Trang chủ Tin Tức Bên trong “thành phố iPhone” lớn nhất thế giới, 350.000 công nhân,...

Bên trong “thành phố iPhone” lớn nhất thế giới, 350.000 công nhân, lắp ráp 500.000 điện thoại iPhone mỗi ngày

759

Nếu bạn đang sử dụng iPhone thì có lẽ khả năng cao là bạn đang dùng sản phẩm được lắp ráp tại tổ hợp nhà máy đặt tại Trịnh Châu, thuộc tỉnh Hà Nam, nơi từng được coi là tỉnh có số hộ nghèo nhiều nhất của Trung Quốc. Nhà máy sản xuất iPhone đặt tại đây được điều hành bởi Foxconn với số lượng công nhân khổng lồ lên tới 350.000 người, đóng vai trò lắp ráp, sản xuất tới hơn một nửa sản lượng điện thoại iPhone trên toàn thế giới.
Trong các tháng mùa hè cao điểm, trước thềm Apple ra mắt các sản phẩm mới, nơi đây từng đạt sản lượng lên tới 500.000 chiếc điện thoại xuất xưởng mỗi ngày, tương đương với khoảng 350 chiếc điện thoại được sản xuất chỉ trong 1 phút.
Với số lượng công nhân quá đông, một phần trong đó là dân nhập cư, phía Foxconn còn phải xây tới 12 tòa nhà kí túc dành cho các công nhân của mình, nằm ngay gần cổng của nhà máy dành cho các lao động ở xa có thể sinh sống và tiện cho việc đi làm.
Sự đông đúc đã thúc đẩy hình thành nên cả một khu vực buôn bán dịch vụ nhộn nhịp ngay xung quanh khu vực các tòa nhà. Giới truyền thông tại Trung Quốc gọi nơi đây bằng biệt danh “Thành phố iPhone”.
Chúng tôi tới Công viên Khoa Học Foxconn Trịnh Châu vào lúc 1 giờ chiều, sau giờ nghỉ trưa của các công nhân. Chỉ có một vài người đi lại ở gần cổng, còn lại thì quang cảnh rất vắng vẻ bởi tất cả đều đang đi làm. Được biết, nhà máy nơi đây quản lý 350.000 công nhân trong tổng số 1,3 triệu công nhân Foxconn tại Trung Quốc.
Nhà máy bắt đầu sản xuất iPhone cho Apple từ năm 2007. Kể từ đó đến nay, Foxconn từng bị cáo buộc khá nhiều lần về điều kiện làm việc hà khắc đối với người lao động. Thậm chí đã từng có một vài vụ tự tử xảy ra khiến Foxconn phải điều chỉnh lại quy định tại nhà máy vào năm 2011.
Vào đầu năm vừa qua lại xuất hiện 1 vụ công nhân tự tử nữa khiến cho an ninh nơi đây được bảo đảm khá nghiêm ngặt
Khu tòa nhà kí túc bao gồm hàng tá nhà cao tầng bố trí trải dài 3,5 km với khuôn viên hai bên được trồng cỏ, cây cối… Bốt cảnh sát và bảo vệ được bố trí ở khắp các đường. Thông thường, các công nhân hay ra bãi cỏ hóng mát và ngồi dưới bóng râm khi nghỉ ngơi. Khoảng một thập kỷ trước, nơi đây chỉ là một cánh đồng trồng ngô và lúa. Đến năm 2010, chính phủ tiến hành di dời người nông dân nơi đây để xây dựng nhà máy như ngày nay.
Các công nhân làm ca ngày bắt đầu đến nhà máy vào khoảng từ 7 giờ sáng. Đa phần công nhân đều đi bộ đi làm từ khu kí túc của nhà máy nằm ở gần đó. Một bộ phận nhỏ công nhân sống ở khu vực lân cận đi làm bằng xe máy Scooter nhưng cũng đủ để lấp kín bãi đỗ xe của nhà máy. Một số khác lại chọn đi xe buýt nếu nhà ở xa hơn.
Lịch trình bình thường của các công nhân thường là thức dậy lúc 6 rưỡi sáng, đi đến nhà máy lúc 7 giờ, ăn sáng và bắt đầu làm việc lúc 8 giờ. Ca làm việc sẽ kết thúc lúc 5 giờ chiều. Tuy nhiên, lúc cao điểm thì có thể sẽ phải làm tăng ca đến 8, thậm chí là 10 giờ đêm.
Nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn tại Trịnh Châu chuyên lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói những chiếc iPhone mới của Apple. Thông thường sẽ có khoảng 400 công đoạn lắp ráp một chiếc iPhone và đa phần các nhân viên đều chỉ làm 1 nhiệm vụ lặp đi lặp lại trong suốt cả ngày như đánh bóng màn hình, lắp một con ốc nào đó…
Một nhân viên từng làm nhiệm vụ đánh bóng màn hình LCD của iPhone cho biết rằng mỗi ngày anh phải đánh bóng 1700 chiếc iPhone, tương đương khoảng 3 màn hình cho mỗi phút trong vòng 12 tiếng mỗi ngày.
Những công việc khác như tháo, lắp chip cho iPhone sẽ được cho khoảng 1 phút cho mỗi chiếc điện thoại và mỗi ngày họ sẽ phải tháo lắp từ 600 đến 700 chiếc.
Đa phần công nhân ở đây đều trong độ tuổi từ 18 đến 25, có cả những công nhân thực tập tuổi 16. Tỉ lệ lao động nam và nữ ở đây được đánh giá khá cân bằng. Đa phần đều được tuyển chọn từ các vùng trong tỉnh Hà Nam, nơi có tới 94 triệu dân và được đánh giá là có tỉ lệ người nghèo nhiều nhất Trung Quốc.
Ngay phía ngoài cổng của nhà máy là dãy các cửa hàng để cung cấp, phục vụ cho các công nhân không muốn ăn trong nhà ăn của Foxconn. Phần nhiều các chủ nhà hàng, quán ăn ở đây đều từng là công nhân trong Foxconn hoặc những người sống ở các làng gần đó.
Buổi trưa nóng, đường quanh khu vực hàng quán khá vắng vẻ. Một chủ hàng ăn cho biết đây là thời kì thấp điểm, số lượng công nhân tại nhà máy ít nhất. Đến thời điểm cuối tháng 6, khi phải gấp rút chuẩn bị ra mắt iPhone mới, thường là vào mua thu thì số lượng công nhân ở đây có thể lên đến 350.000 người. Lúc đó thì con đường này sẽ luôn trong tình trạng đông đúc.
Chúng tôi gặp Liu, một phụ nữ 31 tuổi, cùng chồng tới Trịnh Châu mở nhà hàng phục vụ cho các công nhân từ năm 2010. Chị Liu cho biết, ở đây các chủ nhà hàng không làm những món ăn cầu kỳ mà chú trọng vào rẻ và giúp công nhân ăn no bụng mà thôi.
Giống như nhiều chủ nhà hàng, quán ăn khác, chị Liu từ Hà Nam cũng từng là công nhân của Foxconn. Khi 18 tuổi, chị cùng chồng được mai mối, cưới hỏi rồi cả hai rời làng để đến đây làm công nhân. Cả hai làm việc tại Foxconn và rồi mở quán ăn này để kinh doanh.
Theo chị Liu cho biết thì công nhân có 1 ngày nghỉ để về thăm gia đình, đa phần ở đây đều là người Hà Nam nên cũng dễ về thăm nhà hơn.
Mở hàng quán xung quanh nhà máy trông thì tưởng nhàn nhã nhưng thực chất lại vất vả hơn so với làm công nhân tại nhà máy. Như vợ chồng chị Liu phải dậy sớm hơn so với công nhân, đi ngủ muộn hơn họ và phải phục vụ công nhân cả ca ngày lẫn ca đêm.
Trước tình hình doanh số sụt giảm của iPhone cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới khu vực này. Chị Liu tỏ ra lo lắng bởi năm nay, chị thấy nhà máy có vẻ yên ắng hơn so với mọi khi. Một nửa số cửa hàng ăn phục vụ quanh khu vực này đã phải đóng cửa và khu vực này có thể sẽ bị dỡ bỏ từ nay đến cuối năm. Dù ít hàng quán cạnh tranh hơn nhưng chị Liu cho biết doanh thu bán hàng lại giảm so với 3 năm trước đây.
