Báo cáo của Cục An ninh mạng, Bộ Công an cho thấy, Việt Nam là quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong khu vực. Từ năm 2016 đến nay, có hàng chục nghìn cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin nước ta. Đấy là chưa kể mạng Internet bị lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động các hoạt động chống phá Nhà nước, xúc phạm nhân phẩm cá nhân, bịa đặt thông tin gây hại về kinh tế, tài chính. Vì vậy, xây dựng và ban hành luật an ninh mạng là nhiệm vụ cấp bách làm cơ sở pháp lý để đấu tranh, ngăn chặn và xử lý.
Nhưng một trong những vấn đề mà dư luận lo ngại nhất là khi luật này được ban hành, mọi tài khoản cá nhân của người sử dụng sẽ bị cơ quan chức năng giám sát. Tuy nhiên, theo Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng – Bộ Công an, đây là nội dung mà nhiều người không hiểu, không đọc kỹ luật và các thế lực thù địch lợi dụng sự thiếu hiểu biết này để kích động, gây hoang mang dư luận.
“Cơ quan chuyên trách an ninh mạng chỉ giám sát hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Bên cạnh đó, luật An ninh mạng cũng có quy định trường hợp nếu người thực thi công vụ về an ninh mạng lạm dụng quyền hạn, xâm phạm quyền của cá nhân, tổ chức thì cũng bị xử lý nghiêm. Vì thế chắc chắn không có lạm quyền ở đây”,Trung tướng Thuận nhấn mạnh.
Luật an ninh mạng sẽ đảm bảo không gian mạng an toàn, minh bạch. Nguồn: VTV
Ông cũng cho biết thêm, luật an ninh mạng đã quy định rõ, chỉ trong trường hợp phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng mới được quyền yêu cầu cung cấp thông tin người dùng.
Cục trưởng Cục An ninh mạng cũng bổ sung rằng hiện nay, có nhiều thông tin trên mạng internet cho rằng, luật An ninh mạng yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp toàn bộ thông tin người dùng như thông tin cá nhân, thông tin riêng tư cho cơ quan chức năng là không chính xác. Và cũng không có quy định nào trong luật an ninh mạng yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải có giấy phép con mới được phép hoạt động.
G.L