Phân khúc cao cấp: sẽ “nóng”

Thảo luận trong 'Tin Tức Chung' bắt đầu bởi Lightblue, 2 Tháng sáu 2007.

  1. Lightblue Amie

    Phân khúc cao cấp: sẽ “nóng”
    [​IMG]
    Trong năm 2006 và Quý I/2007, người tiêu dùng Việt Nam đã quá quen với việc các hãng sản xuất Handset, các nhà phân phối tập trung cạnh tranh ở phân khúc ĐTDĐ phổ thông và cấp thấp. Điều đó đã làm cho “cuộc chiến” tại phân khúc cao cấp và “siêu cấp” kém phần sôi nổi.
    Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều động thái tích cực từ các hãng cho thấy, phân khúc này có nhiều biến chuyển tốt trong thời gian tới.


    Những tín hiệu vui
    Theo tiêu chí giá cả, thông thường, ĐTDĐ cao cấp hiện có giá tối thiểu 5 triệu đồng và loại “siêu cấp” tối thiểu 10 triệu đồng. Sở dĩ các dòng máy thuộc hai phân khúc cao cấp và “siêu cấp” có giá bán khiến nhiều người phải “lắc đầu lè lưỡi” do chúng được tích hợp đầy đủ các chức năng “đỉnh” nhất với chất lượng tốt nhất như chụp hình, quay phim, nghe nhạc MP3, MP4, kết nối Bluetooth... Một số máy còn cho phép kết nối Internet không dây, gọi video và chia sẻ video trực diện, quản lí các ứng dụng văn phòng, xem phim MP4... Thành viên mới nhất của dòng siêu cấp N95 thuộc N series của Nokia được coi là sản phẩm tiêu biểu của công nghệ. N95 đáng chú ý nhất là việc nó được trang bị camera lên đến 5 Megapixels với ống kính Carl Zeiss chuyên dụng cho điện thoại, có thể chỉnh tiêu cự tự động, hỗ trợ đèn flash để chụp trong điều kiện thiếu sáng, hệ thống cửa trập thông minh… Máy có thể chụp ảnh chất lượng cao và quay phim không thua gì những dòng handycam DVD chuyên nghiệp
    Không chỉ tính năng, điện thoại cao cấp và siêu cấp còn được “định giá” bằng chất liệu, độ tinh xảo trong thiết kế. Ví dụ, chiếc 8800 Sirocco Gold đắt bởi vỏ máy được làm bằng kim loại cao cấp mạ vàng và thiết kế được đánh giá là hoàn hảo. Thậm chí, một cựu biên tập viên khá nổi tiếng của Đài Truyền hình Việt Nam đã không ngần ngại bỏ tới hơn 80 triệu đồng để trở thành chủ nhân của chiếc 8800 nạm... kim cương duy nhất tại Việt Nam.


    Thương hiệu và sự kết hợp của thương hiệu nổi tiếng cũng góp phần làm nên “giá máy”. Có thể kể ra những tên tuổi trên thị trường như Nokia, Samsung, Sony Ericsson, Motorola, O2, PalmOne, Siemens, HP, Lenovo, Panasonic và NEC.


    Mặc dù vậy, theo nhận định của các nhà phân phối, siêu thị, đại lý ĐTDĐ, phân khúc cao cấp và siêu cấp có mức độ tiêu thụ chậm trong năm 2006 và Quý I/2007. Ông Nguyễn Minh Hải, quản lí siêu thị MobiMart cho rằng, sự chậm chạp này do thị trường Điện thoại cao cấp và siêu cấp tương đối bão hòa. Thêm nữa, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng chưa cao, nên doanh thu không đạt như mong đợi. Ngay cả Nokia - hãng điện thoại vẫn được đánh giá là một “đại gia” với nhiều sản phẩm được coi như biểu tượng của sự “sành điệu” và sang trọng, cũng có tổng kết phân khúc không đạt như dự đoán. Theo một số cửa hàng và đại lý kinh doanh Nokia, doanh số của E61 và E62 thấp hơn mong đợi. Quý I/2007 lại chứng kiến sự tăng trưởng chậm của thị trường di động toàn thế giới, dòng điện thoại cao cấp của Nokia cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường.


