Trang chủ Tin Tức Cảm động kiến ‘cảm tử’ tự phát nổ bảo vệ cả đàn

Cảm động kiến ‘cảm tử’ tự phát nổ bảo vệ cả đàn

768

Khi gặp kẻ thù lớn hơn, 1 hoặc nhiều kiến ‘cảm tử’ sẽ hi sinh để bảo vệ đàn – ALEXEY KOPCHINSKIY

National Geographic vừa đăng tải kết quả nghiên cứu ban đầu tại Đông Nam Á. Khi bị tấn công, loài kiến Colobopsis explodens tự làm vỡ bụng, phóng thích chất nhầy màu vàng có mùi giống cà ri.
Kiến Colobopsis explodens màu nâu đỏ, không có bộ hàm lớn, không thể đốt kẻ thù. Khi bị đe dọa, chúng giơ cao mông để cảnh cáo.
Khi kẻ tấn công to lớn không rút lui, một hoặc nhiều con kiến sẽ xoay lưng lại với nhau, uốn cong thân người cực mạnh đến mức phần bụng vỡ tung, bắn chất độc vào kẻ thù. Bằng cách “đánh bom cảm tử”, chúng hi sinh để bảo vệ các thành viên còn lại trong đàn.
“Một số loài khác phóng chất độc từ đuôi nhưng dịch loài kiến phát nổ này tiết ra có mùi đặc biệt, không khó chịu như thông thường, khiến người ta liên tưởng đến cà ri” – nhà nữ côn trùng học Alice Laciny (Bảo tàng lịch sử tự nhiên Vienna, Áo) phát hiện loài cho biết.

Chất độc đồng thời giết con kiến phát nổ như một sự hi sinh cho bầy đàn – Ảnh: ALEXEY KOPCHINSKIY

“Kiến phát nổ đã được giới khoa học biết hơn 100 năm nay nhưng chúng rất hiếm gặp” – Tomer Czaczkes, nhà sinh thái học hành vi chuyên nghiên cứu kiến tại Đại học Regensburg (Đức) chia sẻ.
“Tự tử để bảo vệ bầy đàn có vẻ hơi cực đoan nhưng chắc chắn hàm chứa ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển đàn. Kiến có nhiều cách thông minh để phòng vệ do chúng sống thành đàn lớn – nguồn thức ăn dồi dào cho nhiều kẻ săn mồi”.
Kiến phát nổ cũng có cách phân chia lao động khác thường. Với đa số loài kiến, cá thể nào to hơn sẽ phụ trách việc bảo vệ đàn và tấn công kẻ thù. Nhưng với Colobopsis explodens, kiến thợ nhỏ lại mang chất độc để bảo vệ tổ.
“Kiến lớn hiếm khi xuất hiện bên ngoài, chúng thường ở trong tổ” – Laciny giải thích. “Nhưng chúng không hoàn toàn vô dụng, với cái đầu hình nón, kiến lớn dùng nó chặn lối vào tổ trong trường hợp hàng rào “cảm tử” thất bại”.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu của Laciny sẽ khám phá thành phần làm nên thứ dịch chết người và cách loài kiến sử dụng vụ nổ đánh gục kẻ thù.
Tuy nhiên, loài kiến này chỉ sống trên tầng cao của một số rất ít cánh rừng mưa nguyên sinh trên đảo Borneo nơi cực kì ồn ào và lượng mưa lớn – điều lạ lẫm với hầu hết thành viên trong nhóm nghiên đến từ châu Âu.

Ngoài Colobopsis explodens, có một loài kiến ở Brazil đóng tổ bằng cát. Hằng đêm, sẽ có 1-8 con kiến thợ canh giữ ngoài tổ cho cả bầy ngủ. Khi bình minh lên, phần lớn kiến thợ sẽ chết.