Trang chủ Tin Tức Bên trong “thành phố iPhone” Trung Quốc – nơi sản xuất một...

Bên trong “thành phố iPhone” Trung Quốc – nơi sản xuất một nửa số iPhone trên thế giới

771

Theo Business Insider, nhà máy sản xuất iPhone tại Trịnh Châu được điều hành bởi nhà sản xuất điện tử Đài Loan Foxconn, với khoảng 350.000 nhân công và sản xuất khoảng một nửa số iPhone trên thế giới. Trong những tháng mùa hè bận rộn trước thời điểm ra mắt iPhone mới vào mùa thu, nhà máy này sản xuất ra đến 500.000 máy mỗi ngày, tức 350 máy mỗi phút.
Công viên Khoa học Foxconn Trịnh Châu nằm cách trung tâm Trịnh Châu hơn 32km. Với một lực lượng nhân công áp đảo so với nhiều thành phố của Mỹ, nhà máy này được cư dân ở đây đặt cho cái tên “thành phố iPhone”. Tại đây, công nhân nhà máy sống trong các ký túc xá từ 10-12 tầng ngay ngoài khuôn viên Foxconn, và tất nhiên, nơi nào có công nhân, nơi đó lập tức nở rộ nhiều hiệu buôn, cửa hàng thức ăn đường phố, mát-xa, bán tất chân (vớ), và nhiều thứ vật dụng giá bèo khác.
“Những nơi này không ‘giống’ thành phố” – Thomas Dinges, một nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu thị trường iSuppli nói về những cộng đồng hình thành xung quanh các nhà máy của Foxconn (tại Trung Quốc có đến 12 nhà máy như vậy) – “Chúng là các thành phố”.
Hãy cùng dạo một vòng quanh “thành phố iPhone”, gặp gỡ các công nhân, chủ nhà hàng, và nhiều người khác mà cuộc sống đã bị ảnh hưởng bởi Foxconn.
Đây là khung cảnh Công viên Khoa học Foxconn Trịnh Châu lúc 1 giờ chiều, vừa lúc công nhân nghỉ ăn trưa. Dù có một số ít công nhân đi quanh các cánh cổng, nhưng khung cảnh này trông chẳng khác gì một thị trấn ma – khá kỳ quặc nếu xét việc nhà máy này có đến 350.000 công nhân trong tổng số 1,3 triệu công nhân của Foxconn trên toàn Trung Quốc.
Với lượng công nhân nhiều như vậy, Foxconn hiện là công ty tư nhân lớn nhất tại Trung Quốc. Từ khi bắt đầu sản xuất iPhone cho Apple vào năm 2007, Foxconn đã đối mặt với nhiều cáo buộc ngược đãi người lao động, điều kiện làm việc nghèo nàn, và các hình phạt gay gắt dành cho những công nhân phạm lỗi. Đã từng có một làn sóng tự tử của công nhân Foxconn từ năm 2010 đến 2011, khiến Apple và Foxconn phải thực hiện nhiều thay đổi tại các nhà máy.
Một công nhân nữa đã tự tử vào tháng 1/2018 tại nhà máy ở Trịnh Châu này. Bởi vụ tự tử này, cùng nhiều báo cáo cho biết nhà máy có mức độ an ninh còn nghiêm ngặt hơn một số doanh trại quân đội, do đó bạn có lẽ sẽ nghĩ rằng việc đi sâu vào bên trong là điều khó có thể thực hiện được. Nhưng khá ngạc nhiên là chúng ta có thể bước qua cổng an ninh và vào trong khuôn viên nhà máy mà không gặp vấn đề gì.
Kéo dài hơn 3,5km và gồm hàng tá toà nhà, công viên này trông cũng như bao nơi khác: cây cối mọc khắp nơi, cảnh sát và bảo vệ đứng ở mọi góc đường, và công nhân thì tránh nắng dưới các bóng râm vào giờ giải lao. Một thập kỷ trước, khu vực này chỉ có bụi đất mù mịt cùng nhiều thửa ruộng ngô và lúa mì. Năm 2010, chính phủ đã mua lại khu đất này và xây nên nhà máy ngay trong năm đó.
Tổ hợp này được xây dựng vào năm 2000, nhằm một mục đích duy nhất là đáp ứng mọi nhu cầu của quá trình sản xuất iPhone của Apple – với số vốn tài trợ hơn 600 triệu USD từ chính quyền địa phương.
