Trang chủ Tin Tức Các hãng smartphone Trung Quốc đang gây sức ép lên “hai ông...

Các hãng smartphone Trung Quốc đang gây sức ép lên “hai ông vua” Apple và Samsung như thế nào?

762
Sự thống trị của hai ông lớn Apple và Samsung trên thị trường trị giá 500 tỷ USD/năm đang gặp phải những thách thức không hề nhỏ từ các công ty Trung Quốc.
Theo dữ liệu mới nhất của một loạt các hãng nghiên cứu uy tín như IDC, Counterpoint Research, IHS Markit và Canalys, Apple đã chính thức đánh mất vị trí thứ hai trong top những hãng smartphone lớn nhất thế giới về tay Huawei trong Q2/2018. Không dừng lại ở đó, Huawei còn tham vọng “lật đổ” cả Samsung trong tương lai gần.
Tất nhiên ngoài Huawei, Trung Quốc còn có cả một ngành công nghiệp smartphone đang nở rộ hơn bao giờ hết. Ở đó còn có những cái tên mà Samsung và Apple sẽ phải đặc biệt dè chừng như Oppo, Vivo, Xiaomi hay OnePlus.
Huawei: Mối đe dọa lớn nhất
Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc giờ đây không chỉ là một hãng sản xuất chuyên về các thiết bị viễn thông mà đã trở thành hãng smartphone lớn thứ hai thế giới. Nếu như trước đây, Huawei chỉ tập trung đánh vào phân khúc smartphone giá rẻ và tầm trung thì nay, chiến lược thấy rõ của hãng là phân khúc cao cấp với dòng Huawei P-series và Mate-series.
Dòng smartphone của Huawei được giới công nghệ đánh giá cao vì có chất lượng hoàn thiện tốt, công nghệ tiên tiến, cấu hình cao cấp và mức giá vô cùng cạnh tranh. Đơn cử như chiếc Huawei P20 Pro có giá 800 USD ra mắt gần đây với 3 camera chính, được trang bị ống kính Leica danh tiếng.
Huawei hiện đang hoạt động tại hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngoại trừ thị trường Mỹ đang bị cấm cửa do lo ngại về an ninh quốc gia. Lợi thế của Huawei là kinh nghiệm lâu năm trên thị trường smartphone và hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) tích cực qua từng năm.
Theo đà này, Huawei sẽ sớm vượt Samsung trong tương lai không xa nếu có một chiến lược tăng trưởng hợp lý
Xiaomi: “Apple phương Đông” nhưng có hệ sinh thái phong phú như Samsung
Nếu như Huawei chọn hướng phát triển tập trung cho smartphone và thiết bị viễn thông thì Xiaomi lại chọn cách xây dựng một hệ sinh thái thiết bị công nghệ đồ sộ. Hệ sinh thái này có đủ mọi thứ từ điều hòa, máy giặt, tủ lạnh, TV tới smartphone, máy tính bảng, thiết bị thông minh hỗ trợ cuộc sống,…
Dù là hãng khá non trẻ trên thị trường smartphone nhưng Xiaomi đã có bước nhảy vọt vô cùng đáng nể nhờ chiến lược cắt giảm lợi nhuận tối đa để hạ giá thành sản phẩm. Điều đó đã khiến các khách hàng, đặc biệt tại nhiều thị trường mới nổi, khó có thể cưỡng lại được sức hút từ smartphone của Xiaomi.
Oppo: Lấy giới trẻ làm điểm tựa
Mặc dù Oppo hay Vivo và OnePlus đều chung một nhà do công ty mẹ BBK quản lý nhưng cả ba hãng smartphone này vẫn có những đặc điểm riêng khó có thể trộn lẫn.
Oppo khởi đầu là một nhà sản xuất máy nghe nhạc MP3 và DVD trước khi chính thức bước vào thị trường smartphone đầy khốc liệt. Thế nhưng nhờ chiến lược thông minh, đánh chủ yếu vào trào lưu selfie nổi lên cách đây vài năm mà thương hiệu Oppo đã dần có chỗ đứng tại nhiều thị trường mới nổi ở Đông Nam Á hay cả ở Châu Âu.
