11 ngộ nhận về thức ăn (Ảnh: Legis). Nhiều người lo ngại rằng các loại sữa có thời hạn bảo quản dài sẽ có chất bảo quản mạnh. Thực ra, điều này không hoàn toàn đúng. Sữa có thể được bảo quản tốt bằng kỹ thuật sử dụng nhiệt độ mà không nhất thiết dùng hóa chất mạnh. Nhà dinh dưỡng học người Nga Tachiana Tovbushenka cho biết, để bảo quản, sữa được đun nóng ở 135 độ C, sau đó chuyển sang làm lạnh nhanh chóng, khiến vi khuẩn gây bệnh bị tiêu diệt ngay lập tức mà không làm mất đi các vitamin trong sữa. Bà Tovbushenka cũng "đính chính" lại một số ngộ nhận thường gặp khác về thực phẩm: Nước đun sôi sẽ tiêu diệt mầm bệnh: Không hoàn toàn như vậy. Việc đun sôi không thể làm mất đi các kim loại mạnh, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và hóa chất khác. Thực phẩm đóng hộp không tốt cho sức khỏe: Điều này đúng với thịt hộp hơn là cá hộp. Việc hầm cá trong thời gian dài khiến xương cá trở nên mềm xốp, trở thành nguồn bổ sung canxi hữu hiệu. Không nên bơi sau khi ăn: Hội Chữ thập đỏ Mỹ từng đưa ra một văn bản hướng dẫn cứu hộ, khuyến cáo rằng việc bơi ngay sau khi ăn no có thể gây ra chứng co rút dạ dày, thậm chí tử vong. Nhưng về sau, quan niệm này bị nghi ngờ bởi nhiều vận động viên khẳng định rằng trong suốt các khóa huấn luyện, họ vẫn luôn bơi được quãng đường dài ngay cả khi vừa mới ăn xong. Trẻ em nên ăn nhiều nấm: Nấm thường được đưa vào thực đơn cho trẻ ăn kiêng. Tuy nhiên, điều này là không nên vì cơ thể trẻ không sản sinh đủ lượng enzym cần thiết để xử lý lượng protein trong nấm. Đó là lý do tại sao trẻ dễ bị nhiễm độc dù chỉ ăn một lượng nấm rất nhỏ. Chất độc có thể mất đi sau khi đun sôi nấm vài giờ: Đây là điều đánh lừa mọi người. Trong hầu hết các trường hợp, chất độc từ nấm vẫn có sức kháng cự rất lớn đối với nhiệt độ. Cồn giúp loại bỏ chất độc trong nấm: Ngược lại, cồn có thể làm tăng ảnh hưởng của chất độc đối với cơ thể. Ăn rau diếp giúp người mảnh mai: Đúng là rau diếp không chứa calo, nhưng chúng ta thường ăn nó với nước sốt có chất béo và đây lại là thủ phạm làm tăng cân. Gan là món ăn rất tốt: Gan chứa nhiều vitamin, khoáng chất và protein, nhưng cũng chứa nhiều chất béo và cholesterol. Gan các loại gia súc thường tích lũy một lượng lớn chất hóa học và hoóc môn nguy hiểm có trong lượng cỏ khô mà chúng ăn vào Chanh là loại quả ít đường và nhiều vitamin C nhất: Thực tế là lượng đường trong 1 kg chanh còn nhiều hơn trong 1 kg dâu tây, trong khi lượng vitamin C lại thấp hơn dâu tây. Tuy nhiên, chanh vẫn được ưa chuộng vì còn có đặc tính khử trùng, kháng vi sinh vật. Nó được biết đến như một phương thuốc hữu hiệu để chữa trị các bệnh nhẹ như sốt, cảm cúm, viêm họng và các bệnh dễ viêm nhiễm khác trong miệng. Muốn sáng mắt, phải ăn nhiều cà rốt: Cà rốt chứa beta-caroten, một chất sẽ chuyển hóa thành vitamin A, rất cần cho sự duy trì chức năng của mắt. Tuy nhiên, chất này có nhiều trong gan động vật và dễ dàng bổ sung từ nhiều thức ăn khác nhau. Vì vậy, không nên cường điệu nỗi sợ thiếu vitamin A.
Nước tương tốt hơn rượu vang đỏ Dành cho các quí ông đọc. Nước tương là đồ chấm quen thuộc với người dân đông Á. (Ảnh: fotoseach) Nước tương, hay xì dầu, vẫn được sử dụng rộng rãi ở đông Á, dường như còn hiệu quả hơn cả rượu vang đỏ và vitamin C trong việc khắc phục những hư tổn tế bào ở người, các nhà nghiên cứu Singapore tuyên bố. Họ phát hiện thấy nước tương - được làm từ đậu nành lên men - có khả năng chống ôxy hoá mạnh gấp khoảng 10 lần rượu vang đỏ và 150 lần so với vitamin C. Các chất chống ôxy hoá (tìm thấy trong rượu vang đỏ, hoa quả và rau xanh) có tác dụng ức chế ảnh hưởng của các gốc tự do, là những nguyên tử không ổn định có khả năng tấn công và huỷ hoại mô, tế bào con người. Các gốc tự do cũng bị buộc tội tham gia vào quá trình lão hoá và một loạt các căn bệnh khác như Parkinson, ung thư và bệnh tim. Nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore cũng tìm thấy nước tương cải thiện tới 50% lưu lượng máu chỉ trong vài giờ sau khi sử dụng. "Thứ nước chấm này còn thể hiện tiềm năng trong việc làm chậm tốc độ phát triển các căn bệnh tim mạch và suy thoái thần kinh", trưởng nhóm nghiên cứu Barry Halliwell cho biết. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý việc ăn một lượng lớn nước tương, do nồng độ muối cao của nó, có thể dẫn tới việc tăng huyết áp.
4 kẻ thù của vitamin Nấu kỹ sẽ làm mất vitamin (Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống). Các vitamin rất dễ bị phá hủy. Trong đó, 4 kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng là sự ôxy hóa, nhiệt độ của môi trường và tia cực tím, nấu nướng và các hóa chất công nghiệp (tẩy trắng, khử khuẩn, ion hóa...). Vitamin là những chất mà cơ thể không tự tổng hợp được, phần lớn phải bổ sung bằng đường ăn uống. Chúng đóng vai trò rất quan trọng với sự sống của con người, tuy nhiên, lại rất dễ bị phá hủy trong môi trường tự nhiên, nhất là khi nấu nướng. Việc nấu nướng không đúng cách có thể phân hủy tới 95% vitamin C và vitamin B1. Vitamin C và vitamin B1 dễ bị phá hủy nhất nên được sử dụng như một chất chỉ điểm của sự bảo trì hàm lượng vitamin. Vitamin C đặc biệt nhạy cảm với các tác động của ôxy, nhất là khi nhiệt độ môi trường quanh nó tăng lên hoặc khi có mặt các kim loại sắt, đồng. 90-95% vitamin C bị mất đi khi nấu nướng. Vitamin A và tiền vitamin A (beta-caroten) rất dễ bị ôxy hóa, nhất là khi có ánh sáng. Vitamin E cũng nhạy cảm với ôxy. Mức độ acid của môi trường cũng ảnh hưởng đến khả năng nhạy cảm của vitamin. Vitamin A, beta-caroten, vitamin B5, B9 và vitamin D ổn định hơn trong môi trường trung tính. Còn vitamin B1, B2, B6 vitamin E và vitamin K lại ổn định hơn trong môi trường acid. Cách bảo quản vitamin trong rau xanh và trái cây Các sản phẩm chín tự nhiên chứa nhiều vitamin nhất. Do đó, nếu có điều kiện, nên thu hoạch khi rau trái đã chín. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cá biệt, như cà chua xanh lại giàu vitamin hơn cà chua đỏ. Chọn mua thực phẩm là khâu quan trọng có tính quyết định đến chất lượng và sự ngon miệng của bữa ăn. Hàm lượng vitamin trong rau xanh và trái cây giảm nhanh sau khi thu hoạch, có thể mất đi 1/2 lượng vitamin trong 48 giờ. Cho nên, nên mua các thực phẩm trồng quanh năm, chín, càng tươi càng tốt. Không khí và ánh sáng là kẻ thù của vitamin. Vì vậy, trong nhà, những thực phẩm tươi phải được đặt trong túi kín, để nơi mát mẻ. Tránh để lâu, ngay cả khi để trong tủ lạnh. Các