Trang chủ Tin Tức Băn khoăn việc đặt trụ sở tại Việt Nam đối với nhà...

Băn khoăn việc đặt trụ sở tại Việt Nam đối với nhà cung cấp internet nước ngoài

816

Cần thiết cho việc quản lý

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, quy định như trên sẽ hữu ích nếu thực hiện được nhằm kiểm soát dữ liệu người dùng, phục vụ điều tra, ngăn chặn, phòng chống tội phạm, chống xuyên tạc, phản động. Đại biểu trích dẫn báo cáo của Ủy ban Quốc phòng an ninh: Việc đặt trụ sở tại văn phòng đại diện sẽ gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc phối hợp, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam bảo đảm tính khả thi khi phối hợp, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, gián điệp trong và ngoài nước sử dụng không gian mạng.
Tuy nhiên, đại biểu Cao Đình Thưởng cũng băn khoăn: “Khi đã đưa ra quy định này mà phía các doanh nghiệp nước ngoài Google hoặc Facebook họ không thực hiện thì giải pháp của chúng ta ở đây là gì, liệu có cho ngừng cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam hay không? Vì vậy, cần phải có quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam và mối quan hệ hiện nay cũng như những cam kết của Việt Nam với nước ngoài và pháp luật quốc tế”.

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên – ảnh trên) cũng cho rằng, việc này là hết sức cần thiết. Đại biểu cho biết, thực tế Facebook cũng đã đặt văn phòng đại diện tại 80 nước, hay Google cũng đặt 70 địa chỉ trên thế giới. Đại biểu cho rằng việc các nhà cung cấp thiết bị cần phải có đặt trụ sở hay văn phòng đại diện ở Việt Nam liên quan đến bảo đảm chủ quyền của đất nước ta và việc về quản lý.
Có khả thi!
Tuy nhiên, một số đại biểu lại băn khoăn về tính khả thi của quy định này. Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) cho rằng, việc yêu cầu đối với các cơ quan, tổ chức nước ngoài khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc Văn phòng đại diện tại Việt Nam là khó khả thi, không phù hợp với tình hình thực tiễn, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp và gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam trong trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài không thực hiện việc đặt trụ sở hoặc Văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy (ảnh trên) chia sẻ: “Hiện nay các máy chủ của các dịch vụ mà nhiều người Việt Nam sử dụng thường xuyên như Google, Facebook đều đặt tại nước ngoài. Với công nghệ phát triển hiện nay máy chủ không phải là máy cụ thể mà theo thuật toán đám mây, máy chủ là máy ảo cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ nhà cung cấp nào đó và xu hướng này là xu hướng của thế giới trong đó có nước ta”.
Đại biểu cho rằng, nếu các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ quy định này thì có thể sẽ không được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đối với việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân, nhất là trong bối cảnh nước ta chưa có được bất kỳ thương hiệu nào đáp ứng nhu cầu truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân.
“Bên cạnh đó, trong cam kết của tổ chức thương mại thế giới, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới và dịch vụ không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không có quy định phải có cơ quan đại diện, văn phòng đại diện trên lãnh thổ của Việt Nam. Cam kết trong hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU mà Việt Nam đã ký kết cũng tương tự. Nên quy định về việc doanh nghiệp nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện, văn phòng đại diện ở điểm d khoản 2 Điều 26 của dự thảo luật sẽ không đúng với các cam kết của tổ chức quốc tế, thương mại thế giới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU mà Việt Nam đã ký kết. Vấn đề này đặt ra tôi thiết nghĩ phải là biện pháp quản lý và chế tài cần được nghiên cứu để thiết kế trong bộ luật” – đại biểu phân tích.

Trong phần tiếp thu và giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội, nói về nội dung này, ông Võ Trọng Việt (ảnh trên) – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, cần quy định để có cơ sở pháp lý buộc doanh nghiệp, các nhà làm dịch vụ phải chấp hành tốt. “Nếu mình quy định bản thân các nhà doanh nghiệp, các nhà làm dịch vụ này cũng có ý thức, người công dân tham gia cũng có ý thức, đó là điều tốt” – ông nói.

Nhóm phóng viên. Ảnh: ĐĂNG KHOA

VietBao.vn