Thông thường mọi năm, ở thời điểm này nhà máy có khoảng 120.000 công nhân làm việc nhưng năm nay, con số này chỉ đạt một nửa. Để minh chứng, chị Liu chỉ vào chỗ thức ăn đang ế ở phía sau quầy của mình. Chị cho biết như mọi năm, chỗ thức ăn này chỉ bán nửa tiếng buổi sáng là hết nhưng năm nay, dù đã quá trưa vẫn thừa đồ ăn.
Những lúc đông khách qua, chịu Liu phải thuê tới 6 người phục vụ bàn nhưng nay chỉ còn 2 người.
Nhà máy khổng lồ này tuyển thêm công nhân mới liên tục hàng ngày. Chỉ cần ngồi tại cổng nhà máy vài phút, sẽ liên tục bắt gặp những chiếc taxi, những xe bus tới mang theo những người mới với vali nặng trĩu tới để xin việc. Một số đã được nhận, một số tới với hi vọng tìm kiếm việc làm.
Mức lương của công nhân lao động ở đây nằm trong khoảng trên dưới 300 USD (hơn 6 triệu đồng) một tháng. Đó là lương cơ bản, nếu làm tăng ca với tổng giờ lao động đạt khoảng 60 tiếng mỗi tuần có thể đạt mức lương khoảng 676 USD (hơn 14 triệu đồng). Luật Trung Quốc quy định chỉ được làm thêm 36 tiếng mỗi tháng nhưng ở đây, công nhân vẫn thường làm vượt quá mức này mỗi khi tới đợt cao điểm.
Đến 5 giờ chiều, khi hết ca làm việc, công nhân lũ lượt ra về. Do đây là thời kì thấp điểm nên số lượng công nhân ra về cũng thưa hơn mọi khi.
Tòa nhà kí túc được xây dựng cho công nhân ở với các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, mát xa, rạp chiếu phim… ở bên dưới.
Giống như các hàng quán ở cổng nhà máy, các dịch vụ tại bên dưới tòa nhà kí túc đều hoạt động dựa theo lịch trình của nhà máy. Các cửa hàng bán đủ thứ từ vỏ điện thoại, quần áo cho tới cả các dịch vụ gửi tiền ngân hàng, cầm đồ… Tất cả đều nhộn nhịp hơn khi công nhân bắt đầu tan ca.
Nông dân ở các làng lân cận cũng tranh thủ mang đồ nông sản tới đây bán cho công nhân.
Một khu tổ hợp dịch vụ đang rất vắng vẻ vì đây là thời kì thấp điểm, nhà máy tuyển rất ít công nhân. Tất cả các cửa hàng đều cố duy trì để chờ tới đợt cao điểm. Một công nhân nữ cho biết, khi đông nhất thì cả tuần cô cũng chẳng thể chen mua được nổi một chiếc vé xem phim. Còn hiện tại thì các cửa hàng này kinh doanh còn không đủ trả tiền nhà.
Các quầy bán đồ ăn như thế này cũng được mở rất nhiều để phục vụ công nhân khi tan ca. Đa phần đều lựa chọn ra ngoài ăn uống chứ không tự nấu nướng bao giờ bởi lịch làm việc lên tới 10-12 tiếng mỗi ngày.
Một góc nhìn khác về phía tổ hợp kí túc xá dành cho công nhân
Mỗi phòng ký túc xá cho phép 8 người ở cùng với giường tầng riêng biệt. Tiền thuê mỗi tháng chỉ khoảng 25 USD (khoảng 500 nghìn đồng), tiền internet là khoảng 3 USD (khoảng hơn 65 nghìn đồng).
Nhìn chung, với số lượng công nhân đông đảo, nơi đây hình thành nên cả một cộng đồng với giờ giấc sinh hoạt đều dựa theo giờ của nhà máy. Lúc tan ca thường sẽ đông đúc nhưng lúc đang trong giờ làm thì vô cùng vắng vẻ.
Hiện tại, trước tình hình doanh số của Apple có dấu hiệu sụt giảm, những tín hiệu giảm lượng công nhân tuyển mộ đang khiến tất cả người dân sinh sống tại nơi đây lo lắng bởi một khi không còn nhà máy của Foxconn, không còn công nhân thì tình hình kinh doanh của tất cả các loại hình dịch vụ cũng sẽ theo đó mà lụi tàn. Thất bại của iPhone X cho thấy nếu Apple đã ngã ở phân khúc nghìn đô, cũng chẳng có ai thành công
Thế Anh
Theo Trí Thức Trẻ