Trang chủ Tin Tức Cận cảnh con quái vật CPU 28 nhân của Intel: Muốn lên...

Cận cảnh con quái vật CPU 28 nhân của Intel: Muốn lên 5,0 GHz thì tản nhiệt và nguồn phải cực khủng!

739
Hồi đầu tuần, Intel đã thực hiện màn trình diễn về sức mạnh của chiếc CPU 28 nhân trước những người tới tham dự sự kiện Computex 2018, và công bố về kế hoạch sẽ ra mắt chiếc CPU này vào cuối năm nay. Thực ra, việc Intel giới thiệu một chiếc CPU 28 nhân có thể sẽ không khiến những người “quen mặt” với những chiếc CPU siêu cao cấp phải cảm thấy ngạc nhiên – bởi Intel đã từng ra mắt một con chip Xeon Platinum 28 nhân từ trước đây rồi.
Thế nhưng, chắc chắn đại đa số những người có mặt trong buổi trình diễn của Intel hồi đầu tuần sẽ không hề có ý định sở hữu chiếc CPU này trong tương lai. Về cơ bản, những con quái vật CPU như của Intel sẽ nằm trong những chiếc máy tính server lớn nhất và đắt nhất thế giới. Con chip rẻ nhất trong phân khúc này của Intel hiện tại là Xeon Platinum 8176, với cái giá “chỉ” 8.719 USD. So sánh một chút, chiếc Xeon Gold 6140 là phiên bản CPU server của Core i9-7980XE, sở hữu mức giá 2.445 USD – đắt hơn hẳn 500 USD so với CPU i9. Kể cả khi chiếc CPU 8176 được Intel đại hạ giá 50%, nó vẫn là một con chip hơn 4.000 USD.
Vậy nên, người dùng phổ thông và chip Server là hai thứ gần như sẽ không bao giờ đi chung đường, và đại đa số bạn đọc chắc cũng sẽ chẳng có nhu cầu mua con chip 28 nhân khi nó ra mắt – trừ khi bạn vô tình sở hữu một hầm mỏ Vibranum ở dãy núi sau nhà.
Nhưng thôi, chúng ta hãy tạm quên về giá tiền của chiếc CPU kể trên, và quay lại với màn trình diễn của Intel hồi đầu tuần. Trong bài thử được Intel thực hiện trên sân khấu, chúng ta có thể thấy cả 28 nhân của con chip đều chạy ở xung nhịp 5,0 GHz. Tuy nhiên, thứ mà chúng ta không thấy trong buổi trình diễn là hệ thống tản nhiệt mà Intel đã sử dụng, hay lượng điện năng mà hệ thống nói trên tiêu tốn. Sau khi tìm hiểu kỹ hơn, thì màn trình diễn này – cũng giống như nhiều màn trình diễn khác của Intel trong quá khứ – được thực hiện sau khi hệ thống trưng bày đã được ép xung lên rất nhiều.
Có một điều chắc chắn, trong những hệ thống bình thường, chiếc CPU 28 nhân của Intel sẽ không thể đạt đến xung nhịp 4,0 GHz, chứ đừng nói là 5,0 GHz như Intel trình diễn. Tại sao lại như vậy?
Hãy cùng nhìn lại một con chip “yếu hơn hẳn” là Core i9-7900X với 10 nhân, khi chạy ở mức xung nhịp 4,0 GHz, con chip này đã ngốn tới 350W điện năng. Nâng cấp hơn 1 chút, CPU Core i9-7980XE ngốn hơn 400W. Đấy là còn chưa kể đến điện năng từ các thành phần khác của máy, và kể cả khi làm các bài thử Benchmark và ép xung trên CPU Core i9, hệ thống rất dễ dàng đạt ở mức 90 độ C kể cả khi dùng tản nhiệt khủng.
Vậy muốn chạy CPU 28 nhân của Intel ở mức xung nhịp 5,0 GHz thì cần hệ thống tản nhiệt như thế nào? Câu trả lời nằm ở bức hình phía dưới:
Nhìn hệ thống tản nhiệt có khác gì cái tủ lạnh không?
Hệ thống tản nhiệt mà Intel sử dụng chưa quá “hardcore” như Nitơ lỏng, nhưng chiếc “tủ lạnh” trên cũng sử dụng một hệ thống dung dịch làm mát được thiết kế để đưa nhiệt độ CPU xuống trong phạm vi cho phép. “Chiếc tủ lạnh” nói trên, theo như trang Tom’s Hardware, là Hailea HC-1000B, với hệ thống mô tơ làm mát dung dịch tản nhiệt xuống 4 độ C – và ngốn 1000W điện năng. Và đây chắc chắn là yêu cầu tối thiểu để người dùng có thể sở hữu một hệ thống như những gì được Intel trình diễn vào hồi đầu tuần.
Nói chung, tiết mục trình diễn của Intel chủ yếu nhằm mục đích “khoe khoang công nghệ” là chính, được dàn dựng để gây ấn tượng mạnh cho những người tới tham dự sự kiện chứ không phải để trình diễn sức mạnh thực tế của sản phẩm. Cũng phải thôi, dẫu sao thì nhóm đối tượng khách hàng sẽ mua chiếc CPU này chỉ là một phần rất rất nhỏ – khi mà chiếc CPU này được dự đoán có giá không dưới 10.000 USD. Bên cạnh đó, bo mạch chủ đi kèm với CPU này là chiếc LGA3647, cũng là một sản phẩm không kém phần long trọng khi sở hữu hệ thống cung cấp năng lượng 32 pha, với 4 cổng cắm EPS12V.
Ngay cả những bộ nguồn 1200W cao cấp cũng chỉ sở hữu 2 cổng cắm EPS12V mà thôi, vậy nên bên cạnh nguồn cho chiếc “tủ lạnh tản nhiệt”, bạn cũng cần đến 2 bộ nguồn khủng để có thể cung cấp đủ điện cho hệ thống. Nói cách khác, hệ thống CPU 28 nhân chạy ở xung nhịp 5,0 GHz của Intel đốt khoảng 3000W điện năng và tiêu tốn cả đống tiền của – tốn kém như vậy mà hệ thống không trâu bò nữa mới là chuyện lạ.
CPU Threadripper 32 nhân của AMD có lẽ ngoài việc nhiều hơn 4 nhân so với Intel, thì không quá hoành tráng về mặt ép xung và tản nhiệt – ít nhất là trong những gì đã được AMD trình diễn trên sân khấu của mình. Dẫu sao thì kế hoạch ban đầu của AMD tại Computex có lẽ chỉ là công bố và trình diễn CPU Threadripper 24 nhân mà thôi, nhưng công bố của Intel ngay hôm trước đã khiến “đội đỏ” phải thay đổi một chút về kế hoạch của mình.
Dẫu sao thì với những gì mà cả Intel và AMD thể hiện tại Computex vừa rồi, có thể thấy cuộc chiến số nhân CPU giữa các hãng phần cứng đã quay trở lại, và nếu như bạn muốn sờ tận tay những chiếc CPU khủng nhất thế giới – thì chỉ còn phải chờ thêm một vài tháng nữa mà thôi.
28 nhân hay thậm chí là 32 nhân, có lẽ cũng đều hơi “quá đà” so với nhu cầu sử dụng của người dùng bình thường, nhưng chắc chắn rằng, nếu có cơ hội sở hữu một con quái vật CPU như vậy, hẳn sẽ chẳng có tay chơi máy tính nào lại từ chối hết.
Tham khảo PC Gamer