Theo CNBC, các nhà đầu tư hiện xem xét rất kỹ ảnh hưởng của thuế quan lên các công ty công nghệ Mỹ. Đặc biệt, Apple được dự đoán có nguy cơ chịu tổn thương cao nhất trong số tất cả các hãng công nghệ lớn của Mỹ nếu căng thẳng thương mại giữa hai bên tiếp tục leo thang.
Apple “tiếp xúc nhiều nhất”
“Apple tiếp xúc nhiều nhất với nền kinh tế Trung Quốc”, Neil Campling, người đồng đứng đầu nhóm chuyên đề toàn cầu tại tập đoàn tài chính Mirabaud Securities, nói với CNBC.
Nhìn sâu vào những con số chúng ta có thể hiểu tại sao. Trong năm tài chính vừa qua, Apple đã tạo ra gần 20% doanh thu từ Đại lục, tương đương khoảng 44,7 tỉ USD. Năm 2017, hãng này đã xuất xưởng hơn 41 triệu chiếc iPhone vào Trung Quốc và trở thành người chơi lớn thứ năm trên thị trường đông dân nhất thế giới, theo số liệu từ IDC.
tin liên quan
iOS 12 beta tiết lộ Apple Watch mới, ra mắt tháng 9
Trên hết, Apple có khoảng 40 cửa hàng ở quốc gia châu Á. Hãng công nghệ Mỹ cũng vận hành các dịch vụ của mình, bao gồm App Store và Apple Music tại đó. Dịch vụ là mảng kinh doanh ngày càng tăng của Apple khi thị trường điện thoại thông minh chậm lại. Trong năm tài chính 2017, dịch vụ chiếm 13% tổng doanh thu thực tế, tăng so với 11% trong năm 2016. Apple không nói rõ bao nhiêu doanh thu trong số đó đến từ Trung Quốc.
Ngoài ra, Apple cũng phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp châu Á. iPhone của công ty được lắp ráp tại Đại lục bởi hãng Foxconn của Đài Loan. Có thể nói rằng, Apple đã trở thành công ty công nghệ Mỹ thành công nhất ở Trung Quốc, nhưng sức mạnh này có thể lại là một điểm yếu.
Mặc dù Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã được ông Trump đảm bảo rằng iPhone lắp ráp ở Trung Quốc sẽ không phải chịu thuế quan, nhưng nguy cơ tổn thương vẫn còn đó nếu căng thẳng thương mại không hạ nhiệt. Một trong những rủi ro đó là Bắc Kinh sẽ chèn ép các nhà cung cấp của Apple, gây ra tình trạng chậm trễ hoặc thậm chí là khiến sản phẩm của Apple bị nghi ngờ về chất lượng. Giới chức trách nước này cũng có thể cấm các dịch vụ của Apple. Năm 2016, iBooks Store và iTunes Movies đã bị đóng cửa tại Trung Quốc.
Bắc Kinh có khả năng sẽ hỗ trợ, thúc đẩy các công ty điện thoại thông minh như Xiaomi và Huawei. Hiện Huawei đang phải đối mặt với sự giám sát ở Mỹ, giới quan chức Mỹ cũng cảnh báo người tiêu dùng trong nước không nên mua điện thoại Huawei vì sợ bị Trung Quốc theo dõi. Về mặt lý thuyết, Trung Quốc có thể áp dụng biện pháp tương tự, nói rằng iPhone là mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia.
Ông Campling lưu ý rằng hàng tồn kho của Apple, vốn có giá trị tổng cộng 4,4 tỉ USD trong ba tháng kết thúc vào ngày 30.12.2017, đã tăng lên 7,6 tỉ USD trong quý kết thúc hồi tháng 3.2018. Hàng tồn kho bao gồm các sản phẩm hoàn chỉnh, cũng như những thành phần được sử dụng trong các thiết bị của Apple. Theo ông Campling, đây là bằng chứng cho thấy Apple đã dự trữ sẵn thành phần trong trường hợp có sự gián đoạn.