vitamin thường tập trung nhiều trên lớp bề mặt của rau, hạt, rễ, trái. Do đó, khi chế biến, gọt vỏ càng mỏng càng tốt, chỉ bóc vỏ khoai tây sau khi đã nấu chín. Đối với trái cây, rửa sạch là đủ. Phần lớn các vitamin tan được trong nước. Nên tránh ngâm các loại rau, đậu trong nước. Chỉ cần rửa dưới vòi nước sạch (tất nhiên là với thực phẩm “sạch”) và chú ý chỉ ngắt bỏ cuống các trái cây sau khi đã rửa. Các vitamin còn nhạy cảm với ôxy trong không khí, vì vậy không nên chuẩn bị nước trái cây khi chưa sử dụng ngay, cũng như không để tiếp xúc lâu với không khí. Nhiệt độ càng cao, thời gian đun nấu càng lâu thì khả năng vitamin bị phá hủy càng lớn. Đun hầm thực phẩm trong nước là không tốt bởi nhiệt độ, áp suất và nước khiến vitamin tan mất; bạn càng phí phạm nếu đổ nước này đi. Tốt hơn, chỉ nên hấp chín thực phẩm để giữ được nhiều vitamin. Đun nấu càng nhanh với nhiệt độ càng thấp thì càng tốt, đậy nắp để tránh ôxy hóa và bay hơi. Khi đun nấu, cắt càng nhỏ, vitamin mất đi càng nhiều. Nếu có thể, rau trái nên để nguyên toàn bộ, sau đó mới bóc vỏ, thái nhỏ. Nên nấu ít nước và cho rau trái vào nồi khi nước đã sôi. Cho mắm muối vào nước nấu ngay từ đầu, muối sẽ giới hạn mức độ hòa tan vitamin và muối khoáng. Cách bảo quản vitamin trong cá Cá chứa nhiều chất béo có ích cho sức khỏe và phòng ngừa bệnh tim mạch, béo phì, ung thư và bệnh tự miễn. Khi đun nấu, tránh nấu quá kỹ vì nhiệt độ phá hủy cả vitamin và làm biến đổi các chất béo có ích. Nên ướp muối nếu cá được đánh bắt dễ dàng. Nên hấp vì cá dễ chín. Nếu nấu, nên đun trong thời gian ngắn với lửa nhỏ, đồng thời tắt lửa khi nước reo và giữ cá trong nồi, đậy nắp khoảng 10 phút. Cách bảo quản vitamin trong thịt Tránh đun nấu quá kỹ vì sẽ làm phá hủy vitamin, biến đổi các phân tử ở thịt. Cần tránh các món thịt nướng, cháy khét vì nhiệt độ làm biến dạng các phân tử, mỡ chảy ra sẽ tạo thành các chất gây ung thư như benzopyreme… Dù là loại thức ăn nào và cách nấu nào thì cũng nên giảm tối đa cách xử lý bằng nhiệt, đồng thời phải ăn càng sớm càng tốt. Tránh để thức ăn lâu vì càng để lâu càng bị mất nhiều vitamin.
Cau - thuốc chữa bệnh trẻ em (Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống) Nếu trẻ bị chốc đầu, có thể lấy hạt cau xay nhỏ phơi trong bóng râm cho khô, trộn dầu vừng để bôi đắp. Quả cau cũng được dùng chữa nhiều bệnh khác ở trẻ em. Tẩy sán dây: Cau 30 g, hạt bí ngô 30 g, sắc uống. Hoặc cau 60 g, sơn tra 500 g. Buổi chiều hôm trước cho trẻ ăn dần sơn tra tươi (hoặc sơn tra phiến khô 200 g). Tối hôm đó nhịn hoặc ăn nhẹ. Sáng hôm sau uống 30 ml nước sắc hạt cau. Uống xong nằm nghỉ, đi tiêu vào bô hoặc chậu có nước ấm để cho ra hết cả đầu sán. Tẩy giun móc: Hạt cau 20 g, vỏ lụa trắng rễ xoan 30 g, sắc đặc, thêm đường chế thành 60 ml. Uống trước khi đi ngủ, khi bụng đói. Dùng liền 2 ngày. Giun đũa, giun kim: Dùng 21 hạt cau sao tán nhỏ. Chia uống 2-3 lần trong ngày, dùng với nước sắc vỏ quả cau làm thang. Uống lúc đói. Theo kinh nghiệm Đông y, để tẩy giun sán, nên dùng hạt cau sống, còn để tiêu tích trệ thì mới phải nấu chín. Ngoài ra, cau cũng được dùng chữa các bệnh sau: Chữa trùng roi: Cau 100 g cắt lát mỏng hoặc giã nát cho vào 500 ml nước ngâm trên 12 giờ. Đun còn 