Trang chủ Tin Tức 10 điều bất ngờ bạn chưa biết về bản thân (Phần 1)

10 điều bất ngờ bạn chưa biết về bản thân (Phần 1)

768
1. Quan điểm của bạn về bản thân bị bóp méo.
“Bản thân” bạn ở trước mặt bạn giống như một cuốn sách mở. Chỉ cần nhìn vào bên trong, bạn có thể nói rõ: bạn là ai, sở thích, hy vọng và nỗi sợ của bạn; chúng đều ở đó, sẵn sàng để được thấu hiểu. Khái niệm này khá phổ biến nhưng có lẽ là một sai lầm! Nghiên cứu tâm lý cho thấy chúng ta không có đặc quyền để biết được chúng ta là ai. Cố gắng tìm hiểu bản thân chẳng khác gì mò mẫm trong sương mù.
Nhà tâm lý học của Đại học Princeton, Emily Pronin, chuyên nghiên cứu về tự nhận thức và ra quyết định của con người, gọi quan niệm sai lầm đó là “ảo tưởng nội tâm”. Cách chúng ta nhìn nhận bản thân bị bóp méo, nhưng chúng ta không nhận ra điều đó. Kết quả là, hình ảnh tự nhận thức của chúng ta lại không liên quan gì đến hành động của chúng ta. Ví dụ, chúng ta tin rằng mình là người đồng cảm và hào phóng nhưng vẫn dễ dàng đi lướt qua một người vô gia cư trong một ngày lạnh giá.
Theo Pronin, lý do cho cái nhìn méo mó này khá đơn giản. Vì không muốn là người keo kiệt, kiêu ngạo hay tự mãn, chúng ta làm ra vẻ không phải là những người như vậy. Dẫn chứng cho điều này, cô chỉ ra quan điểm khác nhau của chúng ta về bản thân và người khác. Chúng ta dễ dàng nhận ra đồng nghiệp có hành động thành kiến hay bất công với một người khác. Nhưng chúng ta không nghĩ mình có thể cư xử theo cách tương tự: vì chủ định là người tốt, chúng ta không bao giờ nghĩ mình cũng có thể có thành kiến.
Pronin củng cố luận điểm của mình bằng một số thực nghiệm. Một trong số đó yêu cầu những người tham gia hoàn thành bài kiểm tra ghép mặt người với nhận xét cá nhân để đánh giá trí tuệ xã hội của họ. Sau đó, một số người được cho biết là bị đánh trượt và được yêu cầu chỉ ra những điểm yếu trong quy trình thử nghiệm. Mặc dù ý kiến của các đối tượng gần như chắc chắn là có thành kiến (không chỉ vì họ đã bị đánh trượt trong bài kiểm tra, họ còn được yêu cầu phê bình bài kiểm tra), hầu hết những người tham gia cho biết đánh giá của họ hoàn toàn khách quan. Cũng giống như việc đánh giá các tác phẩm nghệ thuật, trong đó các đối tượng sử dụng thành kiến riêng để đánh giá chất lượng bức tranh vẫn tin rằng đánh giá của họ là công bằng. Pronin lập luận chúng ta được chuẩn bị để che giấu thành kiến ​​riêng của bản thân.
2. Động cơ của bạn hoàn toàn là một bí ẩn với chính bạn.
Mọi người biết rõ bản thân họ như thế nào? Khi trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu gặp phải vấn đề sau: để đánh giá hình ảnh tự nhận thức của một người, chúng ta phải biết người đó thực sự là ai. Để giải quyết, các nhà điều tra sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau. Ví dụ, họ so sánh các kết quả tự đánh giá của các đối tượng thử nghiệm với hành vi của đối tượng trong các tình huống trong phòng thí nghiệm hoặc trong cuộc sống hàng ngày. Họ cũng có thể hỏi những người như họ hàng hoặc bạn bè để đánh giá đối tượng. Và họ thăm dò các khuynh hướng vô thức bằng các phương pháp đặc biệt.
Để đo lường khuynh hướng vô thức, các nhà tâm lý học áp dụng phương pháp thử nghiệm liên kết ngầm (IAT), được phát triển vào những năm 1990 bởi Anthony Greenwald thuộc Đại học Washington và các đồng nghiệp, nhằm phát hiện thái độ ẩn giấu. Cách tiếp cận này giả định các phản ứng tức thời không yêu cầu phản xạ; kết quả là, phần vô thức của tính cách thường nắm thế chủ đạo.
