Trang chủ Tin Tức Alibaba đấu Tencent – cuộc chiến dành ngôi vương tại Trung Quốc

Alibaba đấu Tencent – cuộc chiến dành ngôi vương tại Trung Quốc

711
Thế giới luôn tồn tại sự cạnh tranh giữa hai gã không lồ trong mỗi lĩnh lực như cuộc chiến không hồi kết của Coca và Pepsi hay trong phim ảnh là DC và Marvel.
Ở Trung Quốc, cuộc chiến thương mại cũng đang nổ ra giữa hai gã khổng lồ Internet Alibaba và Tencent. Cả hai đều có giá trị vốn hóa thị trường dao động khoảng 500 tỷ USD. Tencent sở hữu nền tảng chơi game và nhắn tin hàng đầu tại quốc gia này, trong khi Alibaba từ lâu đã trở thành ông trùm về thương mại điện tử tại đây.

Đồng thời, cả hai đều là những nhà đầu tư lớn ở trong và ngoài Trung Quốc, đạt được những thành công đáng kinh ngạc tại thị trường đông dân nhất thế giới. Alibaba đã có hơn 552 triệu khách hàng hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử của mình còn Tencent sở hữu Wechat với hơn 1 tỷ tài khoản.

Hai công ty đều được thành lập từ cuối những năm 1990, khi Trung Quốc bắt đầu có Internet và trong nhiều năm họ đã xây dựng nên những doanh nghiệp khổng lồ. Tuy nhiên, khi một gã khổng lồ phát triển mạnh mẽ, họ sẽ muốn lấn chiếm sang lĩnh vực của kẻ khác.
Điển hình gần đây Tencent đầu tư vào các dịch vụ tài chính trong khi từ lâu điều này đã là thế mạnh của Alibaba. Đồng thời, Alibaba cũng làm điều tương tự khi hợp tác với các đối tác cho ra mắt các công cụ nhắn tin trên di động.
Điều này vô tình đã tạo nên sự so sánh và một cuộc đua song mã giữa hai gã khổng lồ Internet tại Trung Quốc. Cuộc đua nhằm chiếm lĩnh vị trí số 1 trong nền kinh tế kỹ thuật số tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trước đây, hai người sáng lập Jack Ma của Alibaba và Pony của Tencent luôn tỏ ra tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau. Tuy nhiên khi sự cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt, họ bắt đầu tấn công nhau bằng nhiều lời chê bai.

Tại diễn đàn Fortune toàn cầu diễn ra tại Quảng Châu Trung Quốc (tháng 12/2017), Pony Ma đã so sánh đối thủ của mình như một gã chủ nhà tham lam, xấu tính vì trang thương mại điện tử hàng đầu của Alibaba là Taobao lại tính phí với ngay cả những người bán hàng.
Ông nhấn mạnh “Alibaba có thể tự ý tăng tiền thuê gian hàng bất cứ khi nào họ muốn, trong khi với nền tảng dịch vụ của Tencent người bán sẽ không phải tốn bất cứ chi phí nào để thuê gian hàng”. Bên cạnh đó, ông cho rằng, WeChat cung cấp một nền tảng phân quyền cho phép các đối tác có thể chủ động bán những mặt hàng độc lập với Tencent, mà không tốn thêm bất cứ chi phí nào.
Vài tháng sau, Jack Ma, một người nổi tiếng trong giới kinh doanh với những câu đùa đã đáp trả lại mà không đề cập trực tiếp đến tên đối thủ cạnh tranh của mình: “Ngoài việc kiếm tiền, chúng tôi muốn tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp hơn”.
Alibaba áp dụng chiến lược mua lại phần lớn cổ phần nhằm kiểm soát các doanh nghiệp phù hợp với nền tảng thương mại của họ. Trong khi đó, Tencent lại chọn cách chỉ sở hữu vài phần trăm cổ phần trong nhiều doanh nghiệp để có thể hợp tác và tiếp cận với công nghệ của họ.
Jack Ma và 17 người bạn của mình đã bắt đầu xây dựng Alibaba ở một căn hộ ven hồ nằm trong khu phức hợp tại thành phố Hàng Châu vào năm 1999. Nơi đây nổi tiếng với cảnh Tây Hồ tuyệt đẹp và hiện là một trong những thành phố giàu nhất Trung Quốc.
Trụ sở chính của Alibaba nằm ở ven hồ và để vào được đó, cần phải đi qua một khuôn viên với các tòa nhà bằng thép và kính không khác gì thung lũng Silicon. Ở đây, xe đẩy em bé và quần áo trên dây phơi la liệt bên ngoài tòa nhà, nó không thuộc về nhân viên của Alibaba mà thuộc về những người dân sống quanh đó. 