200 ml chia làm 3 lần uống trong buổi sáng sớm còn đói bụng. Viêm túi mật cấp tính, đơn thuần: Cau 10 g, hạt củ cải 10 g, trần bì 10 g. Cau tán bột, trần bì cắt nhỏ, cho nước vào đun sôi một lúc là được. Mỗi ngày uống 2 lần sau bữa ăn, có thể pha ít đường để dễ uống. Chữa ăn không tiêu, đầy trướng, ợ chua: Binh lang 200 g, đinh hương 10 g, đậu khấu 10 g, trần bì 20 g, sa nhân 10 g, muối 100 g. Nấu thành cao lỏng. Lấy hạt cau ra thái nhỏ, uống 5-10 g sau bữa cơm chiều bằng nước đã sắc. Các loại cháo cau Cháo tim lợn hạt cau: Hạt cau 1/2 hạt, tim lợn 300 g, gạo nếp 100 g. Giã cau nhỏ lọc lấy 300 ml nước nấu sôi, rồi cho gạo nấu cháo chín mới cho tim lợn đã thái nhỏ vào nấu chín. Công dụng chữa trẻ bị suy dinh dưỡng. Ăn tuần 3 lần, trong 2 tuần. Cháo cau cà rốt: Hạt cau 1 hạt, cà rốt 50 g hai thứ nghiền thành bột, gạo nếp 150 g, gia vị vừa đủ. Nấu cháo với 300 ml nước cho nhừ rồi cho cau, cà rốt vào, nấu chín, ăn ngày 3 lần, ăn liền 3 ngày. Chữa trẻ đi tiêu phân xanh. Cháo cau gừng: Cau 15 g mài lấy nước, gừng tươi 12 g giã lấy nước, gạo xay 100 g, mật ong 20 g. Nấu cháo nhừ rồi cho các thứ vào, đun sôi lại, ăn ngày 1 lần để tiêu tích trệ, sát trùng ở đường tiêu hóa, trừ ho.
Thung lũng... trường thọ ở Việt Nam Số người sống trăm tuổi trên thế giới cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay..., nhưng ở thung lũng Mường Lựm, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, có 6 cụ đã trên trăm tuổi vẫn sống khỏe mạnh. Cụ Xé minh mẫn tiếp các phóng viên. Ảnh: Lê PhướcCơn mưa rừng và cái rét ngọt cuối đông rồi cũng qua đi và trước mặt chúng tôi, Mường Lựm hiện dần lên trên cái nền xanh ngút ngát của một dải rừng nguyên sinh, của ngô, sắn. Cũng không có gì khác biệt với các thung lũng của miền núi phía bắc, vẫn là những ngôi nhà sàn nằm bên sườn núi của đồng bào dân tộc Thái, Mông. Những sắc màu sặc sỡ của trang phục truyền thống hiện ra ở các khung cửa sổ, những ánh mắt tò mò, lạ lẫm chăm chăm nhìn không phải vì chiếc ôtô mà vì những người bước trên ôtô xuống đều quần “xắn téo móng lợn, đi chân đất”. Nhà đầu tiên chúng tôi đến là một ngôi nhà sàn cũ kỹ, mọi người đều đi vắng, chỉ có cụ bà đang ngồi bên bếp lửa. Đó là cụ Hà Thị Xé. Các cán bộ xã phải “vò đầu tứt tai” mãi trong cuộc họp mới đi đến thống nhất cụ Xé là người cao tuổi nhất ở Mường Lựm: 121 tuổi. Sau khi được các cán bộ xã giới thiệu, cụ Xé cười, tiếng cười giòn tan như tiếng của núi rừng, rồi cụ đứng dậy đi ra phía sau. Chỉ một loáng chúng tôi đã thấy cụ xách ấm nước trên tay đi vào đặt lên bếp lửa rồi lại đi vào bên trong cầm thêm ít củi cho vào đun. Trong ánh lửa bập bùng, gương mặt cụ bừng lên như một bà tiên phúc hậu. Không tin nổi vào những gì vừa trông thấy, vì từ trước tới nay chúng tôi mới chỉ gặp các cụ sống thọ tám, chín mươi tuổi nhưng chỉ cái việc đi lại cũng gặp không ít khó khăn, vậy mà cụ Xé vẫn đi lại bình thường. Ngoài ra, cụ còn làm các công việc lặt vặt trong gia đình nữa. Chưa hết, cụ Xé còn làm những việc mà những người trên cái tuổi 50 rất ít người làm được, đó là xâu kim và thêu khăn Piêu. Cụ Xé biểu diễn thêu khăn Piêu. Ảnh: Lê Phước Để thêu được những họa tiết trên khăn Piêu thì các thiếu nữ dân tộc Thái cũng mất từ 3 đến 4 