Trang chủ Tin Tức 8 phát minh của người Trung Quốc cổ đại ‘vượt mặt’ Tây...

8 phát minh của người Trung Quốc cổ đại ‘vượt mặt’ Tây Phương

936
Ngày nay, Trung Quốc không được xem là quốc gia đi đầu trong các phát minh khoa học, nhưng vào thời cổ đại, quốc gia này là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, là nơi khởi nguồn của những phát minh quan trọng đã định hình văn minh thời đó.
Ảnh: thoughtco.com
Những phát minh của người Trung Quốc cổ đại từ hàng ngàn năm trước, được xem là đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp hiện đại và cải thiện nhiều phương diện khác nhau của đời sống, nhiều phát minh vẫn có sức ảnh hưởng quan trọng đến tận ngày nay.
Tiến sĩ Joseph Needham, một nhà hóa sinh học và sử gia làm việc tại Đại học Cambridge, Anh, là một trong những nhà khoa học phương Tây tiên phong trong việc công bố những đóng góp của Trung Quốc cổ đại cho sự phát triển của nhân loại, ông cảm thấy rất ấn tượng với phương pháp tiếp cận khoa học và công nghệ của người Trung Quốc cổ đại, sau chuyến thăm nước này vào năm 1942.
Sự ngưỡng mộ của Needham đối với lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa truyền thống đã thúc đẩy ông bắt tay vào một dự án lớn, viết một tập sách có tiêu đề ” Khoa học và Văn minh Trung Hoa “. Tập sách bao gồm 27 cuốn, được phân thành 7 tập, trong đó bao hàm rất nhiều khía cạnh của khoa học Trung Quốc cổ xưa.
Trong tập sách này, Joseph Needham đã mô tả hàng chục phát minh của Trung Quốc cổ đại đã và đang được ứng dụng rộng rãi ở các quốc gia phương Tây.
Dưới đây là 8 phát minh mà nền văn minh Trung Hoa cổ đại, có lịch sử 5000 năm trước đã đem đến cho nhân loại chúng ta:
Giấy, tiền, giấy vệ sinh, và thực đơn
Người Trung Quốc cổ đại phát minh ra giấy để ghi chép lại các sự kiện, văn kiện. Ảnh: a2zdreams.com
Sự ra đời của giấy là tiền đề cho ba phát minh hữu ích khác được đề cập đến ở đây. Vì vậy, có thể gộp cả 4 phát minh đó trong cùng một mục – các phát minh từ giấy.
Trong khi người Châu Âu vẫn phải nhập khẩu loại giấy cói từ Ai Cập hay phải sử dụng giấy da trong nhiều thế kỷ, thì người Trung Quốc cổ đại đã được tận hưởng sự tiện nghi của “giấy thật”. Mặc dù nó trông không giống loại giấy hiện đại chúng ta dùng để viết ngày nay, nhưng so với giấy cói thì loại giấy đó tiện và bền chắc hơn rất nhiều.
Theo các tư liệu lịch sử, một thái giám tên là Thái Luân là người đã phát minh ra giấy. Đã có ý kiến cho rằng giấy đã được sử dụng từ năm 105 sau Công nguyên (SCN), nhưng kết quả các cuộc điều tra gần đây lại cho thấy, mốc niên đại đó phải dịch chuyển về sớm hơn, vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên (TCN).
Nếu Trung Quốc phát minh ra cách làm giấy, thì nơi đây chắc chắn cũng phải là nơi khởi nguồn của … giấy vệ sinh. Việc sử dụng giấy vệ sinh được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 851 SCN, thời nhà Đường. Nhưng phải đến triều nhà Minh (1368-1644) thì việc sử dụng loại giấy này mới trở nên phổ biến trong triều đình.
Trung Quốc cổ đại đã sử dụng giấy vệ sinh từ rất sớm, còn tại các quốc gia phương Tây, phải đến nửa sau thế kỷ 19 loại giấy này mới trở nên phổ biến và trở thành hàng hóa thương mại. Joseph C. Gayetty là người “tái phát minh” ra nó vào năm 1857.
Vào thế kỷ thứ 9, người Hoa bắt đầu sử dụng giấy để in tiền. Các hóa đơn giấy đầu tiên được dùng làm tín dụng hay hối phiếu. Thương nhân có thể nhận chúng thay cho các đồng xu bằng kim loại, mà không phải chịu bất kể tổn thất vào về giá trị của “tờ tiền”. Đây chính là những tờ tiền giấy đầu tiên trong lịch sử. Phải đến thế kỷ 13, nhà thám hiểm Marco Polo mới bắt đầu giới thiệu khái niệm tiền giấy này tới Châu Âu, sau chuyến thăm Trung Quốc của mình.
