Trang chủ Tin Tức 1.000 tỷ USD: Liệu các ông lớn công nghệ có tiếp tục...

1.000 tỷ USD: Liệu các ông lớn công nghệ có tiếp tục bành trướng?

718
Trong vài tuần qua, cổ phiếu của các hãng công nghệ hàng đầu nước Mỹ đã trải qua giai đoạn khủng hoảng đặc biệt. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra căng thẳng với nguy cơ hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ cũng như cấm chuyển giao công nghệ theo chiều ngược lại. Facebook đã mất hơn 90 tỷ USD giá trị thị trường sau khi tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của vụ bê bối Cambridge Analytica. Twitter mất 20%, tương đương 5 tỷ USD khi thông báo về một sự sụt giảm bất ngờ số lượng người dùng hoạt động hàng tháng. Dịch vụ streaming Netflix cũng không đạt được chỉ tiêu về số lượng người đăng ký dịch vụ.
Bên cạnh đó, công ty ô tô điện Tesla đang đi đúng hướng mặc dù phải chịu thua lỗ 717 triệu USD trong quý II/2018 và vị CEO gây nhiều tranh cãi của công ty, Elon Musk, đã giành lại được sự tin tưởng của các nhà đầu tư sau khi xin lỗi cho những lần tức giận bộc phát của mình trước đây.
Nhưng tâm điểm vẫn là Apple, khi công ty này đã đánh bại Amazon và Google trong việc đạt được cột mốc 1 nghìn tỷ USD giá trị vào đầu tháng 8.2018. Bất chấp những thăng trầm gần đây, năm cổ phiếu công nghệ chủ chốt, được gọi là “FAANGS” – Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google – đã đạt đến đỉnh cao ngoạn mục. Tổng giá trị của 5 công ty này chiếm tới 19% tổng GDP của Mỹ.
Nhưng sự gia tăng giá trị của họ đã tạo ra những lo ngại về việc tái diễn bong bóng dotcom vào cuối những năm 1990, khi các doanh nghiệp công nghệ thống trị thị trường chứng khoán chuẩn bị đi vào giai đoạn khủng hoảng. Dưới đây là những phân tích và nhận định của tờ The Guardian (Anh) về tương lai của FAANGS.
(Nguồn: Internet)

Facebook

Hậu quả của vụ bê bối Cambridge Analytica khá nặng nề khi Facebook lần đầu tiên trong lịch sử đã thiệt hại hơn 90 tỷ USD do giá cổ phiếu lao đầu xuống dốc. Lợi nhuận 3 tháng gần nhất của Facebook có vẻ vượt mức kỳ vọng với hơn 5 tỷ USD. Nhưng hơn 3 triệu người châu Âu đã từ bỏ mạng xã hội này do lo ngại dữ liệu cá nhân của mình bị lộ. Giám đốc tài chính David Wehner nhận định tăng trưởng doanh thu của Facebook sẽ diễn ra khá chậm chạp, trong khi chi phí có thể tăng tới 50% lên 7,4 tỷ USD từ các khoản đầu tư cải thiện an toàn bảo mật.
Nhận định:
Với tất cả những ồn ào xung quanh cú ngã lịch sử diễn ra trong vỏn vẹn 1 ngày, những lý do đằng sau sự việc chính là bài học cho nhà lãnh đạo kiêm sáng lập với sự kiểm soát tuyệt đối Mark Zuckerberg, tốt hơn bất cứ điều gì khác trong thập kỷ qua. Facebook, chịu ảnh hưởng nặng nề từ Cambridge Analytica và vụ bê bối can thiệp bầu cử, quyết định cắt giảm lợi nhuận một nửa để đầu tư cho câu trả lời của mình: 50.000 người kiểm duyệt mới, một khoản đầu tư đáng kể vào sự tin tưởng và kỹ thuật an toàn của công ty, với cam kết thực hiện điều tương tự ít nhất một năm nữa. Như dự đoán, thị trường Phố Wall bài xích hành động này, nhưng đây là một hành động đúng đắn. Một nhà lãnh đạo yếu kém hơn nếu làm như thế có thể đã bị lật đổ , hoặc thậm chí không bao giờ thử làm như thế. Đúng như vậy, Zuckerberg đã khiến công ty sa lầy, nhưng có lẽ anh ta là người duy nhất có thể đưa nó thoát ra khỏi tình huống đó.
Tuy nhiên, những điềm xấu đang dần xuất hiện. Trong tương lai, hãy để ý tới sự chuyển đổi từ “feeds” sang những “câu chuyện” tự xóa, điều này có thể quan trọng như sự chuyển đổi từ máy tính để bàn sang thiết bị di động. Facebook tin rằng không bao lâu nữa phần lớn nội dung trên bốn nền tảng của công ty này sẽ được chia sẻ dưới dạng câu chuyện, định dạng được sao chép từ Snapchat hai năm trước, tuy nhiên họ đang gặp khó khăn để thuyết phục những nhà quảng cáo về điều này.

