Trang chủ Tin Tức Cảnh báo: Nhựa có thể phát thải ra khí nhà kính khi...

Cảnh báo: Nhựa có thể phát thải ra khí nhà kính khi tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời

784
Ô nhiễm nhựa đã và đang ảnh hưởng đến các loài sinh vật biển và sức khỏe của con người do độc tố trôi ra từ sản phẩm, sau đó đi vào môi trường nước và các loài thủy sinh, cuối cùng gây độc lại cho chính con người khi ăn vào.
Nhưng đó chưa phải là tất cả tác hại tiềm tàng của rác thải nhựa với môi trường, bởi theo một nghiên cứu mới đây phát hiện, nhựa còn có thể phát thải ra khí nhà kính khi tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời.
Theo nhóm các nhà khoa học tại Đại học Hawaii, họ đã phát hiện một số loại nhựa phổ biến giải phóng khí nhà kính mê-tan và ethylene sau khi tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời.
Tuy mức phát thải nhỏ nhưng nhóm nghiên cứu lo ngại cứ theo đà sản xuất và thải bỏ nhựa hiện nay, số lượng khí nhà kính tạo ra sẽ trở nên khổng lồ. Ước tính đến năm 2050, lượng rác thải nhựa thải ra trên thế giới sẽ chạm ngưỡng 12 tỷ tấn, nhiều hơn cả số lượng cá trên đại dương cộng lại.
Tác giả chính của nghiên cứu, Dr. Sarah-Jeanne Royer chia sẻ: “Phát hiện của chúng tôi sẽ cung cấp thêm những bằng chứng tái khẳng định rằng, con người cần phải ngừng sản xuất nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần”.
BBC cho biết trong lúc Royer đang tiến hành đo lượng khí mê-tan từ các loài sinh vật biển, cô phát hiện thấy chúng thải ra từ những chai nhựa trên đại dương. Đó là một khám phá hoàn toàn bất ngờ khiến nhiều người vô cùng sửng sốt.
Sau đó, nhóm nghiên cứu của Royer đã tiến hành thử nghiệm một số loại nhựa phổ biến trên thị trường như: polycarbonate, acrylic, polypropylene, polyethylene terephthalate, polystyrene, polyethylene mật độ cao (HDPE) và polyethylene mật độ thấp (LDPE). Những loại nhựa này thường được sử dụng trong bao bì thực phẩm, dệt may, xây dựng,…
Đặc biệt Polyethylene được sử dụng phổ biến nhất làm túi nhựa đựng thực phẩm và vật dụng hàng ngày. Đây cũng là loai nhựa được thải bỏ nhiều nhất trên thế giới và cũng là nguồn cơn phát thải khí nhà kính lớn nhất.
Sau khi cho những loai nhựa này tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời trong vòng 212 ngày, nhóm nghiên cứu ghi nhận nhựa LDPE phát thải ra lượng mê-tan cao gấp 176 lần so với trước khi bắt đầu thử nghiệm.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này do khi LDPE tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời, cấu trúc hóa học của nó bị phá vỡ và phát thải ra khí nhà kính. Càng nhiều diện tích nhựa tiếp xúc, lượng phát thải càng nhiều. Sau khi tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời, nhựa LDPE thậm chí có thể phát thải ra ngay cả trong bóng tối.
Những nghiên cứu trước đây chỉ ra, nhựa giải phóng CO2 khi bị phân hủy nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên phát hiện nhựa còn có thể sản sinh ra khí nhà kính mê-tan.
Royer cùng các cộng sự đang nỗ lực thống kê và ước tính số lượng nhựa tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời trên quy mô toàn cầu. Đây là tiền đề quan trọng giúp các nhà hoạt động môi trường tiếp tục kêu gọi mọi người hạn chế dùng túi nhựa trong tương lai, đặc biệt là khi ở ngoài trời nắng.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí PLOS One Wednesday mới đây.
Tiến Thanh