Trang chủ Tin Tức 5 tiên đoán ‘trật lất’ về số phận Apple

5 tiên đoán ‘trật lất’ về số phận Apple

793

Apple đã hơn 40 “tuổi” (thành lập ngày 1.4.1976). Suốt quãng thời gian hoạt động, sản xuất, “táo khuyết” luôn nhận chỉ trích vì đặt giá sản phẩm quá cao, dù cốt lõi kinh doanh của công ty luôn hướng đến các thiết bị cao cấp và mức giá cùng đẳng cấp.

Khoảng 15 năm gần đây, Apple luôn tỏ ra mình giỏi kiếm tiền, đều đặn ra mắt sản phẩm mới và các dịch vụ phụ trợ, nhưng hãng vẫn là mục tiêu phổ biến của các nhà phân tích, giới quan sát công nghệ với hàng loạt nhận xét rằng thời huy hoàng đã trôi qua.

Ví dụ điển hình nhất cho các dự đoán sai vừa diễn ra cách nay vài ngày, khi nhiều nhà phân tích nghĩ rằng Apple kinh doanh sụt giảm, iPhone X là sự thất vọng lớn. Nhưng thực tế, iPhone X là smartphone bán tốt nhất thế giới trong quý vừa qua, bất chấp mức giá khởi điểm tới 999 USD.

Theo
BGR, khi nhìn lại lịch sử của hãng, việc vừa xảy ra không đáng gì so với những dự đoán “chắc như đinh đóng cột” nhưng cuối cùng lại sai không thể chối cãi từng diễn ra.

iPhone sẽ thất bại


Cố CEO Steve Jobs giới thiệu mẫu iPhone đầu tiên vào năm 2007

Ảnh: Apple

Khi mẫu iPhone đầu tiên giới thiệu, người dùng thì “điên đảo” vì sản phẩm mới, trong khi giới công nghệ lại khá xem nhẹ. Cựu CEO Palm Ed Colligan từng nói: “Chúng tôi đã học hỏi và cạnh tranh nhiều năm để biết cách tạo ra chiếc điện thoại phong nhã. Mấy hãng sản xuất máy tính sẽ chẳng thể hiểu điều đó. Họ không thể đơn giản bước vào lĩnh vực này”. “Hãng sản xuất máy tính” mà ông Colligan đề cập tới chính là Apple.

Hay cựu CEO Microsoft Steve Ballmer có phần mỉa mai sản phẩm mới: “iPhone là chiếc điện thoại đắt nhất trên thế giới. Máy còn chẳng có tí gì phù hợp với khách hàng doanh nhân. Điện thoại không có bàn phím thì chẳng thể làm thiết bị tốt cho email”. Tuy nhiên, vài năm sau đó chính Ballmer đã thừa nhận mình sai.

Cây viết Matthew Lynn của Bloomberg khi đó nhận định: “iPhone không là gì ngoài một món trang sức xa xỉ cho mấy người dị dị thích khoe khoang bằng thiết bị. Xét về tác động đối với ngành công nghệ di động, iPhone chẳng mấy liên quan”.

Thực tế, mẫu điện thoại này chuẩn bị “ăn sinh nhật” tuổi 11 và năm 2007, khi iPhone đầu tiên ra mắt được xem là thời điểm mang tính thay đổi đối với smartphone hiện đại.

iMac cần ổ đĩa mềm

Cách nay 20 năm, Steve Jobs giới thiệu mẫu iMac đầu tiên, một thiết bị tất cả trong một với thiết kế vỏ màu xanh bắt mắt. Máy bán ra không có ổ đĩa mềm, một quyết định gây tranh cãi thời bấy giờ.

Tờ
The Boston Globe năm 1998 đăng tin có đoạn: “iMac chỉ bán được cho mấy tay cả tin. Máy không có chỗ đọc đĩa mềm để sao chép hay chia sẻ dữ liệu. Đây là một bước lùi đáng kinh ngạc của Jobs, người nhẽ ra đã phải làm khá hơn. iMac bóng bẩy, thanh lịch, không đĩa mềm. Thế là tiêu!”.

Vậy nhưng iMac lại là một bước đi bỏ xa tất cả của Apple. Quan trọng hơn, sản phẩm đã giúp hãng trở nên nổi bật trong mảng công nghệ.

iPod thật nhạt nhẽo và quá đắt


Giống nhiều sản phẩm khác của Apple, iPod bị chê quá đắt đỏ khi vừa ra mắt

Ảnh: Applesencia

iPod có đóng góp rất lớn trong việc phục hồi vai trò của Apple trong làng công nghệ. Được thiết kế là chiếc máy chơi nhạc, iPod thực sự là sản phẩm thay đổi cuộc chơi, thay đổi cách thế giới này nghe nhạc. Nhưng khi ra đời vào năm 2001, thiết bị không được các nhà phân tích tin tưởng.

Ở thời điểm đó, chuyên gia phân tích Tim Deal nói: “Tôi nghi ngờ khả năng Apple bán được iPod ra thị trường với mức giá hiện nay. Rõ ràng Apple đang theo chân Sony bằng việc tích hợp thiết bị điện tử tiêu dùng vào chiến lược marketing. Nhưng Apple thiếu những gì mà sản phẩm Sony đang mang lại. Việc giới thiệu sản phẩm điện tử tiêu dùng lúc này là mạo hiểm, nhất là khi giá chẳng hề hấp dẫn”.

Còn ấn tượng đầu tiên của chuyên trang công nghệ Slashdot về sản phẩm: “Không có kết nối không dây. Bộ nhớ ít. Chẳng tương xứng gì!”.

Các cửa hàng bán lẻ của Apple sẽ lụi bại


Apple Store là thành công lớn về mặt kinh doanh của hãng

Ảnh: AFP

Quyết định phát triển các cửa hàng bán lẻ Apple ở những địa điểm mua sắm cao cấp chắc chắn là một trong những bước đi khôn ngoan nhất trong cuộc đời của thiên tài Steve Jobs. Ông nhận ra rằng cách duy nhất để các sản phẩm của hãng trở thành trung tâm và nổi bật là kiểm soát hoàn toàn trải nghiệm mua sắm.

Ngày nay, có hàng trăm cửa hàng như vậy của Apple trên khắp thế giới và chuỗi kinh doanh này được ví như cỗ máy in tiền cho “nhà táo”. Thậm chí, doanh thu trên mỗi mét vuông cửa hàng của Apple còn cao hơn một số thương hiệu thời trang nổi tiếng.

Nhưng ý tưởng chi cả núi tiền để xây dựng các cửa hàng bán lẻ từng bị xem là quyết định sai lầm lúc ban đầu.

Năm 2001, chuyên gia phân tích David Goldstein nhận định: “Tôi cá là chỉ 2 năm họ sẽ phải đóng tiệm vì sai lầm đau đớn và đắt đỏ này”.

Steve Jobs và NeXT không thể cứu Apple

Apple từng trên bờ vực phá sản vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Cuối năm 1996, hãng mua lại công ty NeXT trong nỗ lực giải quyết các thiếu sót đang tồn tại trong hệ thống vận hành của mình. Nhiều nhận định lúc này cho rằng thương vụ không mang lại nhiều tác động tới việc kinh doanh của Apple.

Giám đốc Công nghệ Microsoft Nathan Myhrvold khi đó nói: “Vụ mua lại NeXT quá muộn. Apple giờ đã chết rồi”.

Khi đó, ít ai nghĩ rằng Steve Jobs sẽ quay trở lại Apple và trong 10 năm tiếp theo lèo lái công ty này với hàng loạt sản phẩm mang tính cách mạng.