Trang chủ Tin Tức Các công ty khởi nghiệp Việt Nam có thể xứng tầm thế...

Các công ty khởi nghiệp Việt Nam có thể xứng tầm thế giới

682
Ít phát triển sản phẩm, dịch vụ mới cho thị trường
Tại diễn đàn, Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Kỳ Phùng cho biết: Các nghiên cứu cho thấy, DN Việt Nam quan tâm đến đổi mới sáng tạo nhưng chủ yếu chỉ phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn. Đổi mới sáng tạo hiện nay chủ yếu mang tính cải tiến, ít phát triển sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn mới cho thị trường. Đa phần DN được khảo sát chưa đầu tư nhiều vào bộ phận nghiên cứu và phát triển. Thay vào đó, khi có ý tưởng mới về sản phẩm, DN sẽ đặt hàng thiết kế, sản xuất với đối tác cung ứng (nhà sản xuất ở nước ngoài). Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo, ngân sách dành cho đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chưa cao, sự hợp tác với các đơn vị nghiên cứu và các trường đại học chưa tốt. Nguyên nhân là do nhiều DN Việt Nam chưa tạo lập được chuỗi giá trị phát triển bền vững; đa phần DN tập trung nhiều vào khâu thương mại, dịch vụ hay gia công quốc tế.
Theo Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Kỳ Phùng, một trong những yếu tố cốt lõi để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công là sự hợp tác, chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ lẫn nhau để cùng đổi mới và phát triển. Vì vậy, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối hợp tác quốc tế, tăng cường sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm giúp các DN, cá nhân, tổ chức đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; giúp cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ngày càng phát triển với một số cơ hội hợp tác.
Cụ thể, TP hợp tác hỗ trợ đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực cho giáo viên, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp từ phổ thông đến đại học; trao đổi chuyên gia cố vấn khởi nghiệp và Satrtup giữa TP.HCM với các trường đại học, các quỹ đầu tư, doanh nghiệp tại Mỹ; huấn luyện Startup phát triển các kỹ năng khởi nghiệp. Đồng thời, hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ; tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực theo xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, hợp tác đầu tư, xây dựng và vận hành các cơ sở ươm tạo DN đạt tiêu chuẩn quốc tế, liên kết hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước; cũng như hợp tác đầu tư, góp vốn vào các dự án khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nghiên cứu, tìm kiếm những mô hình tiên tiến của trong và ngoài nước nhằm hoàn thiện môi trường chính sách hỗ trợ thương mại hóa công nghệ.

Phối hợp để đưa trí tuệ, sáng tạo Việt Nam ra nước ngoài
Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực khởi nghiệp đến từ Việt Nam, Mỹ, Canada, Israel đã có những chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động khởi nghiệp, cũng như đưa ra những lời khuyên cho các Startup Việt Nam.
Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Rynan Holding JSC Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ: “Khởi nghiệp – Một hành trình bắt đầu từ sự hình thành, thành lập và phát triển một DN dựa trên cách làm khác để tạo ra một sản phẩm mới hoặc tốt hơn nhằm giải quyết vấn đề hoặc nhu cầu của cộng đồng với một mô hình kinh doanh có thể mở rộng nhanh chóng”. Chính vì vậy, ở tuổi 60, ông Nguyễn Thanh Mỹ tiếp tục khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất và phát triển nông sản sạch. Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ, trong thời đại công nghiệp 4.0, nếu mọi người không đổi mới, đột phá lĩnh vực hoạt động và đổi mới chính bản thân mình, họ sẽ bị bỏ lại phía sau.
Đồng quan điểm, bà Lê Diệp Kiều Trang, nguyên Giám đốc Tài chính Misfit và Giám đốc Facebook Việt Nam cho rằng: Nhân tố quan trọng trong quá trình khởi nghiệp là con người. Theo bà Lê Diệp Kiều Trang, một DN để tồn tại và phát triển trong thế giới cạnh tranh, bên cạnh việc có một kế hoạch cụ thể rõ ràng cho sản phẩm, DN phải có đội ngũ nhân sự đam mê với cùng chung mục tiêu phát triển và không được tự thoả mãn trước những thành công đã có mà phải luôn tiếp tục tìm tòi, học hỏi và có những đổi mới trong phát triển.
Tuy nhiên, các diễn giả cũng cho hay: Bên cạnh yếu tố nhân sự, Startup Việt muốn phát triển rất cần có vốn đầu tư, cũng như những chuyên gia về khởi nghiệp. Là người có kinh nghiệm trong thu hút vốn đầu tư, xây dựng không gian khởi nghiệp, bà Thạch Lê Anh, đồng sáng lập Quỹ khởi nghiệp Việt Nam và Vietnam Silicon Valley Accelerator mong muốn TPHCM có 1 trung tâm cho các startup Việt đến gặp gỡ, nghe lời khuyên từ các chuyên gia; nơi đây cũng là điểm khởi đầu dành cho các nhà đầu tư; quỹ đầu tư mạo hiểm. Bà Thạch Lê Anh cho rằng cần nhân rộng mô hình giống thung lũng Silicon của Mỹ để khuyến khích các nhà khởi nghiệp trẻ.
Ông Nguyễn Francis Tuấn Anh, chuyên gia cao cấp phụ trách đối tác phát triển phần mềm Khu vực Đông Nam Á, Microsoft Vietnam nhấn mạnh: Việt Nam là một dân tộc rất thông minh nên chúng ta phải phối hợp nhà nước và DN để đưa sáng tạo và trí tuệ Việt Nam ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Francis Tuấn Anh tin rằng, các công ty khởi nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể xứng tầm thế giới. Đó là không chỉ xây dựng một DN mà phải xây dựng DN lên được sản phẩm của nó và kinh doanh được trong thị trường Việt Nam và thị trường nước ngoài; xung quanh DN phải xây dựng hệ sinh thái; phải có sự kết hợp của các nhà đầu tư, nhà nước.
Để khởi nghiệp thành công, ông Gibs Song (Hoa Kỳ), chuyên gia đầu tư, Big Basin Capital khuyên các Startup Việt phải biết nắm bắt cơ hội; tìm kiếm đối tác làm việc chung với một chặng đường dài; triển khai ý tưởng thành thực tế, cho ra mắt sản phẩm khả dụng càng sớm càng tốt; lắng nghe khách hàng; phải có sự kiên trì trong quá trình khởi nghiệp.