Trang chủ Tin Tức 2 loại mã độc được phát hiện nhiều nhất ở Việt Nam

2 loại mã độc được phát hiện nhiều nhất ở Việt Nam

920
Theo bà Jaruwan Nok – Giám đốc Trend Micro tại Việt Nam, với các hiểm họa an ninh mạng ở Việt Nam, Trend Micro thấy cần thiết phải tổ chức sự kiện Security Trends tại đây và hãng tin rằng sự kiện này sẽ giúp tạo thêm sức mạnh kiến thức cho các tổ chức nhằm tự bảo vệ và đối phó tốt hơn với các hiểm họa ngày này và cả trong tương lai.

Sự kiện Security Trends 2018 vừa tiếp tục được hãng bảo mật Nhật Bản Trend Micro tổ chức tại TP.HCM ngày 1/8/2018. Trước đó, ngày 30/7, sự kiện Security Trends 2018 tại Hà Nội đã thu hút hơn 250 chuyên gia bảo mật thông tin từ nhiều lĩnh vực đến tham dự.
Sự kiện Security Trends của Trend Micro đang tự định hình trở thành một sự kiện chuyên ngành hàng đầu dành cho các chuyên gia bảo mật thông tin. Security Trends đã được tổ chức ở một số quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Nga, Ukraine và Hàn Quốc, và thu hút hàng nghìn người đang làm trong lĩnh vực bảo mật thông tin tham gia…
Năm 2018 là lần đầu tiên Trend Micro tổ chức sự kiện này ở Việt Nam, với mục đích khuyến khích những người làm trong lĩnh vực bảo mật thông tin vững bước trong hành trình liên tục học hỏi nhằm khám phá và hiểu rõ các xu hướng trong ngành, những cách thức thực hiện bảo mật tốt nhất, những công nghệ mới nhất. “Thông qua sự kiện, họ có thể biết thêm những cách thức bảo vệ hạ tầng kỹ thuật số, và quản trị rủi ro công nghệ trong tổ chức trong bối cảnh hiểm họa biến đổi phức tạp ngày nay”, Trend Micro cho hay.
Chia sẻ thêm về quyết định chọn tổ chức Security Trends tại Việt Nam, bà Jaruwan Nok – Giám đốc Trend Micro tại Việt Nam cho hay: “Trend Micro luôn không ngừng nỗ lực nâng cao nhận thức người dùng về an toàn bảo mật. Với các hiểm họa an ninh mạng ở Việt Nam, chúng tôi thấy cần thiết phải tổ chức sự kiện Security Trends tại đây. Chúng tôi tin rằng sự kiện này sẽ giúp tạo thêm sức mạnh kiến thức cho các tổ chức nhằm tự bảo vệ và đối phó tốt hơn với các hiểm họa ngày này và cả trong tương lai”.
Có sự góp mặt của các diễn giả là khách mời đến từ Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) – Tiến sỹ Vũ Quốc Khánh và từ Cloud Security Alliance (CSA) – ông Sơn Hồ giúp cho Security Trends 2018 trở nên hấp dẫn hơn bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và một cái nhìn sâu sát về những gì các doanh nghiệp đang làm để bảo vệ hành trình số của họ.
Trong suốt khoảng thời gian diễn ra sự kiện, các diễn giả của Trend Micro trong khu vực cũng chia sẻ kinh nghiệm và cách thức Trend Micro có thể giúp các doanh nghiệp tự bảo vệ và đảm bảo sự phát triển kinh doanh của họ.

Theo thống kê của Trend Micro, Việt Nam dẫn đầu về số lây nhiễm được phát hiện trong khu vực Đông Nam Á nửa đầu năm 2018. Các dữ liệu của hệ thống Smart Protection Network của Trend Micro từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2018 đã chỉ ra rằng hơn 1 tỉ file, email và các URL liên quan đến mã độc được phát hiện ở Việt Nam – cao nhất trong khu vực Đông Nam (SEA).
Cũng theo xu hướng chung toàn cầu, đa phần các hiểm họa được phát hiện tại Việt Nam đến từ email, với 94%. “Điều này chứng minh tội phạm mạng vẫn không ngừng lợi dụng hình thức phổ biến nhất trong giao tiếp giữa các doanh nghiệp và tổ chức. Những ví dụ về các hiểm họa qua con đường email có thể kể đến spam, phishing, và mã độc trong các file đính kèm những email lừa đảo dựa vào mối quan hệ xã hội”, chuyên gia Trend Micro nhận định.

Các chuyên gia Trend Micro cho biết, các phát hiện mã độc mã hóa dữ liệu – Ransomware ở Việt Nam chiếm 8% tổng số phát hiện này trên toàn cầu (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, Trend Micro cũng nhận thấy mã độc được phát hiện nhiều nhất ở Việt Nam là mã độc mã hóa dữ liệu (ransomware) và mã độc nhắm vào các hoạt động ngân hàng trực tuyến. Các phát hiện mã độc mã hóa dữ liệu ở Việt Nam chiếm 8% tổng số phát hiện này trên toàn cầu; và Việt Nam cũng đứng trong Top 10 với số các phát hiện liên quan đến mã độc nhắm vào các hoạt động ngân hàng trực tuyến.
Trong đó, mã độc mã hóa dữ liệu là loại hình mã độc mã hóa các file dữ liệu trong những hệ thống bị lây nhiễm với nỗ lực nhằm ép buộc nạn nhân phải trả một khoản “tiền chuộc”; và mã độc nhắm tới các hoạt động ngân hàng trực tuyến chủ yếu can thiệp vào các phiên kết nối của trình duyệt web nhằm đánh cắp các thông tin giúp truy cập thành công vào các dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
“Thiệt hại trung bình cho mỗi sự cố rò rỉ dữ liệu là 4 triệu USD trong năm 2017 , đây là con số thiệt hại do rò dỉ dữ liệu cao nhất từ trước đến nay” ông Dhanya Thakkar, Phó TGĐ điều hành của Trend Micro phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi nói. Ông cũng bổ sung thêm rằng: “Ngoài các chi phí cho việc loại bỏ hiểm họa, phục hồi, thông báo, mất cơ hội kinh doanh, phí tư pháp, phí phạt luật định; thì giá trị cổ phiếu, uy tín doanh nghiệp, và sự tin tưởng của khách hàng cũng phải chịu cùng rủi ro, đó là chưa kể đến khả năng mất việc của các vị trí lãnh đạo cao cấp – CxOs”.
Trả lời cho câu hỏi doanh nghiệp cần làm gì để tự bảo vệ, chuyên gia Trend Micro cho rằng, điểm mấu chốt là các doanh nghiệp cần ưu tiên cho công tác an toàn bảo mật thông tin, đừng để đến khi quá muộn.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia Trend Micro, có 3 cấu phần mà các doanh nghiệp cần xem xét một cách nghiêm túc, đó là ở mức người sử dụng, ở mức bảo vệ sever và ở mức bảo vệ hệ thống mạng.