Trang chủ Tin Tức Apple đã phá sản từ 21 năm trước nếu không nhờ đối...

Apple đã phá sản từ 21 năm trước nếu không nhờ đối thủ “không đợi trời chung” Microsoft ra tay giúp đỡ

693
 

Apple cùng những phát kiến vĩ đại về công nghệ đã nhiều lần tạo ra lịch sử, và mốc son gần đây nhất của hãng chính là việc trở thành công ty đầu tiên trên thế giới có giá trị vốn hóa thị trường vượt 1.000 tỷ USD. Điều đó có nghĩa kết quả khi nhân tổng số cổ phiếu có mã giao dịch AAPL trên thị trường với giá trị mỗi đơn vị cổ phiếu nhiều hơn 12 chữ số 0 tính theo đơn vị USD. Để so sánh, con số tương đương với GDP hằng năm của Indonesia và nhiều hơn gấp đôi GDP của Bỉ, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới năm 2016.
Một số người cho rằng cột mốc “nghìn tỷ đô” của “Táo khuyết” chỉ hoàn toàn là ngẫu nhiên và có phần nào đó may mắn, cùng với đó, giá cổ phiếu của Apple có thể trượt dốc bất kỳ lúc nào và công ty sẽ lại ngay lập tức trở lại định mức giá trị thị trường dưới 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận khoảnh khắc huy hoàng đáng lưu giữ của Apple, và sự thực là Người khổng lồ Cupertino đã lấy đi không biết bao nhiêu giấy mực của báo đài từ giây phút cổ phiếu AAPL chạm mốc 207,05 USD/đồng. Song có điều ít ai biết đến, đó là công ty nghìn tỷ USD đầu tiên trên thế giới có thể đã phá sản từ hơn 20 năm trước nếu không nhờ một thỏa thuận với đối thủ truyền kiếp Microsoft.

 

Câu chuyện cảm động về hai nhà đồng sáng lập cùng tên Steve Jobs và Steve Wozniak thành lập Apple trong một garage ô tô cũ nát tại Thung lũng Silicon năm 1976 không còn xa lạ với nhiều người. Nhưng hầu hết người hâm mộ đã quên rằng thời điểm năm 1997, Apple đã đối mặt với bờ vực phá sản và chính Microsoft là người cứu sống công ty.

 

Thành công của Apple ngày hôm nay tới chủ yếu từ iPhone. Hãng đã bán ra hơn 1 tỷ thiết bị kể từ ngày đầu tiên ra mắt năm 2007. Nhưng chỉ một thập kỷ trước khi cố CEO Steve Jobs bước lên sân khấu để mang lại một trong những màn ra mắt sản phẩm ấn tượng nhất lịch sử công nghệ, Apple gần như đang chết đuối. Nhà sản xuất iPhone đã phải cắt giảm một phần ba lượng nhân viên và chỉ còn cách bờ vực phá sản vỏn vẹn 90 ngày.

Thế rồi đối thủ Microsoft vào cuộc

Sau khi được mời quay trở lại Apple, Steve Jobs đã đưa ra tuyên bố gây sốc tại một sự kiện vào tháng 8/1997. Tờ Wired  đã gọi đó là “kỳ tích vàng về nghệ thuật đàm phán”. Cụ thể, Steve Jobs tuyên bố rằng ông đã thỏa thuận được 150 triệu USD tiền đầu tư qua hành động mua cổ phiếu Apple (không có quyền biểu quyết) từ Microsoft và được đích thân Bill Gates đảm bảo Microsoft sẽ hỗ trợ các sản phẩm Office trên Mac trong 5 năm sau đó.

Khoản đầu tư đã đem lại cho Apple một lượng tiền mặt sống còn trong cơn nguy cấp, còn lời đảm bảo hỗ trợ Office của tỷ phú Bill Gates chính là chiếc phao cứu sinh tốt nhất bởi các phần mềm Microsoft Office thời đó được giới chuyên nghiệp tin dùng một cách rộng rãi.
Jobs và Gates tại thời điểm đó đã nổi như cồn về mối quan hệ kỳ phùng địch thủ gay gắt và khi công bố thỏa thuận hợp tác của mình, Steve Jobs đã nhận không ít lời chỉ trích, chế giễu đến từ cộng đồng người dùng Apple bảo thủ.

“Nếu muốn tiếp tục tiến bước và được thấy Apple hùng mạnh, thịnh vượng một lần nữa…chúng ta phải bỏ đi suy nghĩ rằng để Apple thắng, Microsoft phải thua”, cố CEO nhấn mạnh.
Về phần Apple, để đổi lấy tiền mặt, hãng đã phải từ bỏ một vụ kiện dài hơi với Microsoft cáo buộc Người khổng lồ phần mềm copy giao diện của Mac OS cho Windows và cài đặt mặc định trình duyệt Internet Explorer của hãng trên máy tính Mac của mình.
“Microsoft sẽ quay trở lại cuộc chơi song song với việc giúp chúng ta vực dậy Apple”, Steve Jobs tự tin phát biểu.
Thỏa thuận bao gồm nhiều chi tiết phức tạp hơn liên quan đến đồng ý hòa giải nhiều tranh chấp về bằng sáng chế. Nhưng tựu chung lại, có thể nói Microsoft ra tay đã “cứu sống” Apple, đối thủ truyền kiếp của mình. Chẳng vậy mà Steve Jobs đã nói “Bill, cảm ơn ông. Thế giới giờ đây đã trở nên tốt hơn nhờ có ông” – câu nói sau này được tạp chí TIME lưu truyền muôn thuở.

Bill, thank you, the world’s a better place

Không phụ lòng tốt của ân nhân, kể từ thời điểm đó, Apple đã đứng lên mạnh mẽ, liên tục gặt hái những thành công rực rỡ, trở thành một trong những công ty hàng đầu thống trị thế giới và giờ đứng đầu top 5 doanh nghiệp Mỹ đắt giá nhất dựa trên giá cổ phiếu, theo sau là Amazon, Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft và Facebook.

Hướng đi mới tập trung vào nội dung số cho Apple, nhắm đến cột mốc 2 nghìn tỷ USD

Khác với các đối thủ khác như Samsung hay Huawei trên lĩnh vực di động, Apple ở thế chủ động hơn khi tự chủ được cả phần cứng lẫn phần mềm các thiết bị bán ra, cùng với đó nội dung tới tay người dùng phải được kiểm duyệt qua App Store, mang về vài phần trăm lợi nhuận cho Người khổng lồ Cupertino.

 

Apple còn tung ra một bộ công cụ giúp nhà phát triển tạo ra các ứng dụng về thực tế tăng cường AR trên iPhone và iPad, nói rằng “chỉ trong một đêm iOS sẽ trở thành nền tảng AR lớn nhất thế giới”.
Ngoài đặt trong tâm ở lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, Nhà sản xuất iphone còn đầu tư mạnh mẽ vào AR và VR và coi đây là tương lai của công nghệ tiêu dùng và không quên bắt kịp xu hướng loa thông minh với HomePod cài sẵn trợ lý giọng nói Siri cạnh tranh cùng sản phẩm của Google và Amazon.