Bản in và một tờ tiền giấy Trung Quốc cổ. Ảnh: wikipedia
Với Con đường tơ lụa nổi tiếng đã đi vào lịch sử, Trung Quốc cổ đại vẫn luôn được biết đến là trung tâm thương mại cỡ lớn, sẵn sàng chào đón các thương gia và lữ khách từ khắp mọi nơi. Người ta nói rằng, số lượng lớn người nước ngoài không biết nói tiếng Trung Quốc chính là lý do để phát minh ra… thực đơn nhà hàng, và đã sớm xuất hiện từ Triều đại nhà Tống (960–1279). Người Trung Quốc đã biết làm giấy, vì vậy việc sử dụng nó để làm thực đơn nhà hàng là một điều khá dễ hiểu.
In ấn
Kinh Kim Cương được xem là cuốn sách đầu tiên được in trên giấy với kích thước thông thường. Theo các tư liệu, cuốn sách này được in vào năm 868 SCN, vào thời nhà Đường. Tại thời điểm đó, hình thức in khắc gỗ, bắt nguồn từ Trung Quốc, đang rất phổ biến, bởi nó giúp đơn giản hóa việc phổ biến các kinh sách tôn giáo.
Kỹ thuật in ấn đã xuất hiện ở Trung Quốc từ rất sớm. Ảnh: Medium
Trong quy trình in ấn, đầu tiên, mực sẽ được phết lên bề mặt các ký tự được chạm khắc trên gỗ. Sau khi in, hình ảnh đảo ngược của khúc gỗ sẽ được lưu dấu trên bề mặt giấy. Mỗi khối gỗ đơn có thể sản xuất ra khoảng 20.000 ấn bản.
Một thế kỷ sau, Tất Thăng đã nâng cấp kỹ thuật này khi giới thiệu phương cách in ấn kiểu di động. Khi in ấn theo cách này, người ta sẽ chạm khắc các ký tự lên các miếng đất sét nhỏ, rồi nung cho cứng lại bằng lửa để tạo nên các hộp chữ, sau đó gắn chúng vào một tấm sắt để in lên các trang văn bản. Để in một trang giấy khác, người ta chỉ việc tách rời các hộp chữ này rồi gắn lên tấm sắt theo thứ tự khác.
Sau này kỹ thuật này được cải tiến và khiến việc in ấn trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Ảnh: Microcontent
Johann Gutenberg, người giới thiệu khái niệm in ấn sang Châu Âu, được cho là đã sử dụng đúng công nghệ này để in bản Kinh Thánh đầu tiên vào những năm 1450.
Rượu
Kết quả nghiên cứu năm 2004 của Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho thấy, Trung Quốc có thể là quốc gia đầu tiên khám phá ra quá trình lên men, chưng cất để tạo ra rượu. Kết luận này được đưa ra sau khi một nhóm các nhà khoa học phân tích các chất liệu hữu cơ khô mà họ tìm thấy trong các bình cổ. Như vậy, người Trung Quốc đã biết “thưởng rượu” từ 9.000 năm trước.
Trung Quốc có thể là quốc gia đầu tiên biết điều chế và thưởng thức rượu. Ảnh: fb.ru
Nĩa
Khi nói đến thìa nĩa, người ta có thể nghĩ ngay đến ẩm thực phương Tây. Nhưng những phát hiện từ lần khai quật gần đây tại ngôi mộ của Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN), hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, lại cho thấy người Trung Quốc đã chế tạo ra những chiếc nĩa với kiểu dáng hiện đại từ hàng trăm năm trước.
Những chiếc dĩa có hình dáng khá hiện đại được tìm thấy trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng khiến các nhà nghiên cứu bất ngờ. Ảnh: kokirumah.tk
Nĩa thời Trung Quốc cổ đại. Ảnh: toptenz.net
Trả lời cho câu hỏi tại sao người Trung Quốc ngày nay không còn sử dụng nĩa mà lại dùng đũa. Có ý kiến cho rằng, trước đây vào thời nhà Thương khoảng 4.000 năm trước, giới quý tộc Trung Quốc cổ đại chọn dùng nĩa trong bữa ăn.
Nhưng sau này, khi dân số dần gia tăng, nhu cầu sử dụng tiết kiệm tài nguyên khiến việc chuẩn bị bữa ăn nhanh chóng mà không tốn nhiều nguyên liệu trở nên hết sức cấp thiết. Do đó, để nấu nướng nhanh hơn, người Trung Quốc xưa đã cắt trước thịt/rau thành các miếng nhỏ. Việc này khiến dao/nĩa trở nên không còn cần thiết, và chúng dần được thay thế bằng một dụng cụ tiện dụng hơn – đũa tre. Kể từ đó, người Trung Quốc chuyển từ dao nĩa sang đùng đũa trong các bữa ăn hàng ngày.
La bàn
La bàn có thể đã được mang đến châu Âu bởi các thương nhân Ả rập vào thế kỷ 14. Nhờ đó, tổ tiên chúng ta mới có thể điều khiển tàu bè đi đúng hướng trong những cơn bão biển và khám phá các miền đất mới.
Thủy tổ của các loại la bàn, thực tế bắt nguồn từ Trung Quốc. Ảnh: mediabakery.com
Tuy nhiên, la bàn lại được phát minh ở Trung Quốc, hơn nữa, nó là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nước này. La bàn được phát minh vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN. Lúc đầu nó được sử dụng bởi các nhà tiên tri, sau đó được sử dụng trong những chuyến đi biển bắt đầu vào triều đại nhà Tống vào thế kỷ thứ 10.
