Người khổng lồ Google cũng không thoát khỏi cơn suy thoái Doanh thu quý đầu năm 2009 của Google giảm khá mạnh là bằng chứng cho thấy kể cả những "đại gia" mạnh như hãng này đều ngã ngựa trước cơn suy thoái kinh tế. Doanh thu từ quảng cáo trực tuyến giảm mạnh là nguyên nhân chủ chốt dẫn tới tình trạng này. Mặc dù mức doanh thu giảm không ngoài dự đoán nhưng dựa trên những điều kiện hiện tại, không có gì đảm bảo Google không gặp khó khăn trong tương lai. Doanh thu Google chủ yếu là từ nguồn quảng cáo trực tuyến, chỉ xếp sau kết quả tìm kiếm. Mặc dù so với một năm trước đây, mức doanh thu này tăng 6% nhưng nếu so với quý 4 năm ngoái thì lại giảm tới 3%. Doanh thu của hãng sau khi trừ khoản chi phí cho đối tác chỉ còn lại 4,07 tỉ USD, mặc dù không thấp hơn so với mức các nhà phân tích dự báo nhưng về cơ bản nó không đáp ứng được kỳ vọng của giới đầu tư. Về cơ bản, các nhà đầu tư vẫn đánh giá cao Google, bằng chứng là giá cổ phiếu Google vẫn tăng 6% sau khi thông tin trên được công bố. Tuy nhiên, mức tăng này sau đó đã giảm xuống phản ánh đúng thực tế của thị trường quảng cáo trực tuyến toàn cầu (dự báo sẽ giảm ít nhất 5% trong năm nay). Hiển nhiên là hoạt động kinh doanh chính của Google bị ảnh hưởng từ cơn suy thoái toàn cầu. Giá cổ phiếu Google cũng được dự báo sẽ giảm và mức tăng trưởng sẽ chậm lại. Chưa thể hồi phục Trong một cuộc họp với giới phân tích hồi trung tuần tháng 4 vừa qua, các lãnh đạo Google gần như im hơi lặng tiếng về toàn cảnh phát triển của hãng này. Google chỉ nói rằng quý 2 và quý 3 tới sẽ ảm đạm hơn và sự ảm đạm này là có lý do, ngụ ý là sẽ có rất ít cơ hội hồi phục, ít nhất là thời điểm hiện tại. "Về cơ bản, chúng tôi vẫn trong giai đoạn thử thách của nền kinh tế", CEO Google Eric Schmidt thừa nhận. Trước đó, Eric Schmidt cũng nhìn nhận rằng môi trường kinh tế hiện tại đang rất khó khăn, ít nhất là với Google. "Chúng tôi có thể cảm nhận được không khí nặng nề đó", Eric Schmidt nói. Đó cũng là lý do Google lưỡng lự bàn thảo về tương lai của quảng cáo trực tuyến. Tương tự, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới - Intel cũng không công bố dự báo về tương lai doanh thu của hãng này khi công bố kết quả kinh doanh quý 1 đầu năm. Nhưng không giống Google, Intel gọi thời điểm hiện tại là đáy và ngành sản xuất chip không thể xuống dưới ngưỡng đó, mà chỉ có hồi phục và đi lên mà thôi. Còn nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới - Nokia dự báo doanh thu sản phẩm không dây trong quý này và quý tới sẽ tăng trở lại. Khi thị trường đang mất ổn định, sức tăng của cổ phiếu Google đã chững lại. Trước khi tăng 2,4% ngày 16/4 (trước khi báo cáo doanh thu quý I/2009 được công bố), cổ phiếu của hãng này đã tăng 18% kể từ đầu năm và tăng hơn 40% kể từ tháng 11/2008. Tháng giêng đầu năm, Google còn báo cáo doanh thu quý 4 cao hơn mức dự đoán ban đầu. Lượng cầu giảm Do Google gần như độc quyền trong lĩnh vực quảng cáo tìm kiếm nên rất khó có thể lấy kết quả của hãng này để dự báo cho những công ty Internet khác, chẳng hạn như Yahoo (báo cáo doanh thu quý đầu năm vào 21/4). Tuy nhiên, giới chức Google nhận định rằng trạng thái hiện tại của thị trường quảng cáo trực tuyến và toàn ảnh nền kinh tế sẽ mang lại bức tranh rõ ràng nhất cho những khó khăn mà các công ty quảng cáo trực tuyến gặp phải, và cả ngành truyền thông Internet nói chung, trong những tháng sắp tới. Nhờ áp dụng một loạt các biện pháp thắt chặt chi phí mà bức tranh lợi nhuận của Google xem ra vẫn còn khá sáng sủa. Sau nhiều năm chi tiền cho các hoạt động nâng cao chất lượng tuyển dụng và đầu tư vốn, giờ đến lúc Google cắt giảm chi phí cho những hoạt động này. Tính tới tháng 12/2008, số nhân viên của Google là 20.164 người. Trước đó hãng này đã sa thải khoảng 58 người, một con số quá nhỏ so với các hãng công nghệ khác trong "cơn bão" sa thải nhân sự hiện nay. Mức đầu tư vốn của Google trong quý 1 đầu năm là 263 triệu USD, giảm 40% so với quý 4/2008. Tuy nhiên, Google nói rằng sẽ có thể tăng thêm số vốn đầu tư này. Dưới sự chỉ đạo của giám đốc tài chính Patrick Pichette (gia nhập Google từ 8/2008), Google đã tiến hành hai đợt sa thải kể từ đầu năm tới nay, trong đó có 300 người thuộc bộ phận bán hàng, marketing và tuyển dụng nhân sự. Đó là chưa kể tới hàng nghìn nhà thầu bị cắt giảm trong năm ngoái. Cùng lúc, Google "xóa sổ" một số bộ phận kinh doanh nhỏ, bao gồm một dự án về quảng cáo phát thanh. Tất cả những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" này đã giúp giảm được chi phí, trong khi vẫn giữ được mức lợi nhuận dự báo. Xáo trộn nhân sự Google vừa thông báo ông Omid Kordestani, giám đốc bán hàng cao cấp kiêm phó chủ tịch bộ phận bán hàng và phát triển kinh doanh toàn cầu của hãng này, sẽ đảm nhận vai trò mới trong việc tham vấn cho bộ 3 giám đốc của Google, bao gồm Schmidt và hai nhà sáng lập Sergey Brin và Larry Page. Sự rời bỏ của Kordestani khỏi vị trí bán hành (thay thế bởi Nikesh Arora, hiện đang là giám độc hoạt động khu vực châu Âu và Trung Đông) phản ánh một thời kỳ "hỗn loạn" trong hoạt động bán hàng của Google. Trong những tuần gần đây, một loạt giám đốc bán hàng cao cấp của Google đã "dứt áo" ra đi, trong đó có Tim Armstrong - sáng làm CEO của AOL, và Sukhinder Singh Cassidy - sang làm cho công ty vốn Accel Partners. Nói chung, đối với hoạt động kinh doanh chủ chốt của Google - quảng cáo tìm kiếm, các nhà phân tích không cho rằng chúng sẽ tăng trường trở lại trong một sớm một chiều. Điều đó sẽ khiến cho các nhà quảng cáo trực tuyến tiếp tục phải cân nhắc về mức chi phí mà họ bỏ ra. Theo Vnmedia.