HP đã thông báo không tiếp tục sản xuất các thiết bị WebOS. Phải chăng không còn đất sống cho các hệ điều hành di động khác khi không cạnh tranh nổi với sự thống trị của iOS và Android? Sự gục ngã của WebOS không gây ra nhiều ồn ào đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên sản phẩm đầu tiên thuộc dòng này là Palm Pre lại có một sự ra mắt cực kỳ hoành tráng và thu hút được sự quan tâm chú ý của người dùng toàn cầu. Song một loạt các nguyên nhân như khâu marketing yếu kém, phần cứng lỗi và liên tục trì hoãn ngày ra mắt (cùng với một điện thoại WebOS khác là Palm Pixi) đã khiến cho danh xưng ban đầu “sát thủ iPhone” của Palm Pre mãi chỉ là một giấc mơ không thể thành hiện thực. Năm ngoái, khi HP mua Palm, người ta đã hy vọng nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới này sẽ có khả năng tiếp thêm sinh khí cho nền tảng này. song thật buồn là HP cũng không có đủ khả năng đưa WebOS theo kịp với một thị trường phát triển như vũ bão và cạnh tranh khốc liệt như thị trường điện thoại thông minh. Đối lại với sự xuất hiện nhan nhản của các điện thoại di động 4G chạy chíp lõi kép từ phía Android, HP chỉ đưa ra được một mẫu máy Veer 4G nhắm vào phân khúc “những người mới làm quen với điện thoại thông minh”. Mẫu máy khả dĩ hơn được kỳ vọng sẽ giúp WebOS cạnh tranh sòng phẳng với iOS và Android là Pre 3 đã không bao giờ có thể xuất hiện trên thị trường nữa. Trong một dự báo hồi tháng 6 vừa qua, IDC đã ước tính các điện thoại cài Windows Phone 7 sẽ vượt qua iPhone nhờ vào kết quả của việc liên minh chặt chẽ với Nokia. IDC dự báo vào năm 2015, Android sẽ chiếm 43,8% thị phần, tiếp theo là Windows Phone với 20,3% còn iOS của Apple rơi xuống vị trí thứ 3 với 16,9%. Nhưng thật khó mà hình dung được bức tranh thị trường điện thoại di động sẽ như thế nào vào thời điểm năm 2015, đặc biệt là hiện giờ thị phần của Windows Phone 7 khả năng chỉ đạt vỏn vẹn có 3,8% vào cuối năm nay. Cũng giống như WebOS, Windows Phone 7 là một nền tảng hấp dẫn, nhiều tính năng và dễ dùng, song phàn cứng của nó chưa thể cạnh tranh được với iPhone 4 và đội quân các điện thoại di động Android cao cấp. Vấn đề quảng bá – marketing cũng là một vấn đề cần chú ý. Mặc dù cũng có một số hoạt động marketing được tiến hành để quảng bá cho nền tảng này, song đều chưa đạt hiệu quả và chưa thu hút được sự quan tâm chú ý của người dùng. Khả năng thế hệ thứ 2 với các cập nhật hệ điều hành phiên bản Mango có thể sẽ cải thiện tình trạng này. Không thể nói chiến lược kinh doanh của Microsoft là tồi, nhưng hiện giờ Android vẫn rất thành công với các nhà sản xuất và nhà mạng khác nhau. Ngoài khối người dùng doanh nghiệp, BlackBerry của RIM vẫn chưa thể tới tay đại đa số người tiêu dùng. Năm nay là năm mà Rim có vị trí thấp nhất trong tốp 5 nhà sản xuất điện thoại hàng đầu của IDC (gồm có Apple, Samsung, Nokia, RIM và HTC). Trong quá khứ RIM đã từng dẫn đầu bảng xếp hạng này. Tuần này, RIM dự kiến ra mắt 3 mẫu máy mới thuộc dòng sản phẩm chạy hệ điều hành BackBerry OS 7. Tất cả các máy trên đều có phần cứng và phần mềm thích hợp cho điện thoại thông minh song có vẻ nó cũng không gây được ấn tượng nhiều lắm. Có lẽ RIM nên học Microsoft cải tổ hệ điều hành dành cho di động một cách toàn diện thay vì chỉ đưa ra được các nâng cấp và cập nhật nho nhỏ vốn không thu hút được sự chú ý của người dùng. Theo thống kê mới nhất của Gartner về doanh số bán ra hàng quý của thị trường điện thoại thông minh, Android chiếm 43,4% thị phần, iOS chiếm 18,2%. Hai nền tảng này có chiến lược kinh doanh khác hẳn nhau song đều rất thành công. Sự thành công này đồng thời cũng đảm bảo cho vị thế vững chắc của chúng trên thị trường và muốn hạ bệ chúng có lẽ phải cần đến một khoảng thời gian dài hơn mốc thời hạn 2015 mà IDC dự báo ở trên. Samsung Galaxy S II Điện thoại Android Điện thoại Lenovo Điện lạnh