Đáng chú ý là, các nhà thực nghiệm tìm cách xác định các từ ngữ liên quan đến một người được liên kết chặt chẽ với các khái niệm nhất định như thế nào. Ví dụ, trong một nghiên cứu, những người tham gia được yêu cầu nhấn một phím càng nhanh càng tốt khi một từ mô tả một đặc điểm như hướng ngoại (ví dụ như, “hay nói” hoặc “tràn đầy năng lượng”) xuất hiện trên màn hình. Họ cũng được yêu cầu bấm phím tương tự ngay sau khi họ thấy một từ có liên quan đến họ trên màn hình (chẳng hạn như tên riêng của họ). Họ nhấn một phím khác ngay khi một đặc điểm hướng nội (như “yên lặng” hoặc “khép kín”) xuất hiện hoặc khi từ đó liên quan đến người khác. Tất nhiên, các từ và tổ hợp phím đã được thay đổi trong quá trình chạy thử nhiều lần. Nếu người tham gia có phản ứng nhanh hơn khi một từ có liên quan đến họ xuất hiện sau từ “hướng ngoại”, thì hướng ngoại được giả định là không thể tách rời hình ảnh tự nhận thức của người đó.
Những khái niệm “ẩn” như vậy thường không quá tương đồng với các đánh giá về bản thân được thu thập thông qua các bảng câu hỏi. Hình ảnh mà mọi người truyền tải qua các cuộc khảo sát có ít liên quan đến phản ứng chớp nhoáng của họ với những từ ngữ đầy cảm xúc. Và hình ảnh tự nhận thức ẩn giấu của một người thường dự báo khá nhiều về hành vi thực tế của người đó, đặc biệt là khi liên quan đến lo lắng hoặc giao tiếp xã hội. Mặt khác, bảng câu hỏi mang lại thông tin tốt hơn về những đặc điểm như sự tận tâm hoặc cởi mở với những trải nghiệm mới. Nhà tâm lý học Mitja Back của Đại học Münster, Đức giải thích rằng các phương pháp được thiết kế để có được phản ứng tự động phản ánh các thành phần tự phát hoặc thói quen trong tính cách chúng ta. Mặt khác, sự tận tâm và tò mò đòi hỏi một mức độ suy nghĩ nhất định và do đó có thể được đánh giá dễ dàng hơn thông qua tự nhìn nhận bản thân.
3. Vẻ bề ngoài cho mọi người biết rất nhiều về bạn.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người gần gũi nhất và thân yêu nhất thường biết về chúng ta tốt hơn bản thân chúng ta. Như nhà tâm lý học Simine Vazire của Đại học California, Davis đã chỉ ra, có hai điều kiện cụ thể có thể cho phép người khác nhận ra chúng ta thực sự là ai: Thứ nhất, khi họ có thể “đọc” một đặc tính từ các đặc điểm bên ngoài và, thứ hai, khi một đặc tính có một hóa trị tích cực hoặc tiêu cực rõ ràng (ví dụ, trí thông minh và sáng tạo rõ ràng là đáng mong muốn, còn không trung thực và vị kỷ thì không). Đánh giá của chúng ta về bản thân phù hợp nhất với đánh giá của người khác khi nói đến những đặc điểm trung lập hơn.
Các đặc điểm thường dễ đọc nhất bởi người khác là những đặc điểm ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của chúng ta. Ví dụ, những người hòa đồng tự nhiên thường thích nói chuyện và tìm kiếm bạn đồng hành; sự bất an thường biểu hiện trong các hành vi như vắt tay hoặc tránh ánh mắt của một người. Ngược lại, nghiền ngẫm thường là hướng nội, suy nghĩ bên trong tâm trí của một người.
Chúng ta thường không biết được hiệu ứng mà chúng ta tạo ra cho người khác vì đơn giản là chúng ta không nhìn thấy nét mặt, cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể của chính mình. Vì rất khó quan sát chính mình, chúng ta phải dựa vào quan sát của người khác, đặc biệt là những người biết rõ chúng ta. Thật khó để biết chúng ta là ai trừ khi những người khác cho chúng ta biết chúng ta ảnh hưởng đến họ như thế nào.
