Chúa tể của các loài hoa Bông hoa khổng lồ. Một ngày nào đó, lang thang trong rừng mưa nhiệt đới của Malaysia và Indonesia, bạn có thể sẽ sửng sốt khi đập vào mắt bạn là một bông hoa chói lọi, khổng lồ với đường kính gần…1 mét. Đó là Rafflesia, một dạng hoa loa kèn lớn nhất thế giới. Thật kỳ lạ, từ “báu vật của tạo hoá này”, có thứ mùi kinh khủng không ngừng bốc ra - mùi thịt thối. Dân địa phương do vậy gọi nó là hoa xác chết. Tuy vậy, thứ mùi đó lại có vai trò sống còn với hoa rafflesia, chúng hấp dẫn ruồi nhặng đến làm chức năng thụ phấn. Tên đầy đủ của loài hoa này là Rafflesia arnoldi. Hoa mọc ngay trên mặt đất, đường kính tới 1m, màu đỏ chói lọi. Cây Rafflesia là một loại cây ký sinh, dạng sợi, đường kính thân bé như sợi chỉ. Thật ngược đời, hoa của cây to bao nhiêu thì thân cây lại bé bấy nhiêu. Rafflesia chui vào các mô rễ của một cây chủ có dạng thân leo và hút chất dinh dưỡng từ đó. Nó không có lá, không có cuống, không có rễ. Cuối cùng, cái vi thể ăn bám nhỏ bé đó sẽ tạo ra một cái nướu, to dần lên thành hình một chiếc bắp cải. Chính cái “bắp cải” này về sau sẽ nở ra bông hoa khổng lồ Rafflesia arnoldi, mọc ngay trên mặt đất. Các hạt của cây Rafflesia rất nhỏ, được bọc trong một lớp vỏ cứng. Các nhà khoa học cho rằng chính các động vật đã truyền hạt này đi xa khi đi lang thang trong rừng. Hạt giắt vào móng chân của chúng và thế là được tha đi khắp nơi. Loài Rafflesia đầu tiên và lớn nhất được phát hiện ở đảo Sumatra. Các nhà khoa học đã lấy tên người phát hiện ra nó, một người châu Âu có tên Thomas Stamford Rafflesia, cũng là người đã thành lập nước Singapore ngày nay, đặt cho cây. Từ đó đến nay, người ta đã đặt tên cho hơn 12 loài Rafflesia khác. Không phải mọi loài Rafflesia đều có mùi thối rữa của thịt thối. Ở Indonesia cũng có loài cây này, người dân gọi là bunga patma, có nghĩa là hoa sen.
Làm thế nào để bay khỏi trái đất? Vệ tinh phải đạt tốc độ 16,7 km/giây mới tới được hành tinh khác. Khi bạn đá quả bóng hay bắn viên đạn lên trời, dù cao đến đâu, rồi chúng cũng rơi xuống đất. Tại sao chúng không lên cao mãi và “đi luôn” nhỉ ? Đơn giản là tất cả các vật thể quanh trái đất đều không thể “chạy trốn” khỏi sức hút của nó. Vậy mà các vệ tinh nhân tạo và phi thuyền không gian vẫn có thể bay quanh trái đất rất nhiều ngày mà không bị rơi? Muốn giải thích điều này, trước tiên chúng ta hãy làm một thí nghiệm đơn giản: Buộc một vật nặng vào đầu dây, cầm chắc đầu kia sợi dây và quay mạnh. Tay bạn sẽ cảm thấy có một lực kéo căng ra các phía. Tốc độ quay càng nhanh, lực kéo đi ra càng mạnh. Lực kéo đó gọi là lực ly tâm. Một lực khác của sợi dây giữ chặt vật nặng và bắt nó quay tròn, gọi là lực hướng tâm. Lực ly tâm và lực hướng tâm tuy ngược nhau nhưng cân bằng và tác động vào hai vật thể (sợi dây và vật nặng). Mọi vật khi chuyển động tròn đều bị tác động của lực hướng tâm. 11,2 km/ giây mới thắng sức hút trái đất Khi bay, vệ tinh nhân tạo cũng chịu tác dụng của lực hướng tâm do sức hút của trái đất sinh ra. Nếu vệ tinh có tốc độ nhỏ, lực hướng tâm cần thiết không đủ lớn, thì sức hút này không những buộc vệ tinh nhân tạo phải bay quanh mà còn kéo nó trở lại trái đất. Chỉ khi vệ tinh nhân tạo bay với tốc độ cực lớn, đến mức lực hướng tâm hoàn toàn dùng vào chuyển động tròn của vệ tinh thì nó mới không bị rơi. Theo tính toán khoa học, để khả năng này không xảy ra, vệ tinh nhân tạo phải đạt tốc độ 7,9 km/giây và phải bay theo hướng ném văng ra khỏi mặt nước. Tốc độ này được gọi là “tốc độ vũ trụ 1”. Tuy vậy, ngay cả ở tốc độ này, do gặp phải lớp không khí mỏng ngoài trái đất, vệ tinh sẽ chuyển động chậm dần và cuối cùng rơi vào tầng khí quyển đậm đặc, cọ sát nóng lên và bốc cháy. Để khắc phục hiện tượng đó và "thoát ly" khỏi trái đất, vệ tinh phải đạt tốc độ 11,2 km/giây, khi đó nó sẽ trở thành vệ tinh nhân tạo. Tốc độ này còn gọi là “tốc độ thoát ly” hoặc “tốc độ vũ trụ 2”. Nếu muốn bay tới các hành tinh khác, vệ tinh cần đạt tốc độ 16,7 km/giây. Tốc độ này là “tốc độ vũ trụ 3”.
