Tính năng thanh toán trước GrabPay Credits. Ảnh chụp màn hình

Anh T.Dũng (Hà Nội) một khách hàng thường xuyên đi Grab vừa thực hiện xong thao tác nạp tiền vào ví GrabPay với số tiền 300.000 đồng để thực hiện các chuyến đi rẻ hơn so với số tiền thực tế anh phải trả.
Thao tác thực hiện nhanh chóng và chỉ cần khách hàng có tài khoản thẻ ATM. Anh Dũng cho biết: “Không chỉ được khuyến mại rẻ hơn, sử dụng GrabPay cũng tiện dụng hơn bởi khi xuống xe không cần phải tìm tiền lẻ để trả cho tài xế, đặc biệt là với các cuốc xe ngắn”. Anh Dũng cũng như rất nhiều người dùng gần đây đang bị thu hút bởi sự hấp dẫn mà GrabPay mang lại.
Tính năng thanh toán trước chuyến đi, không cần tiền mặt Grabpay Credits được Grab ra mắt tại thị trường Việt Nam vào hồi tháng 3 năm ngoái. Tính năng này được tích hợp ngay trên ứng dụng Grab, giúp khách hàng tùy chọn lưu giữ tài chính không dùng tiền mặt, cho phép nạp thêm tiền qua nhiều nguồn tài chính khác nhau để có thể thanh toán các chuyến đi Grab.
Ngay từ khi ra mắt, Grab Việt Nam cho hay dù giá tiền các chuyến đi Grab khi bạn trả thẻ và trả bằng tiền mặt là như nhau. Tuy nhiên, Grab thường xuyên áp dụng các chương trình khuyến mãi cho Grabbers thanh toán thẻ.
Đây được xem tính năng được nhiều người dùng ưa thích bởi khách hàng có thể nạp thêm tiền vào tài khoản dùng trả truớc thông qua thẻ Visa, Master hoặc tính năng Internet banking của các ngân hàng mà không mất phí. Tại Việt Nam, hiện nay khách hàng có thể nạp vào GrabPay Credits bằng thẻ Master và Visa, hoặc qua tính năng Internet banking từ 9 ngân hàng: ACB, BIDV, Maritime Bank, MB Bank, Sacombank, Techcombank, Vietcombank, Đông Á và Viettinbank.
Kể từ khi ra mắt, Grab luôn khuyến mại cho khách hàng sử dụng tính năng này bằng việc tặng thêm giá trị thẻ nạp đối với khách hàng nạp thẻ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, thay vì gửi mã khuyến mại cho tất cả các khách hàng sử dụng ứng dụng thì Grab đang nhắm đến GrabPay khi rót tiền khuyến mại liên tục cho tính năng nạp tiền trước GrabPay Credits.

Ở thời điểm hiện tại, tất cả các chuyến xe nếu thanh toán qua GrabPay đều được giảm giá 10.000 đồng so với số tiền thực tế. Đó là chưa kể, khách hàng sử dụng tính năng này liên tục được nhận các mã khuyến mại nhiều hơn, tốt hơn so với các khách hàng trả tiền mặt. Đây cũng là điều hút khách hàng tại Việt Nam “móc hầu bao” trả tiền trước cho các chuyến đi của mình.
Trong lần trả lời phỏng vấn của ICTnews khi Uber rời Việt Nam nhường sân cho Grab, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group cho rằng: “Các tổ chức tài chính, Fintech hãy nên lo ngại khi Grab chuyển sang lĩnh vực này”.
Trên thực tế thì Grab có nền tảng vững chắc để triển khai các dịch vụ thanh  toán bởi đang nắm giữ trong tay lượng khách hàng thường xuyên, đông đảo khi nền tảng gọi xe này không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn ở tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á.
Theo thông tin từ Grab, tính đến tháng 10 năm ngoái, Grab đang có mặt tại 7 quốc gia Đông Nam Á và có mạng lưới giao thông đường bộ lớn nhất tại khu vực này với hơn 2 triệu đối tác tài xế. 
Grab cũng là một trong những nền tảng di động được sử dụng nhiều nhất trong khu vực trên 68 triệu lượt tải ứng dụng trên các thiết bị di động và hơn 3,5 triệu chuyến xe mỗi ngày. Grab hiện chiếm 95% thị phần ứng dụng đặt xe taxi truyền thống và 72% thị phần ứng dụng đặt xe công nghệ tại Đông Nam Á.
Còn tại Việt Nam, Grab đang chiếm lĩnh hầu hết thị phần gọi xe công nghệ. Theo con số thống kê của Bộ GTVT thì cuối năm 2017, có khoảng gần 30.000 tài xế tham gia vào mạng lưới của Grab ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội. Đó là khi Uber vẫn còn hoạt động. Đây chính là một nền tảng vững chắc để Grab mở rộng hàng loạt các dịch vụ mới của mình trong lĩnh vực tài chính.
Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam gần đây cũng cho biết: Khởi đầu bằng dịch vụ kết nối vận chuyển, đến nay Grab đang trở thành một nền tảng ứng dụng tiêu dùng toàn diện trên khắp Đông Nam Á. Grab không phải là nhà cung cấp dịch vụ taxi, mà là một công ty công nghệ cung cấp hàng loạt các dịch vụ tiêu dùng khác nhau. “Vẫn còn rất nhiều điều mà một công ty công nghệ có thể làm để cải thiện cuộc sống của người dân Việt Nam, từ thanh toán, cho vay, bảo hiểm, giao nhận thức ăn cho đến logistics. Và Grab sẽ mang những dịch vụ tiêu dùng này đến Việt Nam ngay trong năm 2018”.

Duy Vũ