năm học mới được coi là biết thêu, và nếu cần mẫn thì cũng mất từ 4 đến 6 tháng mới thêu xong một chiếc. Nhìn đường kim “nhoay nhoáy” và những hoa văn cụ Xé tạo ra, không ai dám nghĩ là cụ đã 121 tuổi. Như hiểu được những thắc mắc của chúng tôi, ông Lò Văn Đấu, Phó chủ tịch xã, đã khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Tôi đảm bảo với các anh là cụ Xé đã 121 tuổi và hiện là người cao tuổi nhất Mường Lựm này”. Rời khỏi nhà cụ Xé, chúng tôi đến nhà cụ Hoàng Thị Hóm, một cụ bà nước da dăn deo nhưng hồng hào, mái tóc trắng như cước được búi cao, trông cốt cách như một vị đạo trưởng. Cụ Hóm năm nay cũng đã 110 tuổi, mặc dù cụ không còn khỏe nhưng rất minh mẫn. Cụ kể có 17 cháu và 21 chắt, rồi cụ kể tên các chắt nội và chắt ngoại không thiếu một đứa nào. Chúng tôi ngồi lẩm nhẩm đếm theo và quả thực cụ không bỏ sót một chắt nào, kể cả đứa chắt bé nhất vừa mới chào đời được vài tháng. Hàng ngày, cụ vẫn giúp các cháu đun nước, thổi cơm để khi các cháu lên nương về thì đã có cơm ăn… Đêm đó, chúng tôi ở lại nhà anh Lò Đức Tiến, Phó bí thư Đảng ủy xã. Bên chung rượu ngô, anh bắt đầu câu chuyện bằng tiếng thở dài: “Nếu các anh lên hồi đầu năm thì còn được gặp nhiều cụ nữa, vì từ đầu năm đến nay 4 cụ đã về với tổ tiên rồi”. Sáng hôm sau, các anh cán bộ xã dẫn chúng tôi đến nhà cụ Quàng Văn Xướng. Cụ đã yếu, khó khăn lắm cụ mới đi lại được vài bước. Cụ Xướng rất vui khi chúng tôi đến thăm, cụ đưa cho chúng tôi bắp ngô nướng bảo: “Ăn đi, ngô nếp đấy”. Ngôi nhà sàn của cụ đang ở là ngôi nhà tình nghĩa được làm từ lâu rồi nên cũng đã ọp ẹp. Cụ Xướng chỉ có một người con nuôi. Hằng ngày các con cháu của cụ đều đi làm nương đến tối mịt mới về. Phía sau vườn, thấy một cụ bà đang bẻ những bắp ngô non bỏ vào gùi, rồi thoăn thoắt đi lên chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ, ọp ẹp. Thấy nhà có khách cụ vui vẻ đặt chiếc gùi xuống bên bếp lửa rồi đi lấy nước đun. Cụ tên Lò Thị Huôi, cũng đã quá già nhưng nước da vẫn còn săn chắc, khỏe mạnh. Hằng ngày cụ vẫn đi xuống vườn (nói là vườn nhưng chỗ xa nhất cũng cách nhà đến tận nửa cây số) để chăm sóc vườn ngô. Cụ Xướng và cụ Huôi đã sống hạnh phúc bên nhau đúng theo nghĩa của câu chúc “trăm năm hạnh phúc”. Mặc dù không phải là niềm hạnh phúc tròn trịa, vì mỗi cụ cũng đều trải qua nỗi đau mất đi người thương yêu nhất nhưng các cụ đã tìm lại được những năm tháng hạnh phúc bên nhau. Bên hiên ngôi nhà sàn cũ kỹ, hai cụ kể cho chúng tôi nghe về những chuyện của ngày xưa, cái thời mà các cụ mới biết đi chơi, cái độ tuổi 15, 16. “Cái thời mà quan Lang đến bản này thì tao đã lớn rồi, chúng nó đến bắt bò, bắt lợn, bắt gà và bắt cả người nữa...”. Đang kể hào hứng, cụ Xướng chợt trầm ngâm nhìn rặng núi xa xa: “Ngày xưa tao với bà Hóm cùng một tuổi, cùng đi chơi với nhau. Chúng tao định cưới nhưng gia đình nhà bà ấy chê tao nên không lấy được nhau… Thấy chúng nó bảo bây giờ bà ấy còn khỏe hơn cả tao nữa”. Khi chúng tôi hỏi về cụ Xé thì cụ Huôi và cụ Hóm đều bảo rằng “bà Xé lớn hơn vì khi tao biết đi chơi thì bà ấy đã đi lấy chồng rồi”. Việc xác định chính xác 100% tuổi của các cụ quả là một điều không dễ, nhưng chúng ta cũng có thể tin rằng 6 cụ ở thung lũng đều thọ trên trăm