Bí mật của kính đổi màu (liên quan tới Hóa học 1 tí) Bạc clorua, chìa khoá của kính đổi màu. Không cần khư khư thêm một cặp kính râm khi ra trời nắng, chỉ bằng một chiếc kính có khả năng biến màu, mọi việc với bạn sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nguyên do các mắt kính được chế tạo từ loại thuỷ tinh có đặc điểm có thể thay đổi màu. Trong khi chế tạo loại thuỷ tinh này, người ta thêm vào nguyên liệu natri cabonat, canxi cacbonat và silic oxit một muối bạc clorua làm thành phần cảm quang, một lượng nhỏ đồng làm chất tăng nhạy, sau đó đem nung chảy. Bạc clorua khi gặp ánh sáng bị phân giải thành bạc kim loại ở dạng hạt rất bé, làm cho mắt kính bị sẫm màu, độ trong suốt của mắt kính thay đổi tương đối nhiều. Nhưng tại sao kính đổi màu lại trở thành bình thường? Cũng là ở khâu chế tạo mắt kính. Người ta đã cho thêm vào vật liệu tạo mắt kính một chất keo làm sáng, có tác dụng khi không có ánh sáng mặt trời chiếu sẽ khiến cho cho bạc và clo tác dụng trở lại thành bạc clorua, làm cho màu mắt kính bị mất và trở lại bình thường. Loại kính biến màu này có thể làm kính bảo vệ cho công nhân hàn điện. Khi đeo loại kính này bảo vệ này, trước khi có lửa hàn, người công nhân có thể nhìn rõ vật liệu hàn và chỗ cần hàn. Khi tia lửa hàn bật cháy, do ánh sáng mạnh của tia lửa hàn, kính bảo vệ đổi màu tránh cho mắt bị tia lửa kích thích. Kính chắn gió của ô tô, các cửa sổ của các công trình lớn nếu được làm bằng kính đổi màu đều có tác dụng rất tốt trong đảm bảo an toàn, không hại mắt và hỗ trợ cho điều hoà không khí.