Đây cũng là nơi mà công ty phát triển nền tảng DingTalk nhằm cạnh tranh với dịch vụ nhắn tin WeChat hàng đầu của Tencent. Theo Chris Wang, người đứng đầu mảng phát triển kinh doanh toàn cầu của DingTalk, đây là một không gian thiêng liêng nơi mà 3 nền tảng nổi tiếng gồm trang web Alibaba, trang thương mại điện tử Taobao, và dịch vụ thanh toán Alipay đã xuất phát.
Ban đầu, DingTalk và WeChat có khá nhiều điểm tương đồng. Người dùng có thể sử dụng nó để gửi tin nhắn, gọi điện thoại và trao đổi thông tin liên lạc giống như WeChat. Tuy nhiên sau đó DingTalk áp dụng một loạt các chương trình có mức chi phí thấp tương tự Skype cho khách hàng doanh nghiệp, điều này đã phản ánh định hướng thương mại của Alibaba. 
Mục tiêu của DingTalk là cung cấp các chức năng giống như WeChat cho các doanh nghiệp nhỏ, và sau đó bán các gói phần mềm kinh doanh như quan hệ khách hàng và công cụ lưu trữ đám mây. Ông Wang nói “các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần các dịch vụ có chi phí thấp. Tại Alibaba chúng tôi có quyền truy cập vào nhưng công nghệ tuyệt vời điều mà các công ty nhỏ hơn đang thiếu”.
Bên cạnh đó, Alibaba cũng đầu tư vào việc cho thuê điện toán đám mây và nhanh chóng trở thành nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu ở Trung Quốc, kiếm về 2,1 tỷ USD doanh thu trong năm ngoái. Hai năm trước, Alibaba bắt đầu theo đuổi một khái niệm được gọi là “bán lẻ mới” cung cấp công nghệ và dịch vụ cho các nhà bán lẻ truyền thống, bao gồm cửa hàng thực phẩm, cửa hàng bách hóa và thậm chí là cả cửa hàng bán lẻ rượu vang.
Việc thúc đẩy “bán lẻ mới” nhằm mục đích số hóa các doanh nghiệp truyền thống. Chương trình này mang đến cho doanh nghiệp nhỏ các công cụ hiện đại như: phần mềm quản lý hàng tồn kho, cảm biến để theo dõi lưu lượng truy cập, bản đồ nhiệt hiển thị vị trí khách hàng đang dành nhiều thời gian cho các sản phẩm nào.
Liên kết với cửa hàng là một phần trong chiến lược trực tuyến-ngoại tuyến của Alibaba. Mỗi người đều là một khách hàng cho đám mây của Alibaba và các dịch vụ công nghệ khác như một cách để mở rộng cơ sở khách hàng cho Alipay. “Chúng tôi luôn tập trung vào thương mại”, Daniel Zhang, Giám đốc điều hành của Alibaba cho biết.

Trên thực tế, thương mại là chất kết dính gắn kết các bộ phận khác nhau của Alibaba. Gần đây, Alibaba đã tổ chức “Ngày độc thân” như một ngày lễ không chính thức cho những người chưa lập gia đình, biến nó thành ngày thương mại điện tử quy mô toàn quốc.
Trong ngày độc thân năm 2017, tổng doanh thu của công ty tăng 25,3 tỷ USD, nhiều hơn gần 6 tỷ USD so với số tiền người Mỹ đã chi tiêu trong toàn bộ thời gian mua sắm tại Lễ Tạ Ơn trong năm ngày. Alibaba cũng liên kết với một công ty vận chuyển để hình thành hệ thống phân phối rộng khắp Trung Quốc gọi là Cainiao, và Alibaba đã tăng dần cổ phần sở hữu của mình.
“Tôi muốn cung cấp hàng hóa tới bất cứ nơi nào ở Trung Quốc trong vòng 24 giờ và trên toàn cầu trong 72 giờ” – Jack Ma
Nếu Hàng Châu là một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc thì Thâm Quyến, quê hương của Tencent lại là một trong những thành phố trẻ nhất của quốc gia này.