Alphabet

Công ty mẹ của Google đã phá vỡ kỳ vọng lợi nhuận của Phố Wall, giúp cổ phiếu của họ tăng vọt lên mức cao kỷ lục. Lợi nhuận ròng thực chất thấp hơn so với năm ngoái – giảm từ 4,9 tỷ USD xuống còn 3,5 tỷ USD – nhưng con số này đã tính đến khoản tiền phạt 2,7 tỷ USD từ EC cho hành vi chống cạnh tranh của Google. Công ty dự định kháng cáo nên họ vẫn có thể thu hồi khoản tiền này. Công ty đã thu về hơn 26 tỷ USD doanh thu trong 3 tháng gần đây – vượt xa so với mức 21 tỷ USD doanh thu được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.
Nhận định:
Mặc dù việc thanh lý công nghệ chung đã ảnh hưởng đến công ty mẹ của Google và lợi nhuận so cùng kỳ năm ngoái giảm, tương lai có vẻ khá sáng sủa đối với Alphabet. Khoản tiền phạt của EU về độc quyền Android của Google không khả quan cho công ty và đủ lớn để tác động trực tiếp vào lợi nhuận – nếu không vì khoản tiền phạt 2,7 tỷ USD đó, lợi nhuận của Alphabet sẽ thực sự tăng trong quý này – song những sai lầm nghiêm trọng nhất mà Google bị cáo buộc phần lớn nằm lại trong quá khứ và khó có khả năng công ty bị hạn chế trong việc tiến lên phía trước.
Trong khi đó, dịch vụ tìm kiếm chính là cỗ máy in tiền. Hầu hết mọi truy vấn mở trên web đều bắt đầu tại Google và điều đó làm cho doanh thu quảng cáo của công ty này rất lớn và ổn định. YouTube có thể là một viên ngọc sáng – và chắc chắn dường như là nếu bạn nói chuyện với bất kỳ ai dưới 20 tuổi thì ứng dụng này, chứ không phải Netflix, mới là truyền hình thời đại mới – nhưng trong tương lai YouTube cũng sẽ gặp vấn đề tương tự về nội dung với Facebook.

Amazon

(Nguồn: Internet)

Nhà bán lẻ trực tuyến toàn cầu công bố lợi nhuận hàng quý kỷ lục 2,5 tỷ USD – gấp đôi mức mà các chuyên gia của Phố Wall dự kiến – đẩy giá cổ phiếu của công ty tăng lên mức cao nhất mọi thời đại. Quảng cáo và điện toán đám mây là những lĩnh vực tăng trưởng lớn.
Nhận định:
Bạn có nhớ thời kỳ công ty này chỉ bán sách? Vâng, bây giờ Amazon đã trở thành công ty AWS (Amazon Web Services). Lợi nhuận kỷ lục của bộ phận điện toán đám mây dẫn đến mức tăng trưởng đáng kinh ngạc 1,286% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào mức lợi nhuận biên cực cao mà Amazon kiếm được khi bán thời gian điện toán. Các lĩnh vực kinh doanh của công ty  bây giờ trải dài từ kinh doanh bán lẻ tiêu dùng ban đầu, đến nền tảng Marketplace – nơi mà Amazon đang xây dựng một trung tâm thương mại cho các cửa hàng trực tuyến – cho tới AWS, cung cấp nền tảng căn bản cho Internet. Và đừng quên những gì Amazon đặt cược vào tương lai, đặc biệt là với Echo và Alexa. Kiểm soát bằng giọng nói có thể sẽ trở thành ngõ cụt trong lịch sử điện toán, nhưng nếu không, Amazon rất có thể sẽ sở hữu iPhone của những năm 2020.

Apple

(Nguồn: Internet)

Apple đã tạo nên lịch sử khi trở thành công ty niêm yết công khai đầu tiên được định giá 1 nghìn tỷ USD, một cột mốc đạt được 42 năm kể từ khi công ty được thành lập và hai thập kỷ sau khi nó gần như bị phá sản. Kết quả tài chính trong 3 tháng gần đây nhất, báo cáo đầu tuần này, cho thấy doanh thu của công ty đạt 53 tỷ USD. Công ty đã xuất xưởng hơn 41 triệu điện thoại – ít hơn dự đoán một chút – nhưng vì dòng điện thoại đắt giá iPhone X rất được ưa chuộng, mức giá trung bình mà người tiêu dùng trả cho sản phẩm của hãng này tăng lên.