Thậm chí ngay cả lúc này, chính quyền vẫn dành cho Foxconn khá nhiều ưu đãi, miễn giảm thuế, trợ cấp… để giữ cho nhà máy này tiếp tục hoạt động tại Trịnh Châu. Người ta đã mở nhiều con đường mới đến nhà máy, và còn thưởng cho nhà máy nếu họ đạt chỉ tiêu xuất khẩu.
Trong hai năm đầu sản xuất, khoản tiền thưởng này lên đến 56 triệu USD.
Chính quyền thậm chí còn giúp nhà máy tuyển dụng, huấn luyện và tìm nơi ở cho công nhân trong những giai đoạn cao điểm sản xuất iPhone. Vào những tháng mùa hè, tại lối vào của khuôn viên thường có một người cầm loa nói: “Chúng tôi đang tuyển dụng những tài năng của xã hội. Bạn phải lạc quan và làm việc siêng năng”.
Chính quyền Trịnh Châu đã phải rất nỗ lực mới đáp ứng được nhu cầu công nhân gần như vô tận của Foxconn. Tỉnh này đã đưa ra những hạn ngạch bắt buộc các làng và thành phố tại địa phương phải cung cấp một lượng công nhân nhất định cho nhà máy.
Năm 2016, các công ty than sở hữu nhà nước đã cho Foxconn “mượn” công nhân. Và vào năm ngoái, các trường thương mại đã đưa ra quy định bắt buộc sinh viên từ 16 tuổi phải đến làm tại nhà máy để có “kinh nghiệm lao động” mới được tốt nghiệp. Trong đợt “vắt chân lên cổ chạy” cho kịp ngày lên kệ của iPhone X, nhiều sinh viên đã phải làm việc quá giờ – tức đã vi phạm luật của Trung Quốc.
“Sở lao động của mọi thành phố và Bộ nhân lực đều có liên quan” – Liu Miao, trưởng một trung tâm tuyển dụng tư nhân tại Trịnh Châu cho biết.
Một ngày làm việc bình thường của công nhân bắt đầu lúc 7 giờ sáng. Một số người đủ tiền mua xe máy để đi làm, nhưng hầu hết đều đi bộ từ các ký túc xá gần đó, hoặc đi bus nếu họ sống trong các toà nhà xa hơn.
Theo các công nhân thì lịch trình một ngày của họ như sau:
– Thức dậy lúc 6:30 sáng
– Đến nhà máy lúc 7 giờ sáng
– Ăn sáng và bắt đầu làm việc lúc 8 giờ.
– Nghỉ trưa 1 tiếng. Hầu hết ăn ở căng tin trong khuôn viên, một số ăn ở các tiệm bên ngoài vì đồ ăn ngon hơn.
– Ca kết thúc lúc 5 giờ chiều, nhưng nếu phải làm quá giờ thì hầu hết sẽ chấp nhận và họ có thể tiếp tục làm đến 8 hoặc 10 giờ tối.
– Sau khi làm việc, họ ăn tối với bạn bè hoặc chơi game tới 10 hoặc 11 giờ đêm và đi ngủ.
Lịch trình về cơ bản là như nhau nhưng đảo ngược lại nếu làm ca đêm.
Nhà máy iPhone của Foxconn ở Trịnh Châu đảm nhiệm các khâu “lắp ráp hoàn thiện, kiểm định và đóng gói” (FATP). Giai đoạn này của quá trình sản xuất đòi hỏi khoảng 400 bước để hoàn thiện một chiếc iPhone. Hầu hết các công nhân đều chỉ làm một công việc lặp đi lặp lại cả ngày, như chùi sáng màn hình, hàn một linh kiện, hay đặt một con ốc vào lưng máy.
Một công nhân đảm nhiệm khâu chùi một lớp bóng đặc biệt vào màn hình LCD cho biết cô đảm nhận 1.700 chiếc iPhone mỗi ngày, tức khoảng 3 màn hình mỗi phút đối với một ngày làm việc dài 12 tiếng.
Các công việc khác như gia cố bảng mạch chip có thể mất đến 1 phút cho mỗi máy, tức khoảng 600 – 700 máy mỗi ngày.
Các công nhân Foxconn miêu tả công việc tại nhà máy này chẳng có gì đặc sắc hay quá sức, mà chủ yếu là chán và lặp đi lặp lại hơn bất kỳ công việc nào khác.