Vì sao tàu thuyền cập bến ngược dòng nước? Xe đạp có phanh, ô tô và xe lửa cũng có phanh, thế nhưng bạn có biết tàu thuyền có phanh không? Có đấy, nhưng là gián tiếp nhờ vào sức cản của nước khi "lội" ngược dòng. Nếu ngồi tàu thuỷ bạn sẽ phát hiện một hiện tượng rất thú vị: Khi tàu muốn cập bến, nói chung phải đưa mũi tàu ngược với hướng nước, từ từ đi xiên vào bến, sau đó mới cập bến một cách an toàn. Nước sông chảy càng xiết, hiện tượng này càng rõ rệt. Bạn có thể chú ý đến điều sau đây, ở những con sông lớn tàu chạy xuôi dòng, khi muốn cập bến, nó không thể cập bến ngay lập tức mà phải vòng một vòng lớn làm cho tàu chạy ngược với hướng nước chảy, sau đó mới từ từ cập bến. Ở đây có một đề toán đơn giản, bạn thử làm xem. Giả sử tốc độ nước chảy mỗi giờ là 3 km, khi tàu cập bến dù động cơ đã ngừng hoạt động nhưng tốc độ của tàu vẫn còn là 4 km/giờ, nếu lúc đó thuận dòng nước thì mỗi giờ chiếc tàu đi được mấy km? Nếu đi ngược dòng nước thì là bao nhiêu? Bạn có thể trả lời bằng miệng ngay bài toán trên, đó là: Thuận dòng nước mỗi giờ tàu đi được 7 km, ngược dòng nước mỗi giờ tàu đi được 1 km. Để thuyền dừng lại bến thì tốc độ nhanh tới 7 km/giờ dễ dừng lại hơn hay là tốc độ chậm chỉ có 1 km/giờ dễ dừng lại hơn. Rõ ràng là càng chậm thì càng dễ dừng lại mà cập bến. Như vậy xem ra để cho tàu thuyền ngược dòng nước tới gần bến, chính là để lợi dụng sức cản của dòng nước tới thân tàu mà có một phần tác dụng “phanh”. Ngoài ra, ở tàu thuyền còn đặt thêm các thiết bị và động lực “phanh”, ví dụ: khi tàu thuyền cập bến hoặc trên đường đi gặp tình huống khẩn cấp cần phải dừng chạy thì có thể thả neo, đồng thời máy chính còn có thể lợi dụng việc chạy lùi để có tác dụng “phanh”.
Vì sao cua đi ngang? Con gì 8 cẳng 2 càng...?Hãy úp sấp bàn tay của bạn xuống mặt bàn và tưởng tượng rằng đó là một… nửa con cua. Mu bàn tay là mai cua, các ngón tay của bạn là chân cua. Di chuyển tay về phía trước. Bây giờ hẳn bạn đã hình dung ra cách cua đi ngang. Loài cua được bọc trong một bộ xương ngoài có tác dụng bảo vệ chúng trước kẻ thù. Tuy nhiên, cái giá phải trả là các chân trên của chúng bị hạn chế cử động. Càng tiến hóa nhiều, xương ngoài của cua càng có tác dụng bảo vệ hơn và chân cử động càng ít hơn. Trông thì buồn cười thật, nhưng có thế cua mới sống được. Cụ thể, chân cua gắn vào mình nó, cũng giống như ở con người chúng ta vậy. Song thật không may cho anh chàng “8 cẳng 2 càng” này là trong khi tay người có rất nhiều khớp (vai, khuỷu tay, cổ tay và ngón tay) cho phép chúng ta cử động được thoải mái thì cua lại có rất ít khớp. Và các khớp chân ấy cũng không được linh hoạt lắm. Chúng chỉ hơi gập lại theo hướng trước - sau. Để dễ hiểu, bạn cứ hình dung như thế này: Chân cua cũng tương tự như ngón tay người, chỉ có thể di chuyển dọc mà rất hạn chế theo chiều ngang. Như vậy, cua đi ngang là do nó đã chấp nhận hy sinh sự linh hoạt của chân, đổi lại được bảo vệ khỏi kẻ thù.
Trâu... mà lại là bò Gấu túi không phải là gấu. Trong tự nhiên, tên của các loài được con người đặt theo hình dáng, địa điểm tìm thấy hay đơn giản chỉ là theo thói quen. Và từ thói quen ấy, những cái tên “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” đã ra đời… - Trâu châu Mỹ (American buffalo) không phải là trâu, chúng đích thực là một loài bò rừng. - Đại bàng đầu hói (Bald eagle) ở Bắc Mỹ chẳng hề hói chút nào. Vùng lông trắng trên đầu khiến chúng trông xa như hói vậy. Chó đồng cỏ là loài gặm nhấm. - Gấu túi (Koala) không có "họ hàng" gì với các loài gấu. Chúng chỉ là một loài thú có túi định cư ở lục địa Australia, sống chót vót trên các cây bạch đàn, một trong các loại cây cao nhất thế giới. - Rồng Komodo (Komodo dragon) tuy được mệnh danh là rồng, nhưng thật ra, chúng là một loài thằn lằn lớn, sống ở Indonesia. - Chó đồng cỏ (prairie dog) thực ra là một loài gặm nhấm tương tự như sóc.
