Trang chủ Tin Tức ‘Cãi ông trời’, con người tự tạo mưa chống hạn

‘Cãi ông trời’, con người tự tạo mưa chống hạn

882

Máy tạo mưa nhân tạo đặt trên cao nguyên Tây Tạng – Trung Quốc – Ảnh: South China Morning Post
Kể từ khi xuất hiện năm 1946, công nghệ gây mưa nhân tạo được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước giúp chống hạn hán, giảm ô nhiễm không khí và hỗ trợ những sự kiện trọng đại.
Tính đến năm 2015, 52 quốc gia trên thế giới đã sử dụng công nghệ này.
Trung Quốc
Chính quyền Trung Quốc vừa triển khai hệ thống hạ tầng công nghệ có thể điều khiển thời tiết của một vùng có diện tích to bằng bang Alaska của Mỹ (1,7 triệu km2) tại cao nguyên Tây Tạng.
Theo tạp chí Forbes, đây là hệ thống có thể điều chỉnh, thay đổi thời tiết ở một khu vực rộng lớn do Tập đoàn công nghiệp khoa học vũ trụ Trung Quốc thực hiện.
Một công nhân Trung Quốc bắn tên lửa tạo mây để gây mưa ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc – Ảnh: AFP
Việc dùng công nghệ can thiệp vào lượng mưa ở Trung Quốc là không mới. Trong Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008, Trung Quốc đã áp dụng công nghệ này để ngăn mưa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự kiện thể thao diễn ra.
Tuy nhiên công nghệ này chỉ thực sự nở rộ trên quy mô lớn khi trở thành một phần của dự án Sky River Project nhằm tăng cường nguồn tài nguyên nước cho số dân đông nhất thế giới của Trung Quốc.
Với dự án khổng lồ “thay trời làm mưa” này, Trung Quốc sẽ lắp đặt hàng chục ngàn hệ thống máy móc tạo mưa trên cao nguyên Tây Tạng và các dãy núi.
Các máy này sẽ phun các hạt bụi bạc iotua (hợp chất giữa bạc và iot, còn gọi là muối bột) vào không khí, sau đó gió sẽ đẩy chúng lên cao và khi phân rã trong khí quyển, chúng sẽ tạo thành các hạt nước ngưng tụ, tạo ra mưa sau đó.
Hệ thống này có thể giúp họ thay trời làm mưa để tăng thêm lượng mưa cho khu vực này, nhằm tạo nguồn nước ổn định cho các vùng nông nghiệp phía dưới chuyên lấy nước từ các con sông bắt nguồn từ Tây Tạng.
Cao nguyên Tây Tạng là nguồn cung cấp nước chính ở Trung Quốc. Các mạch nguồn nước lớn từ cao nguyên đổ vào các dòng sông lớn như Dương Tử, Mekong và Hoàng Hà đã tạo nên sự trù phú cho các cánh đồng lớn phía hạ lưu.
Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)
UAE luôn là một trong những quốc gia đi đầu trong việc cải thiện thiên nhiên – Ảnh: Yasmin Al Heialy
Lượng mưa hằng năm tại UAE không quá 127mm.
Theo tạp chí Arabian Business, năm 2015 chính quyền Dubai đã chi 558.000 USD dùng máy bay phun hợp chất hóa học kích thích 186 đám mây nhân tạo gây mưa.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, giới chức UAE đã tạo 56 chương trình tạo mây, mỗi lần mưa gần 20mm. Tổng cộng năm 2017, UAE đã thực hiện 242 lần gieo mây.
Năm 2016, chính phủ UAE đề ra một dự án không tưởng: xây núi nhân tạo để tạo mưa. Theo các chuyên gia, núi đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra mưa vì làm tăng không khí ẩm tăng nhanh.
Cũng trong năm 2016, Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ (UCAR) được cấp 400.000 USD để tìm kiếm các ý tưởng khả thi cho dự án này.
Ấn Độ
Hạn hán rất thường xảy ra ở nhiều bang của Ấn Độ – Ảnh: AFP
Năm 2017, một dựa án tạo mây được chính quyền bang Karnataka, Ấn Độ triển khai nhằm tạo thêm mưa đến cho vùng đất vốn có đến 3 mùa khô này.
Trong suốt 60 ngày, một chiếc máy bay nhỏ nhận nhiệm vụ phun xịt NaCl, KCl và AgO vào mây để gia tăng lượng nước ngưng tụ trong các đám mây trên khu vực các dòng sông lớn.
Theo trang The Khaleej Times, các chuyên gia Ấn Độ cho rằng phương pháp này có thể làm tăng 15-20% lượng mưa trung bình năm.
Để tạo mưa, việc trước tiên, các chuyên gia cung cấp các chất vào không khí như CaCl2, CaC2, CaO, hợp chất của muối và urê, anlonium nitrat. Việc này nhằm kích thích khối không khí đi lên và tạo thành mây.
Tiếp đó, máy bay phun vào các khối mây các loại hoá chất chậm đông gồm iốt bạc (AgI) và băng khô (CO2 đóng băng).
Chúng gây nên tình trạng mất cân bằng ở mức cao nhất, tạo ra nhiều hạt nước. Khi kích thước hạt nước đủ lớn chúng sẽ rơi xuống đất.
Mỹ
Hạn hán ở California, Mỹ – ẢNh: MSNBC
Vào ngày 13-11-1946, một sự kiện lịch sử diễn ra tại Schenectady, New York: lần đầu tiên thử nghiệm tạo mưa tuyết. Sự kiện này mở đầu cho công nghệ tạo mưa nhân tạo trên thế giới.
Từ đó đến nay, Mỹ luôn là nước hàng đầu đi đầu trong công nghệ tạo mưa nhân tạo. Theo trang ABC News, những năm 1960, các bang khô hạn ở Mỹ, nhất là California bắt đầu tiến hành làm mưa nhân tạo rộng rãi hơn.
Malaysia
Học sinh qua sông Ogan đi đến trường trong bầu không khí mù khói từ các vụ cháy rừng ở Inhonesia – Ảnh: Reuters
Theo trang Fox News, tháng 9-2015, bầu không khí Malaysia chịu tác động mãnh liệt do khói bụi từ những vụ cháy rừng dữ dội ở Indonesia.
Chính quyền Kulalumpua quyết định tạo mưa nhân tạo nhằm làm giảm tình trạng ô nhiễm không khí do đốt rừng.
Trung tâm nghiên cứu khí quyển và tạo mây thuộc Cục khí tượng Malaysia kết hợp với Không quân Hoàng gia Malaysia ứng dụng một hỗn hợp phun chất gây mưa nhân tạo tại các khu vực Klang Valley, Kula Lumpur và Kuching, Sarawak.
Chi phí cho mỗi lần làm mưa ở Malaysia có thể lên đến 7.500 USD.
Thái Lan
Trực thăng tạo mưa của Hoàng gia Thái Lan – Ảnh: Alec Wilson
Đầu năm 2016, trong bối cảnh hứng chịu đợt hạn hán lớn nhất trong nhiều thập kỷ, lực lượng tạo mưa Hoàng gia tác động vào các đám mây nhằm gây mưa cho cả nước.
Dự án tạo mưa nhân tạo của Hoàng gia Thái Lan vô cùng nổi tiếng. Từ năm 1955, nhà vua Bhumibol Adulyadej tiến hành nghiên cứu kỹ thuật làm mưa nhân tạo. Lúc bấy giờ, 82% đất nông nghiệp Thái Lan phải dựa vào nước tự nhiên.
Ngày 20-7-1969, Hoàng gia Thái Lan lần đầu trình diễn quá trình làm mưa nhân tạo ở vườn quốc gia Khao Yai. Kể từ đó, vào những lần gặp hạn hán, Hoàng gia Thái Lan sẽ cân nhắc có sử dụng phương pháp tạo mưa nhân tạo để giúp đỡ nông dân hay không.