Hãy cùng xem Tik Tok là gì và tại sao đây là ứng dụng phổ biến nhất thế giới trong ba tháng đầu năm nay.
Tik Tok là gì?
Có tên gốc là Douyin (hay vibrato, tức “rung động” trong tiếng Anh), Tik Tok là mạng xã hội video âm nhạc được phát hành bởi app tin tức Jinri Toutiao sáng lập năm 2016 tại Trung Quốc.
Hầu hết video trên Tik Tok có thời lượng ngắn khoảng vài giây đến 15 giây, tương tự cách mà Vine hoạt động trước khi bị đóng cửa. Nhưng điểm khác biệt của Tik Tok nằm ở khả năng chỉnh sửa, nhiều hiệu ứng độc đáo và đặc biệt là kho nhạc phong phú để lồng vào video, tạo ra những đoạn “hát nhép” cực kỳ ấn tượng và thu hút tùy theo phong cách mỗi người.
Đây là một số video bạn có thể thấy trong Tik Tok:

Tik Tok có dễ gây nghiện không?
Có lẽ một trong những tính năng quan trọng nhất của Tik Tok lại là… người xem. Khác với những nền tảng như YouTube, video chỉ phát khi nhấn nút Play thì với Tik Tok, bạn chỉ cần vuốt giữa các clip và nội dung sẽ được phát tự động. Khi một nội dung nào đó không đủ thú vị hay lôi cuốn, chỉ cần chuyển sang nội dung tiếp theo bằng cách cuộn nhanh trên màn hình.
Thực tế, theo các nhà nghiên cứu và quản lý thì Tik Tok có thể gây nghiện. Chỉ mới tháng trước, Tik Tok buộc phải bổ sung tính năng cảnh báo người dùng nếu sử dụng chỉ để xem nội dung trong 90 phút liên tục.
Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản tốc độ tăng trưởng khủng khiếp của Tik Tok. Theo thống kê của Sohu, số lượng người dùng hoạt động hàng ngày trên Tik Tok trong tháng 2 vừa rồi là 66 triệu người dùng. Hơn nữa, thống kê từ Sensor Tower cho biết Tik Tok đã vượt mốc 45 triệu lượt tải về trong 3 tháng đầu năm nay, đứng vị trí số 1 trong danh sách ứng dụng tải về nhiều nhất trên App Store trong quý 1/2018.

Một con số không tệ cho ứng dụng được phát triển chỉ trong vòng 200 ngày bởi một đội ngũ tám người ở ByteDance, công ty mẹ của Jinri Toutiao.
Sự phổ biến của Tik Tok có thể kéo dài không?
Tuy nhiên, thành công như vậy chưa chắc đã là suôn sẻ với Tik Tok. Theo Technode, ngoài việc dễ gây nghiện, ứng dụng còn bị chỉ trích hồi đầu năm vì bị cho là cấm nhân vật hoạt hình Peppa Pig xuất hiện trên nền tảng của mình. Nhà phát triển của Tik Tok sau đó phủ nhận mọi cáo buộc.
Câu chuyện trên đã phản ánh những vấn đề mà một ứng dụng bỗng chốc “nổi như cồn” có thể đối mặt bên cạnh sự kiểm duyệt gắt gao về nội dung trên internet của chính quyền Trung Quốc. Mới đầu năm nay một ứng dụng video ngắn khác cũng của ByteDance là Neihan Duanzi đã bị đóng cửa vì bị cho là truyền bá “nội dung phản cảm”.
Với việc đứng đầu bảng xếp hạng trên App Store cho ứng dụng được tải về nhiều nhất quý 1/2018, hãy xem Tik Tok có thể tiếp tục sự phổ biến của mình bên cạnh chính sách kiểm duyệt nội dung của Trung Quốc hay không.
Phúc Thịnh