Hôm nay (4/6), kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV bước vào tuần làm việc với nội dung được xem là sổi nổi nhất trong mỗi kỳ họp, đó là chất vấn.
Khai mạc phiên chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội nhận xét, hoạt động này vừa qua đã có nhiều đổi mới, tác động tới hoạt động các ngành, địa phương khắc phục những hạn chế, bất cập; được cử tri cả nước đánh giá cao.
Theo quy định, mỗi lượt chất vấn sẽ có 3 đại biểu đặt câu hỏi, thời lượng hỏi 1 phút và người trả lời chất vấn có tối đa 3 phút để giải trình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Báo cáo trước Quốc hội sáng 4/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Giao thông vận tải là ngành kinh tế đặc biệt, được người dân quan tâm. Giao thông vận tải phải thực hiện chức năng đi trước mở đường. Thời gian qua, Bộ nhận được rất nhiều câu hỏi của cử tri và đại biểu Quốc hội.
Trong thời gian vừa qua, Bộ luôn nỗ lực thực hiện nghị quyết của Đảng Nhà nước về kết cấu giao thông vận tải. Nhưng do nguồn ngân sách có hạn, công tác tổ chức, đảm bảo GTVT có nhiều bất cập. GTVT không phát triển đồng đều giữa các vùng miền, vùng núi còn khó khăn.
Giao thông vận tải luôn là nhu cầu rất lớn của địa phương nhưng nguồn vốn ít dẫn đến chỉ đáp ứng được một phần. Một số lĩnh vực như đường sắt trong một thời gian dài chưa được quan tâm đúng mức. Đường sắt đang kém phát triển nhất trong các loại hình giao thông.
Tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp. Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ đã vào cuộc quyết liệt. Tai nạn giao thông giảm cả số vụ, số người chết và bị thương nhưng số người chết vì tai nạn giao thông còn cao. Năm 2017 là trên 8.000 người. Tôi cho rằng cần có biện pháp đột phá để giảm thiểu tai nạn giao thông.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết để phát triển hạ tầng giao thông, ngoài nguồn vốn Nhà nước và vốn vay, từ năm 2009 đến nay ta đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư theo hình thức BOT. Đây là chủ trương đúng, phù hợp với yêu cầu hiện nay vì ngân sách hạn chế, nợ công ở mức cao.
Việc thực hiện triển khai quyết liệt nhưng qua thời gian, ngoài tạo động lực phát triển kinh tế xã hội thì việc quản lý, đấu thầu, khai thác các dự án BOT còn bất cập và vấn đề này được xã hội đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc khai thác các dự án BOT được dự luận quan tâm vì tồn tại nhiều vấn đề. Bộ GTVT cùng nhiều bộ ngành tiếp thu và rà soát.
“Chúng tôi đang rà soát để thay đổi tên gọi trạm BOT cho đúng với bản chất. Chúng tôi sẽ cố gắng sớm nhất báo cáo Chính phủ tên mới Với những yếu kém của ngành, thay mặt Bộ GTVT, chúng tôi thành thật xin nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Trước báo cáo của Bộ trưởng Thể về tên gọi trạm BOT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: Việc đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí tôi thấy không cần phải nghiên cứu và trình. Tôi thấy trở về tên cũ là được, đợi trình Chính phủ lâu lắm!

Ngày 2/6, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng GTVT đã báo cáo về vấn đề dư luận quan tâm là tên gọi của các trạm thu phí giao thông BOT, Xin được nghiên cứu tiếp để đưa ra tên gọi phù hợp.Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết phí giao thông BOT cũng tương tự như học phí và viện phí. Trong đó, viện phí dù đã được điều chỉnh để tiếp cận giá trị trường nhưng vẫn có tên gọi như vậy nên không việc gì phải đổi tên để tạo tâm lý không tốt trong người dân. Quan điểm của Bộ Công an cũng là nên giữ tên gọi là “trạm thu phí BOT”.Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân, tiếp tục nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, không sử dụng tên “trạm thu giá”.

Hương Nguyễn (t/h)