tuổi. Con cái của các cụ cũng đã 80, 90. Không chỉ có gia đình cụ Xướng, cụ Huôi, mà ở thung lũng hơn 300 nóc nhà này còn có một cặp vợ chồng nữa cũng đã “bách niên giai lão”, đó là cụ ông Hà Xó Mính 110 tuổi và cụ bà Hà Thị Oi 105 tuổi. Cơn mưa rừng như trút hết lớp bụi thời gian, cả một dải rừng nguyên sinh lại tràn ngập một màu xanh ngút ngàn báo hiệu một mùa xuân mới. Những cây cổ thụ vẫn vươn cao xoè tán lá che chở cho những cây non. Mong rằng các cụ sẽ mãi là cây đại thụ giữa núi rừng đại ngàn tỏa bóng mát chở che những cây non.
Chất sắt làm nên nữ tính Các chị các cô GSMVN bổ sung chất sắt mau mau!!! Chất sắt trong thịt dễ hấp thu hơn trong rau quả. Ảnh: Meridien-grandpacific Cơ thể mỗi người chỉ cần 3- 5 g sắt nhưng nếu thiếu đi, sức khoẻ của bạn sẽ gặp vấn đề. Riêng với phái đẹp, tình trạng thiếu sắt ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của giới tính. Ở lứa tuổi dậy thì, các em gái thiếu sắt sẽ có những biểu hiện tiêu cực không chỉ trong sự phát triển cơ bắp mà còn cả tâm lý và trí tuệ. Số đo vòng 1 sẽ không có sự thay đổi đặc biệt, dáng người có thể vẫn khẳng khiu như trẻ con, những biểu hiện trưởng thành giới tính cũng đến rất chậm. Khi đã có kinh nguyệt, sắt bị mất theo máu kinh hằng tháng. Trong thời kỳ mang thai, sinh nở, cho con bú, cơ thể người phụ nữ cần "ngốn" lượng sắt cao gấp 2 lần so với giai đoạn trước đó. Khoảng 20% lượng sắt dự trữ sẽ bị "trôi" mất trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ. Vì vậy, nguy cơ suy nhược, rụng tóc, không ham muốn tình dục ở đối tượng này sẽ cao gấp 2- 3 lần so với người bình thường. Thiếu sắt trong máu còn là nguyên nhân gây hiện tượng dễ chảy máu. Nhiệm vụ của sắt Sắt tham gia vào quá trình tổng hợp hồng cầu. Sắt trợ giúp trong việc vận chuyển ôxy đến các tế bào, đảm bảo quá trình nuôi sống chúng. Nó còn có một chức năng dự trữ ôxy cho cơ bắp. Sắt cũng có nhiệm vụ vô hiệu hóa một số thành phần lạ xâm nhập từ ngoài vào cơ thể, tham gia tổng hợp các hoóc môn tuyến tiền liệt và giữ gìn khả năng miễn dịch. Sự khủng hoảng thiếu sắt sẽ phá hủy chức năng của nhiều bộ phận và hệ thống trong cơ thể, làm suy yếu khả năng tự bảo vệ, đảo lộn quá trình trao đổi chất. Sắt được chuyển hóa hiệu quả nhất dưới sự trợ giúp của vitamin B12 và acid folic (vitamin B9); từ đó máu được sản xuất nhanh và kịp thời. Vì thế, B12 còn có tên gọi là "vitamin đỏ". Vào chu kỳ kinh nguyệt, các bác sĩ khuyến khích phụ nữ bổ sung 2 loại vitamin trên cộng với 1 viên B-complex (thường được quen gọi với cái tên 3B) để đảm bảo cân băng cơ thể. Riêng phụ nữ có thai có thể dùng liều lượng acid folic gấp đôi (dưới sự cho phép của bác sĩ). Dấu hiệu báo động thiếu sắt Da khô, xanh xao, bong da, tóc, móng chóng gãy, rụng. Chóng mệt, mất ngủ, hay ngất, hoa mắt, buồn nôn, không muốn làm gì, hay nhiễm trùng, viêm, trầm cảm, chán nản, giảm trí nhớ. Khi thử máu thấy hồng cầu giảm xuống dưới 12 g/l, cần phải có chế độ bổ sung sắt và thức ăn bổ dưỡng, các loại vitamin. Các loại thức ăn giàu sắt (xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp): Gan lợn, bột ca cao, gan bò, lạc, hạt điều, lê, trứng gà, táo, bắp cải, cá, sữa bò. Lưu ý: Thành phần sắt trong thực vật (rau, quả) khó chuyển hoá gấp 3-4 lần so với sắt từ nguồn gốc động vật (thịt).
