Đánh giá Lenovo Yoga 500 14” cấu hình tiêu chuẩn

Thảo luận trong 'Góc Review' bắt đầu bởi doremon1405, 28 Tháng bảy 2015.

  1. doremon1405 Thành viên

    [​IMG]

    Lenovo Yoga 500 là chiếc laptop “lai” tầm trung vừa được Lenovo chính thức giới thiệu tại Việt Nam cách đây không lâu nhưng cho đến thời điểm hiện tại thiết bị vẫn giữ được vị trí nhất định trên thị trường nhờ thiết kế đẹp, độc đáo, cấu hình mạnh mẽ cùng mức giá bán hợp lý phù hợp cho nhiều đối tượng người dùng. Cá nhân mình cũng là một người dùng đang sử dụng Lenovo Yoga 500 và mình rất yêu thích chiếc máy này. Vì vậy hôm nay mình sẽ viết một bài đánh giá chi tiết về Yoga 500, mời các bạn cùng theo dõi.
    Điểm đầu tiên mình muốn nói đến chính là thiết kế của máy. Lenovo Yoga 500 sở hữu thiết kế chắc chắn, tinh tế với các cạnh dược vát nhẹ mang đến cảm giác thoải mái nhất cho người dùng khi cầm sử dụng trong tay. Ngoài ra, chiếc máy mình cầm trong tay là phiên bản màu đỏ được hãng phủ một lớp giả kim rất đẹp, mang đến cho người sử dụng một vẻ ngoài tinh tế và đẳng cấp.
    Nhìn vào hai cạnh bên, ta sẽ thấy Lenovo sắp xếp vị trí các phím cứng cũng như các cổng kết nối rất tinh tế và hợp lý. Ở cạnh bên phải máy, ta có một cổng HDMI, một cổng LAN, hai cổng USB 3.0, nút One Key Recovery, nút nguồn cùng đèn báo pin. Ở cạnh trái, ta có cổng khóa, cổng sạc, một cổng USB 2.0, khe đọc thẻ nhớ, cổng tai nghe 3.5 mm, cùng cụm phím tăng giảm âm lượng. Mình đặc biệt rất thích thiết kế này của Lenovo, khi hãng quyết định chuyển hoàn toàn phím nguồn xuống cạnh bên và bổ sung thêm một cụm phím tăng giảm âm lượng nhằm giúp tối ưu hóa thao tác của người dùng trong quá trình sử dụng. Trong nhiều ngày sử dụng, mình có thử sử dụng máy với nhiều tư thế khác nhau thì cụm phím này mang đến cho mình cảm giác rất tuyệt vời, thao tác nhanh và phản hồi cực tốt.
    Nói về thiết kế thì chắc chắn không thể không nhắc đến phần bản lề đặc biệt của máy. Phần bản lề này được Lenovo thiết kế hết sức đặc biệt giúp người dùng có thể gập màn hình lên đến 360 độ. Khi kết hợp cùng phần màn hình cảm ứng của máy sẽ mang đến cho người dùng đến 4 tư thế sử dụng cực kì tiện dụng bao gồm Laptop, Stand, Tent và Tablet. Thực tế sử dụng cho thấy thiết kế này của Lenovo ngoài sự tiện dụng thì còn mang lại vẻ ngoài cực thời trang cho người sử dụng. Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trong một quán café làm việc, chỉ cần gập chiếc Lenovo Yoga 500 lại chuyển sang tư thế Stand, mọi thứ sẽ tuyệt vời như thế nào. Đây mới thực sự đúng nghĩa là thời trang, là điều mà chưa có bất kì hãng laptop nào khác có thể mang đến được cho thiết bị của mình.

