Internet kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT) đang dần trở thành một công nghệ quan trọng đóng vai trò cốt lõi trong kỷ nguyên số hiện nay.
IoT bao gồm hàng triệu thiết bị được kết nối với nhau thông qua Internet để có thể liên tục thu thập và chia sẻ dữ liệu, giúp thống nhất một hệ thống các thiết bị như trong các sản phẩm nhà thông minh hiện nay. Ý tưởng về công nghệ này là tăng cường khả năng tương tác giữa người – vật cũng như vật – vật, tạo tiền đề cho một tầm cao mới của trí thông minh nhân tạo.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng bùng nổ cùng quá nhiều tiềm năng của IoT như vậy, Vinton Gray Cerf – “cha đẻ” của Internet cho rằng công nghệ này không chỉ mang đến những cơ hội mới cho nhân loại mà còn ẩn chứa rất nhiều rủi ro trong quá trình phát triển.
Ông nhận định: “Trong tương lai, sẽ có hàng chục tỷ thiết bị IoT với những mẫu mã và chức năng đa dạng. Chúng ta có thể đeo chúng trên cơ thể hoặc đặt chúng trong phòng, trên xe ô tô, tại nơi làm việc hay bất cứ nơi nào chúng ta muốn. Đó là cách sử dụng công nghệ hoàn toàn mới mà IoT mang lại”.
Cerf cho rằng IoT là một vấn đề vô cùng phức tạp. Để vận hành thành công một hệ thống IoT thì bên cạnh một ứng dụng điều khiển trung tâm, mạng Internet và các thiết bị thông minh ra, chúng ta cũng cần đến rất nhiều nhân lực có trình độ cao cũng như những đầu tư xứng đáng.
Từng là đồng thiết kế cấu trúc Internet và các giao thức TCP/IP vào những năm 70, Cerf nhấn mạnh khả năng liên vận hành (khả năng tương tác qua lại giữa các thiết bị) và quy mô hệ sinh thái thiết bị là những thách thức quan trọng khi phát triển một hệ thống hoặc giải pháp IoT.
Ví dụ, việc kết nối một ứng dụng với một thiết bị đã trở nên quá đơn giản và quen thuộc trong thời đại ngày nay. Thế nhưng nếu có 100 thiết bị với 100 ứng dụng riêng biệt thì sẽ thế nào? Liệu chúng ta có phải tốn hàng giờ đồng hồ lục tung 100 ứng dụng này chỉ để mở một cánh cửa hay không?
Hay nếu bạn định sử dụng giọng nói để điều khiển hệ thống đèn điện trong nhà, liệu bạn có cần thiết lập câu lệnh cho mỗi bóng đèn hay không? Cerf cho biết: “Tôi đặt ra những câu hỏi này để các bạn thấy được độ phức tạp của IoT cũng như những khó khăn mà công nghệ này mang lại”.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức nên trên, Cerf cũng tỏ ra khá lạc quan về tương lai của IoT. Ông cho rằng chúng ta cần phải tích cực đẩy mạnh nghiên cứu sâu hơn nữa, phát triển những giải pháp để có thể cung cấp lâu dài các dịch vụ dựa trên công nghệ này, đồng thời vẫn phải đảm bảo quyền riêng tư của người dùng.
Tại Hội nghị thường niên RSA 2013, Cerf từng bày tỏ sự lo ngại về vấn đề bảo mật trước tốc độ phát triển của IoT. Ông nhận định các nhà sản xuất trên toàn thế giới chỉ chú tâm thiết kế cũng như tối ưu hóa các thiết bị kết nối IoT mà bỏ quên giải pháp vô hiệu hóa thiết bị khi gặp sự cố. Điều này có thể tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng và triển khai tấn công mạng dẫn đến hậu quả và thiệt hại nặng nề.
Theo KoreaHerald Microsoft tuyên bố sẽ đầu tư 5 tỷ USD vào Internet of Things trong vòng bốn năm tới