Trang chủ Tin Tức Bầu khí quyển Ấn Độ kỳ lạ nhìn từ không gian, chuyện...

Bầu khí quyển Ấn Độ kỳ lạ nhìn từ không gian, chuyện gì xảy ra?

827
Lượng formaldehyde ở Ấn Độ quá cao so với thế giới – Ảnh: ESA
Theo BBC, mới đây vệ tinh Sentinel-5P gửi về Trái đất hình ảnh bầu không khí toàn cầu, trong đó đáng chú ý là biểu đồ phân bố phân tử formaldehyde – một chất khí không màu trong tự nhiên do hoạt động nông nghiệp của con người thải ra.
Trong biểu đồ, Ấn Độ là quốc gia chứa lượng formaldehyde trong khí quyển nhiều nhất thế giới. Một số vùng khác cũng tập trung lượng lớn formaldehyde là Trung Phi, Trung Mỹ, Đông Á và Đông Nam Á.
Đây đều là những nơi hoạt động nông nghiệp lớn hàng đầu thế giới. Nguồn thải formaldehyde tùy thuộc vào từng vùng, nhưng khoảng 50-80% formaldehyde có nguồn gốc từ thực vật.
Riêng Ấn Độ còn có hàng trăm trận cháy rừng và cháy than mỗi năm làm gia tăng lượng formaldehyde lên khí quyển.
Ngoài ra dãy Himalaya sừng sững phía bắc Ấn Độ khiến gió từ Ấn Độ Dương không thể đưa các phân tử khí formaldehyde đi xa nên chúng cứ tích tụ ở phía nam dãy núi.
Biểu đồ formaldehyde trên toàn thế giới – Ảnh: ESA
Formaldehyde được Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ phân loại là chất có khả năng gây ung thư ở người và được Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) coi là chất gây ung thư ở người.
Vệ tinh Sentinel-5P là một phần trong tham vọng của Liên minh châu Âu (EU) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) nhằm quan sát bầu khí quyển Trái đất.
Vệ tinh bay ở độ cao 800km, đồng thời theo dõi bầu khí quyển nhằm phát hiện các sự kiện như núi lửa phun trào có thể gây nguy hiểm cho máy bay hoặc các tia cực tím gây nguy hiểm đến da.
Dữ liệu do nó thu thập cũng sẽ được sử dụng để hiểu thêm những vấn đề về tầng ozone của Trái đất.