Một tấn gỗ và một tấn thép, thứ nào nặng hơn? Một tấn thép nhẹ hơn một tấn gỗ.Nếu có người trả lời “1 tấn gỗ nặng hơn”, mọi người sẽ cười ầm lên. Thực ra, nói một cách nghiêm túc, câu trả lời đó là chính xác. Trọng lượng thực của một tấn gỗ nặng hơn trọng lượng thực của 1 tấn thép vào khoảng 2,3 kg. Bình thường khi chúng ta nói 1 tấn thép là chỉ một đống thép cân trong không khí vừa đúng nặng 1 tấn. Giả dụ có một cái cân đĩa rất lớn, chúng ta lần lượt đặt đống thép và đống gỗ lên hai đĩa cân của nó thì kết quả cân được của chúng trong không khí là vừa bằng nhau. Tuy nhiên trong không khí, gỗ và thép cũng chịu tác dụng của lực đẩy Acsimet. Lực này làm mất đi một phần trọng lượng của chúng. Theo nguyên lý, trọng lượng mà vật thể mất đi bằng trọng lượng của không khí mà vật thể chiếm chỗ, hay bằng trọng lượng không khí có cùng thể tích với nó. Muốn tính trọng lượng thực của gỗ và thép thì phải cộng thêm phần trọng lượng mất đi đó. Trong bài toán này, trọng lượng thực của gỗ phải bằng 1 tấn cộng thêm trọng lượng không khí có thể tích bằng thể tích tấn gỗ đó và trọng lượng thực của thép bằng 1 tấn cộng thêm trọng lượng không khí có thể tích bằng thể tích tấn thép đó. 1 tấn thép có thể tích vào khoảng 1/8 mét khối, 1 tấn gỗ vào khoảng 2 mét khối. Ở nhiệt độ bình thường (200C), trọng lượng không khí mà chúng choán chỗ chênh lệch nhau gần 2,3 kg. Vì thế trọng lượng thực của một tấn gỗ nặng hơn trọng lượng thực của 1 tấn thép vào khoảng 2,3 kg.
Một mét dài bao nhiêu? Mét chuẩn được đo bằng bước sóng. Một mét bằng năm viên gạch lát sàn... Một em nhỏ cũng có thể dễ dàng thực hiện phép tính "hiển nhiên" này. Còn bạn, có thể bạn sẽ ngạc nhiên mà trả lời rằng "1 m thì bằng 1 m chứ sao?". Nhưng đó vẫn chưa phải là lời giải đáp chính xác! Khi nghiên cứu bản chất của ánh sáng, các nhà vật lý phát hiện được rằng ánh sáng là một dạng chuyển động sóng. Ánh sáng có màu sắc khác nhau thì bước sóng cũng khác nhau, hơn nữa bước sóng là cực kỳ ổn định. Dùng bước sóng làm chuẩn độ dài có những ưu việt không gì sánh nổi. Vì vậy tại Hội nghị Cân đo Quốc tế khoá 11 tháng 10/1960, người ta chính thức quy định độ dài tiêu chuẩn của mét bằng 1.650.763,73 lần bước sóng của sóng màu da cam do Kripton 86 phát ra trong chân không. Đơn vị mét qua các thời kỳ Thời cổ đại các nước đều có đơn vị độ dài riêng của mình mà các triều đại thì lại thường thay đổi. Những cái thước thay đổi nhiều đã gây không ít khó khăn cho việc chế tạo máy móc chính xác. Sau cuộc cách mạng công nghệ thế kỷ 18, khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng đã buộc các nhà khoa học phải tìm bằng được một tiêu chuẩn độ dài thống nhất quốc tế, có thể duy trì được trong một thời gian dài không thay đổi. Các nhà khoa học thời đó cho rằng độ lớn của trái đất là không thay đổi. Năm 1790, giới khoa học Pháp đã đo đường kinh tuyến của trái đất, nêu ra chuẩn độ dài là một phần mười triệu đoạn đường kinh tuyến từ xích đạo qua Paris đến Bắc cực và gọi đó là 1“mét”. Căn cứ vào độ dài đó người ta dùng platin chế tạo ra chiếc thước dài 1 mét chuẩn đầu tiên. Năm 1889, Hội nghị Cân đo Quốc tế đã chính thức thông qua “chuẩn gốc quốc tế” của mét. Đó là thanh hợp kim platin - iridi tiết diện hình chữ X, có độ dài bằng một phần bốn mươi triệu đường kinh tuyến trái đất. Bản "gốc" này được cất giữ tại Viện Cân đo Quốc tế ở Paris. Các bản sao mét tiêu chuẩn do các nước làm lại phải được định kỳ đưa đến Pari để đối chiếu với chiếc thước mét tiêu chuẩn. Chưa hoàn hảo Sử dụng một thời gian, các nhà khoa học lại nhận thấy chiếc thước mét ở Paris vẫn còn nhiều nhược điểm: Thứ nhất, nó không cố định. Để giữ được độ chính xác suốt năm phải để nó ở trong phòng có nhiệt độ không đổi, không cho ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào. Nếu áp suất bên ngoài thay đổi 1013 bar thì nó có thể co giãn 2 phần vạn milimét. Thứ hai, hợp kim platin - iridi cũng không tránh khỏi hiện tượng nóng giãn, lạnh co. Do vậy, thước không đáp ứng được việc đo lường rất nhiều chi tiết đòi hỏi chính xác cao như hiện nay. Chẳng hạn linh kiện của máy dẫn đường tàu vũ trụ, nếu chỉ sai một milimet cũng đủ làm cho hành trình “sai ngàn dặm”. Cuối cùng, thước dù chế tạo bằng kim loại nhưng dần dần cũng không tránh khỏi bị ăn mòn, hư hỏng. Nếu chuẩn gốc quốc tế bị hư hỏng thì không thể chế tạo được những thước khác hoàn toàn giống như cũ. Do vậy, các nhà khoa học đã chuyển sang một dạng đơn vị có thể "bất biến" hơn. Đó là bước sóng ánh sáng. Vì sao phải có đơn vị độ dài chặt chẽ và thống nhất như vậy? Xin lấy một ví dụ, trong nhà máy, một chiếc máy phức tạp có không dưới mấy ngàn chi tiết, muốn đem hàng ngàn chi tiết đó lắp thành một chiếc máy để nó hoạt động bình thường thì khi chế tạo và kiểm nghiệm phải sử dụng các dụng cụ đo đảm bảo độ chính xác của các chi tiết. Nếu như không có một đơn vị đo độ dài thống nhất, thì không có cách gì hoàn thành được công việc đó. Tiến bộ của khoa học không bao giờ có giới hạn, việc nâng cao độ chính xác của đơn vị đo độ dài sẽ còn tiếp tục.
10 sinh vật nguy hiểm có thể bạn chưa biết Ếch Mũi tên độc nổi bật vì có màu xanh rất đẹp. Đẹp rực rỡ như viên ngọc xanh, con ếch bé xíu đứng ngó nghiêng trên chiếc lá khoai đỏ sậm. Trông "ngơ ngẩn" vậy thôi, nhưng nếu bạn đánh nó, nó sẽ cho bạn "biết tay" ngay, bởi đây chính là loài ếch ghê gớm nhất. Chất độc dưới da nó đủ để làm bạn bị thương nặng. 1. Ếch Mũi tên độc: Một trong những loài lưỡng cư có khả năng tiết độc tố từ các tuyến trong da. Tại sao nó lại có cái tên như vậy? Đó là vì thổ dân các vùng Trung và Nam Mỹ vẫn thường tẩm chất độc của da ếch vào đầu mũi tên để làm vũ khí chiến đấu. 2. Chim Petohui: Loài chim duy nhất có độc tố. Nơi cư trú của chúng là Papua New Guinea. Năm 1992, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lông và da của loài chim này chứa một lượng chất độc có tên là homobatrachotoxin. Chất này có thể gây tê và mẩn ngứa trên da bất kỳ người hay động vật nào chạm phải nó. 3. Thú mỏ vịt: Loài thú có vú rất nhút nhát, sống ở Tasmania, đông và nam Australia. Con đực trưởng thành có tuyến độc ở chân sau, khi cần có thể phun chất độc ra. 4. Sâu bướm đuôi nâu: Trên mình loài này phủ một lớp lông trắng và nâu. Lông nâu chứa độc tố và thường xuyên bị “cuốn theo chiều gió” khi sâu bướm thay lông. Điều đáng nói là những lông nâu này gây ra chứng phát ban và các rắc rối về đường hô hấp. Cá đá rực rỡ như san hô dưới đáy biển. 5. Cá đá (Stonefish): Một trong những động vật có xương sống độc nhất. Những cái ngạnh sắc nhọn ở sống lưng của nó chứa lượng độc tố đủ để làm chết một người lớn không