“Công nhân luôn nói rằng người ngoài muốn vào, còn người bên trong lại muốn ra” – một công nhân nói.
Tổ hợp nhà máy này có một con đường lớn để các xe bus đưa công nhân vào và các xe tải chuyên chở mang sản phẩm ra. Chính quyền tỉnh đã biến khuôn viên này thành một “khu vực được đảm bảo”, có nghĩa là chính quyền Trung Quốc xem nó như đất nước ngoài. Thoả thuận này cho phép Foxconn và Apple nhập khẩu và xuất khẩu hàng hoá để bán trong Trung Quốc hoặc bất kỳ đâu trên thế giới.
“Khu vực được đảm bảo” là một thoả thuận kỳ lạ nhưng lại là một trong những ưu đãi được chính quyền Trịnh Châu dành cho Foxconn.
Hầu hết công nhân ở nhà máy có độ tuổi từ 18 đến 25, thực tập sinh thì trẻ hơn, chỉ 16. Số công nhân chia đều cả hai giới nam và nữ. Phần lớn họ đến từ Trịnh Châu hoặc các làng xung quanh Hà Nam, một tỉnh có 94 triệu người và là một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc.
Ngay bên ngoài cổng nhà máy là một khu cửa hàng xập xệ được dựng lên tạm thời để phục vụ những công nhân nhà máy không muốn ăn tại căng-tin trong khuôn viên. Nhiều chủ nhà hàng là cựu công nhân Foxconn hoặc người đến từ các làng gần đó chuyển đến để kiếm sống dựa vào nhà máy mới.
Con đường trong ngôi làng tạm bợ này không một bóng người trong những chiều tháng 5 nóng nực đầy bụi bặm. Một cửa hàng cho biết đây là thời điểm gần cuối mùa thấp điểm của nhà máy. Đến cuối tháng 6, nhà máy sẽ tăng cường sản xuất để phục vụ cho đợt ra mắt iPhone mới vào mùa thu, và đó cũng là lúc công nhân đông nhất và đường xá thì đông nườm nượp.
Liu, 31 tuổi, đến từ Qianhoucun, cách Trịnh Châu 1 giờ lái xe, cùng chồng điều hành một trong những nhà hàng lớn nhất phục vụ công nhân từ khi nhà máy hoạt động vào năm 2010, cho biết: “Chúng tôi không làm đồ ăn đặc biệt, chỉ làm bất kỳ thứ gì rẻ và giúp công nhân no bụng mà thôi”.
Giống như nhiều cửa hàng lân cận, Liu đến từ Hà Nam và từng làm việc tại nhà máy Foxconn. Khi 18 tuổi, cô cùng chồng – vốn được se duyên thông qua một bà mối – đã rời làng để đến Trịnh Châu.
Cả hai làm việc nhiều năm tại nhà máy Longhua của Foxconn – từng là tổ hợp lớn nhất. Nhưng khi họ nghe rằng công ty này đang mở một nhà máy khác gần quê nhà hơn, họ đã dùng tiền tiết kiệm và mở một nhà hàng phục vụ công nhân.
“Mọi người muốn làm việc tại nhà máy này vì nó giúp họ gần với gia đình ở Hà Nam hơn” – Liu nói – “Bạn được nghỉ Chủ nhật, và bạn có thể về nhà thăm gia đình. Đó là một lợi thế”.
Con trai của Liu sống ở Qianhoucun với cha mẹ cô. Cô và chồng gặp con mỗi tuần một lần vào Chủ nhật, khi nhà máy đóng cửa.
Nhiều người làm việc tại các nhà máy xa quê nhà hơn chỉ có thể về thăm gia đình hai lần mỗi năm, vào dịp Tết Âm lịch và Quốc khánh.
Liu và các cửa hàng khác sống dựa vào nhà máy. Để có thể phục vụ công nhân nhà máy, họ phải làm việc vất vả hơn so với khi làm trong nhà máy, bởi “chúng tôi phải thức dậy sớm hơn và đi ngủ trễ hơn để có thể phục vụ cả công nhân ca sáng và tối”.
Các nhà hàng mở cửa khá sớm vào buổi sáng để nấu điểm tâm cho các công nhân ca ngày.