Tại Việt Nam, Oppo chọn cách gây dựng tiếng tăm chủ yếu nhờ việc chọn đại diện thương hiệu có sức hút lớn. Hướng đi ngay từ đầu của Oppo khá rõ ràng, đánh mạnh vào yếu tố chất lượng camera selfie để thu hút nhóm khách hàng trẻ, chủ yếu là những người mới lần đầu tiếp xúc với smartphone. Nhờ vậy mà thương hiệu Oppo nhanh chóng có chỗ đứng tại nhiều quốc gia có dân số trẻ.
Trong khi đó, chiến lược của Oppo tại các thị trường Châu Âu không phải là smartphone giá rẻ mà là các siêu phẩm đắt tiền, sở hữu các tính năng độc đáo như Oppo Find X. Sản phẩm đã lên kệ tại thị trường Pháp trong tháng 6 vừa qua với giá 1.154 USD, một mức giá cạnh tranh “sòng phẳng” với iPhone X của Apple.
Vivo: Nhà tiên phong mới?
Dù cùng một mẹ nhưng Vivo về cơ bản vẫn là đối thủ của Oppo. Chiến lược của Vivo trong giai đoạn đầu có thể chưa rõ ràng nhưng trong vài năm trở lại đây, sự hiện diện của thương hiệu này ngày càng lớn nhờ các chiến lược quảng bá rầm rộ.
Vivo trước đây được biết đến là một thương hiệu bán smartphone chất lượng cao, thời lượng pin tốt nhưng vẫn có giá rẻ hơn Apple và Samsung. Dựa trên lợi thế đó, Vivo tiếp tục phát triển smartphone theo hướng nâng cao cấu hình và hạ giá hấp dẫn nhất có thể. Chiến lược này giúp smartphone của Vivo dễ dàng tiếp cận các thị trường mới nổi như Ấn Độ hay Đông Nam Á.
Hơn nữa, Vivo trong những năm gần đây luôn là hãng smartphone đầu tiên tung ra các tính năng công nghệ mới, dẫn đầu xu hướng. Đơn cử như công nghệ cảm biến vân tay dưới màn hình trên Vivo X20 Plus hay camera thò thụt trên Vivo Nex.
Vivo Nex gây ấn tượng với thiết kế gần như không viền cùng camera “thò thụt”
Ngoài ra, sự góp mặt của Vivo trên thị trường smartphone giống như một cánh tay nối dài của BBK trong việc tạo sức ép cạnh tranh lên smartphone của Samsung và Apple. Bởi lẽ chỉ cần bỏ ra số tiền tương đương một chiếc iPhone X, bạn có thể mua được nhiều hơn hai chiếc smartphone Vivo cao cấp với cấu hình ở “đỉnh” thị trường, một món hời đáng để cân nhắc đối với nhiều người.
OnePlus: Ông trùm phá giá trên thị trường smartphone
OnePlus có lẽ là hãng khác biệt nhất trong 3 công ty con của BBK. Sự khác biệt đến từ nhiều thứ, bao gồm giao diện Oxygen đặc trưng chạy trên nền Android gốc.
Các dòng smartphone của OnePlus luôn khiến giới công nghệ phải bất ngờ vì cấu hình thuộc hàng “khủng” nhưng mức giá lại chỉ bằng một nửa, có khi chỉ ngang dòng giá rẻ hoặc tầm trung của nhiều thương hiệu lớn như Samsung hay Apple.
Sự khác biệt tiếp theo ở tốc độ xử lý ấn tượng nhờ hệ điều hành và giao diện được tối ưu triệt để, giúp mọi thao tác trên smartphone luôn mượt mà và trơn tru nhất.
Đơn cử như chiếc OnePlus 6 ra mắt hồi giữa năm. Máy có bản cao cấp nhất với RAM 8GB và bộ nhớ trong 128GB nhưng giá chỉ 579 USD. Mức giá này rẻ hơn tới phân nửa so với một chiếc iPhone X có giá dao động từ 1000 USD trở lên.
Cần phải khẳng định một điều rằng, số lượng các hãng smartphone Trung Quốc nhiều tới nỗi không đếm xuể được. Tuy nhiên để tìm ra các hãng có đủ khả năng gây sức ép tới hai ông lớn là Apple và Samsung thì chỉ có những hãng như đã nói ở trên.
Nếu Apple hay Samsung không thể tìm ra được chiến lược dài hơi trong việc cạnh tranh về giá bán và tính năng công nghệ với các hãng Trung Quốc, nguy cơ các thương hiệu này bị tụt hạng và người dùng dần lãng quên là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Tiến Thanh