Trang chủ Tin Tức Cách mạng 4.0 sẽ thay đổi mạnh mẽ ngành công nghiệp ôtô

Cách mạng 4.0 sẽ thay đổi mạnh mẽ ngành công nghiệp ôtô

780

Khi Henry Ford giới thiệu dây chuyền lắp ráp xe hơi năm 1913, ông đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (đã manh nha từ năm 1870) nói chung và sự phát triển của ngành ôtô nói riêng. Giờ đây, sau một thế kỷ, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lĩnh vực ôtô lại một lần nữa tạo nên sự thay đổi đáng kể, tinh giản hoạt động và đem đến cơ hội kinh doanh mới.
Sự kết nối là cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ở những cơ sở đã chuẩn bị sẵn sàng cho công nghiệp 4.0, các thiết bị kết nối với nhau và kết nối với con người, cung cấp dữ liệu thời gian thực từ vô số cảm biến. Con người có thể “kết nối” với dữ liệu ấy bất cứ lúc nào, cùng với phân tích nâng cao và công nghệ máy học (machine learning) mang đến một hệ sinh thái mạnh mẽ tạo ra từ cảm biến, thiết bị và con người.
Ôtô không còn là cỗ máy bốn bánh thuần cơ khí mà được trang bị hàng loạt các ứng dụng công nghệ. Ảnh: Totally Integrated Automation
Nếu trước đây, các yếu tố quyết định sự khác biệt của những chiếc xe là động cơ, hộp số, bộ dẫn động, vô lăng điều khiển và xăng dầu… thì ngày nay, ôtô giống như một chiếc máy tính. Phần mềm và điện đã thay thế chức năng của các yếu tố cơ học, con người và nhiên liệu. Điều đó khiến cho ôtô không còn là cỗ máy bốn bánh thuần cơ khí mà được trang bị hàng loạt các ứng dụng công nghệ giúp lái xe an toàn hơn, đem lại trải nghiệm mới cho người dùng.
Hiện nay, đa số các cơ sở ôtô chưa đạt đến trạng thái kết nối hoàn hảo, tức con người và máy móc có thể hoạt động liên tục với nhau. Tuy nhiên, hầu hết các hãng sản xuất và nhà cung cấp đã sẵn sàng tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bởi đây cũng là con đường mang lại cho họ lợi nhuận lớn hơn.
Theo Automotive World, các cảm biến trong chuỗi cung ứng đã trở thành yếu tố quan trọng. Ví dụ, ở nhà máy Bosch (Stuttgart-Feuerbach, Đức), sản lượng hệ thống phanh tự động (ABS) và hệ thống cân bằng điện tử (EPS) đã tăng 25%, đơn giản chỉ bằng cách áp dụng những dây chuyền thông minh và được kết nối.
Theo dự báo của các hãng nghiên cứu, ngành công nghiệp ôtô sẽ phát triển theo bốn xu hướng chính gồm tự động hóa, kết nối, xe điện và chia sẻ xe như một dịch vụ. Các xu hướng này sẽ mang đến sự thay đổi lớn chưa từng có và ngành công nghiệp ôtô truyền thống có thể bị “phá vỡ”. Tổng doanh thu của ngành ôtô đến năm 2030 đạt 6.700 tỷ USD, trong đó có tới 1.500 tỷ USD đóng góp từ các dịch vụ sáng tạo dựa trên công nghệ mới. Đến năm 2030, 70% xe ôtô bán ra thị trường tích hợp công nghệ tự lái.
Trong trận Chung kết Cuộc đua số, diễn ra ngày 17/5 tại Hà Nội, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, trích dẫn nhận định rằng 90% sáng tạo của xe hơi hiện nằm ở phần mềm. Các nhà sản xuất ôtô hiểu rằng xe hơi không còn là “lãnh địa bất khả xâm phạm” họ nữa mà là lãnh địa của các công ty công nghệ. Rất nhiều công ty chưa từng tham gia sản xuất xe như Google, Tesla, Uber, Apple… đều đã lên kế hoạch phát triển xe tự hành.
Ông Trương Gia Bình cũng cho rằng, xe tự hành cũng chính là cơ hội để Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp ôtô trong tương lai.
Từ năm 2016, với quyết tâm thúc đẩy phát triển mảng công nghệ ôtô, FPT đã thành lập một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực này với quy mô 700 người. Giữa năm 2017, những ứng dụng công nghệ mới nhất về xử lý hình ảnh, trí tuệ nhân tạo, học sâu (deep learning) đã được FPT đưa vào thử nghiệm trên xe ôtô mô hình.
Đội phát triển công nghệ xe tự hành của FPT.
Tháng 10/2017, xe ôtô thương mại đầu tiên tích hợp công nghệ xe tự hành do FPT nghiên cứu và phát triển đã được đưa vào chạy thử nghiệm trong khuôn viên của công ty. Xe có thể chạy ổn định 20 km/giờ trong các điều kiện thời tiết khác nhau. Giữa tháng 5/2018, FPT nộp đơn đến Bộ Giao thông Vận tải xin phép chạy thử nghiệm xe này trong khuôn viên của khu Công nghệ cao Quận 9 (TP HCM), khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và khu đô thị FPT City.
Với mục tiêu thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ ôtô tại Việt Nam theo xu hướng mới nhất của cuộc cách mạng 4.0, FPT cũng đã tổ chức Cuộc thi Cuộc đua số với chủ đề Xe tự hành. FPT cũng đang triển khai các dự án liên quan đến công nghệ xe tự hành nói riêng và công nghệ ôtô nói chung cho khoảng 40 khách hàng lớn trên toàn cầu và có 2.000 nhân sự làm việc trong mảng công nghệ này. FPT kỳ vọng trong vòng ba năm tới mảng công nghệ này đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 50 – 60%/năm.
Châu An