Sau bữa trước, tức khoảng 1 giờ chiều, họ dọn dẹp và ngủ vài tiếng, sau đó mở cửa lại vào khoảng 7 giờ tối để ăn tối và phục vụ công nhân ca đêm. Họ sẽ mở cửa cho tới khi công nhân ca đêm ăn giữa buổi lúc 1 giờ sáng, sau đó lại đi ngủ vào khoảng 3 giờ sáng sau khi đã dọn dẹp nhà hàng. Gần như mỗi đêm, Liu và chồng chỉ ngủ từ 3 đến 4 tiếng.
Liu hiểu làm việc ở Foxconn “béo bở” hơn, bởi mức lương cao hơn và ít áp lực hơn. Có hàng tấn việc tại nhà máy và các công việc thì lặp đi lặp lại, nên bạn chẳng cần phải suy nghĩ gì, cứ việc đến nhà máy làm việc và được trả tiền thôi.
“Kinh doanh riêng nhiều áp lực hơn” – cô nói – “Tôi phải nghĩ xem mình quên mất điều gì. Tôi phải lo nếu việc kinh doanh không thuận lợi”.
Liu rất lo lắng cho việc kinh doanh của mình. Năm ngoái, nhà máy có vẻ yên ắng hơn bình thường, hơn nửa các hộ kinh doanh ở ngôi làng tạm bợ này đã đóng cửa bởi chính quyền dự định đập bỏ nơi này vào cuối năm nay. Nhưng dù cho ít đối thủ hơn, Liu và chồng vẫn chỉ kiếm được một khoản lợi nhuận khá nhỏ so với hồi năm 2014, 2015 và 2016.
Liu ước tính rằng vào thời điểm này trong năm, nhà máy phải có khoảng 120.000 công nhân. Nhưng năm nay, chỉ có một nửa số đó mà thôi. Liu vừa nói vừa cất các khay thức ăn làm sẵn đằng sau quầy hàng. Hai năm trước, toàn bộ thức ăn có thể được bán sạch chỉ sau nửa giờ mở cửa vào buổi sáng, ngay cả trong những tháng thấp điểm. Hình ảnh trên được chụp lúc 2 giờ chiều, sau bữa trưa, và vẫn còn đến nửa số khay thức ăn tồn lại.
Lúc trước Liu thường bận đến nỗi cô phải thuê 6 nhân viên toàn thời gian. Giờ cô chỉ còn 2 mà thôi.
Vì sợ bị giải toả, hầu hết các tiệm ăn đã đóng cửa. Nhiều người lo rằng họ đã trả tiền thuê đất cả năm và không thể lấy lại kịp khi giải toả.
Không ai chắc chắn cái gì sẽ thế chỗ ngôi làng, nhưng Liu nghe đồn rằng chính phủ sẽ biến vùng đất xung quanh nhà máy thành các khu vườn. Một sân bay mới đã được lên kế hoạch xây dựng ngay cạnh nhà máy. Không ai muốn thấy một ngôi làng bẩn thỉu tạm bợ khi họ đặt chân xuống sân bay cả.
Khi được hỏi sẽ làm gì sau khi giải toả, Liu mỉm cười và nói “tôi nghĩ tôi sẽ đi nơi khác, mở nhà hàng mới và làm như cũ thôi”.
Mỗi ngày, các công nhân mới lại xuất hiện tại nhà máy. Cứ vài phút lại có một người mới đến bằng taxi hay bus, mang theo một vali lớn và một giỏ đồ ăn. Vài người đã được đảm bảo chỗ làm, vài người khác hi vọng các cơ quan tuyển dụng quanh đó có thể cho họ một buổi phỏng vấn.
Hầu hết những người mới đến biết nhà máy này nổi tiếng với giờ làm dài dằng dặc và thường xuyên phải làm quá giờ. Có rất nhiều nhà máy để xin việc tại Trung Quốc. Nhưng nhiều công nhân lại đến Foxconn vì làm quá giờ.
“Thường thường, công nhân không đến trừ khi có cơ hội được làm quá giờ” – Liu giải thích – “Họ muốn lương cao hơn”.
Dù hầu như mọi người trong khu vực đều làm việc cho Foxconn, nhưng những người làm trong dây chuyền sản xuất thường mặc áo xanh và đỏ. Những công nhân này có mức lương khởi điểm khoảng 300 USD (khoảng 6,8 triệu đồng) mỗi tháng.