    [​IMG]
    Nokia N72 đã giảm giá

    Tuy nhiên, giới kinh doanh cũng cho biết, sắp tới, thị trường điện thoại cao cấp và “siêu cấp” có thể sẽ “nóng” lên. Một trong những lý do quan trọng nhất để đưa ra nhận định này là dựa trên kế hoạch ra mắt mẫu sản phẩm mới thuộc dòng cao cấp của một số hãng di động. Sau một thời gian cạnh tranh tại phân khúc điện thoại phổ thông là chủ yếu chỉ có (A1200 là một trong số hiếm model dành cho thị trường cao cấp), năm 2007 mặc dù không lơ là “mặt trận” này nhưng Motorola đang có những kế hoạch chứng tỏ sẽ tập trung nhiều hơn vào điện thoại cao cấp mạnh cả về công nghệ lẫn thiết kế. Những sản phẩm mới RORK E6, RIZR Z8, MotoQ ra mắt trong Quý II và III năm nay được kỳ vọng sẽ mang lại một phong cách mới cho Motorola. Điều này khá dễ hiểu khi tổng kết Quý I/2007 cho thấy, doanh thu của hãng này bị sụt giảm nhiều. Các chuyên gia cho rằng, một trong hai nguyên nhân quan trọng nhất của sự giảm sút này là do Motorola không có những sản phẩm cao cấp mới ra mắt. Vậy nên, hãng đang muốn tìm lại thị phần và lãi suất đã mất bằng cách xóa bỏ nguyên nhân trên.


    Nokia cũng không kém cạnh khi các sản phẩm N-series đều lần lượt có mặt tại thị trường Việt Nam. Thực tế đã chứng minh, dòng N serie rất có sức hút với thị trường, đặc biệt là giới trẻ ưa công nghệ. Tại các siêu thị như MobiMart, Nettra... dòng này luôn thu hút cao nhất sự quan tâm của khách hàng như N70/72/73/N91/N92. Mới đây nhất, sự xuất hiện của N95 trên thị trường Việt Nam đã làm cho phân khúc điện thoại cao cấp trở nên đa dạng và phong phú hơn. Bên cạnh các mẫu mới, “đại gia” Nokia còn sở hữu những sản phẩm được coi là biểu tượng của thời trang và sự sang trọng. Nhắc đến điện thoại cao cấp và “siêu cấp” của hãng, khách hàng sẽ nghĩ ngay tới “Kiệt tác lay động cảm quan – Nokia 8800”. Sau đó, hãng còn cho ra mắt thêm phiên bản mới Nokia Sirocco Edition (giá hơn 15 triệu đồng) và 8800 Sirocco Gold (giá hơn 20 triệu đồng).


    Mặc dù không có nhiều điện thoại thuộc hàng “siêu cấp” nhưng Samsung vẫn miệt mài theo đuổi dòng điện thoại thời trang với một số sản phẩm mới cao cấp như Samsung Ultra Messaging i600 (giá xấp xỉ 8 triệu đồng), hay Samsung UE 12.9 - D900 metalic (xấp xỉ 6 triệu đồng).


