Trang chủ Tin Tức Các công nghệ đảm bảo sự công bằng tại World Cup 2018

Các công nghệ đảm bảo sự công bằng tại World Cup 2018

731
Trong các trận đấu đỉnh cao, nhiều trường hợp bóng chỉ lướt qua vạch vôi vài mili-giây rồi bị thủ môn đẩy ra ngoài. Với các tình huống khó quan sát này, các trọng tài giờ đây đã được hỗ trợ bằng công nghệ có tên gọi Goal-line (hay Goal Decision System). Đây là phương pháp sử dụng công nghệ máy tính và hệ thống camera để xác định bóng đã hoàn toàn vượt qua vạch vôi hay chưa.
Hệ thống hoạt động thông qua 6 hoặc 7 máy quay cho mỗi cầu gôn, thường được gắn ở mặt dưới của mái các sân vận động cho phép theo dõi bóng ở các góc độ khác nhau. Các video từ những máy ảnh phối hợp theo hình tam giác và tạo thành một quỹ đạo 3 chiều của quả bóng. Chúng có độ nét và tốc độ khung hình mỗi giây rất cao nhằm bắt được hình ảnh trái bóng. Ngay cả khi một số góc máy bị chặn do cầu thủ đứng khuất tầm, phần mềm trên máy tính vẫn có thể tính toán quỹ đạo bóng hoặc vị trí chính xác thông qua các máy quay còn lại. Kết quả sau khi qua xử lý sẽ gửi trực tiếp hoặc gián tiếp tới trọng tài thông qua một thiết bị đeo. Độ chính xác của hệ thống được coi là không thể nhầm lẫn này nằm trong ngưỡng 5 mm.

Công nghệ vạch vôi xác định bàn thắng

Công nghệ Goal-line tại Euro 2016. 
Tất nhiên, mục tiêu của nó không phải để thay thế vai trò của các trọng tài mà chỉ có tác dụng hỗ trợ. Tại World Cup 2014, công nghệ này đã 3 lần giúp các trọng tài đưa ra quyết định chính xác. Trong giải FIFA World Cup dành cho nữ năm 2015, công nghệ này đã hỗ trợ ra quyết định tới 8 lần.
Công nghệ trợ lý trọng tài qua video (VAR – Video Assistant Referee)

Các nhân viên hỗ trợ trọng tài của VRA.

VAR là viết tắt của cụm từ Video Assistant Referees, nghĩa là “Trợ lý trọng tài qua video”, với vai trò chính là hỗ trợ việc ra quyết định của các trọng tài chính trên sân cỏ thông qua quá trình phân tích trực tiếp video hình ảnh của các tình huống va chạm, sút phạt, ghi bàn… trên sân. Công nghệ này đã được áp dụng tại một số giải đấu ở các quốc gia, nhưng là lần đầu tiên được đưa vào sự kiện lớn như 
World Cup.

“Bộ não” của hệ thống VAR là một phòng vận hành video tập trung (VOR) được đặt tại Trung tâm truyền thông quốc tế IBC ở thủ đô Moskva (Nga). Đây sẽ là nơi thu nhận thông tin truyền về bằng cáp quang từ 12 sân vận động nơi diễn ra các trận đấu trong khuôn khổ World Cup 2018. Các thông tin dạng video này được truyền về từ 33 camera khác nhau, trong đó có 8 camera quay chậm và 6 camera quay siêu chậm tại mỗi sân vận động. Ngoài ra, hệ thống cũng truy xuất thông tin từ 2 camera chuyên để bắt việt vị, được bố trí để hỗ trợ riêng cho đội ngũ trợ lý trọng tài này.

Tương tác với trọng tài qua VAR.

Tình huống trọng tài xem lại video hỗ trợ từ VRA (nguồn Uslsoccer)
Khi có tình huống bị bỏ sót hoặc diễn ra với tốc độ nhanh mà mắt thường khó có thể phán đoán chính xác, có thể gây tranh cãi trên sân, các trợ lý trọng tài sẽ ngay lập tức theo dõi các hình ảnh quay chậm để đưa ra lời tư vấn tới trọng tài chính, giúp đưa ra các quyết định chính xác nhất.
Công nghệ theo dõi cầu thủ

Huấn luyện viên có thể theo dõi thông tin về cầu thủ để thay đổi chiến thuật ngay trong trận.

Tại FIFA World Cup 2018 năm nay, trong khi các cầu thủ thi đấu, các chuyên gia phân tích chiến thuật của hai đội cũng phải căng mình ra để làm việc bên ngoài sân cỏ. Và để hỗ trợ tích cực cho đội ngũ này, một hệ thống camera quang học đã được bố trí đặt dọc các khán đài để gửi về dữ liệu, liên quan tới vị trí và cách di chuyển của các cầu thủ trên sân. Thông qua phần mềm và màn hình hiển thị, các chiến thuật gia sẽ phân tích và có biện pháp thay đổi lối chơi cho phù hợp. Các thông tin này được cung cấp theo thời gian thực chứ không phải dựa trên tính toán cảm quan hay thông số sau trận đấu như trước kia.
Công nghệ này được FIFA đặt tên là SPTS – Electronic Performance and Tracking Systems. Có thể nói, nó sẽ khiến các màn đấu trí giữa hai huấn luyện viên sẽ trở nên căng thẳng và quyết liệt hơn rất nhiều, từ đó đẩy cao tính chiến thuật của trận đấu. Ở World Cup 2014, thông tin từ các nhà phân tích chỉ đến được với đội ngũ huấn luyện trong giờ nghỉ giữa trận hoặc sau trận đấu.
Trái bóng Telstar 18 tích hợp chip điện tử NFC

Telstar 18, trái bóng chính thức của World Cup 2018.

Telstar 18 là tên của trái bóng chính thức tại World Cup 2018, do Adidas sản xuất. Ngoại hình của nó gồm hai màu đen trắng chủ đạo, với các họa tiết được cách điệu theo hướng “kỹ thuật số” bởi các phần làm mờ theo dạng điểm ảnh pixel. Ngoài ra, bên trong mỗi quả bóng được nhúng một con chip điện tử NFC (giao thức kết nối trường gần), cho phép các trọng tài có thể tương tác với nó thông qua điện thoại thông minh. Với công nghệ này, các dữ liệu về tốc độ bay, tốc độ lăn, quãng đường di chuyển hay lực sút của cầu thủ… có thể thu thập dễ dàng.
Để kết nối, người dùng chỉ cần kích hoạt tính năng NFC rồi chạm smartphone Android vào logo NFC trên trái bóng. Với người dùng iPhone, Telstar 18 chỉ tương thích với iPhone 7 và thiết bị chạy iOS 11 trở lên. Người dùng cũng phải sử dụng ứng dụng giao tiếp NFC của bên thứ ba do hệ điều hành này không hỗ trợ.
Chất xịt bọt tự hủy công nghệ mới

Trọng tài sử dụng bọt xịt tự hủy để giới hạn phạm vi đứng của hàng rào.

Bình xịt bọt tự hủy từ lâu đã được sử dụng trong các trận bóng đá quốc tế, ở nhiều giải đấu lớn để vẽ vạch giới hạn vị trí cho các cầu thủ ở các tình huống đá phạt. Nó tạo màu rất nổi bật trên cỏ, nhưng sau đó có thể biến mất ngay khi tình huống được thực hiện xong.
Tại World Cup 2018 năm nay, công nghệ bình xịt này cũng đã được nâng lên một “tầm cao mới”. Dù chưa công bố tên hãng sản xuất bình xịt, nguồn tin từ ban tổ chức cho biết nhiều khả năng đây là một công ty Nga. Các cải tiến mới được áp dụng bao gồm đai gắn chai chắc chắn hơn, giúp cố định nhưng không cản trở trọng tài khi di chuyển liên tục trên sâu từ đầu tới cuối trận. Chất bọt tạo ra cũng đáp ứng tốt với điều kiện nhiệt độ thay đổi, với cả mặt sân cỏ nhân tạo lẫn tự nhiên.
Bảo Nam