“Đó là biện pháp phòng thủ trong trường hợp xuất hiện khó khăn về mua sắm trong tương lai, hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng vì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông Campling viết trong một lưu ý cho khách hàng hôm 19.6.
Phần còn lại của FANG khá “cách ly” với thị trường Trung Quốc
Trong số các công ty công nghệ lớn khác, Alphabet, công ty mẹ của Google có lẽ là cái tên tiếp theo được tiếp xúc nhiều nhất với thị trường quốc gia châu Á. Hệ điều hành di động Android được phát triển bởi Google được sử dụng trong 77% điện thoại thông minh ở Trung Quốc. Nếu căng thẳng leo thang, không rõ liệu Google có phải ngừng cung cấp Android cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh ở Trung Quốc hay không, nhưng đây là một nguy cơ cần phải xem xét.
Tuy nhiên, công cụ tìm kiếm của Google đã bị chặn ở Trung Quốc kể từ năm 2010 và nhiều dịch vụ khác của công ty cũng bị hạn chế hoặc không khả dụng. Điều này có nghĩa là Google không có nhiều doanh thu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tương tự, các công ty công nghệ dựa trên dịch vụ khác bao gồm Facebook và Netflix không có hoạt động tại Đại lục. Cụ thể, Facebook bị chặn, còn Netflix chưa mở rộng ở đó. Amazon cũng lúng túng trước hai gã khổng lồ thương mại trực tuyến JD.com và Alibaba. Năm 2016, Amazon đã triển khai dịch vụ Prime ở Trung Quốc, nhưng nó chỉ là một thị trường nhỏ cho công ty Mỹ.
“Chúng tôi tiếp tục tin tưởng mạnh mẽ rằng, với doanh thu và tăng trưởng không đáng kể ở Trung Quốc, các công ty công nghệ FANG (bao gồm Facebook, Amazon, Netflix và Google) đã được “cách ly” khỏi những lo lắng về thuế quan và cuộc chiến thương mại tiềm năng nếu các cuộc đàm phán tiếp theo không dẫn đến một thỏa thuận trong vài tuần tới”, Daniel Ives, người đứng đầu nghiên cứu công nghệ tại GBH Insights, viết.
Còn các công ty Trung Quốc thì sao?
Các công ty Trung Quốc chắn chắn sẽ chật vật. Huawei, hãng viễn thông phải dựa vào các công ty của Mỹ như Qualcomm và Intel để có thành phần cho sản phẩm phầm cứng, hiện phải đối mặt với sự giám sát và không thể xâm nhập sâu vào thị trường Mỹ. ZTE cũng vừa trải qua một phen lao đao trước lệnh cấm giao dịch với các hãng công nghệ Mỹ.
Xiaomi đang chuẩn bị cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất kể từ sau đợt IPO của Alibaba hồi năm 2014. Tuy công ty tập trung chủ yếu vào Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng một cuộc chiến thương mại có thể cản trở các kế hoạch mở rộng sang nền kinh tế lớn nhất thế giới, một mục tiêu mà Xiaomi đang trong quá trình phát triển.
Tất cả những điều trên khiến Trung Quốc phải nhìn vào thực trạng công nghệ của mình và cố gắng thúc đẩy các công ty bán dẫn trong nước.
“Trung Quốc nhập khẩu nhiều chất bán dẫn hơn dầu, và giờ họ đang tìm cách quốc tế hóa sản xuất chất bán dẫn”, ông Campling nói với CNBC.
Hiện tại, Huawei đã bắt đầu tạo ra các chip AI (trí tuệ nhân tạo) và 5G của riêng mình. Ngoài ra, ngày càng có nhiều các công ty Trung Quốc khác phát triển công nghệ riêng của họ để giảm phụ thuộc vào Mỹ.