4. Những khoảng lặng có thể giúp bạn hiểu rõ bản thân hơn.
Ghi nhật ký, dừng lại để tự nhìn lại bản thân và có những cuộc trò chuyện thăm dò với người khác từ lâu đã luôn được sử dụng, tuy nhiên khó có thể biết được những phương pháp này có cho phép chúng ta biết về bản thân mình hay không. Trong thực tế, đôi khi làm điều ngược lại – chẳng hạn như buông bỏ – hữu ích hơn vì nó mang lại cho chúng ta một khoảng lặng. Vào năm 2013, Erika Carlson, hiện đang học tại Đại học Toronto, đã nghiên cứu các tài liệu xem thiền định có cải thiện hiểu biết về bản thân của một người hay không và bằng cách nào. Câu trả lời là có bằng cách vượt qua hai rào cản lớn: suy nghĩ méo mó và bảo vệ bản ngã. Thiền định dạy chúng ta để cho suy nghĩ tự trôi đi và gắn bó với những suy nghĩ đó càng ít càng tốt. Suy cho cùng, suy nghĩ “chỉ là suy nghĩ” và không phải là sự thật tuyệt đối. Thường thì, bước ra khỏi chính mình theo cách này và chỉ đơn giản quan sát những gì tâm trí đang làm giúp sáng tỏ mọi việc.
Có được cái nhìn sâu sắc về động cơ vô thức của chúng ta có thể tăng cường cảm xúc hạnh phúc. Oliver C. Schultheiss của Đại học Friedrich-Alexander, Erlangen-Nürnberg, Đức đã chỉ ra rằng ý thức về hạnh phúc của chúng ta có xu hướng phát triển khi các mục tiêu chủ ý của chúng ta và động cơ vô thức cân bằng hoặc tương thích. Ví dụ, chúng ta không nên làm nô lệ cho một công việc mang lại tiền bạc và quyền lực nếu những mục tiêu này không quan trọng đối với chúng ta. Nhưng làm thế nào để đạt được sự hài hòa như vậy? Bằng cách tưởng tượng. Cố gắng tưởng tượng, một cách sinh động và chi tiết nhất có thể, mọi thứ sẽ như thế nào nếu mong muốn nhiệt thành nhất của bạn trở thành sự thật. Nó có thực sự khiến bạn hạnh phúc hơn không? Thường thì chúng ta không chống nổi cám dỗ đặt mục tiêu quá cao mà không tính đến tất cả các bước và nỗ lực cần thiết để đạt được mục tiêu đầy tham vọng đó.
5. Chúng ta thường nghĩ mình giỏi một cái gì đó hơn thực tế.
Bạn có biết hiệu ứng Kruger Dunning không? Nó cho rằng người nào càng kém cỏi, họ càng ít nhận thức được thiếu sót của mình. Hiệu ứng này được đặt tên theo David Dunning của Đại học Michigan và Justin Kruger của Đại học New York.
Dunning và Kruger đã đưa cho các đối tượng thử nghiệm của họ một loạt các nhiệm vụ nhận thức và yêu cầu họ ước tính họ đã làm tốt như thế nào. 25% người tham gia đánh giá kết quả của họ xấp xỉ với thực tế; chỉ có một số người đánh giá thấp bản thân. 1/4 đối tượng đạt điểm số tệ nhất trong các bài kiểm tra phóng đại khả năng nhận thức của họ. Có thể nào khoe khoang và thất bại luôn đi cùng với nhau?
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: mỗi người trong chúng ta có xu hướng bỏ qua thiếu sót trong nhận thức của mình. Vậy tại sao cách biệt giữa thành tích thực tế và mong muốn lại quá lớn? Không phải tất cả chúng ta đều muốn đánh giá bản thân theo thực tế hay sao? Việc đó chắc chắn sẽ tiết kiệm cho chúng ta rất nhiều nỗ lực lãng phí và có lẽ một số điều xấu hổ. Có vẻ như câu trả lời là thổi phồng bản ngã ở một mức vừa phải có những lợi ích nhất định. Theo đánh giá của các nhà tâm lý học Shelley Taylor của Đại học California, Los Angeles và Jonathon Brown của Đại học Washington, lăng kính màu hồng có xu hướng tăng cảm giác hạnh phúc của chúng ta. Mặt khác, những người trầm cảm có khuynh hướng thực tế một cách tàn bạo trong việc tự đánh giá bản thân. Một hình ảnh tự nhận thức được tô điểm dường như giúp chúng ta vượt qua những thăng trầm của cuộc sống hàng ngày.
Hồng Ngân
Theo Scientific American