Trước đây nơi này chỉ là một thị trấn nhỏ nằm trên đường từ Hong Kong đến Quảng Châu. Vận mệnh của nó đã thay đổi vào năm 1980, khi các nhà quy hoạch trung ương tuyên bố Thâm Quyến sẽ trở thành một trong những đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc.
Hàng loạt các nhà máy sản xuất đổ về nơi này gồm cả các công ty công nghệ toàn cầu như DJI và nhà sản xuất điện thoại ZTE. Ngày nay, Thâm Quyến là một thành phố với các đại lộ rộng lớn, cây xanh và các tòa nhà chọc trời, nơi đây có Trung tâm Tài chính quốc tế Ping An cao khoảng 600 m. Đây là tòa nhà cao thứ tư trên thế giới.
Tencent cũng sở hữu một số tòa nhà chọc trời ở Thâm Quyến, bao gồm cả trụ sở vừa được khai trương nối giữa hai tòa tháp. Các tháp đôi cũng được kết nối bởi một cây cầu trên không. Nơi đây được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại bao gồm thang máy tích hợp cảm biến nhận dạng khuôn mặt, đường chạy bộ và hồ bơi trên cao. Khung cảnh trong sảnh đợi của Tencent mang tính quốc tế và đầy phong cách, trái ngược hẳn với bầu không khí náo nhiệt tại khuôn viên của Alibaba.
Tencent bắt đầu hoạt động vào năm 1998 với sản phẩm đầu tiên là dịch vụ nhắn tin trên máy tính cá nhân có tên QQ, là bản sao của ICQ. Đây được xem là một bản sao xuất sắc với nhiều cải tiến như cung cấp trò chơi, cuộc gọi thoại và các dịch vụ Internet khác trong nền tảng nhắn tin. 
Tencent kiếm tiền từ việc bán “hàng hóa ảo” trong các trò chơi, như thêm “năng lượng” để kéo dài thời gian chơi. Khi bước vào kỷ nguyên của điện thoại thông minh, Tencent lại tỏ ra năng nổ trong việc cạnh tranh với chính mình và trong cuộc thi với WeChat, nhóm chịu trách nhiệm về QQ đã thua cuộc.
Rất khó để những người bên ngoài Trung Quốc có thể đánh giá được sức ảnh hưởng của WeChat. Tencent đã áp dụng công nghệ quét mã QR, sử dụng máy ảnh của điện thoại thông minh để quét tất cả các thông tin. Mã QR là cách mọi người ở Trung Quốc trao đổi địa chỉ liên hệ của họ hoặc tải xuống phiếu giảm giá. Khi Tencent thêm WeChat Pay vào năm 2013, các mã QR đã trở thành một cách trao đổi tiền thuận lợi. Pony Ma nói “Chúng tôi đã biến WeChat từ kết nối người đến người sang kết nối người đến dịch vụ”.
Gần đây, WeChat đã vượt qua 1 tỷ tài khoản, thậm chí một số người dùng có nhiều hơn một tài khoản và dịch vụ đang trở thành một cái gì đó giống như hệ điều hành kỹ thuật số cho toàn bộ nền kinh tế.
Vào năm 2014, WeChat đã cung cấp một sản phẩm kỹ thuật số được gọi là “lì xì đỏ” bắt chước phong tục mừng tuổi của người Trung Quốc. Tính năng này đã nhanh chóng lan truyền và đến cuối năm ngoái, 800 triệu người dùng đã liên kết WeChat với tài khoản ngân hàng của họ.
“Khắp nơi ở Trung Quốc từ bãi đậu xe, chợ, và cả người ăn xin đều chấp nhận thanh toán qua WeChat Pay” – Pony Ma.
Việc áp dụng công nghệ vào các tiêu chuẩn văn hóa cho thấy cả Tencent và Alibaba đều đã vượt qua giai đoạn chỉ đi sao chép giống như trong quá khứ. Tricia Wang, một nhà xã hội học ở New York đã nghiên cứu hành vi kỹ thuật số xã hội ở Trung Quốc cho biết “Thành công của họ nằm ở khả năng sáng tạo trong việc kết hợp với nền văn hóa”.
Chiến dịch “lì xì đỏ” của Tencent được đánh giá cũng thành công không kém chiến dịch Ngày Độc thân của Alibaba. Theo các nghiên cứu từ iResearch, năm 2014, Alipay đã hỗ trợ 81% các khoản thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc. Tuy nhiên khi thị trường thanh toán di động tăng gấp 16 lần, tỷ lệ của Alipay đã giảm xuống còn 54%, trong khi WeChat Pay hiện nắm giữ 38%.

Tencent gọi những nỗ lực của mình là “bán lẻ thông minh”, so với “bán lẻ mới” của Alibaba và các dịch vụ của Tencent tập trung vào hai tính năng độc đáo nằm trong WeChat. Một là “tài khoản chính thức”, một loại tài khoản dành cho thương hiệu và các doanh nghiệp để tiếp cận người tiêu dùng thông qua WeChat. Cái còn lại là “ứng dụng nhỏ”, một ứng dụng nhẹ tích hợp ngay bên trong WeChat và không yêu cầu người tiêu dùng tải thêm bất cứ thứ gì.
Được giới thiệu chỉ trong năm ngoái, các ứng dụng nhỏ đã đưa thương mại điện tử của Trung Quốc trở thành cơn bão. Weinswig, một nhà phân tích bán lẻ cho biết “với các ứng dụng nhỏ được tích hợp, WeChat cho thấy sự bùng nổ thương mại đang thay đổi bộ mặt của Trung Quốc”.
Weinswig cho biết thêm tổng doanh số bán lẻ trong năm 2017 đã tăng 10,2% ở Trung Quốc, so với 4,2% ở Mỹ và WeChat đã bổ sung thêm nhiều ứng dụng nhỏ trong năm qua.
Giống như Alibaba, Tencent cũng đầu tư vào các nhà bán lẻ và nhà cung cấp dịch vụ. Hai công ty nổi bật nhất là JD.com, đối thủ thương mại điện tử lớn nhất của Alibaba, và Meituan Dianping, kì phùng địch thủ giao hàng thực phẩm của Ele.me gần đây đã được mua lại bởi Alibaba.
Tencent quan tâm đến việc bán lẻ không phải vì muốn một cuộc tấn công vào Alibaba mà do đây là một sự phát triển hợp lý về kinh doanh. “Bán lẻ chiếm 40-45% GDP của Trung Quốc”, Davis Lin, giám đốc chiến lược của Tencent và đứng đầu chiến dịch “bán lẻ thông minh” đã nói trong một cuộc phỏng vấn ở Thâm Quyến.
Bán lẻ liên quan đến cuộc sống của từng người, Lin gợi lên sứ mệnh của Tencent là nâng cao chất lượng cuộc sống con người thông qua các dịch vụ Internet. “Chúng tôi đã đạt được vị trí như hiện tại chỉ khoảng 4 năm, trong khi Alipay mất hơn 10 năm để làm điều đó” Lin đề cập đến số lượng người dùng trên WeChat Pay.

“Cuối những năm 1990, chúng tôi chỉ là công ty hạng hai hoặc thậm chí hạng ba và không ai biết đến” – Pony Ma.
Theo thời gian, cả hai đều mở rộng quy mô hoạt động của mình. Alibaba đã phát triển một bộ phận chơi game và mạng xã hội, cả hai đều không hoạt động tốt. Tencent cũng xây dựng riêng cho mình một trang web thương mại điện tử được gọi là Paipai, nhưng cuối cùng đã bán nó cho JD.com.
Jack Ma đã nhận định chính xác về những nguy cơ mà WeChat mang lại. Khi Tencent tung ra chương trình “lì xì đỏ” vào đầu năm 2014, Alipay đột nhiên có một đối thủ đáng gờm trong các dịch vụ tài chính di động. Chủ tịch điều hành Alibaba đã viết trên một trang mạng xã hội chỉ trích hành động của Tencent là “tấn công Trân Châu Cảng” và đã được “lên kế hoạch và thực thi rất đẹp mắt”.
Trong khi đó, Joe Tsai, phó chủ tịch của Alibaba đã gọi các trò chơi của Tencent là chất gây nghiện, như cách mà các cơ quan chính phủ ở Trung Quốc sử dụng. “Họ tạo ra một sản phẩm gây nghiện, điều đó không có lợi cho trẻ em”. Tsai cũng cho biết con trai của ông đã trở thành một người hâm mộ cuồng nhiệt trò chơi Fortnite Battle Royale, được xuất bản bởi Epic Games, trong đó Tencent nắm giữ 40% cổ phần công ty đó.
Tsai cũng cho biết thêm “Tencent muốn trở thành một ai đó trong ngành thương mại điện tử. Nhưng chúng tôi đã làm điều này trong 19 năm qua. Đó không chỉ là việc phát triển một ứng dụng hay một sản phẩm cho người dùng. Đó là việc tạo ra một hệ sinh thái cũng như chuỗi cung ứng sản phẩm cho các thương gia”.

Mỗi công ty đều đang đầu tư mạnh vào các ứng dụng dịch vụ mới như chia sẻ xe đạp và đi xe. Họ làm mọi cách có thể để khóa người dùng vào hệ sinh thái của mình và buộc người dùng sử dụng dịch vụ thanh toán tương ứng của họ. Nếu muốn sử dụng dịch vụ từ Ofo đối tác của Alibaba, người dùng sẽ không thể thanh toán bằng WeChat Pay của Tencent. Ngược lại, người dùng cũng sẽ không thể sử dụng Alipay để thuê xe từ Mobike, đối tác cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp của Tencent. 
Theo Tom Birtwhistle, một nhà tư vấn của công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PwC ở Hong Kong, đây là một dạng hệ sinh thái khép kín trên Internet. Người tiêu dùng bị chặn không thể sử dụng qua lại giữa hai nền tảng dịch vụ này. Đó là cách hành xử kém tế nhị hơn so với những gã khổng lồ của Thung lũng Silicon như Apple, Facebook và Google.
Birtwhistle cho biết “những công ty phương Tây có thể cạnh tranh rất gay gắt, nhưng họ lại sẵn sàng kết hợp với nhau để tạo nên một trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Không phải như cách mà Tencent và Alibaba đang làm”.
Tuy nhiên, một cựu nhân viên Tencent lại chia sẻ một điều khá thú vị “nội bộ của Tencent đánh giá khá cao nhân lực của Alibaba. Tất cả họ đều mua hàng trên Taobao”. Có vẻ như cả hai đều hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của mình ở đâu.
Tencent sẽ phải đầu tư mạnh mẽ và theo một cách mới hơn để có thể cạnh tranh với Alibaba trên thị trường thương mại điện tử. Đồng thời, Alibaba cũng hiểu rằng họ không thể thách thức sự thống trị của WeChat lĩnh vực nhắn tin.
“Tôi cũng đang sử dụng WeChat” – Daniel Zhang, giám đốc điều hành của Alibaba.
Cuộc chiến giữa Tencent và Alibaba tỏ ra rõ ràng nhất trong chiến lược đầu tư tương ứng giữa hai công ty. Nhà phân tích Bhavtosh Vajpayee đã tính toán được có đến 280 danh mục đầu tư từ Tencent và 174 của Alibaba chỉ trong 3 năm qua. 
“Cách Alibaba và Tencent đầu tư giống như những kẻ mắc phải căn bệnh nghiện mua sắm” – Bhavtosh Vajpayee, chuyên gia tài chính của Bernstein.
Tuy nhiên, phong cách đầu tư của hai công ty hoàn toàn khác nhau. Alibaba có xu hướng nắm giữ phần lớn cổ phần hoặc kiểm soát hoạt động của công ty. Đó là cách mà Alibab đã làm ở Đông Nam Á với việc chiếm quyền kiểm soát trang thương mại điện tử Lazada và bổ nhiệm Lucy Peng, một người đồng sáng lập Alibaba làm Giám đốc điều hành. Tencent thì ngược lại, họ chỉ tham gia với một lượng cổ phần nhỏ, chẳng hạn như 5% cổ phần của hãng game khổng lồ Activision Blizzard của Mỹ.

Hợp tác không có nghĩa là Tencent luôn chơi đẹp. Việc sao chép đã ăn sâu vào văn hóa và Tencent không ngần ngại cấp phép cho các sản phẩm của đối tác và đồng thời tạo ra những dịch vụ tương tự.
“Tencent vừa là nhà đầu tư vừa là đối thủ cạnh tranh” – Jeff Smith, đồng sáng lập và CEO của công ty Smule.
Ông gọi Tencent là “đối tác tuyệt vời” khi cho phép Smule tham gia vào hệ thống phân phối nội dung của Tencent, một dịch vụ cạnh tranh với Google và Amazon. Trong khi đó, Tencent được hưởng lợi từ việc đầu tư rộng rãi ngay cả khi không sở hữu hoàn toàn công ty của họ.
Không chỉ dừng lại ở trong nước, cả hai công ty đang vươn mình ra thị trường Đông Nam Á. Tencent hiện sở hữu 34% cổ phần trong một công ty trò chơi ở Singapore và đang xem xét các khoản đầu tư lớn khác. Còn Alibaba cho biết họ có những chiến lược lớn, muốn phục vụ 2 tỷ khách hàng và sẽ mở rộng ra khu vực Đông Nam Á đầu tiên. Tsai nói “Với dân số trẻ, mức sử dụng điện thoại di động cao và một nền thương mại bán lẻ kém phát triển, đây là những đặc điểm rất giống ở Trung Quốc”.
Để có thể phát triển nhanh chóng và bền vững, Jack Ma cho rằng cần ý thức gấp đôi về việc lập kế hoạch dài hạn.

“Tôi làm việc chăm chỉ để chuẩn bị cho ngày tôi rời khỏi công ty này và tận hưởng cuộc sống yên bình” – Jack Ma.
Tại hội thảo Fortune tại Quảng Châu, Pony Ma cũng đề cập đến những lời chỉ trích về tính chất gây nghiện của các sản phẩm trò chơi từ Tencent. Thậm chí ông chia sẻ thời gian gần đây thị lực của ông đã trở nên tồi tệ hơn vì dành quá nhiều giờ nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại.
“Tôi muốn phát triển một nền tảng tin nhắn tức thời để có để làm giảm gánh nặng lên đôi mắt của bạn” – Pony Ma.
Có lẽ, cả hai cần thêm thời gian để có thể làm được nhiều điều hơn. Và cuộc chiến giữa Alibaba và Tencent vẫn sẽ tiếp tục.

  • Tencent Tencent là một công ty cổ phần đầu tư Trung Quốc chuyên cung cấp dịch vụ truyền thông, giải trí, Internet, dịch vụ giá trị gia tăng điện thoại di động, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, dịch vụ bất động sản, và các dịch vụ quảng cáo trực tuyến cả ở Trung Quốc và trên toàn cầu.. Các sản phẩm nổi tiếng của công ty bao gồm QQ (chat), WeChat (OTT), Weibo (blog),… Bạn có biết: Ngày 20/11/2017, Tencent trở thành công ty châu Á đầu tiên có giá trị hơn 500 tỷ USD, gia nhập hàng ngũ 5 công ty lớn nhất thế giới cùng với Apple, Alphabet (Google), Microsoft và Amazon.
    • Ngày thành lập: 12/11/1998
    • Người sáng lập: Ma Huateng, Zhang Zhidong, Xu Chenye, Chen Yidan, Zeng Liqing
    • Mã niêm yết: SEHK (HongKong)
    • Trụ sở chính: Thẩm Quyến (Trung Quốc)

VietBao.vn