Ở Romania, chúng ta có thể tìm thấy một thứ dường như không tưởng: Những hòn đá có thể “lớn lên” và “di chuyển”. Được gọi là “trovant”, những hòn đá kích thích trí tò mò này đã làm đau đầu vô số chuyên gia kể từ khi chúng được phát hiện. Không ai có thể nói rõ những hòn đá này lớn lên như thế nào, và làm sao mà chúng lại có thể di chuyển.
Romania được biết đến là nơi ở của ác quỷ Dracula, và một số người với trí tưởng tượng phong phú đã cho rằng sự tồn tại của những hòn đá này có liên quan đến loài ma cà rồng khát máu trong truyền thuyết. Dù đó có phải là thật hay không thì đất nước này vẫn là ngôi nhà của một trong những vật thể bí ẩn nhất hành tinh: Những hòn đá sống.
“Những hòn đá sống” được tìm thấy ở Romania. (Ảnh: Alien Policy)
Những “hòn đá sống” này có thể phát triển từ kích thước vài milimet cho đến tận 10 mét. Chúng được gọi là “trovant”, một thuật ngữ địa chất của địa phương nghĩa là xi măng, cát đá. Tên gọi này được đề xuất bởi nhà tự nhiên học người Romania, ông Gh. M. Murgoci.
Năm 2004, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Trovant đã được thành lập để bảo vệ những tác phẩm địa chất bất thường này. Bạn thậm chí có thể “trồng” một tảng đá trovant trong vườn và chờ cho nó lớn lên.
Bạn thậm chí có thể “trồng” một tảng đá trovant trong vườn và chờ cho nó lớn lên. (Ảnh: Poriborton)
Người dân địa phương cũng thường nói về những hòn đá huyền bí này như “Những tảng đá biết nảy mầm” vì sau mỗi trận mưa lại có những khối đá mới trồi lên từ lòng đất, điều này đã dẫn đến vô số câu chuyện thần thoại được tạo ra.
Mỗi lần trời mưa, những tảng đá bí ẩn bắt đầu hoạt động và lặng lẽ to ra. Những “tảng đá sống” khó hiểu này thường sống lại vào mùa xuân, sau khi tiếp xúc với những trận mưa lớn. Tuy nhiên, không chỉ có thể tự lớn lên mà chúng còn biết “bò” từ nơi này sang nơi khác.
Các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được hiện tượng này. Tuy nhiên, tờ WhenOnEarth cho rằng: “Những dòng nước giàu canxi cacbonat là cần thiết trong việc hình thành Trovant, và đó cũng là chìa khóa giúp những tảng đá ngày càng phát triển, cùng với sự góp mặt của mưa. Sau mỗi lần mưa to, trovant hấp thụ khoáng chất từ nước mưa. Các khoáng chất này sau đó sẽ kết hợp với các hóa chất có sẵn trong đá tạo thành phản ứng và một áp lực bên trong. Áp suất tự nhiên sẽ làm tảng đá phát triển kích cỡ từ trung tâm tới bề mặt của nó”.
Sau một trận mưa lớn, bề mặt của tảng đá bắt đầu mọc lên các cục đá nhỏ. Khi những cục đá này trưởng thành tới một kích cỡ nào đó, chúng sẽ rụng ra từ “tảng đá mẹ” và bắt đầu sinh trưởng thậm chí còn nhanh hơn. Các nhà khoa học còn khẳng định rằng những tảng đá này có khả năng hô hấp, nhưng quá trình này vô cùng chậm chạp, mỗi nhịp thở có thể mất tới hai tuần.
Sau một trận mưa lớn, bề mặt của tảng đá bắt đầu phát triển các cục đá nhỏ. Khi những cục đá này trưởng thành tới một kích cỡ nào đó, chúng sẽ rụng ra từ “tảng đá mẹ” và bắt đầu sinh trưởng thậm chí còn nhanh hơn. (Ảnh: The Ancient Ones)
Nhưng có lẽ khả năng thú vị nhất mà các tảng đá trovant sở hữu là khả năng di chuyển 2,5 milimet trong vòng hai tuần. Một số nhà nghiên cứu giải thích về khả năng di chuyển của các tảng đá này là do tác động của một số từ trường lạ, do sự can thiệp của người ngoài hành tinh hoặc do những vòng xoáy năng lượng khó hiểu ở khu vực gần đó.
Nhiều người tin rằng những tảng đá bí ẩn xuất hiện từ những trận động đất đã làm rung chuyển khu vực này cách đây 6 triệu năm.
Một điều ngạc nhiên là khi các nhà khoa học cắt đôi một tảng đá, bên trong chúng ngoài cát và muối khoáng, họ còn phát hiện những vòng tròn kỳ lạ, giống như khi bạn cắt một khúc cây, những vòng tròn đại diện cho tuổi tác của chúng. Điều này đã khiến nhiều học giả và chuyên gia cho rằng những viên đá trovant có thể là một “hình thức sự sống vô cơ” chưa được biết đến.
Khi các nhà khoa học cắt đôi một tảng đá, bên trong chúng ngoài cát và muối khoáng, họ còn phát hiện những vòng tròn kỳ lạ, giống như khi bạn cắt một khúc cây, những vòng tròn đại diện cho tuổi tác của chúng. (Ảnh: Pinterest)
Trên Trái Đất người ta cũng ghi nhận được các tảng trovant với niên đại khác nhau ở Nga, Siberia, và Wyoming, Mỹ. Chúng cũng có mặt ở dãy núi Karpat.
Ngày nay, Bảo tàng Trovant ở Romania đã trở thành một di sản được UNESCO bảo vệ.
Ngọc Thuần