Nhận định:
Tạo nên những sản phẩm hay ho và bán chúng cho hàng chục triệu người để thu về rất nhiều tiền là một lĩnh vực kinh doanh rất tuyệt. Sản phẩm chính của Apple, iPhone, tạo ra 60% lợi nhuận của công ty, và không hề có dấu hiệu dừng lại.
IPhone X đã trở thành một thành công vang dội, chứng minh giả thuyết rằng hàng triệu người sẽ trả bất cứ giá nào Apple đưa ra cho chiếc điện thoại tốt nhất trên hành tinh. Giá bán trung bình của iPhone hiện cao hơn 700 USD. Và tương lai vẫn còn hứa hẹn hơn nữa trong quý II, thường là thời điểm doanh thu giảm khi những khách hàng hiểu biết chờ đợi việc nâng cấp chắc chắn sẽ xảy ra trong tháng 9.
Nhưng trong khi iPhone mang lại lợi nhuận đáng tin cậy, nó không phải là cơ hội tăng trưởng. Cơ hội này nằm trong hai dòng ở cuối báo cáo của công ty: “dịch vụ” và “các sản phẩm khác”. Các dịch vụ – bao gồm App Store, Apple Pay và thu nhập từ Apple Music – đã phát triển nhanh chóng kể từ khi công ty ngừng xem chúng chỉ như một công cụ thúc đẩy doanh số bán điện thoại và bắt đầu nhìn nhận chúng như một lĩnh vực kinh doanh. Apple đã phát minh ra ý tưởng về App Store và đang cắt giảm 30% mọi thứ trong đó.

Tesla

Tesla đã có một vài tháng khó khăn, với những lo ngại ngày căng gia tăng về mức độ bền vững tài chính của công ty và những lần phát ngôn bộc phát của tỷ phú sáng lập Elon Musk, đã khiến ông bị gọi là Trump của giới công nghệ. Mới đây hãng sản xuất xe điện đã báo cáo khoản lỗ kỷ lục 717 triệu USD trong 3 tháng qua, nhưng cổ phiếu tăng lên vì doanh thu đạt 4 tỷ USD và Musk hứa hẹn lợi nhuận vào cuối năm nay. Ông nói rằng đã có một “bước tiến nhảy vọt “về số lượng xe được xuất xưởng.
Nhận định:  
Những hành động thể hiện tính trách nhiệm cao của Elon Musk trong cuộc họp về doanh thu của Tesla có vẻ đã khôi phục niềm tin của nhà đầu tư sau màn trình diễn thảm hại của ông cách đây 3 tháng, khi ông từ chối “những câu hỏi ngu ngốc tẻ nhạt” từ các nhà phân tích phố Wall liên quan đến nguyên tắc cơ bản của Tesla. Nhưng dù thể hiện mình là một ông chủ có trách nhiệm hay một thiên tài công nghệ khó đoán, Musk vẫn gặp khó khăn trong việc biến Tesla từ nhà sản xuất những chiếc ô tô đắt tiền cho Thung lũng Silicon thành một hàng sản xuất ô tô điện hàng loạt có thể cạnh tranh ngang tay với những tên tuổi như BMW và Nissan.
Tesla cuối cùng đạt được hạn ngạch tự định về sản xuất 5.000 chiếc mẫu thuộc xe đại chúng Model 3 một tuần, nhưng để làm như vậy, công ty này phải chuyển việc sản xuất của mình sang một cơ sở bên ngoài và chịu thua lỗ 700 triệu đô la trong quý. Và việc đơn giản cố gắng bắt kịp những đối thủ cạnh tranh truyền thống với một chiếc xe đại chúng là không đủ – để biện minh cho định giá cao trên trời của mình (giá trị thị trường chứng khoán của Tesla gần bằng như của BMW),công ty sẽ phải đạt được ít nhất một trong số những ý tưởng vĩ đại của mình: xe tự lái, cơ sở hạ tầng sạc điện được thiết kế lại hoàn toàn hoặc chiếc xe tải điện thương mại đầu tiên trên thế giới.

