Công nghệ kết nối cuộc sống (Mobilenet) - "Em den noi roi, van manh khoe lam. Hihi”. Vậy là V. đã đáp xuống sân bay Nội Bài, cái nơi xa xôi chưa từng tới đó bỗng như gần bên khi tôi đọc dòng tin nhắn. Những ngày sau, Hà Nội và Sài Gòn như chỉ cách nhau 5 giây khi hai chiếc mobile dùng chung mạng được kết nối. Con người xưa kia đã biết liên lạc, báo tin cho nhau bằng các phương tiện thô sơ như mõ, lửa, tù và,… qua rất nhiều thập kỉ sau, kể từ ngày Alexander Graham Bell lần đầu tiên truyền giọng nói qua dây dẫn thì ngành công nghệ viễn thông đã hình thành và phát triển vượt bậc. Cùng với sự bùng nổ của Internet, công nghệ không dây với những chiếc mobile đầu cuối đã góp phần rất lớn trong việc kết nối mọi người trên khắp các châu lục. Còn nhớ thảm họa WTC ngày 11/9/2001, người Mĩ kinh hoàng vì một trong những biểu tượng tài chính khét tiếng của mình chỉ trong vài giờ đã trở thành đống gạch vụn. Bên cạnh những tổn thất kinh tế, người ta còn đau đớn vì những mẩu đối thoại, những dòng tin nhắn của các nạn nhân đang kẹt trên toà nhà hơn trăm tầng cố gắng liên lạc với người thân. Những giọng nói thảm thiết, từng tin nhắn tuyệt vọng được truyền qua sóng điện thoại lúc ấy khiến công nghệ viễn thông trở nên có tội vì bắt người ta phải sống cùng với nỗi sợ hãi cận kề đến từ đầu máy bên kia, nhưng cũng đồng thời xoa dịu nỗi đau những người ở lại khi được nghe lời cuối cùng của người ra đi. Ngày nay, người ta đã quá quen thuộc với các thuật ngữ như GSM, CDMA, 3G,… điều đó càng chứng tỏ tính phổ dụng của những phương thức kết nối không dây đương đại. Những quốc gia ứng dụng mobile vào cuộc sống mạnh mẽ như Nhật, Hàn Quốc không hài lòng với các tính năng cơ bản là thoại, nhắn tin mà họ còn cho phép người dùng nhìn thấy nhau khi thực hiện cuộc gọi trên nền 3G. Chiếc mobile ở những nước tiên tiến ngoài các chức năng multimedia mạnh mẽ thường thấy, nó còn được tích hợp vào đó những con chip để trở thành thẻ thanh toán điện tử, thẻ ID (chứng minh nhân dân),… Như vậy, khi cầm chiếc điện thoại trên tay, người ta không chỉ liên lạc với nhau mà còn có thể kết nối với các thiết bị khác. Sóng radio cơ bản cho chức năng thoại đã không còn là duy nhất, mà từ những mạch điện tử bên trong, chiếc mobile còn phát ra các tín hiệu được đặt tên Bluetooth, hồng ngoại (IrDA),… để đảm bảo việc kết nối mọi người, mọi thiết bị. Công nghệ kết nối này được tập đoàn điện thoại di động số 1 thế giới Nokia thể hiện bằng một câu slogan đắt giá: “Công nghệ mang tính nhân bản”. Chất lượng và công nghệ kết nối phụ thuộc rất nhiều vào nhà cung cấp mạng hơn là các thiết bị đầu cuối. Thế nên người dùng Việt Nam sau mấy năm chờ đợi cũng được chiêm ngưỡng một phần công nghệ kết nối 3G từ S-Fone, đó là các dịch vụ nghe nhạc, xem phim trực tuyến qua mobile. Phát súng đầu tiên này tuy có gây chút tiếng vang nhưng vẫn chưa tạo được cơn sốt, bởi hệ thống GSM chiếm đa số người dùng vẫn chỉ dừng lại ở các thử nghiệm 3G nội bộ. Những công nghệ tiên tiến như 3G được chờ đợi nhiều nhất từ các khách hàng có nhu cầu cao về mọi loại hình kết nối di động, riêng với đa số khách hàng thì yêu cầu bức thiết nhất vẫn là chất lượng mạng. Đành rằng việc ra đời của các nhà cung cấp càng làm tăng khả năng chọn lựa của người dùng nhưng việc đảm bảo chất lượng cuộc gọi (yêu cầu cơ bản nhất) thì chưa mạng nào thật sự thuyết phục. Rõ ràng không thể phủ nhận vai trò to lớn của công nghệ kết nối nói chung và công nghệ không dây nói riêng, bởi từ đây người người gần nhau hơn, rút ngắn đến bằng 0 mọi khoảng cách về địa lí. Tuy nhiên, người dùng Việt Nam chắc chắn vẫn chưa thật sự hài lòng về chất lượng được cung cấp từ các “nhà mạng”. Trong khi chờ đợi những công nghệ kết nối trong mơ như 3G, hay thậm chí 4G, việc hiện tại người dùng đang mong đợi sự cải thiện từ các nhà mạng tăng cường chất lượng thoại, thêm vùng phủ sóng để điệp khúc “ò í e” không còn tồn tại trong tâm thức mỗi người. Hải Đăng (eCHIP MOBILE)