La bàn Trung Quốc vào thời nhà Hán. Ảnh: Wikimedia
Có một chi tiết thú vị với la bàn Trung Quốc là, trong khi các la bàn hiện đại chỉ về phía Bắc, la bàn Trung Quốc cổ đại lại chỉ về phía nam. “Kim” của la bàn Trung Quốc được làm từ đá nam châm và có hình dạng một chiếc thìa. Đá nam châm thường chỉ về phía nam, điều này đã mang lại cho các thủy thủ Trung Quốc thêm một lợi thế lớn, bởi đây là hướng của mặt trời vào ban ngày. Vì vậy, không khó hiểu tại sao ngành hàng hải Trung Quốc lại trở thành một hình mẫu cho toàn thế giới.
Đồng hồ cơ khí
Nguyên mẫu của các loại đồng hồ cơ khí ngày nay cũng đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Người tạo ra nó là Phật tử Yi Xing. Ông đã giới thiệu mô hình chiếc đồng hồ cơ khí đầu tiên vào năm 725 SCN, hai thế kỷ trước khi ý tưởng tương tự xuất hiện ở phương Tây.
Nguồn gốc khởi nguyên của đồng hồ cơ khí cũng là ở Trung Quốc. Ảnh: pbslearningmedia.org
Theo mẫu thiết kế đồng hồ của vị phật tử này, nước nhỏ giọt xuống sẽ vận hành một bánh xe lớn, bánh xe này sẽ xoay một vòng tròn đầy đủ trong một ngày – 24 giờ.
Đến triều đại nhà Tống, viên quan Tô Tụng đã hiện đại hóa chiếc đồng hồ, để nó không chỉ có thể báo đúng thời gian trong ngày, mà còn chỉ đúng ngày trong tháng, tuần trăng, cũng như vị trí của một số ngôi sao và hành tinh nhất định. Ông đã cho xây một tháp đồng hồ, là một hệ thống bánh răng phức tạp vận hành theo cơ chế dây chuyền.
Bản thiết kế gốc trong cuốn sách của Tô Tụng cho thấy những hoạt động bên trong tháp đồng hồ. Ảnh: Wikimedia
Công trình tái dựng tháp đồng hồ của Tô Tụng ở quê nhà của ông. Ảnh: pbslearningmedia.org
Máy phát hiện động đất
Ngày nay chúng ta gọi nó là máy phát hiện địa chấn, hay địa chấn ký, nhưng vào khoảng 2.000 năm trước, nó lại trông khá giống một chiếc bình đồng.
Bí mật đằng sau nó là gì?
(Ảnh: Marilyn Shea)
Bên trong bình có một con lắc, con lắc này sẽ di chuyển khi xảy ra động đất, làm dịch chuyển các đòn bẩy bên trong. Điều này sẽ khiến một con rồng nhả một quả bóng nhỏ ra khỏi miệng. Quả bóng này sẽ rơi xuống cái miệng đang há của con cóc bên dưới, tạo nên tiếng chuông cảnh báo về trận động đất đang xảy ra. Đầu con rồng nhả bóng hướng về phía nào, phía đó chính là hướng tâm chấn của trận động đất.
(Ảnh: Marilyn Shea)
Thời Trung Quốc cổ đại, hiện tượng động đất xảy ra khá thường xuyên, nên máy phát hiện động đất của Trương Hành, và các thiết bị kế cận dựa trên mẫu thiết kế này, đã giúp quốc gia này đứng vững trong hàng nghìn năm.
Ở phương Tây, phải đến thế kỷ 13, các thiết bị địa chấn đầu tiên mới xuất hiện ở Ba Tư.
Tên lửa
Mỹ và Liên Xô được xem là những anh cả trong công cuộc chinh phục không gian, với những tàu vũ trụ gắn động cơ tên lửa phản lực tiên tiến. Nhưng mấy ai biết rằng, vào thế kỷ thứ 3 Sau Công Nguyên, người Trung Quốc đã biết đến khái niệm tên lửa phản lực, và ứng dụng nó trong chiến trận cũng như trong cuộc sống.
Hình ảnh một người lính chuẩn bị phóng một tên lửa. Ảnh: Ancient Origins
Ở Trung Quốc cổ đại, họ tạo ra tên lửa phản lực sử dụng thuốc súng. Vào thời nhà Tống, người Trung Quốc đã nhồi thuốc súng vào một ống giấy, gắn ống này vào một mũi tên, rồi họ dùng cung bắn mũi tên này, ống giấy sau khi bén lửa (do ma sát hay châm lửa trực tiếp) sẽ tạo phản lực giúp mũi tên bay xa hơn.
Phát minh này đã được sử dụng rộng rãi trong chiến trận, nhưng cũng được ứng dụng trong một màn giải trí không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống – pháo hoa.
Phương Lâm