Trang chủ Tin Tức Bphone 3 do công ty Nhật lắp ráp, vậy Bkav làm gì?

Bphone 3 do công ty Nhật lắp ráp, vậy Bkav làm gì?

754
Thông tin mới nhất về Bphone 3 là máy sẽ do Meiko Electronics lắp ráp tại một nhà máy ở ngoại thành Hà Nội. Nguồn tin nội bộ từ Meiko cũng xác nhận hãng đã hoàn tất tuyển dụng, cùng Bkav thiết lập dây chuyền và khu lắp ráp riêng phục vụ cho Bphone.
Với hai thế hệ Bphone đầu tiên, công đoạn lắp ráp hoàn thiện sản phẩm do Bkav thực hiện tại nhà máy của mình. Đây cũng là nơi Bkav thực hiện các công đoạn nghiên cứu, sản xuất mẫu, thử nghiệm, thay đổi các chi tiết trong thiết kế và tạo ra sản phẩm mẫu hoàn chỉnh trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt. Đến Bphone 3, việc lắp ráp được chuyển cho Meiko – được biết đến là đối tác in bảng mạch mạ vàng cho Bphone 2.
Meiko Electronics, đối tác lắp ráp Bphone 3, đã mở rộng nhà máy từ năm ngoái.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VnReview.vn, ông Trần Việt Hải, Giám đốc mảng Sản phẩm Di động của Bkav cho biết có hai lý do chính Tập đoàn này lựa chọn Meiko Electronics. Trước hết đây là công ty Nhật Bản hàng đầu về dịch vụ sản xuất điện tử (EMS) cùng với kinh nghiệm hợp tác Bphone 2 cho thấy Meiko có quy trình, tác phong, điều kiện cơ sở vật chất, máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế và đặc biệt có sự tỉ mỉ, chăm chút cho sản phẩm đáp ứng yêu cầu của Bkav.
“Để làm chủ tất cả các công đoạn quan trọng từ thiết kế kiểu dáng, cơ khí, điện tử, antenna… và phát huy tối đa sự sáng tạo, việc nghiên cứu, thử nghiệm làm ra sản phẩm hoàn thiện phải thực hiện tại nhà máy của Bkav. Sau khi hoàn thiện sản phẩm, chuẩn hoá quy trình, công nghệ sản xuất, Bkav sẽ chuyển giao cho các đối tác để lắp ráp“, ông Hải nói.
Công ty điện tử Meiko Electronics có trụ sở chính ở Kanagawa, Nhật Bản, là một trong những công ty đi đầu toàn cầu về sản xuất bảng mạch in điện tử và lắp ráp điện tử. Không chỉ gia công mạch PCB cho các sản phẩm của Samsung, công ty này còn gia công cho Apple, Sony và nhiều đối tác sản xuất linh kiện điện thoại khác. Từ cuối năm ngoái, Meiko đầu tư thêm một nhà máy thứ 3 tại Việt Nam, đồng thời mở rộng sản xuất nhà máy tại Khu công nghiệp Thạch Thất (Hà Nội), nơi gia công mạch cho Bphone 2.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng một số quan chức Chính phủ ghé thăm gian hàng Bphone tại Triển lãm Industry 4.0 Summit sáng 13/7
Ngay từ khi ra mắt lần đầu vào năm 2015 đến nay, Bkav kiên định với hướng định vị Bphone là smartphone cao cấp: chất lượng tốt, hình thức đẹp, trau chuốt, tỉ mỉ và chọn mô hình sản xuất kiểu Apple đã dẫn dắt chuỗi giá trị iPhone mặc dù sản phẩm là tập hợp từ hàng trăm linh kiện được sản xuất trên khắp thế giới và lắp ráp tại Trung Quốc.
Tương tự, Bphone cũng đã tạo ra được một chuỗi giá trị của mình. Bkav đặt hàng nhiều linh kiện cho Bphone – màn hình, pin, chip nhớ, cảm biến, camera…. – từ hơn 200 nhà cung ứng khắp thế giới. Với Bphone 3, việc lắp ráp hoàn thiện sản phẩm sẽ được giao cho đối tác Nhật Bản, tương tự như Apple giao Foxconn lắp ráp iPhone. Còn lại toàn bộ các công việc khác như nghiên cứu phát triển, thiết kế, marketing, và bán hàng do Bkav thực hiện.
Trong chuỗi giá trị Bphone, chỉ có hai công đoạn linh kiện và gia công được các đối tác Bkav đảm nhiệm, phần còn lại Bkav thực hiện.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Bkav nhập linh kiện về lắp ráp, và đặc biệt khi việc lắp ráp nay lại giao cho đối tác thì có giá trị Bkav, giá trị Việt Nam nào ở Bphone?
Vấn đề mấu chốt không đơn giản là ghép nối các linh kiện lại thành một sản phẩm điện tử, đặc biệt là một chiếc smartphone có thiết kế riêng, chất lượng tốt. Những chiếc iPhone, Samsung Galaxy… cũng mua linh kiện của rất nhiều nhà cung cấp – nhưng bản chất vẫn là của Apple và Samsung bởi lẽ nó do các hãng này nghiên cứu, thiết kế làm sao cho việc kết nối các linh kiện đạt hiệu quả tốt nhất đặt trong một không gian vô cùng chật hẹp, trong đó quan trọng nhất là các công đoạn thiết kế kiểu dáng, cơ khí, điện tử, antenna…
Đó là vì sao các sản phẩm dùng linh kiện của cùng một hãng nhưng lại cho chất lượng, trải nghiệm người dùng khác nhau, bởi khả năng thiết kế kiểu dáng, thiết kế điện tử, tuỳ chỉnh, tối ưu của mỗi nhà sản xuất khác nhau. Một điều đáng lưu ý là linh kiện chỉ chiếm phần rất nhỏ trong chuỗi giá trị, so với nghiên cứu phát triển, thiết kế, marketing, bán hàng… Như vậy, Bphone là sản phẩm “Made in Việt Nam” đích thực bởi vì thiết kế và kỹ thuật được tạo ra bởi các kỹ sư có kỹ năng về thiết kế công nghiệp, thiết kế điện tử và phát triển phần mềm ở trụ sở Bkav.
 