Mức lương này thấp đến nỗi chính phủ Trung Quốc không thu thuế đối với lương công nhân. Nhưng theo các công nhân này thì lương tại Foxconn vẫn cao hơn hầu hết các công việc không đòi hỏi kỹ năng tại Trung Quốc.
Mức lương tại nhà máy ở Trịnh Châu thấp hơn nhà máy ở Thâm Quyến, nhưng nhiều công nhân thích làm ở Trịnh Châu vì nó gần nhà hơn và chi phí sinh hoạt rẻ hơn.
Nhiều công nhân có thể được tăng lương lên 676 USD (gần 15,4 triệu đồng) nếu họ làm quá giờ 60 tiếng mỗi tuần. Luật Trung Quốc giới hạn chỉ cho làm quá giờ 36 tiếng mỗi tháng, nhưng nhiều báo cáo cho biết công nhân có thể làm vượt hơn rất nhiều trong các giai đoạn sản xuất cao điểm.
60 tiếng làm quá giờ, tức làm 14 tiếng mỗi ngày, 7 ngày/tuần.
“Hầu hết mọi người muốn làm quá giờ” – một công nhân 27 tuổi cho biết – “Nếu bạn có việc gì đó để làm, có lẽ bạn không làm quá giờ. Nếu bạn không có gì để làm, bạn chắc chắn sẽ làm quá giờ”.
Sau thời gian thử việc kéo dài 45 ngày, lương cơ bản sẽ có thể tăng đến 390 – 500 USD. Dù vậy, mức lương năm nay có vẻ vẫn như mức lương cơ bản tại nhà máy từ năm 2015.
Các công nhân sẵn sàng làm ca đêm có thể có lương lên đến 785 USD (17,8 triệu đồng) tính cả làm quá giờ.
Tổ chức phi lợi nhuận Sinh viên và Học giả chống bóc lột trong doanh nghiệp ước tính lương đủ sống của các công nhân iPhone phải là 650 USD (khoảng 14,8 triệu), có nghĩa là các công nhân sẽ phải làm quá giờ rất nhiều mới đạt được con số này.
Vào 5 giờ chiều, ca ngày kết thúc, công nhân tràn ra khỏi cổng. Vì đây vẫn là mùa thấp điểm nên vẫn họ không phải làm quá giờ nhiều. Đường xá trở nên đông đúc người, xe hơi, xe máy và bus. Các cửa hàng dọc đường bắt đầu kiếm tiền từ hàng ngàn công nhân trên đường về nhà.
Đi bộ một đoạn ngắn sẽ đến một trong những tổ hợp ký túc xá lớn. Có ít nhất hơn một chục các toà nhà căn hộ cao 10-12 tầng. Các cửa hàng nhỏ phục vụ công nhân nằm dọc đường. “Có mọi thứ mà các công nhân có thể mong muốn trong khu vực này – thức ăn, mát-xa, phim ảnh, mọi thứ” – Ma, một nhân viên mát-xa 25 tuổi từ Trịnh Châu, mới chuyển đến vào năm ngoái cho biết.
Giống như khu vực nhà hàng tạm bợ ở trước cổng nhà máy, khu tổ hợp này cũng dựa hơi nhà máy. Đây là lúc 3 giờ chiều, cả khu vực chẳng có bóng người. Hầu hết các shop đều đóng cửa, chủ cửa hàng thì đi ngủ sau xe, tranh thủ nghỉ ngơi trước khi tan ca trong vài giờ nữa:
Chỉ vài giờ sau, cả thị trấn như bừng tỉnh. Các tiệm ven đường bán tất chân, ốp điện thoại, quần áo…, còn các công ty điện thoại di động và ngân hàng thì tất bật phục vụ công nhân vừa tan ca.
Nông dân từ các làng gần đó mang trái cây và rau đến bán cho công nhân.
Ma cho biết việc cắt giảm công nhân tại Foxconn đã ảnh hưởng đến đời sống của mọi người trong thị trấn. Trong suốt những tháng mùa hè, cô thậm chí không thể mua vé xem phim vì có quá nhiều người. Nhưng hiện nay mọi người đều chật vật. “Mọi công việc kinh doanh đều gặp khó khăn và lỗ cho tới khi công nhân quay lại vào tháng 6. Họ không đủ tiền để thuê nhà vào lúc này”.
(còn tiếp)
Minh.T.T