1/4 người trưởng thành ăn một mình trong tất cả hoặc hầu hết thời gian của họ, thường là vì lối sống bận rộn hoặc do thiếu tiếp xúc với xã hội.
Điều này làm cho chúng ta cảm thấy bất hạnh hơn so với những trục trặc về tài chính hoặc khuyết tật về cơ thể gây ra, nghiên cứu trên cho thấy.
Trong cuộc nghiên cứu do Oxford Economics và Trung tâm Nghiên cứu Xã hội thực hiện, hơn 8.000 người đã được hỏi những câu đo lường hạnh phúc, sự hài lòng, giá trị bản thân và sự lo âu, theo thang điểm từ 0 đến 100, gọi là Chỉ số sống hạnh phúc.
Trung bình những người luôn ăn một mình có điểm thấp hơn 7,9 điểm so với những người không bao giờ ăn một mình.
Gần 1/5 những người sống một mình, đặc biệt là những người độc thân hoặc làm việc quá sức, nói rằng lúc nào họ cũng ăn một mình. Tuy nhiên, hầu hết những người về hưu, cho biết họ không bao giờ hoặc chỉ thỉnh thoảng ăn một mình.
Với việc ngày càng có nhiều người sống một mình hoặc ly hôn hơn, có những lo ngại rằng bữa ăn gia đình truyền thống đang suy giảm.
Chỉ số hạnh phúc cũng cho thấy những người không có con trong “thế hệ X”, nghĩa là có độ tuổi từ 35-54, là những người ít được kết nối xã hội nhất, trong khi các gia đình trẻ được kết nối tốt nhất.
Giáo sư Helen Stokes-Lampard, chủ tịch trường Cao đẳng Hoàng gia, đã kêu gọi các bác sĩ gia đình giới thiệu bệnh nhân đến các hoạt động xã hội để chống lại sự cô đơn, và kêu gọi một chiến dịch quảng bá mang tầm quốc gia để giải quyết vấn đề này.
“Cần phải có sự hiểu biết rộng rãi hơn về sự cô đơn như một căn bệnh nghiêm trọng. Tất cả chúng ta đều cần phải tìm kiếm nhau”, Izzi Seccombe, ủy viên hội đồng thuộc ban phúc lợi cộng đồng của Hiệp hội Chính quyền địa phương, nói.
Một cuộc sống tình dục không thỏa mãn, thiếu ngủ hoặc cảm thấy bị áp lực thời gian cũng là những nguyên nhân đáng kể của sự không hạnh phúc.