Trang chủ Tin Tức Các nhà khoa học vừa tìm thấy cây thông “thọ” nhất thế...

Các nhà khoa học vừa tìm thấy cây thông “thọ” nhất thế giới: 1230 năm tuổi

838

Các nhà khoa học vừa tìm thấy cây thông Geldreich mọc trên sườn núi trong công viên Vườn Quốc gia Pollino ở phía nam của nước Ý có tuổi đời lên tới 1230 năm. Đây là cây lâu đời nhất dựa theo ​​các tài liệu ở châu Âu.
Điều đặc biệt là cây thông cổ đại này vẫn còn dấu hiệu của sự sống, và qua “siêu âm” những vòng tròn trong thân cây, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng trong những thập kỷ qua cây thông này vẫn có sự tăng trưởng.
Phát hiện này cho thấy một số cây cối có thể vẫn còn sống trong nhiều thế kỷ, ngay cả khi phải đối mặt với những thay đổi khí hậu khắc nghiệt. Cây thông Geldreich này là một ví dụ, nó vẫn sinh tồn vượt qua thời kỳ lạnh giá của thời Trung cổ, và trải qua một thời kỳ khí hậu nóng hơn trong thời cận đại, bao gồm cả thời kỳ hạn hán.
Cây thông Geldreich lâu đời nhất thế giới có tuổi đời 1230 năm. (Ảnh: earth-chronicles.com)
Theo các nhà khoa học, việc nghiên cứu, phân tích sự phát triển và thay đổi của nó qua nhiều thế kỷ sẽ giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về cách thức mà các loài cây nói riêng hay rừng nói chung có thể ứng phó với những thay đổi khí hậu hiện đại.
Giáo sư Gianluca Piovesan của Đại học Tuscia và các cộng sự đã tìm thấy cây thông Geldreich mọc trên một sườn núi đá dốc dựng đứng ở vùng núi của Vườn Quốc gia Pollino. Cây thông này trông rất già, nhưng không dễ để xác định tuổi chính xác của nó. Phần trung tâm của cây thông, được cho là có những chiếc vòng tròn gỗ cổ nhất thì không được tìm thấy.
Để xác định tuổi cây, các nhà khoa học thường cắt một lát mỏng ngang qua thân cây, dưới kính hiển vi có thể quan sát thấy từng bó mạch gỗ. Lớp ngoài bó mạch gỗ là phloem, lớp trong là xylem, giữa lớp phloem và xylem là lớp thượng tầng. Thân cây to lên được là nhờ có lớp thượng tầng này. Hàng năm nó đều phân chia tế bào, sản sinh ra lớp phloem và xylem mới nên thân cây cứ mỗi năm lại to dần ra.
Những cây thông có tuổi đời từ 500-600 năm tuổi. (Ảnh: news.nationalgeographic.com)
Khi cưa ngang thân gỗ, chất gỗ và màu sắc mỗi vòng khác nhau là thể hiện tuổi đời của chúng. Một vòng tròn gồm màu nhạt và thẫm chính là một vòng tuổi do cây tạo ra trong một năm. Vì vậy, dựa vào số vòng này, người ta có thể đoán ra tuổi cây.
“Tuy nhiên bên trong của cây thông này trông giống như những hạt bụi dày đặc – chúng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ thứ gì giống như nó. Ít nhất 20 cm gỗ có thể xác định lịch sử quá khứ là không có”, thành viên nhóm nghiên cứu Alfredo Di Filippo nói. Rễ cây thông này trong tình trạng rất tốt, do đó, nhóm nghiên cứu đã quyết định xác định tuổi đời của cây bằng cách sử dụng một phương pháp mới.
Mặc dù cả thân cây và rễ đều có vòng tròn gỗ hàng năm thể hiện sự tăng trưởng, nhưng chúng có thể phát triển với tốc độ khác nhau. Để làm rõ thực tế này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng Cacbon 14. Nhờ đó, nhóm nghiên cứu có thể xác định các vòng gỗ trong các mẫu của gốc và thân cây, được hình thành cùng lúc và để bổ sung cho việc thiếu khuyết các vòng tròn gỗ trong thân cây.
Nhà nghiên cứu Oliver Conter tại Đại học Mainz (Đức), đã phát hiện ra cây thông 1.075 năm tuổi ở miền bắc Hy Lạp, cho biết: “Độ tuổi của cây rất ấn tượng, do sự trụ vững của chúng trải qua những thời điểm khí hậu khắc nghiệt trong suốt thiên niên kỷ qua”.
Diện tích rừng hiện nay đang bị thu hẹp bởi dân số tăng lên, người dân khai thác đất đai lấn dần vào rừng. Tuy nhiên với những khu vực xa xôi, những cây thông cổ vẫn được bảo tồn và sống sót do ngoại cảnh khó tiếp cận.
Một góc Công viên Vườn Quốc gia Pollino, nơi có nhiều cây thông có tuổi đời nhiều thế kỷ vẫn còn sống. (Ảnh: news.nationalgeographic.com)
Công viên Vườn Quốc gia Pollino có hàng ngàn cây thông Geldreich có độ tuổi từ 500 đến 600 năm tuổi. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện thấy trong số đó có ba cây thông có độ tuổi nhiều hơn một thế kỷ.
Các nhà khoa học cho rằng, cây cối có sức sống khá mạnh liệt. Không giống như động vật, chúng chậm lão hóa và có vẻ như bất tử. Cây lá kim mọc chậm chạp sống lâu hơn những loài khác một phần vì chúng tăng trưởng lâu trong vòng đời khá dài của chúng. Điều này khiến chúng ít bị tổn thương hơn với những tác động khí hậu cực đoan như hạn hán và bão táp.
Yếu tố tác động bên ngoài là mối đe dọa duy nhất đối với các loài thực vật. Tuy nhiên, các cây cổ thụ có thể được coi là còn sống khi chúng chỉ còn một phần “cơ thể” còn tươi tốt. Ví dụ, hầu hết các cây thông trơ trụi cành lá được cho rằng đã chết, nhưng nó vẫn có thể tiếp tục sống ở trạng thái như thế trong nhiều thế kỷ.
Xuân Trường (Theo earth-chronicles.com)
Có thể bạn quan tâm: