10 điều kỳ lạ nhất của vũ trụ Một lỗ đen nằm giữa trung tâm một thiên hà. Ảnh: Reuters. Lỗ đen có kích thước tương đương hạt nhân nguyên tử, thiên hà "ăn thịt", những hạt vật chất có khả năng đâm xuyên qua lớp chì dày hàng chục km chỉ là vài trong số những phát hiện gây sốc nhất về không gian bên ngoài trái đất. Phản vật chất Giống như siêu nhân hay người dơi, các phân tử cấu thành nên vật chất luôn có những phiên bản đối nghịch với chúng. Chẳng hạn, một electron có điện tích âm, nhưng phản vật chất của nó, positron, có điện tích dương. Vật chất và phản vật chất hủy diệt lẫn nhau khi va chạm và khối lượng của chúng biến thành năng lượng theo công thức E=mc2 của Einstein. Trong tương lai, một số tàu vũ trụ sẽ được trang bị động cơ phản vật chất. Những lỗ đen siêu nhỏ Hàng vạn "tiểu lỗ đen" như thế này đang nằm rải rác trong hệ mặt trời. Ảnh: space.com. Nếu một lý thuyết mới về lực trọng trường được chứng minh là đúng thì có thể nói rằng, nằm rải rác trong hệ mặt trời của chúng ta là hàng chục nghìn lỗ đen siêu nhỏ, mỗi cái có kích thước chỉ bằng hạt nhân nguyên tử. Không giống như lỗ đen khổng lồ mà người ta thường nói đến, lỗ đen siêu nhỏ là tàn dư của vụ nổ lớn (Big Bang) - sự kiện được cho là khai sinh ra vũ trụ. Chúng tác động tới không-thời gian theo một cách thức hoàn toàn khác với lỗ đen khổng lồ do có mối liên hệ với chiều thứ năm trong không gian. Bức xạ tàn dư của vũ trụ Được biết đến với ký hiệu CMB (Cosmic Microwave Background), loại bức xạ này là những dạng vật chất đầu tiên được sinh ra từ vụ nổ lớn Big Bang. Năm 1965, hai nhà khoa học Arno Penzias và Robert Wilson thuộc một viện nghiên cứu của hãng Bell Telephone, khi cố gắng giảm tiếng ồn ở một ăngten để có thể liên lạc tốt hơn với vệ tinh Echo, đã bất ngờ phát hiện ra những chùm sóng vi ba tới từ vũ trụ. Ngay trong năm đó, nhiều nhà khoa học đã xác định rằng các sóng vi ba đó chính là bức xạ tàn dư của vụ nổ lớn. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy nhiệt độ của CMB vào khoảng -270 độ C. CMB còn được gọi bằng một tên khác: bức xạ phông vi ba của vũ trụ. Vật chất đen Vật chất đen. Ảnh: space.com. Các nhà khoa học nghĩ rằng vật chất đen chiếm phần lớn lượng vật chất trong vũ trụ. Nhưng ngay cả khi có được các công nghệ hiện đại nhất, họ vẫn chưa thể chứng minh được giả thuyết đó. Người ta cho rằng các hạt neutrino siêu nhẹ và những lỗ đen không nhìn thấy chính là một phần của vật chất đen. Mặc dù vậy, nhiều nhà thiên văn học vẫn nghi ngờ về sự tồn tại của nó. Họ cho rằng những bí ẩn xung quanh vật chất đen chỉ có thể được giải thích khi chúng ta hiểu rõ hơn về lực trọng trường. Ngoại hành tinh Một ngoại hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời. Ảnh: space.com. Cho đến tận đầu những năm 90, giới thiên văn học mới chỉ biết đến những hành tinh có cấu tạo và quỹ đạo tương tự những hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta. Nhưng kể từ đó tới nay, các nhà khoa học đã phát hiện được 209 hành tinh nằm ngoài thái dương hệ. Được gọi là ngoại hành tinh, những thiên thể này có cấu tạo đa dạng. Chúng có thể là những đám bụi khí lớn có khối lượng không đáng kể cho tới một quả cầu đá khổng lồ quay quanh những ngôi sao lùn đỏ. Tuy nhiên, nỗ lực tìm kiếm một hành tinh giống hệt trái đất vẫn chưa mang đến bất kỳ kết quả khả quan nào. Nhìn chung, các nhà thiên văn học tin rằng những công nghệ tương lai sẽ giúp con người tìm ra những hành tinh giống như Trái Đất. Sóng trọng trường Ngay từ năm 1916, nhà vật lý thiên tài Einstein đã tiên đoán về sự tồn tại của sóng trọng trường trong thuyết tương đối tổng quát của ông. Theo định nghĩa của Einstein, sóng trọng trường là những nhiễu loạn hình học của không-thời gian lan truyền với tốc độ ánh sáng. Về hình dạng, sóng trọng trường không khác gì sóng trên mặt nước. Ảnh: space.com. Về nguồn phát sinh, có giả thiết cho rằng những thiên thể nặng và di chuyển nhanh có thể phát ra sóng trọng trường, giống như hiện tượng phát sóng điện từ của các hạt mang điện. Tuy nhiên, có người lại cho rằng chỉ có những vật thể không có dạng hình cầu mới phát sóng trọng trường. Do sóng trọng trường rất yếu nên các nhà khoa học không thể tạo ra nó trong phòng thí nghiệm. Họ buộc phải trông chờ vào những sự kiện dữ dội trong vũ trụ, chẳng hạn như sự sáp nhập của hai lỗ đen hay hai ngôi sao neutron, mới có thể đo đạc được loại sóng này. Những "kẻ ăn thịt" trong vũ trụ Hình ảnh mô phỏng hiện tượng va chạm giữa thiên hà Andromeda và dải Ngân hà. Ảnh: space.com. Giống như những sinh vật trên Trái Đất, các thiên hà có thể "ăn" lẫn nhau và nhờ đó mà chúng tiến hóa. Andromeda, thiên hà nằm sát dải Ngân hà, đang trong quá trình nuốt chửng nhiều vệ tinh của nó. Hơn một chục chòm sao nằm rải rác khắp Andromeda. Các nhà khoa học cho rằng chúng là tàn dư còn sót lại sau những "bữa ăn" của thiên hà. Hình ảnh bên phải mô phỏng hiện tượng va chạm giữa Andromeda và dải Ngân hà của chúng ta , một hiện tượng chỉ xảy ra khoảng 3 tỷ năm một lần. Hạt neutrino Chúng là những hạt cơ bản có điện tích trung hòa và hầu như không có trọng lượng. Neutrino có thể đi xuyên qua một lớp chì dày hàng chục km. Một số neutrino đang đi xuyên qua cơ thể bạn khi bạn đọc bài báo này. Những hạt "ma" này được tạo ra ở bên trong những đám lửa của các ngôi sao và những vụ nổ khủng khiếp (supernova) của các ngôi sao sắp chết. Quasar Ảnh của một quasar có tên 3C 273, được chụp vào năm 1979. Ảnh: space.com. Chúng là những thiên thể có đường kính dưới một năm ánh sáng nhưng lại là nguồn phát bức xạ mạnh nhất. Dù nằm ở tận rìa vũ trụ, ánh sáng của các quasar vẫn tới được hành tinh của chúng ta. Sự tồn tại của chúng nhắc nhở các nhà khoa học về tình trạng hỗn mang trong buổi bình minh sơ khai của vũ trụ. Năng lượng mà một quasar giải phóng ra lớn hơn nhiều so với năng lượng của hàng trăm thiên hà. Sau đây là điều duy nhất mà các nhà khoa học đồng ý được với nhau: quasar là những lỗ đen khổng lồ nằm ở trung tâm của những thiên hà xa xôi. Năng lượng chân không Vật lý lượng tử nói với chúng ta rằng những khoảng trống trong vũ trụ là nơi trú ngụ của những hạt vật chất có kích thước nhỏ hơn hạt nhân (được gọi là hạt hạ nguyên tử). Chúng liên tục được sinh ra và hủy diệt. Sự tồn tại ngắn ngủi của các hạt hạ nguyên tử mang đến từng cm khối không gian một năng lượng nhất định. Theo thuyết tương đối tổng quát, năng lượng này tạo ra một lực phản trọng trường khiến không gian giãn nở. Tuy nhiên, cho đến nay điều này vẫn chưa được kiểm chứng. Chẳng ai biết nguyên nhân thực sự gây ra sự giãn nở với tốc độ ngày càng tăng của vũ trụ. Việt Linh (theo Space.com)
Vì sao chúng ta nghiến răng? Thoạt nghe như thể một hình ảnh cực kỳ chính trị, song ở đây lại chỉ liên quan đến cái miệng của bạn, một phản xạ thái quá của hàm. Nghiến răng là một dạng rối loạn xuất hiện cả ở trẻ em lẫn người lớn. Nó làm mòn lớp men của những chiếc răng trước hàm vốn là bộ phận nhai chủ yếu, và gây ra những cơn đau đầu hay đau hàm nghiêm trọng. Hầu hết chúng ta nhai cả trong khi ngủ lẫn thức, nhưng chứng rối loạn nghiến răng trong khi ngủ diễn ra với tần số dày hơn. Một nghiên cứu cho biết những người nghiến răng ban đêm phải chịu 5-6 cơn nghiến như vậy trong mỗi giờ ngủ, so với 1-2 lần ở những người không bị chứng rối loạn này. Nguyên nhân của chứng bệnh này có liên quan tới tình trạng căng thẳng và hồi hộp. Trị liệu stress sẽ giúp kiểm soát hành vi đó. Việc lắp gá bảo vệ răng cũng có tác dụng, và còn hữu ích gấp đôi nếu bạn vận động đôi chút trước khi đi ngủ. T. An (theo LiveScience)
