Ảnh minh hoạ.
Thông tin trên TTXVN, đại diện Cục Viễn thông cho biết, quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP nêu rõ, doanh nghiệp viễn thông có 12 tháng (kể từ ngày Nghị định được ban hành – 24/4/2017) để rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ của mình có thông tin thuê bao chưa tuân thủ theo đúng quy định đến cập nhật, bổ sung thông tin. 
Theo đó, ngày 24/4/2018 là mốc doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định này. 
Nghị định 49 quy định rõ quy trình thông báo cho các thuê bao đến bổ sung thông tin, tạm dừng cung cấp dịch vụ (đối với các thuê bao không thực hiện). Cụ thể, với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, doanh nghiệp phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin thuê bao.
Trong trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện

Tiếp theo, nhà mạng tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều đồng thời thông báo thuê bao sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.
Nhà mạng phải huỷ hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện.
“Như vậy, không có nghĩa rằng sau mốc thời gian 24/4, toàn bộ các thuê bao chưa cập nhật thông tin sẽ bị khóa 1 chiều, 2 chiều hay bị chấm dứt cung cấp dịch vụ. Thuê bao sẽ chỉ bị khóa, chấm dứt cung cấp dịch vụ nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin thuê bao khi đã nhận được thông báo từ doanh nghiệp theo quy trình như trên,” nguồn tin này dẫn lời đại diện Cục Viễn thông cho biết.

Nhân viên nhà mạng lấy số CMTND khách hàng để kích hoạt sim bán cho người khácTrước đó, nhiều khách hành phản ánh tình trạng nhiều thuê bao khi kiểm tra thông tin cá nhân (soạn TTTB gửi 1414 với tất cả các mạng) vô tình phát hiện mình là chủ thuê bao lạ, dù trước đó không hề đăng ký thông tin cá nhân cho số thuê bao trên, cũng không biết đến sự tồn tại của thuê bao. Nhiều khách hàng bày tỏ lo lắng, việc vô tình làm chủ số lạ sẽ khiến họ vướng vào rắc rối nếu số thuê bao kia được sử dụng vào mục đích xấu như đe dọa, tống tiền, xúc phạm người khác…Báo Tiền phong thông tin, giải thích nguyên nhân của tình trạng này, đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, quá trình kiểm tra phát hiện thực tế, vì lợi nhuận, doanh thu và cũng vì tổ chức thực thi chưa thật nghiêm nên một số nhân viên của các doanh nghiệp và đặc biệt các đại lý phân phối sim thẻ, điểm đăng ký thông tin thuê bao đã giả mạo thông tin thuê bao, lấy chứng minh nhân dân của người này gắn vào số thuê bao bán người khác mà không cần có người thực đến đăng ký sử dụng dịch vụ. Thậm chí, đại lý, nhân viên nhà mạng còn sử dụng phần mềm, công nghệ để tạo ra chứng minh nhân dân giả, để hoà mạng các sim di động. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc một số cá nhân khi kiểm tra thông tin thuê bao sẽ phát hiện mình là chủ thuê bao của nhiều số mà thực tế họ không đăng ký.

Hương Nguyễn (t/h)