Trang chủ Tin Tức Cần có những chính sách thông thoáng để thúc đẩy blockchain tại...

Cần có những chính sách thông thoáng để thúc đẩy blockchain tại Việt Nam

771
Blockchain không phải tiền ảo mà là công nghệ có tiềm năng rất lớn trong phát triển kinh tế số đang được cả thế giới quan tâm. Chính vì vậy, Việt Nam cần có những chính sách gì để thúc đẩy sự phát triển blockchain tại Việt Nam?
Tại Diễn đàn Vietnam Blockchain Summit (VBS) do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức sáng 8/6, các chuyên gia cho rằng, cùng với IoT, bigdata, AI, blockchain cũng đang góp phần làm thay đổi cấu trúc nền kinh tế toàn cầu. Blockchain mang lại những tiềm năng to lớn và có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như truy xuất nguồn gốc, y tế, du lịch…

Theo nghiên cứu của Diễn đàn kinh tế thế giới, nhiều chuyên gia dự báo đến năm 2027, khoảng 10% GDP toàn cầu sẽ được lưu trữ trên blockchain. Có rất nhiều công nghệ khác nhau và nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain trong các lĩnh vực khác nhau.
Các nước trên thế giới chạy đua ứng dụng blockchain
Nhiều quốc gia trên thế giới đang rất quan tâm và chạy đua về công nghệ blockchain. Chẳng hạn như Dubai một thành phố trong tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, được mệnh danh thành phố của tương lai từng có những nghiên cứu để đưa các công nghệ mới như robot, taxi bay, thậm chí cảnh sách bằng robot và mới thành lập Bộ Trí tuệ nhân tạo. Tham vọng của họ đến năm 2020 Dubai sẽ trở thành thành phố hay chính phủ blockchain đầu tiên trên thế giới.
Thụy Sĩ được coi là trung tâm tài chính toàn cầu, cũng kỳ vọng trở thành trung tâm blockchain toàn cầu và có các chính sách thông thoáng, quy định cụ thể về blockchain trong lĩnh vực tài chính.

Nhiều quốc gia tham vọng đi đầu trong cuộc đua blockchain.

Hoa Kỳ từng dẫn dắt cuộc cách mạng Internet nhưng hiện nay nhiều chuyên gia cho rằng châu Âu sẽ lãnh đạo cách mạng blockchain. Hiện nay cơ quan quản lý giám sát diễn đàn của châu Âu đang định hướng thúc đẩy blockchain để châu lục đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ này.

Trong khi đó, trong cuộc chơi này, Nga cũng không muốn trở thành một nước tụt hậu trong ứng dụng công nghệ blockchain. Tổng thống Vladimir Putin nói rằng đất nước ông không thể “chậm trễ trong cuộc đua” thống trị blockchain.
Ngay cạnh Việt Nam, Trung Quốc từng tham vọng đến năm 2030 trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới. Đối với blockchain, họ cũng có định hướng rõ ràng để phát triển. Gần đây, thành phố Hàng Châu đã xây dựng trung tâm nghiên cứu blockchain với đầu tư ban đầu tới 1,6 tỷ đô la.
Vậy Việt Nam đang đứng ở đâu trong việc ứng dụng công nghệ blockchain?
Chia sẻ với báo chí bên lề Diễn đàn Vietnam Blockchain Summit (VBS), ông Nguyễn Thế Quang Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, hiện nay công nghệ blockchain của Việt Nam không hề thua kém thế giới, mà đang ngang nhau trên mặt bằng phát triển. Trong thời gian ngắn nữa thôi, blockchain sẽ được áp dụng trong mọi lĩnh vực cuộc sống, trở nên vô cùng quen thuộc và cần thiết đối với mọi người dân Việt Nam. Tuy nhiên, để công nghệ này thực sự đi nhanh vào cuộc sống, Việt Nam cũng cần có các chính sách thông thoáng và rõ ràng.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đang bắt đầu triển khai các nhóm nghiên cứu hay dự án thử nghiệm về Blockchain. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đang nghiên cứu để đưa AI, blockchain… vào các sản phẩm của họ.

Các chính sách thúc đẩy blockchain tại Việt Nam
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Tuấn Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số) cho biết, để thúc đẩy phát triển công nghệ blockchain tại Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã đề xuất dài hạn 6 nhóm về mặt chính sách vĩ mô phải triển khai.
Thứ nhất, phải phổ biến, tuyên truyền đào tạo để hiểu đúng về blockchain. Từ cấp lãnh đạo đến đơn vị ứng dụng phải hiểu đúng bản chất công nghệ blockchain.
Thứ hai, muốn phát triển blockchain tại Việt Nam thì phải có nghiên cứu đào tạo chuyên sâu về blockchain.
Thứ ba, Việt Nam phải có các chính sách thúc đẩy, khuyến khích ứng dụng trong một số lĩnh vực có tiềm năng lớn như y tế để thúc đẩy, tạo ra một môi trường thông thoáng.
Thứ tư, nếu blockchain được phát triển mạnh mẽ, thì trước tiên phải nói về tiêu chuẩn công nghệ hoặc tiêu chuẩn về quy trình. Do đó, phải ban hành những tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật hoặc quy trình.
Thứ năm, phải khuyến khích chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển các ứng dụng sản xuất trong nước.
Thứ 6, thúc đẩy ứng dụng blockchain trong triển khai chính phủ điện tử.
Còn trong ngắn hạn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đề xuất 4 nhóm giải pháp cần thực hiện từ nay đến năm 2020. Đó là phải hỗ trợ các hệ sinh thái khởi nghiệp, tức là đưa ra các chính sách, cơ chế phù hợp để thúc đẩy; Triển khai thí điểm blockchain trong một số ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến nền kinh tế như truy xuất nguồn gốc, y tế, du lịch…; Nghiên cứu và đưa ra giải pháp ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển trên nền tảng blockchain; Ban hành chương trình hành động quốc gia ứng dụng và phát triển blockchain trong nền kinh tế số.
Tuệ Minh
Đọc thêm
Loading… –>

VietBao.vn