Rửa tay cũng phải học Rửa tay cũng phải học Phần lớn những người làm dịch vụ ăn uống chưa có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh! Cứ 10 vụ nhiễm độc thực phẩm thì có đến 7 vụ liên quan đến bàn tay bẩn, các chuyên gia y tế cho biết. Ngộ độc chỉ vì tay bẩn PGS. Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết: 70% các vụ nhiễm độc thực phẩm có liên quan đến bàn tay bẩn. Nếu không giữ sạch, tay là nơi vận chuyển vào cơ thể vi khuẩn, hóa chất độc hại từ môi trường và các chất bẩn khác do tiếp xúc thông thường. Theo Vụ Điều trị - Bộ Y tế, một dự án tăng cường vệ sinh bệnh viện sẽ được thực hiện thí điểm tại 30 bệnh viện ở 61 tỉnh thành. Qua đó, xây dựng "Hướng dẫn quốc gia về vệ sinh bệnh viện" áp dụng chung cho các bệnh viện toàn quốc. Khoảng 600 bác sĩ, hộ lý cũng sẽ được đào tạo chuyên nghiệp về vệ sinh bệnh viện. Vài năm gần đây, trong nước đã có 4 vụ ngộ độc bánh dày (600 người) do bàn tay bẩn gây nên. Một hàng bún rong bán trước cổng trường tiểu học hai lần gây ngộ độc mà nguyên nhân là do người bán dùng tay bẩn bốc thức ăn. Một cơ sở chế biến thực phẩm cung cấp suất ăn cho cơ sở giày da và may xuất khẩu phía Nam đã làm công nhân cả hai cơ sở ngộ độc. Qua điều tra, xét nghiệm, cơ quan chức năng phát hiện, người thái thịt của cơ sở này bị chín mé (một triệu chứng viêm nhiễm đầu ngón tay, chân). Do không giữ vệ sinh, vết thương gây bẩn cho thức ăn và ngộ độc cho người ăn. Các xét nghiệm nhanh với mẫu bàn tay còn cho thấy, phần lớn những người làm dịch vụ ăn uống chưa có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh. Các hành vi theo thói quen như gãi, tiếp xúc với đầu tóc, mũi và các phần khác trên cơ thể đều có thể nhiễm bẩn và làm lây nhiễm nguồn bệnh. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đang thực hiện chiến dịch hỗ trợ găng tay sử dụng một lần cho người bán hàng, chế biến thực phẩm ở 7 phường của Hà Nội; đồng thời xây dựng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm thức ăn đường phố tại các thành phố: Hà Nội, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, TP HCM, Vũng Tàu, Hải Phòng. Một trong những yêu cầu chính là tạo thói quen thực hành bàn tay sạch trong chế biến thực phẩm. Nhân viên y tế cũng phải học... rửa tay Nhân viên y tế cũng cần học rửa tay đúng cách. Ảnh: Thanh Niên Không chỉ với nhân viên bán hàng và chế biến thực phẩm, việc giữ bàn tay sạch đặc biệt quan trọng đối với các nhân viên y tế. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, rửa tay sạch cũng cần thao tác đúng cách. Các bác sĩ ngoại khoa thực hiện phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân phải rửa tay theo các quy trình rất nghiêm ngặt trước khi mổ: chấm cồn iod vào các đầu móng tay đã cắt ngắn, cọ sạch tay bằng bàn chải và dung dịch sát trùng; sau ít phút, cọ lại tay bằng một bàn chải sạch khác, tiếp đó ngâm tay vào cồn rồi mới có thể phẫu thuật. Giám đốc một bệnh viện cho biết: "Nếu không rửa sạch tay, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ". Thực tế, kết quả kiểm tra về rửa tay sạch tại bệnh viện cho thấy, 10% bàn tay sau rửa vẫn còn vi khuẩn. Không thể cho rằng, găng tay tiệt trùng có