Twitter

Twitter mất hơn một phần năm giá trị của nó trong hai ngày, mặc dù báo cáo lợi nhuận kỷ lục, bởi vì các nhà đầu tư lo lắng về dự báo cực kỳ đáng thất vọng về số lượng người dùng. Công ty này đã mất 1 triệu người dùng trong 3 tháng vừa qua và dự đoán sẽ mất tiếp hàng triệu người nữa trong 3 tháng tiếp theo. Dịch vụ mạng xã hội này báo cáo thu nhập ròng 100 triệu đô la trong quý II, nhưng các công ty công nghệ cần phải chứng tỏ được khả năng tăng trưởng liên tục để gây ấn tượng với Phố Wall.
Nhận định:  
Năm 2016, Twitter đã chuyển ứng dụng của nó từ mục “mạng xã hội” của App Store sang mục “tin tức”. Vào thời điểm đó, việc làm này bị coi như một sự đầu hàng trước Facebook, nhưng giờ đây nó được nhìn nhận như sự thấu hiểu thực sự về những gì công ty có thể cung cấp cho người dùng và khác biệt giữa dịch vụ này với các đối thủ canh tranh. Giống như tất cả các dịch vụ tin tức, khi có rất nhiều tin tức, công ty sẽ bùng nổ, và chắc chắn hiện tại đang có rất nhiều tin tức. Điều đó đã mang lại hiệu quả tốt trong năm qua.
Quý vừa qua tất nhiên là một câu chuyện khác. Twitter vẫn phải giải quyết các vấn đề về lòng tin và an toàn như Facebook và Google, với một phần nhỏ nguồn lực tài chính và tài năng kỹ thuật của hai công ty trên. Và như với Facebook, Phố Wall không muốn tung hứng: Twitter xóa hàng triệu tài khoản giả mạo và các nhà đầu tư trừng phạt nó với mức sụt giảm 20% giá cổ phiếu. Liệu họ có thực sự thích đầu tư vào một trang web đầy các bot không?

Netflix

(Nguồn: Internet)

Dịch vụ streaming video này là công ty đầu tiên trong số các công ty công nghệ báo cáo số liệu vào giữa tháng 7/2018. Kết quả 3 tháng gần đây nhất của họ đã khiến cổ phiếu của công ty sụt giảm khi lần đầu tiên sau 5 năm công ty không đạt được mức đăng ký dịch vụ dự kiến: có thêm 5 triệu người dùng mới, thấp hơn khoảng một triệu so với mức công ty và thị trường dự kiến.
Nhận định:
Chiến lược của Netflix đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua, từ việc đăng tải DVD, đến phát trực tuyến các bộ phim có bản quyền, đến phát trực tuyến các chương trình truyền hình có bản quyền. Ngày nay, công ty tập trung vào các chương trình tự sản xuất, thay đổi cách tư duy về các chi phí nội dung của nó: chúng không còn là chi phí định kỳ ăn vào lợi nhuận mà đã trờ thành khoản đầu tư dài hạn. Và như nhà phân tích Ben Thompson lưu ý, nếu hoạt động có hiệu quả thì khoản chi tiêu này sẽ mang lại nhiều khách hàng hơn: càng có nhiều nội dung trên Netflix thì càng có nhiều lý do để đăng ký tham gia. Đó là lý do tại sao khi tăng trưởng số lượng người đăng ký chậm lại, toàn cảnh có vẻ không ổn định . Công ty nhỏ nhất trong FAANGS đã không bắt kịp được vận tốc của những công ty khác, và một cú sảy chân nhỏ luôn có thể biến thành một cú ngã chết người.

Spotify

Chỉ trong báo cáo tài chính thứ hai kể từ khi phát hành cổ phiếu, dịch vụ âm nhạc trực tuyến này đã công bố tăng trưởng thêm 8 triệu người dùng có trả tiền, đưa số lượng người dùng dịch vụ lên 83 triệu trong quý II/2018. Spotify vẫn chưa thu được lợi nhuận, nhưng sự tăng trưởng này cho thấy công ty vẫn đang cạnh tranh được từ các đối thủ có nguồn lực tài chính hùng hậu như Amazon và Apple cho các khách hàng phát nhạc. Khoản lỗ hoạt động của công ty rơi vào khoảng từ 79 triệu EUR đến 90 triệu EUR.
Nhận định:
Thị trường phát nhạc trực tuyến vẫn còn tiềm năng phát triển, thể hiện qua sự ngoan cố của thị trường download nhạc số và đĩa CD. Nhưng mọi người đều biết rằng cuối cùng đây sẽ là một trận chiến mà kẻ chiến thắng có tất cả. Đó là bởi vì, không giống như video, có rất ít lý do để đăng ký nhiều dịch vụ phát nhạc trực tuyến khác nhau và cũng vì nguyên nhân quy mô kinh tế . Vì vậy, giá cổ phiếu của Spotify về bản chất là đại diện cho một câu hỏi đơn giản: Spotify sẽ giành chiến thắng hay Apple Music? Lợi thế của Spotify nằm ở dịch vụ miễn phí quy mô lớn và đang phát triển, mang lại doanh thu quảng cáo đáng kể và là một yếu tố quan trọng thu hút người dùng mới – và thị trường Android, nơi công ty này thiếu một đối thủ cạnh tranh mạnh. Bất lợi với Spotify: một đối thủ cạnh tranh rất mạnh với nguồn lực tài chính lớn hơn nhiều.