Tại sao về già chúng ta lùn đi? Khi già, chiều cao của hầu hết mọi người đều giảm ít nhất vài centimét so với hồi còn trẻ. Ngoài chứng loãng xương, còn có một nguyên nhân khác khiến cơ thể chúng ta "co" lại. Một phần cơ thể chúng ta được giữ thẳng đứng bằng cột sống. Một lý do làm chiều cao cơ thể bị giảm, đặc biệt ở phụ nữ, là chứng loãng xương, một căn bệnh mà y học có thể ngăn ngừa và chữa trị được. Loãng xương nghĩa là xương trở nên xốp và yếu đi. Do các xương của cột sống bị trọng lượng cơ thể ép lên nên nó ngắn lại - vì thế mà chiều cao của chúng ta giảm đi. Nhưng lý do phổ biến nhất cho sự giảm chiều cao lúc về già không phải là bệnh loãng xương. Các đĩa đệm cột sống nằm giữa các đốt xương sống giống như các miếng cao su. Những cái đĩa này co lại một cách tự nhiên và thay đổi hình dạng khi chúng ta già đi - chủ yếu do mô và nước bị mất. Và khi các đĩa này co rút thì các đốt xương sống xích lại gần nhau hơn. Thêm vào đó, cột sống chúng ta không thẳng tắp như một cái que. Thật ra nó là một chuỗi các đường cong ở vùng cổ, phần ngực trên và lưng dưới. Những đoạn cong này của cột sống tăng lên khi chúng ta về già, có thể vì các bắp thịt trở nên yếu hơn. Và các cơ xung quanh cột sống trở nên ít linh hoạt hơn - vì thế thật khó mà đứng thẳng người. (Theo Kiến thức ngày nay)
10 điều kỳ lạ về cơ thể Cơ thể con người là một cỗ máy trơn tru tuyệt vời, với các chuyển động nhịp nhàng và chính xác, tạo nên mọi thứ từ ký ức tới nước nhầy. Còn rất nhiều bí ẩn phức tạp mà chúng ta chưa biết hết về cơ thể, trong đó có cái đáng yêu mà cũng có những thứ kinh dị. Bụng của bạn tiết ra chất axit gây hủy diệt Có một thứ chất lỏng nguy hiểm mà không một biện pháp an ninh nào có thể tịch thu từ bạn, bởi nó nằm trong ruột. Các tế bào trong bụng tiết ra axit clohydric, một hợp chất phân hủy thường được sử dụng để xử lý kim loại trong thế giới công nghiệp. Nó có thể làm mềm nhũn sắt thép, nhưng lớp chất nhày trong thành bụng đã giữ thứ chất lỏng độc hại này nằm an toàn trong hệ tiêu hóa, để phân hủy các bữa ăn. Vị trí cơ thể tác động tới ký ức Bạn không thể nhớ ngày mình ngỏ lời cầu hôn với nàng? Hãy thử quỳ xuống. Ký ức mang tính biểu tượng rất cao trong các giác quan của chúng ta. Một hương thơm hay một âm thanh có thể gợi nhớ nên cả một quãng tuổi thơ. Một nghiên cứu mới đã cho thấy quá khứ sẽ được nhớ lại nhanh hơn và tốt hơn nếu cơ thể ở trong đúng vị trí như tư thế mà chúng ta thực hiện hành vi đó trong quá khứ. Xương bị gãy để cân bằng khoáng chất Ngoài nhiệm vụ nâng đỡ các quan quan nội tạng và các bộ cơ, xương còn giúp điều phối hàm lượng canxi. Xương bao gồm cả canxi và phốt pho, trong đó canxi rất cần thiết cho cơ và tế bào thần kinh. Nếu thiếu đi thành phần này, một số hoóc môn sẽ khiến xương bị gãy nhằm gia tăng hàm lượng canxi trong cơ thể cho đến khi đạt được mật độ phù hợp. Phần lớn thức ăn phục vụ não Mặc dù chỉ chiếm 2% tổng số cân nặng cơ thể, bộ não cần tới 20% lượng oxy và calo của cơ thể. Để giữ cho bộ não luôn nhận được nguồn lực đầy đủ, 3 động mạch chính thường xuyên bơm oxy lên não. Khi một trong những đường cung cấp này bị tắc hay vỡ khiến tế bào não thiếu năng lượng cần thiết để hoạt động, sẽ gây ra hiện tượng đột quỵ. Hàng nghìn quả trứng không được sử dụng đến Khi một người phụ nữ đạt đến tuổi 40 hoặc 50, chu kỳ kinh nguyệt hằng tháng kiểm soát hàm lượng hoóc môn và buồng trứng để sẵn sàng cho việc thụ tinh bị dừng lại. Buồng trứng của người phụ nữ sẽ sản xuất ít dần đi estrogen, và gây ra những thay đổi tình cảm và thể chất trên toàn bộ cơ thể. Những quả trứng chưa được phát triển sẽ bắt đầu rụng ít dần đi. Trung bình một cô gái dậy thì có 34.000 quả trứng chưa phát triển, mặc dù chỉ có khoảng 350 trong số đó là trưởng thành trong toàn bộ quãng đời (với tỷ lệ trung bình 1 quả/tháng). Những quả trứng không được dùng đến sẽ bị teo hết đi. Tuổi dậy thì thay đổi cấu trúc não Chúng ta biết rằng những thay đổi do hoóc môn mang lại là cần thiết cho sự phát triển và giúp cho cơ thể sẵn sàng để sinh sản. Nhưng vì sao tuổi dậy thì lại gây ra những biến đổi cảm xúc không mấy dễ chịu? Hoóc môn như testosterone tác động lên sự phát triển thần kinh trong não, và những thay đổi ở cấu trúc não lại gây ra những thay đổi trong hành vi. Chẳng hạn, các vùng trong vỏ não trước trưởng thành sẽ gây ra sự ngượng nghịu trong tình cảm, khả năng quyết định kém, cùng với sự chểnh mảng, bất cần. Lông mũi để truyền dịch nhày Hầu hết các tế bào trong cơ thể đều có lông mao để thực hiện một số chức năng, từ tiêu hóa tới nghe ngóng. Trong mũi, lông mao giúp dẫn chất nhày từ khoang mũi xuống cổ họng. Trời lạnh làm chậm quá trình dẫn nước khiến chất nhày ứ lại làm bạn bị thò lò mũi xanh. Màng nhầy trong mũi đậm đặc cũng gây ra tình trạng ngạt mũi. Răng khôn "lợi bất cập hại" Sự tiến hóa không hề hoàn hảo. Nếu nó hoàn hảo thì chúng ta đã có cánh thay vì răng khôn. Đôi khi những đặc điểm vô dụng vẫn ở lại với các loài bởi nó chẳng gây hại gì. Nhưng răng khôn thì lại gây rất nhiều phiền toái cho con người, thậm chí là phẫu thuật. Từ lâu lắm rồi, răng khôn có chức năng nhai nghiền thịt sống. Nhưng khi bộ não chúng ta phát triển và xương hàm được cấu trúc lại, răng khôn trở nên thừa thãi khiến chúng ta có cái miệng chật ních răng mà đôi khi lại tốn tiền nhổ đi. Thế giới cười với bạn Nhìn thấy ai ngáp cũng khiến bạn ngáp theo, tương tự với nụ cười. Một bằng chứng mới cho thấy tiếng cười là một đầu mối để xã hội bắt chước nhau. Nghe thấy tiếng cười kích thích vùng não gắn liền với cử động mặt. Sự bắt chước đóng một vai trò quan trọng trong giao tiếp xã hội. Những đầu mối như hắt hơi, cười, khóc và ngáp là một cách để tạo ra sự gắn kết xã hội trong một nhóm. Da của bạn có 4 màu Da của bạn có thể là màu trắng ngà. Những mạch máu gần trên bề mặt bổ sung thêm nét đỏ. Màu vàng cũng điểm tô cho bức tranh. Và cuối cùng, các sắc tố sẫm, do phản ứng với tia cực tím, tạo nên màu đen ở những mảng lớn. 4 sắc màu này trộn lẫn ở các tỷ lệ khác nhau tạo nên màu da của mọi người trên trái đất. M.T. (theo Livescience)
10 tác động kỳ lạ nhất của hiệu ứng nhà kính Một đoạn đường ray bị biến dạng do lớp băng vĩnh cửu của Trái Đất tan chảy. Ảnh: Livescience. Nhiệt độ tăng, băng tan chảy, mực nước biển dâng lên trong tương lai gần chỉ là một phần trong vũ điệu của hiệu ứng nhà kính. Nó có thể bẻ cong đường ray, thay đổi nhịp sinh học của động vật, làm các hồ biến mất và khiến bạn hắt hơi nhiều hơn. Con người hắt hơi nhiều hơn Chứng hắt hơi sổ mũi và ngứa mắt vốn hành hạ bạn vào mùa xuân bỗng xuất hiện thường xuyên hơn trong những năm gần đây? Nếu đúng thế, thủ phạm có thể là hiệu ứng nhà kính. Trong suốt vài thập kỷ qua, số người mắc các bệnh dị ứng theo mùa và hen suyễn ngày càng tăng lên. Mặc dù những thay đổi trong lối sống và tình trạng ô nhiễm khiến con người trở nên dễ tổn thương hơn trước những tác nhân gây dị ứng trong không khí, song một số nghiên cứu đã khẳng định một nguyên nhân khác nữa: Lượng carbon dioxide trong khí quyển và nhiệt độ cao là nhân tố quan trọng khiến thực vật nở hoa sớm và tạo ra nhiều phấn hơn. Phấn hoa là một trong những tác nhân gây dị ứng hàng đầu. Động vật di cư lên đồi núi Các nhà khoa học phát hiện ra rằng nhiều loài động vật đã di chuyển lên những vị trí cao hơn để sinh sống, có lẽ là do những thay đổi khí hậu ở môi trường. Tiêu biểu cho sự thay đổi vị trí sống là chuột, sóc chuột và sóc. Những biến động khí hậu cũng đang là mối hiểm họa đối với những động vật ở vùng cực, chẳng hạn như chim cánh cụt hay gấu Bắc Cực, trong bối cảnh băng đang tan dần đi. Thực vật bùng nổ ở Bắc Cực Tình trạng tan chảy băng ở Bắc Cực có thể gây ra vô số vấn đề với động vật và thực vật ở vĩ độ thấp; nhưng nó lại tạo điều kiện thuận lợi cho thực vật sống ở vĩ độ cao, ngay cả tại vùng cực. Cây cối ở Bắc Cực thường bị vùi dưới băng trong phần lớn thời gian của năm. Ngày nay, băng tan chảy sớm hơn vào mùa xuân, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của chúng. Một số nghiên cứu gần đây phát hiện, nồng độ của sắc tố chlorophyll - được tạo ra trong quá trình quang hợp của thực vật - ở Bắc Cực ngày nay cao hơn nhiều so với trước kia. Điều này cho thấy số lượng thực vật ở đây ngày càng tăng lên. Sự biến mất của các hồ 125 hồ ở Bắc Cực đã biến mất trong vài thập kỷ qua. Điều này càng khiến người ta tin rằng hiệu ứng nhà kính đã tác động tới hai địa cực của Trái Đất. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các hồ biến mất vì tầng băng vĩnh cửu bên dưới chúng đã tan chảy. Khi lớp băng dưới hồ - vốn đã tồn tại từ hàng triệu năm - tan chảy, nước sẽ thấm qua đất, khiến hồ cạn đi. Khi các hồ biến mất, các hệ sinh thái phụ thuộc vào chúng cũng biến mất theo. Nhiều công trình biến dạng Hiệu ứng nhà kính không chỉ làm tan chảy băng ở địa cực, mà dường như còn làm biến mất lớp băng vĩnh cửu bên dưới bề mặt Trái Đất. Tình trạng này khiến cho hiện tượng co rút của mặt đất xảy ra thường xuyên hơn, tạo ra nhiều vết nứt và làm biến dạng nhiều công trình cơ sở hạ tầng như đường sắt, đường cao tốc và nhà cửa. Những tác động của hiện tượng tan chảy lớp băng vĩnh cửu dưới lòng đất có thể gây lở đá và sạt đất ở trên đồi, núi. Nhịp sinh học của động vật thay đổi Hiệu ứng nhà kính khiến mùa xuân bắt đầu sớm hơn nên chim có thể sẽ không có sâu mà bắt. Do thực vật nở hoa sớm hơn, những động vật ăn cây cỏ, dưới tác động của nhịp sinh học, sẽ không kịp sinh con vào thời gian mà lượng thức ăn dồi dào. Chỉ những loài điều chỉnh được nhịp sinh học để bắt nhịp với chu kỳ sinh sản của cây cối mới có cơ hội duy trì nòi giống và truyền thông tin di truyền cho thế hệ sau. Vệ tinh quay nhanh hơn Những tác động của khí carbon dioxide - nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính - đã bắt đầu vươn tới không gian bên ngoài Trái Đất. Không khí ở tầng ngoài cùng hành tinh xanh rất mỏng, nhưng những phân tử khí vẫn tạo ra lực cản khiến cho các vệ tinh nhân tạo giảm tốc độ. Tình trạng đó khiến các kỹ sư phải thường xuyên tác động để đưa chúng về đúng quỹ đạo ban đầu. Nhưng lượng carbon dioxide ở tầng ngoài cùng của khí quyển đang tăng lên từng ngày, khiến cho không khí trở nên lạnh hơn và ổn định hơn. Khi khí quyển ổn định hơn thì lực cản mà chúng tạo ra sẽ giảm đi, khiến cho các vệ tinh quay nhanh hơn. Chiều cao của các dãy núi tăng lên Những người leo núi có thể không để ý, nhưng dãy Alps và nhiều dãy núi khác đã cao dần lên trong suốt một thập kỷ qua nhờ sự tan chảy của những lớp băng trên đỉnh của chúng. Trong suốt 4.000 năm qua, sức nặng của những lớp băng này tác động xuống bề mặt Trái Đất, khiến các dãy núi lún xuống. Khi chúng tan chảy, sức nặng đó được dỡ bỏ, và vùng đất bên dưới đã nhô lên. Sự ấm lên của khí hậu làm tăng tốc độ tan chảy của những lớp băng trên đỉnh, nên các dãy núi cũng đang vươn lên với tốc độ nhanh hơn. Các kỳ quan đứng trước nguy cơ bị hủy diệt Trên khắp thế giới, đền chùa, kỳ quan thiên nhiên, các công trình cổ - từ trước tới nay luôn được coi là biểu tượng của sự trường tồn - đang phải chịu đựng những thử thách của thời gian. Nhưng những tác động trực tiếp của hiệu ứng nhà kính có thể phá hủy chúng với tốc độ nhanh khủng khiếp. Sự dâng cao của mực nước biển và sự khắc nghiệt của thời tiết có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đối với những địa điểm được cho là không thể thay thế. Những trận lũ đã phá hỏng Sukhothai, một thành phố 600 tuổi và từng là kinh đô của vương quốc Thái Lan. Cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn Hiệu ứng nhà kính cũng làm tăng số vụ cháy rừng ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Các nhà khoa học cho rằng sự tăng lên của nhiệt độ và tình trạng tan sớm của tuyết là nguyên nhân chính khiến lửa dễ xuất hiện và lan ra các khu rừng. Mùa xuân đến sớm khiến tuyết tan sớm, làm cho tình trạng khô hanh ở các khu rừng ngày càng trầm trọng, khiến chúng dễ bắt lửa hơn. Việt Linh (theo Livescience)
Người già thường lạc quan hơn người trẻ Ảnh: ucce.ucdavis.edu. Người cao tuổi thường nhìn chiếc cốc đầy một nửa, hơn là vơi một nửa. Đó là do họ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống và cũng bắt nguồn từ sự thay đổi sinh học do tuổi già mang lại. Các nhà nghiên cứu đã cho 20 thanh niên tuổi từ 19 đến 22 xem các bức ảnh tích cực, trung tính và tiêu cực, chẳng hạn như một cốc kem chocolate, một bảng điện và một con vật chết. Một nhóm khác gồm 20 người tuổi từ 56 đến 81 cũng được xem những bức hình như vậy. Các điện cực trên đầu người tham gia sẽ ghi lại hoạt động não khi họ xem những hình ảnh này. Mức độ hoạt động não gia tăng sẽ phản ánh phản ứng của mỗi cá nhân trước thông tin tiêu cực. Kết quả cho thấy người già ít có phản ứng với hình ảnh không đẹp hơn. "Nhìn chung, người già ít bị trầm cảm và ít bị ảnh hưởng bởi thông tin tiêu cực hơn", Stacey Wood, nhà tâm lý học thần kinh tại Đại học Scripps ở Claremont, California, Mỹ, nói. Wood giải thích, thông thường, khi phải đưa ra quyết định, mọi người thường cân nhắc mặt hại nhiều gấp hai lần mặt lợi. "Chẳng hạn, khi phải quyết định trong lúc đánh bạc, việc mất đi 100 USD sẽ được coi nặng gấp 2 lần khi ăn được 100 USD. Nhìn chung, mọi người đều được lập trình để chú ý nhiều hơn tới thông tin tiêu cực", Wood nói. Xu hướng này sẽ giảm đi cùng tuổi già. Người ta vẫn chưa rõ vì sao người già lại có xu hướng nhìn đời qua lăng kính màu hồng. Có thể đó là bởi những kinh nghiệm họ thu được hay sự thay đổi sinh học của tuổi già. Một nghiên cứu khác cũng tìm thấy người cao tuổi nhìn được bức tranh toàn cảnh tốt hơn người trẻ. Và người lạc quan thì cũng sống lâu hơn. M.T. (theo Livescience)
Phong thủy không có gì kỳ bí, siêu nhiên Một căn phòng được sắp xếp hợp lý, thoáng đãng làm cho người ở có cảm giác dễ chịu. Ảnh: Thanh Niên. Chỉ cần thay đổi vị trí vài vật dụng trong nhà, thêm đèn, chậu hoa... là có thể làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc. Đó là điều kỳ diệu mà "thuật phong thủy" mang lại? Thực ra, "phong thủy" chỉ là khoa học về môi trường sống, cách sắp xếp nơi ở để con người cảm thấy dễ chịu, thoải mái nhất. "Phong thủy" là một môn khoa học của nguời Á Đông, phát khởi từ Trung Hoa đã hơn 3.000 năm. Người ta thường coi "thuật phong thủy" là điều gì đó hết sức kỳ bí và việc lý giải nó khó hơn lên trời. Nhưng thực chất, nó hoàn toàn gần gũi với đời sống thường ngày. Tháng 9/1999, tạp chí Vogue (Mỹ) đăng bài phóng sự của nhà báo Kristina Zimbalist cho biết, rất nhiều nghệ sĩ, doanh nhân ở Mỹ, châu Âu tin tưởng và “mê” thuật phong thủy. Bài báo nêu dẫn chứng là trường hợp của Steven Klein, nhà nhiếp ảnh thời trang chuyên chụp người mẫu cho các tạp chí nổi tiếng như Vogue, Cosmo, Elle … Mùa thu năm 1998, tự dưng các phòng chụp của nhiếp ảnh gia này trở nên ế ẩm. Một người bạn chỉ cho anh đến nhờ David Raney, một người có nhiều năm nghiên cứu thuật phong thủy chủa người Á Đông và từng giúp nhiều người được hạnh phúc và thành công nhờ thuật này. David Raney đến nhà và phòng chụp của Steven Klein. Mỗi nơi, ông thay đổi vị trí của một số vật dụng, thêm đèn, chậu hoa, thay kính cửa… Thế mà công việc của anh ta tốt hẳn lên. Bài báo còn tiết lộ, ngay cả tỉ phú Donal Trump khi xây khách sạn Trump Tower khổng lồ cũng đến hỏi ý kiến David Raney. Ngoài ra, tỉ phú Kenvin Hart, nhà tài chính Randolph Duke, các thiết kế gia nổi tiếng Joyce Ma, Vivienne Tam Shanghai Tany, hay công chúa Christine của Bỉ, kỹ sư tin học nổi tiếng Wendy Lee, diễn viên Nicole Kidman, Tom Cruise, người mẫu Cindy Crawford… đều là khách hàng thân thiết của David Raney. David Raney đang ở California, Mỹ. Theo ông, thuật phong thủy hoàn toàn là khoa học chứ không mê tín như người ta nghĩ. Chẳng qua, trước đây, giới tri thức Á Đông muốn thần bí hóa sự việc nên không giải thích với quần chúng, tạo nên nét huyễn hoặc cho vấn đề này. Ông cho rằng, thuật phong thủy chỉ là khoa học về môi trường: Sắp xếp thế nào để trong nhà có nhiều ánh sáng, khí trời, màu xanh cây cối, có cả nước, lửa và làm sao để khoảng cách di chuyển thoải mái, cửa sổ, cửa ra vào thông thoáng, mọi người tiếp dễ xúc với nhau để tránh va chạm, lan truyền bệnh tật… Nếu sống trong môi trường hợp lý, người ta sẽ khỏe mạnh, vui vẻ, làm ăn phát đạt. Còn sống ở nơi luộm thuộm, thiếu hòa hợp, họ dễ cáu gắt, khó chịu, làm ăn thất bại…Thuật phong thủy thật ra chỉ là khoa học kiến trúc cộng với khoa học môi trường ở dạng thực nghiệm phổ thông. David Raney còn phát biểu, thuật phong thủy ai cũng học và ứng dụng được. Nhưng cũng như những ngành nghề khác, có một số người chuyên chú và trở thành “thày phong thủy”. Các ông “thày” này cố giữ bí mật nghề nghiệp để làm ăn chứ không có gì là kỳ bí, siêu nhiên cả. Ngày nay, các ông "thày phong thủy" thực chất là một chuyên gia trang trí nội thất, hiểu biết về mối quan hệ giữa con người và môi trường sống. Nếu thiết lập thật tốt mối quan hệ này, con người sẽ cảm thấy thư giãn, dễ chịu trong ngôi nhà của mình. Do đó, sức khỏe của họ tăng lên, làm ăn dễ thành công, bạn bè, khách hàng thích lui tới và có tình yêu, hạnh phúc ngay thôi. Thuật phong thủy đã được đưa vào chương trình đào tạo của Đại học Kiến trúc và ngay cả các chuyên viên địa ốc cũng có kiến thức cơ bản về môn học lý thú này. Tây phương gọi môn học mới mẻ này là “Thuật tạo hạnh phúc gia đình và làm ăn phát đạt”. Nói thế có vẻ hơi cường điệu nhưng nó thật sự có những ứng dụng quan trọng trong cuộc sống thường ngày của mỗi người. (Theo Phụ Nữ)
Đàn ông nhìn gì trên tranh khoả thân? Ảnh: napleschamber. Một nghiên cứu mới tìm thấy đàn ông thường nhìn vào khuôn mặt trước tiên trong tranh khoả thân chứ không phải là các bộ phận khác trên cơ thể. Trong khi đó, phái nữ lại dành nhiều thời gian ngắm nhìn các đôi đang làm tình hơn là phái nam. "Đàn ông nhìn vào khuôn mặt phụ nữ nhiều hơn là các chị em, và cả hai giới cùng nhìn vào các bộ phận sinh dục tương đương nhau", tác giả nghiên cứu Heather Rupp tại Viện nghiên cứu Tình dục, giới tính và sinh sản Kinsey thuộc Đại học Indianan, Mỹ, nói. "Những dữ liệu về cử động mắt cho thấy đàn bà chú ý tới cái gì nhiều nhất là phụ thuộc vào tình trạng hoóc môn của họ. Những cô gái sử dụng thuốc tránh thai thì nhìn nhiều hơn vào bộ phận sinh dục, trong khi những phụ nữ khác chú ý nhiều hơn tới những yếu tố ngoại cảnh của bức hình", Rupp nói. M.T. (theo Livescience)
Khủng long bạo chúa là anh em với gà Khủng long bạo chúa. Ảnh: Reuters. Những mảnh protein tí hon lấy từ mẩu xương khủng long 68 triệu năm trước đã cung cấp bằng chứng gene đầu tiên cho thấy có thể khủng long bạo chúa là họ hàng xa của gà ngày nay. "Đây là bằng chứng phân tử đầu tiên cho thấy mối liên quan giữa chim và khủng long", tiến sĩ John Asara, từ trường Y Havard, Mỹ, cho biết. Nhiều nhà khoa học từng phỏng đoán rằng chim tiến hoá từ khủng long, dựa trên một nghiên cứu về xương của những loài bò sát cổ đại này. Tuy nhiên cho đến gần đây, người ta vẫn chưa có được mẩu mô mềm nào để xác nhận giả thuyết đó. Mọi sự đã thay đổi vào năm 2005, khi trợ lý giáo sư Mary Higby Schweitzer từ Đại học bang North Carolina thông báo tìm thấy mô mềm, bao gồm cả mạch máu và tế bào, trong một mảnh xương khủng long bạo chúa tìm thấy trong lớp đá cát ở Montana. Để phục vụ nghiên cứu của mình, Asara đã sử dụng kỹ thuật khối phổ có độ nhạy cảm cao để xác định thành phần hoá học của mẩu xương do nhóm của Schweitzer cung cấp. Trước tiên, ông tẩy sạch các mảnh vụn xương, sau đó phân tách nó thành các đoạn peptide (là những phần nhỏ của protein), rồi phân lập thành các trình tự amino axit. Asara đã có được 7 chuỗi amino axit riêng biệt, 5 trong số đó là một loại collagen đặc biệt - một loại protein sợi có trong xương. Tiếp đó, ông phiên dịch chuỗi trình tự này, và so sánh với dữ liệu collagen của những động vật hiện còn sống. Hầu hết chúng phù hợp với collagen của gà, trong khi số khác tương thích collagen của sa giông và ếch. "Dựa trên tất cả các thông tin di truyền chúng tôi có hôm nay, có thể thấy rằng những trình tự này là gần gũi với chim hoặc gà hơn cả", Asara nói. Sau cùng, các nhà khoa học hy vọng sẽ tìm thấy vật liệu gene đặc trưng của khủng long bạo chúa, nhưng điều này là không thể với lượng mẫu ít ỏi như vậy. Schweitzer, trong một nghiên cứu khác, phát hiện thấy những mảnh vụn xương của khủng long bạo chúa phản ứng với các kháng thể trong collagen của gà. Điều đó càng khẳng định sự có mặt của những protein kiểu chim trong xương khủng long. T. An (theo Reuters)
Phát lộ nhiều tượng bí ẩn trong biệt thự đá ở Đà Lạt Ngôi nhà đá kiến trúc Tây Ban Nha đang được sửa chữa. Ảnh: Lao Động. Nhiều bức tượng bí ẩn, hai bức phù điêu "lạ" do một người điên tìm thấy tại biệt thứ đá Phi Ánh, Đà Lạt mới đây đã gây tò mò cho nhiều người. Phi Ánh là biệt thự đá có kiến trúc kiểu Tây Ban Nha duy nhất ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Sau 1975, nó được dùng làm chỗ ở cho một số hộ gia đình và bị xuống cấp thảm hại. Đầu năm 2007, sau khi giải toả, chính quyền TP Đà Lạt đã giao ngôi biệt thự này cho Cty TNHH Hoài Nam (Hà Nội) trùng tu. Phù điêu "8 chiếc đồng hồ" với những hoạ tiết trang trí "lạ" cần được giải mã. Ảnh: Lao Động. Ông Lê Cảnh Cương, đại diện Công ty TNHH Hoài Nam, cho biết: Khi sửa chữa biệt thự (từ đầu năm 2007 đến nay), trong lúc cọ rửa bằng nước có axít pha loãng, những người lao động đã phát hiện trên phần tường bên trong có 12 bức phù điêu hai mặt, kích thước mỗi bức từ 40x40 cm - 40x80 cm. Cùng với những bức phù điêu hoa sen cách điệu, hình chim thú lạ..., phía tường bên trong nhà còn có đến 8 bức phù điêu đặt liền nhau, nhìn thoáng qua giống như hình của những chiếc đồng hồ treo tường, nhưng khi được cọ rửa thì chúng lại hiện lên những hoa văn khá lạ. Nhìn tổng thể, phong cách nghệ thuật trên những bức phù điêu này lại mang dáng dấp hội hoạ Ấn Độ. Chuyện về hai bức tượng trong khuôn viên biệt thự nhuốm màu hoang đường cũng khiến nhiều người tò mò. Bà Nguyễn Thị Phú, một người đã sống trong biệt thự Phi Ánh sau 1975, kể lại: Năm 1982, chồng bà là ông Bùi Như Gôm đang bị điên, vào một đêm đang ngủ thì mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Dứt giấc mơ, ông dậy vác cuốc chạy ra góc vườn trong khuôn viên đào tại vị trí một khe nước bẩn (từ trong ngôi biệt thự chảy ra). Ông Gôm phát hiện trong lòng đất 2 bức tượng và đã bê chúng về đặt trang trọng trong một góc vườn sạch sẽ ở cạnh phòng tập thể của gia đình ông và chăm nhang đèn. Một trong hai bức tượng này là hình ảnh một phụ nữ Chăm cao khoảng 1,2 m, đầu đội mũ hình 3 ngọn tháp, chân đeo 3 chiếc vòng có nhiều hoạ tiết đẹp. Theo các nhà nghiên cứu, ngôi biệt thự được một người Pháp xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ trước. Đến sau năm 1940, vua Bảo Đại đã mua để tặng cho thứ phi Phi Ánh (nên được gọi là biệt thự Phi Ánh). Biệt thự độc đáo ở chỗ gồm hai khối nhà nối liền nhau bằng một hành lang bán nguyệt với phần tường bên ngoài xây hoàn toàn bằng đá tự nhiên. Biệt thự còn có hàng trăm cửa ra vào và cửa sổ lớn nhỏ với kích cỡ không cái nào trùng khớp cái nào. Theo ông Lê Cảnh Cương, mục đích trùng tu biệt thự Phi Ánh là nhằm khai thác du lịch đi đôi với bảo tồn. Hiện, đơn vị ông vừa tiến hành sửa chữa trên tinh thần giữ nguyên kiến trúc, vừa thu thập những tư liệu lịch sử - văn hoá để giới thiệu với du khách trong tương lai. (Theo Lao Động