thể đảm bảo tuyệt đối vì găng tay có thể rách trong khi phẫu thuật. Các y tá tiêm hay phát thuốc cho bệnh nhân cũng cần giữ sạch tay. Tiến sĩ Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Điều trị - Bộ Y tế, lưu ý, vấn đề rửa tay trong các cơ sở y tế đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là biện pháp cổ điển nhất trong công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Bộ Y tế cũng đã ban hành các văn bản về quy trình rửa tay thường quy. Tuy nhiên, những đánh giá gần đây cho thấy, việc tuân thủ trong cán bộ y tế còn thấp và chưa thành thói quen. Rửa tay sạch còn là biện pháp phòng lây nhiễm bệnh cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Nhưng cũng theo Vụ Điều trị, việc chống nhiễm khuẩn bệnh viện hiện còn nhiều bất cập: đa số hộ lý chưa được đào tạo về vệ sinh bệnh viện nên thực hiện các quy trình vệ sinh chưa đúng quy định. Tình trạng quét khô, dùng một tải để lau nhiều buồng bệnh, các tải lau không được giặt sạch sau khi làm vệ sinh còn rất phổ biến. Những thực hành vệ sinh không đúng cách là điều kiện phát tán vi sinh vật trong bệnh viện và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Uống rượu nặng có thể gây mù loà Các quí ông (và 1 số quí bà) lưu ý!!! Ảnh: dass Những ai uống rượu sẽ dễ bỏ qua những vật thể xuất hiện bất ngờ trong tầm nhìn, kể cả khi hàm lượng cồn trong máu của họ chỉ bằng một nửa giới hạn cho phép lái xe. Tiến sĩ Seema Clifasefi tại Đại học Washington ở Seatle, Mỹ, cho biết hiện tượng này gọi là sự mù loà do lơ đễnh, đôi khi cũng xảy ra ở người tỉnh táo. Chất cồn vẫn được biết là ảnh hưởng tới khả năng lái xe, thời gian phản ứng và sự chú ý hình ảnh, nhưng đến nay chưa nghiên cứu nào tìm hiểu ảnh hưởng của nó tới sự mù loà do lơ đãng. Để điều tra, các nhà nghiên cứu đã cho 47 tình nguyện viên xem một video về 2 nhóm cầu thủ chuyền qua chuyền lại quả bóng và yêu cầu họ đếm bao nhiêu lần nhóm mặc áo trắng chuyền bóng. Trong cuốn băng video, một phụ nữ trong trang phục đười ươi xuất hiện giữa các cầu thủ, đứng ở giữa màn hình, đập tay vào ngực, rồi bỏ đi. Những người tham gia được dùng một thứ đồ uống khoảng 5 phút trước khi xem video. Sau khi xem xong, nhóm nghiên cứu hỏi họ có nhìn thấy đười ươi không. Một nửa được uống chất cồn giả, một nửa uống vodka và tonic sao cho nâng mức cồn trong máu lên tới một nửa hàm lượng cho phép để lái xe. Một nửa số người của mỗi nhóm được thông báo rằng họ đã uống chất cồn, nửa còn lại tin rằng đồ uống của họ không chứa chất men. Những ai biết rằng họ đã uống chất cồn đều thông báo cảm giác say hơn, kể cả khi họ uống đồ giả. Nhưng cho dù họ có được nói rằng có uống chất cồn hay không thì cũng không tác động tới khả năng nhìn ra con đười ươi. Tổng cộng, 1/3 không nhận ra con đười ươi. Trong số những người tỉnh táo, 46% nhìn ra con vật, so với 18% ở nhóm say xỉn. "Kết quả chứng tỏ chất cồn đã gây ra tình trạng mù nhất thời", Clifasefi và nhóm kết luận. "Trong nghiên cứu của chúng tôi, chất cồn làm thu hẹp sự chú ý tới một góc nhỏ trong một cảnh tượng (đếm bóng chuyền), khiến cho những thông tin khác trong cảnh đó (con đười ươi) dễ bị bỏ qua", họ nói. Trong trường hợp này chỉ một cốc rượu mạnh cũng làm bạn mù, nhóm bổ sung.