Trang chủ Tin Tức CEO Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng: Đà Nẵng tạo hệ sinh...

CEO Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng: Đà Nẵng tạo hệ sinh thái khởi nghiệp để cùng nhau đi xa hơn

714

Chia sẻ tại chương trình giao lưu Nhân tài Đất Việt tại TP Đà Nẵng ngày 24/5, CEO Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng – Trần Vũ Nguyên cho rằng, Đà Nẵng là một trong những thành phố đi đầu ở miền Trung về khởi nghiệp và ứng dụng CNTT. Đây là những yếu tố không thể thiếu trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở thời điểm này.
Đà Nẵng là nơi đầu tiên thành lập Hội đồng Điều phối Mạng lưới khởi nghiệp Thành phố. Hội đồng là nơi kết nối mọi nguồn lực của hệ sinh thái khởi nghiệp lại với nhau, điều phối các nguồn lực này để phát huy tối đa những tiềm năng mà thành phố ven biển này có được dành cho khởi nghiệp. Hội đồng này chính là nơi thực hiện và trình thành phố phê duyệt “Đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020 tầm nhìn 2030”. 

CEO Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, Trần Vũ Nguyên chia sẻ tại chương trình Giao lưu Nhân tài Đất Việt 2018 tại TP Đà Nẵng

CEO Trần Vũ Nguyên cho rằng, Vườn ươm Doanh nghiệp  là một “Trung tâm đổi mới sáng tạo bên bờ biển – Innovation hub by the sea”. “Chúng tôi tự nhìn ra điểm mạnh và điểm chưa mạnh của mình, nên tìm cách mời các nhân tài khởi nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp từ mọi nơi trên thế giới về thành phố biển này để chia sẻ và phát triển cộng đồng còn non trẻ ở khu vực miền Trung”, ông Trần Vũ Nguyên nói.
Hiện nay, Vườn ươm  cộng tác chặt chẽ với các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Đà Nẵng để kết nối thêm những nguồn lực, tìm kiếm các hạt nhân mới cho khởi nghiệp. Chính những nhóm khởi nghiệp này nương tựa vào nhau và cùng nhau phát triển.
 CEO Trần Vũ Nguyên đánh giá cao vai trò của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đồng thời xem đây cũng là hệ sinh thái khởi nghiệp mà dựa vào đó sẽ giúp cộng đồng khởi nghiệp tạo sức mạnh đi nhanh và xa hơn.

Đơn cử vào năm 2017, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã vinh danh hai sản phẩm của các nhóm tác giả đến từ Đà Nẵng đó là: Quán quân lĩnh vực CNTT Tiềm năng thuộc về sản phẩm “Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe” của nhóm tác giả Đại học Duy Tân; và Giải Ba lĩnh vực CNTT Kết nối, Di động thuộc về sản phẩm “GOnJOY – Hệ thống trợ lý ảo hỗ trợ kinh doanh và thu thập dữ liệu trải nghiệm người dùng ứng dụng trong lĩnh vực giải trí, ăn uống” của Nhóm tác giả Công ty TNHH M&AI, Ông Trần Vũ Nguyên cho biết thêm.
CEO Trần Vũ Nguyên cho rằng thường hay “xúi” các nhóm dự án ươm tạo tại Vườn ươm tham gia Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, nếu được giải Nhân tài Đất Việt, các sản phẩm sẽ được nhiều người biết hơn và sớm tiếp cận được một số nhà đầu tư tiềm năng. Những lời khuyên, tư vấn từ Ban Giám Khảo sẽ giúp các nhóm áp dụng để cải tiến sản phẩm nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng và điều chỉnh chiến lược phát triển cho sản phẩm của mình.
Chia sẻ, điểm mạnh, lợi thế cũng như nhược điểm cần khắc phục của các startup để có thể đi tới thành công, CEO Vườn ươm doanh nghiệp cho biết, khởi nghiệp không phải là một cuộc dạo chơi, mà là một sự dấn thân. Nhiều bạn khởi nghiệp vì theo phong trào, nên sẽ phải dừng bước rất sớm. Khởi nghiệp là đối diện với tất cả những gì rủi ro, và đòi hỏi rất nhiều năng lực, sự kiên định cũng như khả năng phát triển bản thân nhanh nhất để bắt kịp xu hướng chung, trào lưu chung của thế giới. Vậy nên không phải ai cũng nên đi làm khởi nghiệp. Nên bắt đầu bằng việc hiểu biết đúng bản thân mình và niềm đam mê, cũng như lợi thế của mình trước khi bắt tay vào khởi nghiệp.
“Tôi luôn tin rằng, công nghệ sẽ là thứ làm thay đổi cách mà chúng ta sinh sống, làm việc. Vậy nên khởi nghiệp công nghệ thông tin là một xu hướng rõ ràng. Nhưng hiểu cho đúng về những xu hướng này, đặt mình vào đâu trong “bản đồ khởi nghiệp” không phải là việc đơn giản. Hơn nữa, một đội ngũ khởi nghiệp tốt không thể chỉ có những người làm công nghệ, mà còn cần người biết làm kinh doanh, làm tài chính nữa. Nếu không xây dựng được một đội ngũ “kiềng ba chân”, thì khó mà chống chọi lại được những sóng gió của quá trình khởi nghiệp”, CEO Nguyễn Vũ Nguyên nhấn mạnh.
Với vai trò là bà đỡ cho các startup, Vườn ươm Doanh nghiệp đã thực hiện chính sách hỗ trợ qua chương trình ươm tạo trong vòng 6 tháng. Các dự án khởi nghiệp phải đăng ký và trải qua quá trình tuyển chọn khá căng để được tham gia vườn ươm. Cái khó nhất, là phải chứng minh được sự kiên trì và cam kết của đội ngũ. Trong sáu tháng đó, vườn ươm cung cấp không gian làm việc, các lớp học, hội thảo với chuyên gia trong và ngoài nước, làm việc với mentor (cố vấn đồng hành), tham gia các hoạt động kết nối với nhà đầu tư và tùy vào dự án, sẽ có khoản đầu tư vốn ban đầu để phát triển.
Cho đến nay, vườn ươm đã thực hiện đến khóa ươm tạo thứ 5, chuẩn bị tuyển dự án cho khóa 6. Có vài điển hình thú vị, chẳng hạn dự án Hekate, lúc vào vườn ươm chỉ có 3 cậu bạn thân làm chung 1 dự án về chatbot. Đến nay đã là doanh nghiệp lớn, là nơi cung cấp chatbot cho ngành du lịch Đà Nẵng và nhiều ngân hàng, tổng công ty, được nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao.