“Do bản thân bị rối loạn tim nên ngày trẻ tôi không đủ tiêu chuẩn học phi công Việt Nam. Tôi học trung cấp kỹ thuật sửa chữa rađa ở Matxcơva nhưng rồi thiếu phi công chiến đấu nên phía Nga kiểm tra lại sức khoẻ và bảo tôi được chọn”, anh hùng Phạm Tuân kể với 500 học sinh, sinh viên có mặt tại Ngày hội không gian 2018.
“Khi tuyển người Việt Nam vào vũ trụ, tôi cũng là lựa chọn cuối cùng lót cho đủ 4 suất. Nhưng sau nhiều vòng kiểm tra, bác sĩ Nga nhận thấy trong môi trường áp lực tăng, tim tôi hoạt động tốt hơn người bình thường”, ông nhớ lại.
Cả khán phòng cười ồ và bị thu hút vào câu chuyện tập luyện gian khổ, áp lực làm việc trong môi trường vũ trụ thừa nguy hiểm thiếu an toàn của ông.
Nhà du hành Phạm Tuân cũng chia sẻ câu chuyện phía Nga thắc mắc vì sao huyết áp ông vẫn ổn định khi tàu chuẩn bị lên vũ trụ.
“Bay vũ trụ cũng nguy hiểm nhưng bay chiến đấu ở Việt Nam còn nguy hiểm hơn. Tiến vào vũ trụ chỉ cần tập luyện thành thục, tàu tốt sẽ không sao nhưng chiến đấu với không quân của kẻ thù khó khăn hơn, luôn có thể bị tấn công bất ngờ, căng thẳng hơn nhiều”, ông nói.
Trước câu hỏi về khó khăn nhất của 7 ngày trong vũ trụ, anh hùng Phạm Tuân kể: bỡ ngỡ ban đầu khi học bơi trong vũ trụ, máu dồn lên não, mặt phù to, ăn uống không ngon, sự cố tàu hỏng, lắp ráp về đêm và thời gian rảnh nhìn ra cửa sổ thấy nhớ gia đình, đồng đội trong khi xung quanh chỉ có im lặng và các chòm sao làm bạn.
“Ở dưới đất ta mong lên vũ trụ, lên rồi mới ước trở về mặt đất”, trung tá Phạm Tuân chia sẻ. “Cuộc sống vũ trụ khắc nghiệt, ngoài khả năng làm chủ trình độ kỹ thuật, phi công vũ trụ phải có tâm lý vững vàng mới vượt qua các tình huống bất trắc”.
Đăng ký từ sớm, hơn 500 học sinh, sinh viên đã chờ đợi tại trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.HCM để gặp gỡ anh hùng Phạm Tuân – người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.
Chương trình do Trung tâm ứng dụng công nghệ vũ trụ TP.HCM tổ chức, cũng là dịp định hướng nghề cho học sinh phổ thông về nhóm ngành khoa học – công nghệ vũ trụ.
Học sinh, sinh viên được giới thiệu ứng dụng công nghệ GPS, vệ tinh, tên lửa và những điều thú vị trong Hệ mặt trời. Bằng văn phong giản dị, các nhà khoa học vũ trụ – hàng không khiến học sinh, sinh viên thích thú, ngạc nhiên với những bước tiến vũ trụ của con người.
Ngày hội cũng trình diễn bay thiết bị bay không người lái (UAV) trong giám sát mặt đất, thả bóng bay phục vụ giám sát chất lượng không khí, trình diễn xe tự hành do giảng viên sinh viên chế tạo.