    Thu hút khách hàng bằng giảm giá
    Theo các nhà phân phối và chủ đại lý, ở phân khúc điện thoại cao cấp và siêu cấp, dòng smart-phone vẫn là mặt hàng chiếm ưu thế. Nếu như trước đây ở Việt Nam, dòng điện thoại này chưa chiếm được đa số thị phần vì chi phí các dịch vụ phi thoại quá cao và chưa phát huy được hết các tính năng trong điều kiện cơ sở hạ tầng mạng còn khá đơn giản thì hiện nay, người sử dụng đã quan tâm, chú ý hơn. Xu hướng người dùng điện thoại đang “trẻ hóa” nhanh chóng cũng là một cơ hội lớn để dòng cao cấp, siêu cấp được ưa chuộng. Khánh Hà - một khách hàng của Mobile Mart là một người rất “sính” hàng cao cấp. Cô gái trẻ 21 truổi này hiện đang là chủ nhân của hai chiếc điện thoại cao cấp Sony Ericssion P990i và Nokia N73 Music Edition. “Cuộc sống ngày càng hiện đại thì di động cao cấp là lựa chọn tất yếu, là thời trang và phong cách”, Khánh Hà cho biết.



    Bên cạnh công nghệ, giá cả cũng là yếu tố quan trọng. Từ đầu năm đến nay, các “đại gia” đều có những đợt giảm giá “nhẹ nhàng” đối với các loại máy ở phân khúc cao cấp, “siêu cấp” này. Tuy số tiền được giảm giá chẳng đáng là bao, vì loại giảm nhiều nhất cũng chỉ khoảng 1 triệu đồng, nhưng đây vẫn là một tín hiệu vui đối với các khách hàng Việt Nam. Có người còn cho rằng, việc giảm giá này là để đánh tụt hạng một số model từ cao cấp xuống trung cấp nhằm thu hút nhiều khách hàng hơn và đưa ra những model cao cấp mới hơn, nhiều tính năng và hợp thời trang hơn thế vào vị trí model cũ đó quả là “một mũi tên trúng hai đích”.


    Gia nhập thị trường điện thoại cao cấp tại Việt Nam từ tháng 10/2006, nhiều dòng máy cao cấp của Motorola giảm giá từ vài trăm ngàn đồng đến dưới 1 triệu đồng chỉ trong khoảng thời gian Quý I/2007. Dòng KRZR K1 được đánh giá gần như cao cấp nhất của hãng này vào thị trường cuối năm 2006 nhưng vẫn không hấp dẫn được người dùng và tụt giá tới cả triệu đồng vào đầu năm nay và xuống dòng trung cấp. Hãng điện thoại thời trang Samsung cũng giảm giá vài trăm ngàn đồng/chiếc đối với nhiều mẫu máy, đồng thời tặng kèm thẻ nhớ cho khách hàng khi mua những dòng máy cao cấp đã hạ giá.
    Không chịu thua kém các đối thủ cạnh tranh, “đại gia” Nokia cũng bước vào cuộc đua dòng điện thoại cao cấp tại thị trường Việt Nam bằng cách giảm giá sản phẩm. Một số máy thuộc N-series của hãng này đều được giảm tới vài trăm ngàn đồng/chiếc. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trào lưu giảm giá này diễn ra từ cuối tháng 3 nhằm kích cầu thị trường, sau khi thấy có dấu hiệu chững lại trong Quý I.


    Một số nhà phân tích lạc quan cho rằng, sự giảm giá và xuất hiện các sản phẩm mới của các nhà cung cấp di động sẽ tạo đà cho trào lưu thay điện thoại mới trên thị trường. Những người dùng rủng rỉnh hầu bao và yêu thích công nghệ cao sẽ có cơ hội thay thế điện thoại cũ bằng những chiếc điện thoại cao cấp hơn, nhiều tính năng hơn và nhất là với giá tiền ngày càng giảm. Giới kinh doanh cho biết, người sử dụng nhất là đối tượng business văn phòng đang ngày càng hướng đến chất lượng và ứng dụng công nghệ của điện thoại. Khách hàng cũng có xu hướng thay đổi “chú dế” của mình theo chuẩn cao cấp hơn và điều đó đồng nghĩa với việc họ ít khi dùng loại “thấp” hơn chiếc đang sử dụng. Đây sẽ là một động lực tăng trưởng lớn và tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho phân khúc cao cấp trên thị trường Việt Nam trong năm 2007.




    eCHIPMOBILE