Trong một thị trường số không còn ranh giới, những người khổng lồ như Microsoft, Apple hay Google buộc phải triệt tiêu tất cả các đối thủ còn lại, cho dù trước đây họ từng là đối tác. Mua lại Nokia với giá 7,2 tỷ USD, Microsoft coi như đặt cược trong một ván bài lớn của thị trường điện toán di động đang bùng nổ. Khi công ty Phần Lan Nokia rơi vào tay một công ty Mỹ, không còn công ty châu Âu nào sản xuất điện thoại di động nữa. Trước đó, Ericsson của Thụy Điển đã bán cho Sony của Nhật Bản (năm 2011). Alcatel của Pháp bán thương hiệu cho TCL Trung Quốc. Bằng việc thâu tóm Nokia và tham gia sản xuất phần cứng, Microsoft cạnh tranh trực tiếp với tất cả khách hàng trước đây dùng Windows Phone. Cũng giống như trước đây, Microsoft gây bất ngờ khi tung ra tablet Surfce của riêng mình, khiến các đối tác phần cứng như HP và Dell trở nên khó khăn hơn. Cùng với Google, người khổng lồ Microsoft bắt đầu thâu tóm toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm hoàn thiện cuối cùng, những hãng nhỏ hơn chắc chắn sẽ chết. AFP dẫn lời nhà phân tích Ross MacMillan của Hãng Tư vấn Jefferies, cho biết, theo thỏa thuận hợp tác trước đây, Microsoft chỉ nhận được 10 USD cho mỗi chiếc điện thoại chạy hệ điều hành Windows Phone mà Nokia bán ra. Nhưng với việc mua lại Nokia, Microsoft sẽ tăng mức lợi nhuận này lên 40 USD/chiếc trong thời gian trước mắt. Không chỉ gia tăng lợi nhuận, thương vụ mua lại Nokia được đánh giá là bước đi cần thiết của Microsoft nhằm cạnh tranh với hai đối thủ đáng gờm nhất là Google và Apple. Bởi vì, thị trường thiết bị di động (smartphone và tablet) hiện nay xoay quanh hai "hệ sinh thái": Android của Google, iOS của Apple. Mô hình của Apple là các sản phẩm của Hãng từ iPhone, iPad, iPod đến máy vi tính Macbook kết nối và chia sẻ thông tin với nhau một cách đơn giản và thuận tiện. Chiến lược này đã tạo ra "hiệu ứng halo", có nghĩa là khách hàng đã mua một sản phẩm của Apple thì phải mua các sản phẩm khác. Mô hình của Google là cung cấp Android miễn phí cho các nhà sản xuất thiết bị và Google thu lợi nhuận từ quảng cáo và quyền lực chi phối thị trường. Google và Apple hiện đang kiểm soát khoảng 92% thị trường điện thoại thông minh. Để gia tăng khả năng sản xuất phần cứng, Google cũng nhanh chân thâu tóm Motorola với giá 12,5 tỷ USD nhằm khống chế Apple trong thị trường điện thoại di động. Microsoft mắc kẹt ở giữa hai người khổng lồ này, nếu không thoát ra được, đế chế Microsft cũng sớm lụi tàn như từng diễn ra với Nokia hay BlackBerry hiện nay. Tính đến hết quý IV/2012, nền tảng di động Windows Phone của Microsoft chỉ chiếm khiêm tốn 3% thị phần, kém xa so với 20% thị phần của iPhone và hơn 70% thị phần của Android. Điện thoại di động là một lĩnh vực đầy tiềm năng, nhưng cũng là mảng yếu nhất của Microsoft. Việc Microsoft hướng về lĩnh vực phần cứng thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh của tập đoàn này. Tuy nhiên, khi Microsoft trở nên tham lam sẽ làm dấy lên kêu hỏi về độ bền vững đối với mô hình kinh doanh của nhiều tập đoàn khác. Bà Rachel Lashford , nhà phân tích của Canalys, nói: "Thương vụ này sẽ gây ra sự bất ổn cho các đối tác phần cứng của Microsoft. Việc Microsoft có khả năng tận dụng các kênh bán phần cứng của Nokia có thể đe dọa các đối tác phần cứng khác". Thương vụ này có khả năng lớn sẽ tác động tới các nhà sản xuất khác trong ngành công nghiệp, bao gồm cả Samsung, nhà cung cấp smartphone lớn nhất thế giới đang sản xuất cả laptop chạy hệ điều hành Windows của Microsoft. Google đã có tài nguyên phần cứng khi họ mua lại Motorola Mobility hồi năm 2011. Hiện nay, Microsoft, thông qua thương vụ với Nokia, sắp trở thành một nhà cung cấp phần cứng lớn. Điều này gây ra nhiều rủi ro và bất ổn hơn cho Samsung và các nhà sản xuất phần cứng khác vốn vẫn đang cố gắng phát triển khả năng phần mềm của riêng họ. Thương vụ với Nokia của Microsoft khiến Samsung cần phải làm việc vất vả hơn nữa để phát triển phần mềm riêng. Việc Microsoft thâu tóm mảng điện thoại di động của Nokia cũng gây mối lo ngại lớn cho Lenovo, hãng sản xuất PC lớn nhất thế giới đang cố gắng mở rộng trên thị trường smartphone và tablet. Trong khi Lenovo sản xuất smartphone chạy Android, họ cũng có nhiều mẫu tablet chạy Windows. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế dự báo, trong những năm tới, doanh số thiết bị di động toàn cầu sẽ giảm sút do thị trường bão hòa. Do đó, các công ty công nghệ sẽ phải dựa vào nguồn thu từ việc bán phim, nhạc, ứng dụng... thông qua "hệ sinh thái" của hãng mình. Trong một thế giới kỹ thuật số không còn ranh giới, Microsoft không còn cách nào khác tốt hơn là "tận diệt" các đối thủ quanh mình, dù trước đây từng là đối tác. Dù đánh giá đây là bước đi cần thiết của Microsoft, nhưng giới phân tích vẫn cho rằng canh bạc này là hết sức mạo hiểm. Nhà phân tích Trip Chowdry của Hãng Global Equities Research cho rằng "kẻ thắng cuộc" trên thị trường điện thoại thông minh đã được xác định: "95% thị phần đã thuộc về Google và Apple. Không có bên thứ ba nào đủ sức cạnh tranh". Theo Doanh Nhân Sài Gòn