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    Tản mạn về thiết kế vậy cũng đã nhiều. Phần tiếp theo mình muốn nhắc đến ở đây chính là cấu hình. Chiếc Lenovo Yoga 500 trên tay mình là phiên bản tiêu chuẩn với màn hình 14 inch độ phân giải Full HD (1920 x 1080 pixel) sử dụng công nghệ tấm nền IPS cho góc nhìn rộng, độ sáng cao, màu sắc chân thực cùng bộ vi xử lý Intel Core i3 4030U xung nhịp 1.9 GHz, card đồ họa onboard Intel HD Graphics 4400, 4GB RAM và 500GB HDD để cài đặt hệ điều hành – lưu trữ dữ liệu. Tất cả được gói gọn trong thân hình chỉ dày có 15,5 mm và nặng 2,4 kg, quá tuyệt vời cho một chiếc laptop lai hỗ trợ đa năng cho tất cả công việc thường ngày.
    Thử nghiệm thực tế cho thấy Lenovo Yoga 500 có hiệu năng rất tốt mặc dù chỉ là phiên bản tiêu chuẩn. Công việc hằng ngày của mình thường đi kèm với các công việc như Word, Excel, Chrome, Photoshop, Lightroom và Illustrator. Với các công việc văn phòng thông thường thì máy thực thi và cho hiệu năng rất tốt, mọi thứ đều cực kì mượt mà và ổn định. Nhưng đến khi mình xử lý một số việc nặng hơn như Photoshop và Lightroom thì Yoga 500 tỏ ra khá đuối sức, cụ thể là tốc độ load tập tin khá chậm, một file PSD mình thường làm có dung lượng khoảng 150MB thì Yoga 500 phải mất khoảng hơn 3 phút mới load xong. Thực tế đây là một điều không quá to tát, nhưng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả làm việc của người dùng. Mong là trong bản Windows 10 sắp tới Microsoft sẽ cải thiện hiệu năng cho các thiết bị tầm trung và phổ thông.
    Nói đến công việc văn phòng thì bàn phím là một thứ chắc chắn không thể không nhắc đến. Lenovo Yoga 500 được hãng trang bị bàn phím AccuType với các phím được đẩy tròn nhẹ ở cạnh dưới cùng khoảng cách hợp lý mang đến cho người dùng cảm giác tối ưu khi làm việc. Theo thông tin từ Lenovo cho biết với bàn phím này, người dùng sẽ hạn chế được đến 80% các lỗi sai thường gặp trong quá trình làm việc. Và quả thật đúng như vậy, trên chiếc laptop cũ trước đây, khi gõ văn bản, mình rất thường phạm lỗi, nhưng với chiếc Yoga 500, mình gõ rất nhanh và rất hiếm lặp lại các lỗi đã phạm phải.
    Phần tiếp theo không thể không nhắc đến chính là đánh giá về khả năng của máy chính là hiệu năng khi chơi game. Thực tế mình là một người không chơi game, phải nói là mình không có bất kì hứng thú nào với game. Vì vậy mình đã nhờ em mình, một người chơi rất nhiều các thể loại game, mà cụ thể ở đây nó sẽ chơi một số tựa game đang khá nổi tiếng trên thị trường như Liên Minh Huyền Thoại, Dota 2 và Fifa Online 3. Theo như những gì em mình cảm nhận được thì máy cho khả năng chơi game ở mức tương đối khá. Ở cả 3 tựa game trên, người dùng chơi và cảm nhận được hiệu năng tốt nhất khi để ở mức Low và Medium, còn ở mức High thì cả 3 game đều bắt đầu trở nên rất lag, lag đến mức hầu như không thể nào chơi được. Và lag chính là điều mà không có bất cứ game thủ nào có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu chỉ để chơi game, giải trí nhẹ nhàng thì thiết bị hoàn toàn có thể đáp ứng mọi nhu cầu của bạn.
    Để đánh giá hiệu năng máy được chính xác hơn, mình sử dụng phần mềm Cinebench để đánh giá nhanh sức mạnh phần cứng của máy. Như các bạn có thể thấy dưới đây, Lenovo Yoga 500 cho kết quả nhìn vào thì có thể thấy là không ấn tượng lắm. Nhưng trên thực tế, với cấu hình này và mức giá này thì điểm số của phiên bản trên tay mình đã có thể nói là khá tốt so với nhiều thiết bị khác cùng phân khúc trên thị trường.