may giẫm phải con vật. Trông cá đá giống cái gì - bạn biết không? Một hòn đá xù xì nhưng lại có màu sắc rất rực rỡ, cho phép nó lẫn vào san hô và bùn của đáy biển, nơi nó sinh sống. Thiên nhiên đã ưu đãi cá đá - màu sắc đẹp đẽ của nó thu hút các con mồi dưới biển. 6. Rết: Một trong số rất nhiều cặp chân của rết có những mấu thịt cực khoẻ và vuốt sắc mà tuyến độc tố tiết chất độc vào đó. Cặp chân này có tác dụng bắt và giết con mồi. Vết đứt mà chân một số loài rết gây ra rất nguy hiểm cho con người. 7. Cá đuối gai độc: Một trong những loài cá độc thường gặp nhất. Đuôi cá giống như cái roi, có những ngạnh sắc ở đầu mút. Nhờ đám ngạnh này, cá có thể tiêm chất độc từ các tuyến độc vào đối phương. Cá đuối gai độc thường sống ở những vùng nước nông ấm áp. 8. Kỳ nhông: Loài này có những tuyến độc bí ẩn nằm sâu trong da. May mắn thay, thông thường con nào có các tuyến độc tố dưới da lại mang màu sắc tươi sáng, rất dễ phát hiện. Đây là tín hiệu cảnh báo các động vật khác, kể cả con người, nên tránh xa kỳ nhông - nguy hiểm đấy! 9. Chuột chù: Con vật này vô cùng nhỏ bé và nhút nhát. Nó có thể nằm lọt thỏm trong tay người. Ấy thế nhưng nước bọt của một số loài chuột chù lại có tác dụng làm con mồi bất động. Tuy nhiên, bạn có thể “yên tâm đi”, vì lũ chuột chù độc này thường chỉ ăn cá, ếch, chuột nhắt và sa giông... không ăn thịt người. 10. Cá trê: Vây ức và vây lưng của nhiều loài cá trê có nhiều ngạnh dính chất độc. Chức năng của những ngạnh này là gây thương tích cho kẻ thù để phòng vệ. Tất nhiên, loài cá này không sợ mèo.
Thiên nhiên và con người - những điều lý thú Voi không... vẫy đuôi.Bạn có biết tất cả động vật có vú đều vẫy đuôi, trừ voi? Cá sấu không thể thè lưỡi ra ngoài? Và nếu bạn quạt liên tục trong 6 năm 9 tháng, bạn sẽ tạo ra năng lượng bằng sức mạnh của một trái bom hạt nhân?… Động vật - Cá mập là loài cá duy nhất có thể chớp hai mắt. - Tiếng kêu của một con vịt không bao giờ bị dội lại, người ta không rõ vì sao. - Con kiến có thể nâng một vật nặng gấp 50 lần trọng lượng của nó và nó luôn ngã về phía phải khi bị ngộ độc hay bị xỉn. Kiến không biết ngủ. - Người ta không thể dắt con bò xuống thang nhưng có thể dắt nó lên thang. - Gấu Bắc Cực thuận tay trái. - Con ve bét có khả năng nhảy xa gấp 350 lần chiều dài cơ thể. Nếu con người có khả năng này, chúng ta sẽ nhảy được từ cầu môn bên này sang cầu môn bên kia của sân bóng. - Loài gián có thể sống được 5 ngày mà không cần cái đầu, sau đó nó sẽ chết vì đói. - Mắt loài đà điểu lớn hơn não của nó. - Số mối sống trên mặt đất đông gấp 10 lần số người. - Có khoảng 27 tấn mưa bụi rơi xuống trái đất mỗi ngày, như vậy mỗi năm có khoảng 10.000 tấn bụi đến từ không gian. Con người - Con người là loài linh trưởng duy nhất không có sắc tố ở lòng bàn tay. - Nếu gộp chung lại, tổng số da của một người nặng 3 kg. - Nếu hò hét liên tục 8 năm, 7 tháng, 6 ngày, bạn có thể sản xuất ra số năng lượng đủ để đun nóng một cốc cà phê. - Khi bực mình, con người cần đến 42 cơ mặt để biểu lộ sự tức giận, trong khi chỉ cần có 4 cơ để đập tay vào đầu. - Chúng ta không thể hắt hơi khi nhắm mắt. - Lò nấu viba được phát minh sau khi một nhà nghiên cứu đi cạnh một thiết bị ra-đa và phát hiện ra thanh sôcôla ông để trong túi bị chảy nhão. - Cơ mạnh nhất trong cơ thể con người là lưỡi.