Ông Trần Việt Hải cho biết, việc thiết kế kiểu dáng, cơ khí, điện tử, tinh chỉnh firmware và phát triển hệ điều hành được thực hiện ở trụ sở Tập đoàn. Còn nhà máy Bkav đảm nhiệm vai trò phát triển công nghệ sản xuất và cơ khí phục vụ Bphone. Về cơ khí, nhà máy được trang bị tất cả máy phay, CNC, đột dập, đánh bóng, ép nhựa… tiên tiến trị giá hàng trăm nghìn USD để đảm đương các công đoạn, gia công các chi tiết cơ khí như khung nhôm, khay SIM, nút nguồn, các công đoạn test sản phẩm… của sản phẩm mẫu (prototype). Công nghệ sản xuất smartphone hoàn toàn do Bkav phát triển để áp dụng các dụng cụ như robot, tay máy, jig hỗ trợ lắp ráp để tăng năng suất đáp ứng với việc sản xuất hàng loạt.
Sau vô số lần thử nghiệm, hàng chục phiên bản prototype được tạo ra, đồng thời với tối ưu quy trình, công nghệ sản xuất, prototype hoàn chỉnh sản phẩm sẽ được chuyển giao cho Meiko lắp ráp hàng loạt.
Việc chuyển giao cho Meiko lắp ráp thêm củng cố cho thông tin Bphone 3 được Bkav đầu tư lớn cả về sản xuất và phân phối. Bphone 3 sẽ có nhiều màu, nhiều phiên bản ở các phân khúc khác nhau và có thể được phân phối qua nhà mạng.