    [​IMG]
    [​IMG]

    Phần đánh giá tiếp theo mình sử dụng phần mềm 3DMark với 4 bài kiểm tra gồm: Fire Strike Extreme, Fire Strike, Sky Driver và Cloud Gate. Trong quá trình thử nghiệm, ở bài kiểm tra Fire Strike Extreme, máy chạy khá lag, các khung hình chuyển động không được mượt mà cho lắm, còn ở phần thi thứ hai với Fire Strike, hầu hết mọi thứ đều được máy thể hiện khá mượt mà, tuy nhiên ở một vài phân đoạn chuyển cảnh với nhiều chi tiết đồ hoạ phức tạp thì hiện tượng lag nhẹ vẫn xảy ra. Ở bài kiểm tra cuối cùng là Sky Driver, lúc này Yoga 500 thể hiện mọi thứ đều cực kì mượt mà, các khung hình cũng như các hiệu ứng chuyển cảnh đều được thiết bị thể hiện rất tốt và không gặp hiện tượng lag. Kết quả nhận được tương tự cho bài kiểm tra Cloud Gate, tất cả mọi thứ đều được Yoga 500 thể hiện cực kì tuyệt vời. Dưới đây là điểm số nhận được từ phần mềm 3DMark.

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    Trong phần đánh giá cuối cùng, mình tập trung vào đối tượng người dùng phổ thông, nên mình sẽ sử dụng phần mềm PCMark với bài test Home accelerated, thời gian kiểm tra diễn ra trong vòng 46 phút 26 giây. Và bảng điểm dưới đây đã phần nào thể hiện được hiệu năng của thiết bị, không cao nhưng vượt trội so với hầu hết các thiết bị đang có mặt trên thị trường phân khúc tầm trung.

    [​IMG]

    Màn hình và âm thanh chính là hai thứ mình muốn nhắc đến tiếp theo khi nói về chiếc laptop Yoga 500. Thực tế sử dụng cho thấy màn hình của máy có độ sáng cao, độ chi tiết rất tốt, nhưng màu sắc màn hình chính là điểm không ổn lắm. Màn hình của Yoga 500 là màn hình gương, và nhà sản xuất lại để profile màu màn hình tương đối nhạt, khiến người dùng sẽ cảm thấy khó lòng mà hứng thú nổi trong suốt quá trình làm việc. Nhưng may mắn thay, bạn hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề này nhờ việc vào cài đặt của màn hình và tinh chỉnh lại màu sắc. Thực tế việc này cần có một con bọ dùng để cân chỉnh, nhưng bạn vẫn có thể mượn một chiếc máy khác có màu sắc tương đối chính xác để cân chỉnh theo. Âm thanh phát ra từ loa của Yoga 500 cho chất lượng tương đối tốt, chất âm rõ, trong trẻo và tách bạch, nhưng âm lượng không lớn lắm khiến cho một số trải nghiệm game và phim không được hoàn hảo như mong muốn của người dùng.
    Pin là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất đối với người dùng laptop. Vì vậy mình lại tiếp tục sử dụng phần mềm PCMark với bài kiểm tra hỗn hợp để xem thời lượng pin của Yoga 500 có thể trụ được trong vòng bao lâu. Và kết quả khá bất ngờ, viên pin của máy cho thời lượng sử dụng lên đến 3 giờ 30 phút. Nhìn vào kết quả, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là kết quả quá bình thường, nhưng thực tế, Yoga 500 phải gánh 1 màn hình 14 inch có độ phân giải Full HD kết hợp cùng công nghệ cảm ứng nên đây là một kết quả phải nói là đáng kinh ngạc và vượt ngoài sự mong đợi.

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    Ở thời điểm hiện tại, Lenovo Yoga 500 đang được hãng bán chính thức tại thị trường Việt Nam với mức giá khởi điểm chỉ từ 11.699.000 VNĐ. Với thiết kế đẹp, độc đáo, tiện dụng, cấu hình tốt cùng mức giá phù hợp cho túi tiền của đại đa số người dùng Việt Nam, Lenovo Yoga 500 dự kiến sẽ là một trong nhiều thiết bị tạo nên cơn bão mạnh mẽ trong cộng đồng người dùng cuối 2015. Mong rằng trong thời gian sắp tới, Lenovo sẽ tiếp tục gửi đến người dùng những thiết bị có chất lượng tốt hơn như thế này.