Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, cùng với hệ thống tản nhiệt được thiết kế lại trên ZOTAC GTX 980Ti AMP, kết quả đem lại là cực kỳ khả quan. Nhiệt độ phòng trong suốt quá trình thử nghiệm là 26 độ.
    Tra tấn card bằng Furmark ở độ phân giải 1080p, khử răng cưa 2xAA, GPU load 99%. Nhiệt độ max ở mức ổn định là 72 độ trong 10 phút.

    [​IMG]

    Nhiệt độ GPU được mình thống kê trong bảng sau, nhiệt độ khi chơi game được tính trung bình khi thử nghiệm 4 game game trong bài ở 1080P. Đúng như dự đoán, ZOTAC GTX 980Ti AMP chạy khá mát trong suốt quá trình thử nghiệm, nhiệt độ max luôn dừng ở mức 72 độ nên bạn sẽ không gặp bất kỳ trở ngại nào về nhiệt độ kể cả khi chơi game nặng.

    [​IMG]

    Nhiệt độ GPU ở mức khá dễ chịu đối với một sản phẩm cao cấp

    Bonus hình ảnh đo nhiệt độ của tản khi đang chơi game Batman.

    [​IMG]

    Tiền điện – không phải là vấn đề quá lớn đối với game thủ đã sở hữu đến 980Ti, tuy nhiên với phần nhiệt độ thể hiện tốt, 980Ti AMP cũng sẽ không móc túi bạn quá nhiều. Lưu ý phần điện tiêu thụ mình đo chung của cả hệ thống, tất nhiên card đồ họa vẫn là thành phần phần ngốn điện nhất (bên cạnh CPU).

    [​IMG]

    GTX 980Ti không phải là một sát thủ ngốn điện trừ khi bạn bắt em nó ‘làm việc’ hết ga hết số

    Bonus hình ảnh chụp được từ đồng hồ đo công suất khi đang chơi Far Cry 4

    [​IMG]

    6.Kết luận

    Đối với game thủ đang tìm kiếm một giải pháp card đồ họa chơi game trên màn hình độ phân giải cao (2K/ 4K) thì chắc chắn 980Ti là cái tên không thể bỏ qua, thành thật là như vậy (mặc dù mình là fan của AMD ). Khi các giải pháp đa card hoặc card đa nhân ngày càng lộ rõ khuyết điểm và ít được ưa chuộng bởi vấn đề về nhiệt độ và điện năng, một sản phâm đơn nhân mạnh mẽ và gọn gàng như GTX 980Ti AMP sẽ là sự lựa chọn đáng giá.

    ZOTAC đã làm tốt ở phiên bản custom này, từ thiết kế bên ngoài đến hiệu năng hoạt động, tất cả tạo được sự chỉn chu của hãng trong việc hoàn thiện mảng sản phẩm cao cấp. Thiết kế của phiên bản 980Ti AMP mặc dù khá thanh thoát nhưng có phần hơi đơn giản, có lẽ nó phù hợp hơn với đối tượng game thủ hơi đứng tuổi, chú trọng vào hiệu năng và hiệu quả hoạt động.