Hơn 60 triệu năm trước, khủng long là chúa tể của Trái Đất. Nhưng cách đây 165 triệu năm, trong kỷ Jura cá sấu mới là những sát thủ của đại dương và lục địa. Sức mạnh của cá sấu kỷ Jura như thế nào?
Lemmysuchus – kẻ thống trị đại dương kỷ Jura
Là một trong những cỗ máy săn mồi nguy hiểm nhất của đại dương, Lemmysuchus sống ở các vùng nước ven biển ở Anh khoảng hơn 165 triệu năm trước. Xương hóa thạch của loài này được phát hiện trong một hố đất sét gần Peterborough năm 1909 trước khi được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London.
Với cơ thể dài 5,8m được bọc trong lớp giáp dày ở lưng và bụng, hộp sọ có kích thước trên một mét, răng cùn phù hợp với việc nghiền xương và vỏ cứng, Lemmysuchus lớn hơn, nhanh hơn và đáng sợ hơn phần lớn các sinh vật khác ở biển. Bộ hàm của Lemmysuchus có thể nghiền nát lớp mai cứng của rùa biển chỉ bằng một cú đớp.
Trong nghiên cứu mới, loài này được đánh giá khác biệt với các loài cá sấu biển khác cùng thời. Lemmysuchus thuộc nhóm teleosaur đã tuyệt chủng song từng thống trị đại dương ở thời kỳ giữa kỷ Jura. Chúng có họ hàng xa nhưng lớn hơn nhiều cá sấu ngày nay. Phần lớn thời gian cá sấu biển sống dưới nước và có khả năng bò lên bờ để đẻ trứng.
Cá sấu kỷ Jura Razana có thể đánh bại khủng long
Nghiên cứu mới về mẫu hóa thạch ở Madagascar của nhóm chuyên gia cổ sinh vật học người Italy và Pháp hé lộ nguồn gốc và quá trình tiến hóa thời kỳ đầu của Razana, loài bò sát ít được biết tới ở kỷ Jura, theo Phys.org.
Xương hàm lớn và sâu đi kèm những chiếc răng cưa lớn tương tự răng khủng long bạo chúa về hình dáng và kích thước cho thấy loài vật ăn cả mô cứng như xương và gân. Tên đầy đủ của loài cá sấu chuyên săn khủng long dài 7m này là Razanandrongobe sakalavae (Razana), có nghĩa “tổ tiên bò sát khổng lồ đến từ vùng Sakalava”.
“Giống như cá sấu khổng lồ khác thuộc kỷ Phấn trắng, Razana có thể đánh bại cả khủng long chân thú, đứng đầu chuỗi mắt xích thức ăn”, Cristiano Dal Sasso, nhà nghiên cứu ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Milan, cho biết.
Razanandrongobe sakalavae là đại diện có niên đại cao nhất và kích thước lớn nhất trong nhóm Notosuchia. Sự kết hợp các đặc điểm giải phẫu giúp nhóm nghiên cứu xác định hóa thạch thuộc nhóm cá sấu đã tuyệt chủng sống ở kỷ Jura nhóm Notosuchia, có họ hàng gần với loài baurusuchid và sebecid ở Nam Mỹ. Chúng là động vật chuyên ăn thịt quen sống trên mặt đất, sở hữu hộp sọ sâu và các chi khỏe khoắn có thể đứng thẳng, khác với cá sấu ngày nay.
Cá sấu kỷ Jura có thể dài tới gần 10 mét
Kết quả trên là nghiên cứu của một nhóm nhà cổ sinh vật học được đăng tải trên tạp chí Royal Society Open Science của Anh số ra ngày 15/10.
Các nhà cổ sinh vật học đến từ nhiều nước châu Âu đã tìm hiểu về loài cá sấu cổ có tên Machimosaurus. Sau khi nghiên cứu chọn lọc hóa thạch răng và các mảnh xương hàm, hộp sọ của cá sấu cổ được lưu giữ trong các bảo tàng, các nhà khoa học kết luận rằng, gia đình cá sấu Machimosaurus bao gồm ba loài ở châu Âu và loài thứ tư ở Ethiopia.
Loài nhỏ nhất của họ cá sấu Machimosaurus là Machimosaurus buffetauti ở châu Âu với chiều dài khoảng 5,8m, trong khi loài lớn nhất là Machimosaurus hugii cũng ở châu Âu có chiều dài tới 9,26m, gấp gần 1,5 lần kích thước những con cá sấu dài nhất ngày nay. Tuy nhiên, kích thước của loài sấu ở Ethiopia hiện vẫn chưa ước tính được chiều dài cụ thể.
Những loài cá sấu nêu trên đều sống ở cuối kỷ Jura, giai đoạn cách đây 165 triệu năm, thời điểm bùng nổ của loài cá sấu.
Nam Minh (TH)
Có thể bạn quan tâm: